Warning: include(/export/home2/WebData/baocongannghean//gia-dinh-xa-hoi/201208/22573-buoc-tien-moi-trong-dieu-tri-tieu-chay-395514/index.txt): failed to open stream: No such file or directory in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72

Warning: include(): Failed opening '/export/home2/WebData/baocongannghean//gia-dinh-xa-hoi/201208/22573-buoc-tien-moi-trong-dieu-tri-tieu-chay-395514/index.txt' for inclusion (include_path='.:/usr/local/php/lib/php') in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72
Bước tiến mới trong điều trị tiêu chảy - Báo Công An Nghệ An điện tử
Thứ Hai, 27/08/2012, 15:00 [GMT+7]
22573

Bước tiến mới trong điều trị tiêu chảy

Tiêu chảy là tình trạng đi tiêu nhiều lần (> 3 lần) trong ngày, với lượng phân và nước khá lớn. Trẻ em càng nhỏ tiêu chảy càng dễ nặng hơn, nhất là tiêu chảy cấp dễ dẫn đến mất nước nhanh gây nguy hiểm tới tính mạng. Bởi vậy, cần được điều trị nhanh chóng, đặc biệt là bù đủ nước và chất điện giải.

Điểm qua các thuốc điều trị

Ở các nước đang phát triển (trong đó có nước ta), mỗi năm, mỗi đứa trẻ mắc trung bình 5 - 12 đợt tiêu chảy, 25 - 30% trẻ nhập viện điều trị là do tiêu chảy. Tiêu chảy là sát thủ nghiêm trọng thứ hai ở trẻ dưới 5 tuổi, chỉ đứng sau nhiễm khuẩn cấp đường hô hấp. Người ta ước tính mỗi năm có khoảng 2 triệu trẻ em dưới 5 tuổi trên toàn thế giới chết do tiêu chảy, trong số đó có 80% là trẻ dưới 2 tuổi.

Nguyên nhân gây tiêu chảy có nhiều: có thể do vi khuẩn, virut (hay gặp nhất là Rotavirus), ký sinh trùng, dị ứng, ngộ độc thức ăn. Các thuốc điều trị đề cập ở đây là điều trị triệu chứng, làm giảm sự co thắt ở ruột, sửa chữa sự rối loạn tiết dịch, bổ sung nước và chất điện giải…Trên cơ sở này có thể dùng nhóm thuốc là các chất hấp phụ (smecta, smectic, acticarbine, carbotrim…) có cấu trúc xốp và có độ nhớt cao, tương tác với glycoprotein của dịch nhầy, làm tăng sức chịu đựng của lớp gel dính trên niêm mạc ruột khi bị các vi khuẩn tấn công, do đó bảo vệ được niêm mạc ruột.

Cũng có thể dùng nhóm thuốc có tác dụng ổn định hệ vi khuẩn chí ở ruột (antibio, bioflor, enterogermina, lacteol…), với mục đích là chống loạn khuẩn, kích thích tăng sản xuất IgA, phục hồi khả năng hấp thu của niêm mạc ruột, lập lại sự cân bằng của hệ tạp khuẩn.

Tuy nhiên, đứng đầu trong các thuốc điều trị tiêu chảy phải kể đến là oresol và racecadotril - một thuốc mới có nhiều triển vọng.

Oresol là lựa chọn số một

Mắc bệnh và tử vong do tiêu chảy chủ yếu là do mất nước và điện giải. Trẻ em rất dễ mất nước, nếu giảm sút trên 10% thể trọng do tiêu chảy có thể tử vong sau vài giờ. Do vậy, khi trẻ bị tiêu chảy nhất là tiêu chảy cấp, đặc biệt đối với trẻ nhỏ vấn đề quan trọng là phải bù nước và điện giải đã mất do tiêu chảy. Cách đơn giản nhất mà Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã khuyến cáo là dùng oresol bằng đường uống.
 
Từ khi có oresol đưa vào điều trị tiêu chảy đã cứu được rất nhiều trẻ em thoát chết. Năm 2008, WHO và UNICEF lại đưa ra khuyến cáo liệu trình mới điều trị tiêu chảy ở trẻ em dựa trên nền của liệu trình cũ có cải tiến và thu được kết quả cao hơn. Đó là dùng oresol có tỷ trọng thấp (so với oresol cũ) và một vài thuốc khác.
 Hình ảnh ruột khi bị tiêu chảy.

Dung dịch oresol mới có nồng độ NaCl 2,6g/lít (so với cũ là 3,5g/lít), glucose 13,5g/lít (so với cũ 20g/lít), một số chất khác không thay đổi. Như vậy là dung dịch oresol mới có tỷ trọng thấp hơn hoặc có tổng độ thẩm thấu tốt hơn oresol cũ. Các nghiên cứu cho thấy nhóm trẻ dùng oresol mới làm giảm tới 33% số trẻ phải truyền dịch, làm giảm 20% số lượng phân bài tiết và làm giảm 30% số trẻ bị nôn so với nhóm trẻ dùng dung dịch oresol cũ (có tỷ trọng cao hơn).

Oresol (gồm các hỗn hợp trên) được đóng gói trong giấy nhôm hàn kín, mỗi gói dùng pha trong 1lít nước đun sôi để nguội, không được pha đặc hay loãng hơn. Dung dịch pha xong chỉ nên uống trong ngày, qua ngày hôm sau thừa phải đổ đi và pha gói mới.

Racecadotril - một thuốc mới

Tuy oresol có tính an toàn cao và dung nạp tốt, nhưng chỉ bù nước và chất điện giải một cách thụ động mà cơ thể đã bị mất chứ không tác động chủ động vào cơ chế sinh bệnh, chính là tình trạng tăng tiết quá mức ở ruột. Do vậy, dung dịch bù nước và điện giải bằng đường uống không ngăn được lượng dịch sẽ mất, không làm giảm lượng phân bài xuất và rút ngắn thời gian tiêu chảy. Trên cơ sở nhận thức đó, những năm gần đây, các nhà nghiên cứu lại tìm ra thuốc racecadotril (tên chung quốc tế). Cơ chế tác dụng của racecadotril trong chống tiêu chảy là chống tăng tiết (kháng tiết).
 
Người ta nhận thấy ở ruột có một chất chống xuất tiết tự nhiên làm giảm mất nước và điện giải được gọi là enkephalin. Tuy vậy, enkephalin lại không tồn tại lâu mà dễ bị một loại enzym làm mất hoạt tính (được gọi là enkephalinase) và làm mất tác dụng kháng tiết có lợi của enkephalin. Điều này dẫn đến nhu cầu tìm ra racecadotril một loại thuốc ức chế men gây hại nói trên, để enkephalin phát huy tác dụng có lợi chống mất nước và điện giải. Tuy vậy, sự ức chế này là có chọn lọc, có thể phục hồi và bảo vệ được enkephalinase nội sinh, không ảnh hưởng đến tiết dịch cơ bản, không tác dụng trên ruột bình thường.

Racecadotril trên thực nghiệm và thực tế điều trị đều chứng minh được hiệu quả chống tiêu chảy nhanh và rất an toàn, đặc biệt đối với trẻ em. Do tác động chống tăng tiết racecadotril làm giảm lượng phân bài xuất và rút ngắn thời gian tiêu chảy. Nó đặc biệt tốt cho trẻ em bởi đặc tính của thuốc không đi qua hàng rào máu não (không ảnh hưởng hệ thần kinh trung ương, không ức chế hô hấp), không làm giảm nhu động ruột (không gây trướng bụng chán ăn, không gây tăng sinh vi khuẩn ruột quá mức) và đặc biệt khá an toàn nếu dùng quá liều. Do vậy, racecadotril đã được nhiều hiệp hội nhi khoa thế giới khuyến cáo sử dụng rộng rãi từ năm 2003 và thực tế cho tới nay đã chứng tỏ tính ưu việt.

Như vậy, cách điều trị theo khuyến cáo mới thực sự là một kết hợp thú vị và khá hoàn chỉnh, bởi lẽ oresol thì bù lại lượng nước và điện giải bị mất, còn racecadotril thì ức chế sự tăng tiết nước và điện giải, làm giảm đi lượng nước và điện giải lẽ ra sẽ tiếp tục bị mất, do đó làm giảm lượng phân bài xuất, rút ngắn thời gian bị tiêu chảy.

BS. Vũ Hướng Văn
.