Warning: include(/export/home2/WebData/baocongannghean//gia-dinh-xa-hoi/201209/22675-nhuc-nhoi-chay-mau-hoa-rung-395436/index.txt): failed to open stream: No such file or directory in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72

Warning: include(): Failed opening '/export/home2/WebData/baocongannghean//gia-dinh-xa-hoi/201209/22675-nhuc-nhoi-chay-mau-hoa-rung-395436/index.txt' for inclusion (include_path='.:/usr/local/php/lib/php') in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72
Nhức nhối 'chảy máu “hoa rừng” - Báo Công An Nghệ An điện tử
Chủ Nhật, 02/09/2012, 09:46 [GMT+7]
22675

Nhức nhối 'chảy máu “hoa rừng”

Nghèo đói, thiếu hiểu biết khiến không ít người dưới xuôi mắc lừa bởi những giấc mộng sang giàu. Ở vùng cao Bắc Hà (Lào Cai), giấc mộng đổi đời còn khiến nhiều phụ nữ xinh đẹp rơi vào vòng giông bão nơi xứ người, chịu biết bao khổ cực, và rồi có những người sẽ chẳng biết bao giờ được trở về quê hương bản quán. Hiện tượng “chảy máu hoa rừng” làm cho cuộc sống của nhiều người vùng cao nguyên trắng vốn đã cùng cực lại càng khổ hơn mà các cơ quan chức năng chưa tìm ra biện pháp hữu hiệu nhất.

Mơ chốn sang giàu

Là người đến các vùng xa xôi của Lào Cai nhiều, tôi hiểu cuộc sống của những người vùng xa khó khăn vất vả thế nào. Trình độ dân trí thấp, đời sống kinh tế nghèo nàn, hơn nữa họ lại phải đối mặt với nạn bạo hành, với các luật tục của cha ông từ nhiều đời để lại kéo theo nhiều hệ lụy. Người phụ nữ luôn phải làm việc quần quật, đầu tắt mặt tối mà người chồng lại chẳng có chút lãng mạn, lúc nào cũng tục tằn, không biết chiều chuộng vợ. Vì thế, người phụ nữ dân tộc thiểu số các vùng Lào Cai luôn trong tình trạng tủi thân, cảm thấy mình như con trâu, con ngựa, chỉ biết làm và làm, sinh con đẻ cái, quanh năm suốt tháng cung phụng chồng.

Nắm bắt được điểm yếu này, bọn buôn người, những kẻ môi giới đã đánh trúng vào tâm lý người phụ nữ, những cô gái mới lớn là vẽ ra một thế giới giàu sang, làm ít ăn nhiều, mặc đẹp để “nhử” các “bông hoa rừng”. Chúng nói thế giới đó không xa, chỉ ở ngay bên kia biên giới thôi. Mà ở đó thường được đi chơi, đi du lịch, được thưởng thức của ngon vật lạ. Đàn ông cũng được “quảng cáo” là lãng mạn hơn, đẹp trai hơn đàn ông bản nhiều. Họ biết chiều vợ chăm lo cho gia đình, không biết mắng vợ, đánh vợ như đàn ông bản. Nghe thế, “hoa rừng” nào chẳng thấy bùi tai, xiêu lòng. Bằng những cách đó, bọn chúng đã lừa bắt và làm hàng trăm phụ nữ tự nguyện theo chúng sang Trung Quốc để làm vợ lẽ, làm gái bán dâm và nhiều công việc nặng nhọc khác.

Người già ở huyện Bắc Hà, Bát Xát cho rằng: Bọn tội phạm lợi dụng đàn bà con gái trên đường đi làm nương, đi hội hoặc đi chợ… Hễ gặp phụ nữ có nhan sắc là các đối tượng “tăm tia” gạ gẫm, tung ra những lời nói ngọt ngào. Có khi bọn chúng tìm hiểu về những người phụ nữ nào vừa bị mâu thuẫn với chồng, rồi tìm cách làm cho họ xiêu lòng và tự nguyện đi theo mà chẳng hề biết thực chất ở bên kia cuộc sống như thế nào.

Thêm nữa, người Mông ở Lào Cai còn có tục “bắt vợ”, diễn ra giữa các chàng trai cô gái ở tuổi từ 14 trở lên. Để “bắt vợ”, chàng trai Mông hẹn cô gái đến một nơi nào đó trong vòng 3 ngày để tìm hiểu nhau. Nên nhiều khi con gái bị bắt đi mấy ngày, bố mẹ chẳng biết con gái đã bị chàng trai nào “bắt” hay đã bị đưa sang bên kia biên giới. Họ cũng chẳng biết mặt mũi và địa chỉ của người bắt. Hết thời hạn ba ngày, không thấy con gái về, bố mẹ mới tá hỏa đi tìm và báo Công an. Khi chính quyền biết chuyện thì những cô gái kém may mắn đã bị đưa sang xứ người. Ba xã Bản Phố, Cốc Ly và Hoàng Thu Phố của huyện Bắc Hà là có nhiều phụ nữ bị lừa hoặc vượt biên vì “giấc mộng” nhiều nhất, bị “chảy máu” nhiều nhất. Có gia đình bị “chảy máu” hai cô con gái xinh đẹp như bông hoa rừng. Thậm chí, con cháu của cán bộ huyện cũng mất tích rất bí ẩn.

Những bông hoa xinh là lọt vào tầm ngắm của bọn tội phạm.

Anh Nguyễn Đức Công - Đội trưởng Đội Cảnh sát điều tra về tệ nạn xã hội huyện Bắc Hà tỏ ra xót xa: “Nhiều người phụ nữ Mông cực khổ quá, hoặc đói nghèo đến nỗi khi nghe tới cuộc sống tốt đẹp ở miền đất xa xôi là chẳng nghi ngại gì, cứ theo nhau lao sang bên kia biên giới. Đi rồi đi mãi, không thấy ai về. Từ đó có nhiều tin đồn, người thì nói ở bên kia sung sướng quá, phụ nữ không muốn về quê hương nữa. Cũng có cô gái tự bỏ đi, khi cuộc sống khổ cực, hoặc ở tuổi từ 25 đến 28 mà chưa lấy được chồng, được người ở phía bên kia (Trung Quốc) gọi điện, thế là bỏ nhà đi theo luôn. Cứ như bên đó là miền đất hứa không bằng?!”.

Bão nổi vùng cao

Theo thông tin từ Công an huyện Bắc Hà, tính từ năm 2005 trở lại đây, tại xã Bản Phố đã có hơn gần 90 phụ nữ mất tích bí ẩn. Trong đó năm 2009 có nhiều người mất tích nhất là 23 người, độ tuổi thường từ 14 trở lên. Những người phụ nữ có tuổi, còn xinh xắn, cũng là “con mồi” của bọn buôn người. Từ đầu năm 2010 đến nay, Bản Phố cũng có hơn 30 người bị dụ dỗ, lừa bán hoặc bị nghi lừa sang Trung Quốc. “Hàng” được đưa lên Mường Khương, biên giới Xín Mần (Hà Giang), cửa khẩu Phố Tèo (TP. Lào Cai)… rồi đưa sang Trung Quốc giao dịch. Giá của mỗi người được định khoảng 10 triệu đồng. Nếu là “hoa xinh” số tiền còn được cao hơn.

Bọn buôn người đã cắm mình rất sâu trong cuộc sống của người vùng cao Bắc Hà, cũng có khi là chính những kẻ là con dân của địa bàn vì ham tiền, đã câu kết với một số kẻ trốn sang biên giới, tìm cách lừa bán người để kiếm sống. Thời gian qua, một số kẻ đã bị bắt và xử lý trước pháp luật. Đồng tiền đã làm mờ mắt những kẻ buôn người, tiền cũng xui khiến chúng tiếp tục đi làm mờ mắt nhiều người nữa và gây ra những cơn bão khốc liệt cho người vùng cao nơi đây. Biết bao cha mẹ mất con, chồng mất vợ, con mất mẹ. Biết bao người phải sang xứ người làm thân trâu ngựa, để đến khi, vài người trốn về được đã kể về cuộc sống thống khổ ở bên đó như thế nào và gây nên nỗi ám ảnh trong suốt cuộc đời họ.

Mấy năm gần đây, chính quyền và người dân ở Bắc Hà, Bát Xát, Si Ma Cai đã vận động, tuyên truyền để bà con đề phòng, cảnh giác hơn với những lời dụ dỗ, với thủ đoạn của kẻ xấu. Song, bọn tội phạm lại nghĩ ra chiêu thức mới, đó là thuê những người môi giới đóng làm bà mai, bà mối để lừa lọc. Chúng cũng vờ tổ chức cưới xin hẳn hoi, nên nhiều gia đình có gái nhẹ dạ mắc mưu ma chước quỷ của bọn chúng. Nghệ nhân nấu rượu Ma Seo Dín nổi tiếng ở Bắc Hà cũng có cô con gái Ma Thì Dở (sinh năm 1982) bị dụ dỗ bắt đi, đến nay gia đình vẫn chưa có tin tức gì. Ông Dín nói trong nước mắt khi nghĩ đến cô con xấu số: “Con Dở đã có chồng và hai con, nhưng nhìn nó còn xinh lắm.

Năm 2007, Dở đi chợ, có thằng bảo nó lên xe ôm, chở về cho đỡ mỏi chân. Dở nhẹ dạ nghe theo, thế là bị nó chở đi mất, không về được nữa. Hai đứa con của nó giờ thì không có mẹ chăm sóc. Năm đó, nó cứ khóc suốt đòi mẹ. Ở đây, nhiều đứa trẻ tội nghiệp, vì mẹ bị bắt đi không về. Chẳng ai biết cái thiên đường mà nhiều kẻ nói láo là có thật không, có lấy được chồng giàu không. Cũng không biết những người đã bị đưa sang đó còn sống hay đã chết”.

Tôi được gặp vài phụ nữ ở Bắc Hà đã trốn thoát khỏi “tổ quỷ” trở về đoàn tụ với gia đình. Người đầu tiên là chị Li Thị Ly 28 tuổi, vợ anh Ma Seo Dế (xã Bản Phố, Bắc Hà). Vào một ngày cuối tháng 5/2009, chị Ly địu con trai thứ hai là Ma Seo Phừ, 2 tuổi, đi chợ phiên Bắc Hà thì gặp Giàng Seo Lao (người xã Na Hối, Bắc Hà) đến bắt chuyện. Hắn kể nhiều về một nơi có cuộc sống sung sướng ở bên kia biên giới rồi rủ chị đi đến nơi sung sướng ấy. Khi đến nơi chị Ly mới giật mình, hóa ra nơi Lao bảo là sung sướng lại là một vùng rừng núi nghèo. Giàng Seo Lao bán Ly cho một người đàn ông cũng nghèo lắm. Hàng ngày, Ly phải làm việc cật lực trên nương từ sáng sớm đến tối mịt, vừa phải chăm sóc gia đình họ, nhưng khổ nhất là những trận đòn roi. Vào một buổi sáng, tranh thủ lúc người đàn ông đi chợ, Ly cõng con nhằm hướng Việt Nam mà chạy, không dám đi đường cái mà tìm đường mòn để tránh bị đuổi theo.

Đến biên giới, Ly nhờ người gọi điện về nhà, mẹ con Ly được chồng và đại diện công an xã tới đưa về. Mấy tháng sau, sau khi bán chị Ly, Giàng Seo Lao bị tóm. Vào thời điểm trên cũng có hai cặp mẹ con nữa tìm được đường trở về đoàn tụ với gia đình, đó là Vàng Thị Chô cùng con gái Vàng Thị Dín và Vàng Thị Cở cùng con gái Vàng Thị Minh (thôn Háng Dê xã Phéc Bủng). Họ đã thoát khỏi nơi cùng cực và thấy mình thật may mắn, bởi nhiều người đã rơi vào những ổ chứa mại dâm, phải mòn mỏi bán thân xác nơi đó mà không biết bao giờ mới thoát được. Chị Ly rất muốn nhiều người cũng may mắn thoát được như mình, nhưng họ có được cơ hội đó không thì phải phụ thuộc vào…  ý trời.

Về đâu nhan sắc?

Trước tình hình phức tạp của nạn buôn bán người và việc nhiều phụ nữ bỏ đi, các huyện tại tỉnh Lào Cai đã thành lập Ban chỉ đạo phòng chống buôn bán người. Chính quyền kết hợp cùng với các ban ngành, đoàn thể vận động, tuyên truyền bằng nhiều hình thức để người dân nhận thức, đối phó, không tiếp tay cho bọn buôn người. Nhưng có một điều quan trọng, là người dân vùng cao cần có những điều kiện để phát triển kinh tế, tránh mâu thuẫn nảy sinh do bế tắc về kinh tế. Nếu quá khổ, tủi thân, người phụ nữ sẽ có những ý nghĩ tiêu cực, là tìm cách rời khỏi quê hương, theo kẻ xấu đi tìm “miền đất hứa” với khát vọng đổi đời.

Ở các vùng núi cao, rất nhiều bản làng có các cô gái xinh đẹp, nhưng vì sao ở Bắc Hà lại có nhiều phụ nữ mất tích vẫn là một dấu hỏi lớn. Làm thế nào để chấm dứt nạn gái bản bị “bốc hơi” là một thách thức lớn đối với các cơ quan chức năng, với chính người dân nơi đây. Không biết từ lúc này, cô gái nào, nhan sắc nào sẽ trở thành nạn nhân. Chỉ biết cứ mỗi khi có một người đẹp biến mất khỏi quê hương là mỗi lần cao nguyên trắng này thêm một cơn sóng hoang mang. Và không biết, sau nhiều năm nữa, những nhan sắc đã sang xứ người có tìm được đường về, hay vĩnh viễn lụi tàn nơi đất người?


ANTG
.