Cuối năm 2010, khi dự án trồng mới 5 triệu ha rừng (gọi tắt là dự án 661) kết thúc, đồng thời nguồn kinh phí chi trả lương cho công nhân, thuộc đối tượng tự trang trải (hợp đồng 2B), ở các Ban quản lý rừng phòng hộ trong toàn tỉnh gặp nhiều khó khăn.
Vì vậy đã gần một năm nay, ngoài công việc đã được phân công hàng ngày, các công nhân bảo vệ rừng tại các đơn vị đang phải xoay ra làm các công việc khác như: Trồng rau, chăn nuôi gia súc, gia cầm… để cầm cự với cuộc sống và chờ lương.
Hiện tại toàn tỉnh có 14 đơn vị là chủ rừng Nhà nước, trực thuộc Sở Nông nghiệp và PTNT, có nhiệm vụ quản lý, bảo vệ gần 500 ngàn ha rừng, bao gồm 12 Ban quản lý rừng phòng hộ và hai đơn vị là: Ban quản lý rừng đặc dụng Nam Đàn, Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Huống.
Tổng số lao động hiện có của các Ban quản lý rừng là 608 người, nhưng trong đó chỉ có 215 người có thu nhập ổn định được hưởng lương từ ngân sách, 393 người còn lại hưởng lương tự trang trải.
Tại đơn vị Ban quản lý rừng phòng hộ Anh Sơn, dù mới được thành lập và đi vào hoạt động chính thức từ tháng 3/2012, nhưng tình trạng nợ lương của công nhân ở đây cũng đang làm đau đầu cho đơn vị.
Được biết, số nhân lực trong đơn vị này chủ yếu là công nhân cũ của Công ty Lâm nghiệp Anh Sơn chuyển sang, có nhiệm vụ quản lý bảo vệ toàn bộ 8137,4 ha rừng, trong đó riêng diện tích rừng phòng hộ là 7916,7 ha, rừng mỡ giống (Cây vàng tim) quốc gia là hơn 10 ha.
Công nhân bảo vệ rừng phòng hộ Anh Sơn phải tự chăn nuôi thêm
để trang trải cuộc sống
Thế nhưng, trong số 35 người đang làm việc tại đơn vị, chỉ có 9 người được hưởng lương theo ngân sách, 7 người khác không thể cầm cự được đã xin nghỉ và tự nguyện nộp bảo hiểm xã hội, 19 người còn lại thuộc diện hợp đồng 2B.
“Khó khăn chồng chất, không có tiền trả lương, nợ bảo hiểm của công nhân bảo vệ rừng, vừa rồi chúng tôi phải vay ngân hàng hơn 100 triệu để đóng BHXH cho anh em công nhân”, ông Bùi Gia Thùy - Trưởng Phòng TC - HC đơn vị này cho biết.
Cùng chung cảnh như các công nhân bảo vệ rừng ở BQL rừng phòng hộ Anh Sơn, tại BQL rừng phòng hộ Thanh Chương cũng có 55 công nhân hưởng lương tự trang trải, trong khi nguồn ngân sách không có. Những công nhân này đang cầm cự với cuộc sống bằng cách tự tăng gia sản xuất chăn nuôi. Cuộc sống của họ đang vô cùng vất vả.
Lý giải vấn đề này ông Trịnh Văn Thành – Trưởng phòng TCHC Sở Nông nghiệp và PTNT, cho biết: Tình trạng công nhân hợp đồng 2B thiếu lương là do lịch sử để lại, bởi hầu hết các Ban quản lý rừng phòng hộ khi thành lập đều phải tiếp nhận số công nhân của các lâm trường trước đó. Hiện tại, mỗi Ban quản lý rừng phòng hộ tùy theo quy mô diện tích rừng để hưởng lương từ ngân sách nhưng cũng dao động từ 9 – 14 người được biên chế.
Việc thiếu lương cho công nhân bắt đầu từ năm 2011, khi các dự án về rừng kết thúc, thời điểm đó chúng tôi đã phải cân đối từ các nguồn khác: Kinh phí xử phạt vi phạm lâm sản, nguồn 30a, kinh phí còn tồn của dự án 661… để giải quyết một phần khó khăn cho anh em. Từ đầu năm 2012 đến nay thì nguồn kinh phí này cũng đã cạn, nên không có tiền trả cho công nhân nữa.
Tuy nhiên, theo Quyết định 186 thì cứ 1.000 ha rừng phải có 1 công nhân bảo vệ rừng, đối chiếu với quyết định này thì rừng ở tỉnh ta vẫn đang còn thiếu nhân lực để bảo vệ. Sắp tới chúng tôi đang đề nghị bổ sung biên chế cho một số đơn vị quá thiếu so với quy định, nhằm tiếp tục duy trì đội ngũ cán bộ, nhân viên có kinh nhiệm đã nhiều năm gắn bó tâm huyết với sự nghiệp bảo vệ và phát triển rừng.
Qua tìm hiểu của chúng tôi, trong số 14 đơn vị quản lý bảo vệ rừng phòng hộ trên toàn tỉnh, chỉ một số đơn vị như Nam Đàn, Nghi Lộc là có rừng sản xuất (tận thu nhựa thông), có nguồn thu nhập nên số công nhân thuộc diện tự trang trải bớt khó khăn hơn. Các đơn vị còn lại đều có chung tình trạng nợ lương công nhân diện hợp đồng 2B.
Những năm qua các Ban quản lý rừng đã có nhiều đóng góp trong nhiệm vụ quản lý, bảo vệ rừng và phát triển vốn rừng, góp phần xóa đói giảm nghèo và thực hiện chủ trương xã hội hóa nghề rừng.
Tuy nhiên, hiện tại đang có hàng trăm công nhân vẫn miệt mài công việc hàng ngày nhưng lại không có nguồn kinh phí cho các Ban quản lý rừng trả lương. Thiết nghĩ, nếu để tình trạng này kéo dài, một khi các công nhân quản lý bảo vệ rừng rời nhiệm vụ, hàng trăm ngàn ha rừng đứng trước nguy cơ bị xâm hại.
Trần Đức Thắng
.