Warning: include(/export/home2/WebData/baocongannghean//gia-dinh-xa-hoi/201211/24020-ve-noi-con-loc-trang-quet-qua-394345/index.txt): failed to open stream: No such file or directory in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72

Warning: include(): Failed opening '/export/home2/WebData/baocongannghean//gia-dinh-xa-hoi/201211/24020-ve-noi-con-loc-trang-quet-qua-394345/index.txt' for inclusion (include_path='.:/usr/local/php/lib/php') in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72
Về nơi “cơn lốc trắng” quét qua - Báo Công An Nghệ An điện tử
Thứ Năm, 08/11/2012, 14:00 [GMT+7]
24020

Về nơi “cơn lốc trắng” quét qua

“Cơn lốc trắng” tàn phá làng bản

Theo chân cán bộ văn hóa xã Quang Phong, xuôi sông Quàng theo con đường đất tạm bợ, đi qua 2 chiếc cầu khỉ chúng tôi có mặt tại bản Cu, xã Quang Phong, huyện miền núi Quế Phong. Có dịp chứng kiến những mảnh đời nghiệt ngã, bất hạnh vì HIV, không ai dám nghĩ nhiều thanh niên tuổi đang căng sức bẻ gãy sừng trâu, lần lượt ra đi vì căn bệnh thế kỷ AIDS.

Anh Lô Thanh Trúc, công an viên cho biết:
“Cách đây mấy năm người dân ở đây hiền lắm, không biết ma túy là gì, nhưng giờ người chết nhiều lắm, tất cả đều bị “ết”, có nhà 3 người con trai đều chết cả”.

Theo lời kể của người dân trong bản chúng tôi đến nhà ông Lang Văn Thương nằm ngay đầu làng, năm nay ông mới 58 tuổi nhưng trông mặt hom hem, gầy yếu như cụ già 70. Căn nhà đã rộng nay còn trống rỗng hơn. Người con cả là Lang Văn Long, con thứ 2 Lang Văn Thắng, con thứ 3 là Lang Văn Liếng và cô con dâu thứ 2 Lô Hồng Thắng, tất cả đều lần lượt ra đi vì AIDS, để lại vợ chồng ông 2 đứa cháu nhỏ.
 
Thật nghiệt ngã, trong vòng 3 năm từ 2009 đến 2011 ông bà phải làm ma cho các con trong nỗi đau tột cùng vì căn bệnh AIDS. Ba người con của ông đều ngoan ngoãn, chăm chỉ hiền lành, làng xóm ai cũng quý mến. Lang Văn Thắng là y tế bản, vợ Lô Hồng Thắng là giáo viên mầm non. Trong giây phút bồng bột “tiêm thử” Thắng đã nhiễm căn bệnh thế kỷ mà không hề hay biết, còn lây sang cả vợ và đứa con trai đầu lòng.
 
Đau đớn nhất có lẽ là cậu con trai thứ 3, đang học năm thứ 2 một trường đại học ở Vinh. Nghỉ hè về quê, trong các cuộc rượu Lang Văn Liếng theo bạn bè dụ dỗ đã tiêm thử và hậu quả là anh đã ra đi trong sự tiếc thương của bố mẹ già.

Ở bản Cu, không riêng gia đình ông Thương là điển hình, nhà bà Vi Thị Quỳ, con trai cả Vi Văn Ngọc, con thứ 2 Vi Văn Diệu, con thứ 3 là Vi Văn Toan lần lượt ra đi bỏ lại mẹ già con thơ. Vợ của Ngọc đã đi lấy chồng khác, vợ của Toan khi chồng chết vì “ết” đã bỏ đi lang thang không tung tích. Chỉ còn bà Quỳ cùng với cô con dâu thứ 2 và hai đứa cháu nhỏ, mẹ góa con côi chỉ còn biết nương tựa vào nhau mà sống.

Ngoài ra, còn những cái chết khác cũng đau xót không kém, người chết đã nằm xuống, người còn sống thì tan nát khổ đau. Gia đình ông Lô Văn Niên một năm phải ba lần đào huyệt chôn 3 người con khi tuổi đời còn rất trẻ. Theo thống kê chưa chính xác đến nay cả xã Quang Phong có 16 người nghiện, 20 người nghi nghiện, nhưng con số thực tế còn cao hơn nhiều.
 
Những mảnh đời bất hạnh

Em Lang Thị L. là con út trong gia đình, bố L. là Lang Văn Quế là bộ đội biên phòng sau khi xuất ngũ trở về làng. Không có công việc ổn định, một lần đi uống rượu cùng bạn bè, trong cơn say Quế không còn làm chủ được bản thân, dùng chung kim tiêm với người nhiễm “ết”. Khi đi xét nghiệm máu ở bệnh viện mới hay anh đã nhiễm HIV/AIDS, đau xót thay căn bệnh thế kỷ này đã lây sang cả người vợ.
 
Bé L. mất cha phải ở với ông bà nội
 
Sau khi anh Quế chết được mấy tháng, vợ anh một mình nuôi hai người con đang tuổi ăn học, cũng một năm sau chị cũng ngã bệnh đi theo chồng bỏ lại 2 đứa con không nơi nương tựa. Ngôi nhà sàn mới dựng chưa kịp ở nay đã tan hoang nằm chênh vênh trên ngọn dốc cao.

Ở làng quê nghèo heo hút này, cái chết của hai vợ chồng anh Quế vì căn bệnh AIDS đã làm lay động cả làng xóm. Thấy hai cháu còn nhỏ không có chốn nương thân, anh Lang Văn Quý (anh trai Quế) thương các cháu nên đưa về nhà nuôi, gia đình anh Quý cũng gặp rất nhiều khó khăn. Nhà có 14 miệng ăn đều đặt lên đôi vai anh.
 
“Hàng ngày tôi phải dậy từ sáng sớm, vào rừng xẻ gỗ bán, ai thuê gì làm cái đó để có tiền lo cho mẹ già các con và 2 đứa cháu, nay làm thêm cái cầu khỉ qua sông để khi mọi người đi qua xin ít tiền có thêm thu nhập”, anh Quý chia sẻ.

Hai đứa cháu của anh Quý là Lang Văn Đ. đang học lớp 10 ngoài thị trấn, mỗi tháng cũng tiêu tốn hơn 1 triệu đồng, cô em gái đang học lớp 4 ở trong xã. Sáng đi học chiều chăn trâu cắt cỏ, hay ra canh cầu giúp bác.
 
Cuộc sống gia đình còn nhiều khó khăn nhưng anh Quý vẫn không cho các cháu nghỉ học. Anh cho biết: “Dù thế nào tôi cũng cho các cháu đi học, để biết cái chữ, lớn lên chúng nó còn biết tránh xa con ma túy, để không phải chết như bố mẹ của chúng”.

Cùng chung hoàn cảnh với 2 anh em Đ. là em Lang Thị Kiều L. Bố em chết vì AIDS, bỏ lại mẹ và 2 chị gái tuổi đang còn nhỏ, nhưng được một thời gian mẹ em đi lấy chồng khác đem theo đứa em gái, còn L. ở với ông bà nội. Ngôi nhà trở nên trống rỗng hơn bao giờ hết, chỉ còn ông bà già và đứa cháu gái thơ dại chưa biết gì. L. đang học lớp 3 năm nào em cũng được học sinh giỏi, tiền ăn học, quần áo, sách vở của em đều đặt lên đôi vai gầy yếu của ông bà nội.

Chúng tôi tìm đến nhà của bà Quỳ ở cuối làng, ngôi nhà gần như trống vắng, không có vật dụng gì đáng giá, chỉ có một chiếc giường ngủ xập xệ. Trên bàn thờ chỉ thấy di ảnh của chồng đã khuất, trong vòng 2 năm, 3 người con trai lần lượt ra đi.
 
“Tôi cũng không biết các con chết vì bệnh gì, sau này mới nghe dân bản nói là bệnh “ết”, bệnh như thế nào tôi cũng không rõ”, bà Quý cho biết.
 
Chúng tôi thấy xót xa cho những mảnh đời bất hạnh của các em nhỏ ở nơi “cơn lốc trắng” quét qua. Ngoài ra, còn rất nhiều em nhỏ có chung hoàn cảnh mất cha mẹ, có em không may mắn đã đi theo cha mẹ vì căn bệnh AIDS.

Bản Cu đã nghèo nay còn xơ xác, hàng chục gia đình bị ly tán, nhiều ông bố bà mẹ khóc cạn nước mắt nhìn những đứa con đứt ruột đẻ ra chết vì ma túy, những đứa trẻ ngơ ngác thiếu cha, thiếu mẹ.

Lương Đậu
.