Chậm phát triển trí tuệ không phải là một đơn thể bệnh mà là một nhóm trạng thái bệnh lý khác nhau về nguyên nhân, bệnh sinh nhưng có chung một bệnh cảnh lâm sàng đó là sự trì trệ về phát triển tâm thần có tính chất bẩm sinh hoặc mắc phải chủ yếu trong 3 năm đầu đời khi hệ thần kinh chưa hoàn chỉnh về cấu trúc.
Chậm phát triển trí tuệ có nhiều mức độ từ nhẹ đến rất nặng. Ở những thể nặng chẩn đoán dễ dàng vì bệnh cảnh lâm sàng khá rõ nhưng can thiệp điều trị lại rất ít kết quả. Trẻ chậm phát triển trí tuệ thể nặng và thể vừa đều có những biểu hiện kém về mặt tư duy, cảm xúc, hành vi tác phong hoặc có những dị dạng cơ thể ở nhiều bộ phận. Rất may theo số liệu điều tra nghiên cứu của nhiều tác giả thì chậm phát triển trí tuệ thể nặng chỉ chiếm 5%.
Ảnh minh họa
|
Còn chẩn đoán chậm phát triển trí tuệ thể nhẹ thì khó vì bệnh cảnh lâm sàng nhiều khi không rõ ràng nên khó phân biệt nó với giới hạn bình thường nhưng nó lại chiếm tới hơn 80%. Ở mức độ nhẹ này việc can thiệp bằng giáo dục, huấn luyện có thể giúp trẻ phát triển trí tuệ tốt hơn, hòa nhập tốt hơn vào môi trường xã hội. Chính vì vậy, cần phát hiện sớm các triệu chứng của bệnh để có thể phục hồi sớm cho trẻ.
Có thể phát hiện sớm ở những tuần lễ đầu tiên như không có nhu cầu ăn bú (có thể kéo dài vài tháng), trẻ ít cựa quậy, ít hoặc không khóc, chậm cười, chập phản ứng theo tiếng động, chậm phát triển về tâm vận động như lẫy, ngồi, bò, đứng, đi, nói... chậm biết nhai. Trẻ chậm phát triển tâm thần thường có biểu hiện lâm sàng rõ rệt hay kín đáo ngay từ những tuần đầu.
Tuy nhiên, có một số trẻ phát triển bình thường tới một tuổi nào đó (thường trước 3 tuổi) rồi mới biểu hiện chậm phát triển tâm thần. Ngược lại, có trẻ có biểu hiện chậm phát triển về tâm vận động nhưng đến tuổi nào đó (thường trước 3 tuổi) lại phát triển nhanh đuổi kịp trẻ cùng tuổi. Do vậy, cần phải khám theo dõi cẩn thận sự phát triển của trẻ thì mới có kết luận chính xác và đưa ra cách xử trí kịp thời.
BS Thanh Xuân
.