Đó là 3 cháu bé sinh ra trong một gia đình nông dân nghèo ở xóm Nam Lai xã Phú Thành, Huyện Yên Thành (Nghệ An). Chứng bệnh xương thủy tinh quái ác đã biến các cháu thành những con người tí hon, tàn tật. Nhưng nghị lực sống và khát khao được đến trường vẫn luôn đầy ắp và cháy bỏng trong trái tim các cháu.
Nỗi đau mang tên... “thủy tinh”
Đến thăm gia đình chị Phan Thị Nhàn (SN 1972) ở xóm Nam Lai xã Phú Thành, mỗi chúng tôi không ai kìm được niềm thương cảm khi nghe chị kể lại hoàn cảnh của mình. Thỉnh thoảng giọng chị lạc hẳn đi để cố kìm những dòng nước mắt tuôn rơi trước mấy người khách lạ.
Chị Nhàn kết hôn với anh Trịnh Xuân Ngoạn (1973) người cùng làng. Hai vợ chồng được gia đình bên nội cất cho ngôi nhà nhỏ ở cuối làng. Ngày 26.5.1999, họ vui mừng chào đón đứa con trai đầu lòng Trịnh Xuân Nghĩa ra đời. Nhưng niềm vui chẳng tày gang, đứa bé sinh ra èo uột, thân thể bị dị dạng. Vợ chồng chị đau đớn đưa con đi khắp các bệnh viện tỉnh, trung ương để điều trị nhưng vô hiệu.
3 anh em đều mắc bệnh xương thủy tinh do di chứng chất độc da cam
Các bác sĩ xác định Nghĩa đã mắt chứng bệnh xương thủy tinh khó có thể cứu chữa. Hơn 2 năm trời con nằm viện, tiền bạc trong nhà đều đội nón ra đi, anh chị đành phải gạt nước mắt đưa con về nhà. Chị Nhàn nghẹn ngào khi nói về bệnh tình của con: “Lúc mới sinh, cháu bị lở loét toàn thân, rồi khóc cả ngày lẫn đêm gần một năm trời. Bố mẹ, ông bà phải thay nhau bế trên tay, cứ đặt xuống là cháu khóc. Bệnh của cháu, trái mánh một chút là gãy xương, Từ khi 5 tháng tuổi đến nay cháu trượt ngã gãy xương trên 15 bận. Mỗi bận như vậy lại phải đem đi bệnh viện bó bột. Nhìn con đau đớn mà xót xa, nhưng chúng tôi lực bất tòng tâm”
Năm 2002 chị Nhàn tiếp tục sinh đứa con gái thứ 2 là Trịnh Thị Ngân, nhưng rồi cháu bé cũng mắc chứng bệnh như anh trai mình. Khi biết đứa con thứ 2 cũng bị tật nguyền, chị Nhàn đã ngất ngay trên bàn đẻ...
Một nách 2 đứa con tật nguyền, nỗi bất hạnh, cơ cực của cuộc đời khiến chị đau khổ người gầy như xác ve. Nhưng khát khao có một đứa con khỏe mạnh vãn luôn thường trực trong vợ chồng chị. Và 7 năm sau, chị Nhàn lại sinh tiếp đứa con thứ 3. Lần này cũng vậy, đứa bé vẫn là bản sao bệnh xương thủy tinh của anh chị mình.
Không còn nước mắt để khóc cho những bất hạnh và nỗi đau liên tiếp ập xuống gia đình mình, chị Nhàn ốm liệt giường hàng tháng trời. Cũng vào thời gian đó anh Ngoạn bỗng dưng đổ bệnh, không làm được việc gì. Cuộc sống gia đình chị phải nhờ sự đùm bọc sự cưu mang của 2 gia đình nội, ngoại và bà con xóm làng.
Chị Nhàn và 3 anh em
Thấy chồng con như vậy, chị Nhàn đã phải gắng gượng vùng dậy. Tất cả gánh nặng gia đình bây giờ đều tấp trên đôi vai gầy của chị, chị phải chạy ngược chạy xuôi, đi cấy, gặt thuê, làm phụ hồ, rồi ra đồng mò ốc , bắt cua , bắt tép bán kiếm tiền thuốc thang cơm cháo cho chồng con. Các con đều nằm một chỗ nên, khi về nhà chị lại phải lo vệ sinh chăm sóc, bón luôn cơm từng đứa một. Không có thể kể hết nỗi vất vả đọa đày mà chị phải gánh chị.
Vất vả, cơ cực thế nhưng chị chưa hề kêu ca lấy một lời , vẫn yêu chồng, thương con hết mực. Hàng ngày chị ăn khoai, ăn sắn, còn cơm thì nhường nhịn cho chồng con.
Bà Tám hàng xóm rơm rớm nước mắt khi nói về gia đình chị: “Có lẽ cả huyện ni, chẳng có ai khổ như gia đình chị Nhàn. 3 đứa con bị như thế, nay chồng lại ốm nặng. Trong khi đó nhà chị ấy đang còn nợ ngân hàng hơn 40 triệu đồng mà không có khả năng chi trả. Không biết rồi đây chị ấy có trụ được không đây.!..?”
Về nguyên nhân gây ra bệnh xương thủy tinh cho 3 đứa con của chị, ai cũng bảo rằng do di họa của chất độc màu gia cam từ ông nội. Qua tìm hiểu được biết , ông nội Trịnh Xuân Thí (70 tuổi) là thương binh chống Mỹ hạng 3/4. Sau khi bị thương ở chiến trường Quảng Trị, ông được chuyển về tuyến sau và xuất ngũ trở về địa phương. Ông lấy vợ và sinh được 8 người con. Nhưng trong đó 3 người bị di chứng của chất độc màu da cam. Anh Ngoạn là con thứ 4, may mắn nằm trong những người lành lặn.
Nhưng, năm 2009 , có đợt khám chất độc màu da cam của tỉnh Nghệ An, anh Ngoạn nghi ngờ mình bị nhiễm chất độc da cam nên đã đi xét nghiệm. Các bác sĩ xác định anh đã nhiễm chất độc màu da cam. Như vậy, cả 3 đứa con của anh chị là di họa của chất độc màu da cam - điôxin.
Chiến tranh đã qua lâu, nhưng chất độc màu da cam vẫn tồn di họa nhiều thế thệ trong gia đình chị Nhàn là minh chứng cho tội ác của chiến tranh. Di họa này vẫn là nỗi đau xanh đi cùng năm tháng ...
Khát vọng đến trường.
Tuy bị bệnh xương thủy tinh, thân thể teo tóp, chiều cao chỉ khoảng 60 – 70 cm, nhưng trí tuệ của 3 cháu con chị Nhàn đều phát triển bình thường.
Năm lên 6 tuổi, thấy bạn bè cùng trang lứa cắp sách tới trường, Trịnh Xuân Nghĩa đòi được đi học. Thương con, nhưng chị Nhàn không thể. Bởi ai sẽ đưa Nghĩa đến trường? Vả lại đến trường Nghĩa không đi lại được, và với bệnh xương thủy tinh rất dễ gãy như thế sẽ kéo theo nhiều hệ lụy.
11 tuổi, Nghĩa mới vào lớp 1, nhưng đi học với em là niềm hạnh phúc lớn
Nghĩa buồn lắm, những khi thấy chúng bạn tung tăng đến trường là cậu lại bật khóc. Không được đến trường nhưng khát khao con chữ luôn cháy bỏng trong trái tim cậu bé. Nghĩa nói: “Bố mẹ mượn sách vở cho con đi. Con sẽ tự học.”. Lúc đầu Chị Nhàn tưởng mượn sách vở về chiều lòng con chứ chị không nghĩ rằng con mình sẽ học được. Nhưng thật không ngờ, Nghĩa rất sáng dạ. Chỉ hơn 5 tháng tự học có sự giúp đỡ của ông nội, Nghĩa đã đọc thông, viết thạo, làm thành thục các bài toán từ lớp 1 đến lớp 5.
Mỗi lần xem ti vi thấy những tấm gương tàn tật mà vẫn vươn lên học giỏi sống có ích cho mình và cho cộng đồng, Nghĩa lại muốn được đến trường Hiểu được nguyện vọng của cháu, ông Nội đã cõng Nghĩa ra trường tiểu học Phú Thành để xin cho cháu được đi học. Biết hoàn cảnh và nghị lực của cháu bé, cô giáo Trần Linh Đa - Hiệu trưởng nhà trường đã nhận Nghĩa vào học. 12 tuổi, mới bắt đầu học lớp 1, nhưng Nghĩa vui lắm. Có lần ngủ mơ lăn trên giường xuống gãy xương tay trái nhưng em vẫn giấu gia đình để được đến trường.
Vậy là mỗi ngày ông Thí lại bế cháu tới trường bất kể nắng mưa, gió bão.
Cô hiệu trưởng tâm sự: “Từ khi sinh ra, Nghĩa đã mắc chứng bệnh xương thủy tinh, đụng đâu gãy đó. Nhưng với nghị lực vươn lên, Nghĩa học rất giỏi. Tôi luôn khuyên các thầy cô giáo cùng các em học sinh trong trường phải dành tình yêu thương, giúp đỡ cho Nghĩa nhiều hơn, đừng thấy Nghĩa như vậy mà xa lánh sẽ làm em tủi thân. Hằng năm nhà trường luôn giúp đỡ Nghĩa về mọi mặt để động viên em trong học tập. Hiện nay Nghĩa học lớp 2D. Hai năm qua em em liên tục đạt danh hiệu học sinh giỏi của trường.”
Nghĩa đến trường trên đôi chân của ông nội
Để đạt được thành quả như vậy, Nghĩa phải cố gắng rất nhiều. Ngồi được một lát toàn thân Nghĩa mỏi nhừ và đau nhức, nên để ngồi được một buổi học, Nghĩa phải cố gắng ngồi tựa vào bàn sau và nhờ sự giúp đỡ của bạn bè và cô giáo.
Nhắc đến chuyện học của con, khuôn mặt chị Nhàn chợt rạng rỡ hẳn lên : “Từ khi đi học, Nghĩa vui lắm. Chúng tôi cũng không thể ngờ Nghĩa lại có thể học tốt đến thế. Năm nào cháu cũng là học sinh giỏi của trường. Đó cũng là niềm an ủi rất lớn cho vợ chồng tôi.”
Về nhà Nghĩa còn dạy cho em gái là Trịnh Thị Ngân. Và hiện nay qua “thầy giáo” Nghĩa, Ngân cũng đã đọc thông, viết thạo. Ngân cũng muốn được đến trường như anh trai nhưng không có ai để đưa em đi. Mẹ thì bận làm lụng, bố đau yếu, còn ông thì đã già, chỉ đưa được một mình anh trai ngày 2 buổi tới trường cũng đã là quá sức.
Không những hỏi giỏi tất cả các môn mà Nghĩa còn đam mê máy tính, và thao tác khá nhuần nhuyễn. Hỏi Nghĩa ước mơ của em là gì? Nghĩa hồ hởi cho biết: “Em ước mơ sau nãy trở thành một hiệp sĩ công nghệ thông tin, như anh Nguyễn Công Hùng, để kết nối những người khuyết tất trên thế giới với nhau, giúp đỡ nhau vươn lên trong cuộc sống.”
Nhưng rồi khuôn mặt em chợt chùng xuống: “Nhưng đó chỉ là ước mơ thôi, vì hiện nay em không có máy tính. Nhà em nghèo lắm. Em Ngân nhà em cũng muốn đi học nhưng vẫn không được. Nếu như có chiếc xe lăn chắc em gái em sẽ được đi học. Em thương em gái lắm nhưng cũng không biết làm thế nào được”.
Nghĩa khóc, những giọt nước mắt trong như thủy tinh của em rơi xuống đôi gò má ngây thơ, rơi xuống đôi chân tật nguyền khiến chúng tôi cũng không cầm được nước mắt.
Lời kết
Những đứa con trong gia đình ấy đang ngày đem vật lộn với căn bệnh xương thủy tinh quái ác để được đến trường. Nhưng khát khao con chữ của các em có thể bị tắt khi gia đình các em hiện nay đang vô cùng khó khăn và bi đát. Chúng tôi xin được nghi lại hoàn cảnh của gia đình chị Phan Thị Nhàn chuyển đến cộng đồng. Hy vọng lòng nhân ái, sự chia sẻ của mọi người sẽ gúp đỡ gia đình chị vơi bớt phần nào những bất hạnh, khó khăn trong cuộc sống và tiếp sức cho những em bé đáng thương ấy được cắp sách tới trường.
"Không riêng gì gia đình chị Nhàn, chúng tôi luôn quan tâm thăm hỏi tặng quà, quyên góp giúp đỡ những người tàn tật trên địa bàn. Nhưng, sự quan tâm của chính quyền địa phương cũng chỉ ở mức độ nào đó. Hiện tại hoàn cảnh của gia đình chị Nhàn rất khó khăn. Chúng tôi tha thiết mong muốn những nhà hảo tâm hãy hãy mở rộng vòng tay giúp đỡ cho gia đình chị vượt qua cơn hoạn nạn” - Ông Võ Khắc Điệt - Chủ tịch UBND xã Phú Thành |
Mọi động viên chia sẻ, xin liên hệ: Gia đình chị Phan Thị Nhàn, xóm Nam Lai, xã Phú Thành, Yên Thành, Nghệ An
Tiến Dũng
.