Tòa sơ thẩm tuyên Lê Văn Tú án tử hình |
Nhưng đời người còn rất dài và cuộc đời có những quy luật bất biến riêng của nó. Những người đàn bà vô can kia liệu rồi có vô tội mà thanh thản được trong suốt phần đời còn lại?
1. Lê Văn Tú ra tòa và phải đối diện với mức hình phạt cao nhất là tử hình cho tội giết người với 2 tình tiết định khung tăng nặng là côn đồ và tái phạm nguy hiểm.
Tú biết rõ điều đó. Phần vì, bản cáo trạng đã được tống đạt cho Tú trước khi phiên tòa được mở khá lâu. Thời gian đủ dài để Tú đọc và ngẫm nghĩ, suy xét, tự kết án cho mình trước khi tòa tuyên án. Phần vì, với Tú đây không phải là lần phạm tội đầu tiên. Tú đã có thâm niên tù tội. Bản án tù 8 năm về ma túy, Tú vừa mới thi hành xong được ít lâu thì lại vướng ngay vào vụ án tình tàn khốc này.
Vậy mà ra tòa, Lê Văn Tú vẫn không hề tỏ ra hoảng hốt. Như thể, cơn ghen vẫn còn, Tú khai về chuyện tình của vợ với người đàn ông kia, giọng vẫn đầy hằn học. Dù rằng, anh Hùng, người bị Tú coi là tình địch đã chết bởi chính những nhát dao ghen tuông tàn nhẫn của Tú vào một buổi sáng mưa tầm tã. Phía dưới phòng xử án, ngay phía sau lưng Tú, chỉ có vợ và hai đứa con anh Hùng, tang trắng trên đầu, ngồi khóc.
Nghe những lời khai lạnh người của Tú, người vợ tội nghiệp của nạn nhân, ôm di ảnh chồng trong lòng mà đôi bàn tay cứ run lên cầm cập. Căm hờn hay xót xa, tiếc thương hay cay đắng. Chị, có lẽ là người bất hạnh nhất trong tấn bi kịch này. Bởi, cùng lúc, chị phải oằn lưng gánh hai nỗi đau mà nỗi đau nào cũng là tột độ. Người đàn ông của đời chị đã phản bội lại chị khi đắm chìm vào mối quan hệ trăng hoa với một người đàn bà khác và chết đau đớn bởi mối tình oan nghiệt này để lại cho chị cả gánh nặng gia đình khi các con chưa kịp trưởng thành.
H biết điều đó, rõ lắm. Thế nên, nhiều ngày sau khi Tú sát hại anh Hùng, H muốn về quê thắp cho người tình mấy nén nhang mà không dám. H nói cô sợ bị vợ con anh Hùng phản ứng. Cũng là lẽ thường tình thôi, bởi cô khi ngã vào vòng tay anh ấy, cô biết rất rõ rằng anh ấy đã có vợ con đàng hoàng ở quê. Thậm chí, theo như chính lời cô kể thì vợ con anh ấy đã có lần khăn gói từ quê lên, tận mặt cô để hỏi cho ra nhẽ. Và, bởi thế, cô là người đàn bà đã quên đi luân thường đạo lý để hạnh phúc với người đàn ông không phải của mình mà là của một gia đình khác, của một người đàn bà khác.
Cô, khi ấy đã ly hôn với Tú, kẻ đang đứng trước vành móng ngựa kia. Tú và cô ở cùng quê, sống cùng làng, yêu nhau rồi kết hôn từ 19 tuổi. Năm 1994, hai vợ chồng sinh con gái đầu lòng, rồi năm 1997 sinh tiếp đứa con gái thứ hai. Tú trông cao to thế, sức vóc thế nhưng chả chịu gánh vác gia đình cùng vợ. Một mình cô phải lo toan tất cả, chật vật quanh năm suốt tháng bởi miếng cơm manh áo. Rồi Tú mắc nghiện ma túy. Cô biết ngay sau khi sinh đứa con đầu lòng và cũng chả hiểu vì sao Tú lại mắc vào cái tệ nạn chết người này. Cô chỉ lờ mờ đoán có thể từ khi Tú bỏ quê vào Nghệ An, nói là để làm ăn nhưng tiền bạc đâu không thấy mà chỉ thấy dính vào "cái chết trắng" ấy.
Năm 2000, khi cả hai đứa con đều đã cứng cáp, vợ chồng cô gửi con ở quê cho ông bà rồi ra Hà Nội. Cô bán bánh mỳ ở khu vực đường Bạch Đằng, quận Hoàn Kiếm còn Tú thì chạy xe ôm. Nhưng Tú nghiện nên tiền kiếm được bao nhiêu cũng chả đủ lo cho mình chứ nói gì đến giúp vợ nuôi con. Hai năm sau thì Tú bị bắt tại Hà Nội, cũng vì ma túy và bị xử phạt 8 năm tù giam. Một năm sau khi chồng ở tù, cô lặn lội vào tận Trại giam Thanh Phong, một trại giam nằm ở miền núi Nghệ An, cách Hà Nội mấy trăm cây số, để làm thủ tục ly hôn cho một cuộc hôn nhân với một người đàn ông mà cô không còn tình cảm.
Tú ký vào đơn ly hôn khi còn đang mang thân phận của một thằng tù. Cô được giải phóng, trở thành người đàn bà độc thân và kể từ ấy, cô có quyền đi bước nữa. Song, tất nhiên, cô không có quyền được giành giật người đàn ông từ một gia đình ấm êm khác. Điều ấy, không chỉ đạo lý không cho phép mà pháp luật cũng cấm.
Nhưng mà cô đã vượt rào. Anh Hùng quê ở ngoại thành Hà Nội, đã có vợ và 3 con nhỏ. Cũng vì mưu sinh mà anh phải rời quê lên khu chợ này buôn bán. Anh chuyên buôn gạo và trứng vịt lộn ở quê mang lên đây bán kiếm lời lấy tiền phụ vợ nuôi con. Sạp hàng nhỏ của anh ở sát bên quầy bán bánh mì của cô. Cùng cảnh tha hương kiếm sống, họ nhanh chóng kết thân. Biết cô chỉ có một mình, thui thủi lo toan, những lúc vắng khách, anh thường phụ giúp những công việc nặng nhọc mà lẽ ra nếu còn hôn nhân thì việc ấy chồng cô sẽ làm. Đàn bà như cô, còn trẻ mà lại cô đơn nên dễ yếu lòng. Cô ngã vào cuộc tình với anh lúc nào không hay…
Rồi vợ anh cũng biết chuyện chồng mình có quan hệ ngoài luồng với người đàn bà bán bánh mỳ bỏ chồng là cô. Cô kể, chị đã từ quê lên khu chợ này gặp cô. Nhưng may mà mọi sự vẫn bình an...
Cho đến tháng 4/2010 thì Tú ra tù và mọi sự bắt đầu đảo lộn. Dù chỉ là chồng cũ nhưng Tú vẫn lồng lộn ghen tuông. Trong khi người có quyền ghen tuông là vợ anh Hùng im lặng thì Tú lại làm tanh bành mọi chuyện.
Tú đã nhiều lần gọi điện thoại, nhắn tin đe dọa anh Hùng phải chấm dứt quan hệ tình cảm với chị H. Sau này, trong quá trình điều tra, Cơ quan Công an đã tìm thấy trong điện thoại của anh Hùng một tin nhắn của Tú nhắn ngay trước khi hắn ra tay đâm chết anh Hùng ít phút với nội dung: "Bắt đầu từ ngày hôm nay, tao không để cho mày và vợ tao yên đâu. Từ khi tao về, tao không chấp mày thì thôi mày lại…".
Trưa 15/11/2011, khi Tú về đến nhà trọ nghe nói anh Hùng đưa người đến tìm Tú. Khoảng 17h cùng ngày, Tú lấy 1 dao nhọn để dưới gầm tủ nhà chị H giắt vào người. Tú điện thoại hẹn gặp Quân (đối tượng này Cơ quan điều tra chưa xác định được nhân thân). Khi gặp Quân, Tú rủ đi "có việc". Tú chở Quân đến khu vực dốc Vạn Kiếp để tìm đánh anh Hùng, nhưng không gặp.
Đến 4h sáng 16/11/2011, chị H gọi điện bảo Tú mang tiền về trả tiền hàng. Tú bảo Quân chở xe máy về, đến đầu ngõ nơi chị H thuê trọ thì Quân đứng ngoài, Tú đi bộ vào trong. Khi đến đầu ngõ 570 Bạch Đằng, Tú nhìn thấy Hùng đang đứng cạnh xe máy trước cửa nhà số 28 liền xông đến đấm vào đầu anh Hùng, sau đó rút con dao nhọn giấu sẵn trong người ra đâm một nhát trúng ngực trái "tình địch". 8 ngày sau, Tú bị bắt khi đang lẩn trốn tại Thanh Hóa.
Anh Hùng chết để lại vợ và 3 con nhỏ. Tú cũng bị TAND TP Hà Nội tuyên phạt tử hình, để lại cho H. 2 đứa con còn chưa đến tuổi trưởng thành. Người tình chết thảm, chồng cũ thì đang phải sống trong phòng biệt giam chờ ngày ra pháp trường, nếu như không còn có cơ hội nào để giảm án. Tú, kẻ côn đồ hung hãn, tước đi mạng sống của người khác, tất nhiên là sẽ phải trả giá thích đáng. Nhưng còn H? Không biết có bao giờ cô ngoái đầu nhìn lại cuộc tình tay ba ấy và ân hận. Nhất là khi nhìn thấy người vợ tội nghiệp của anh Hùng ôm di ảnh chồng ngồi khóc và những đứa con mất cha với vành tang trắng xóa mái đầu xanh ngơ ngác, thất thần trong phiên tòa sơ thẩm xét xử kẻ đã tước đi mạng sống của cha các em.
2. Cô 38 tuổi còn chồng cô thì mới 30. Người ta gọi cuộc tình ấy là "phi công trẻ lái máy bay bà già", nhưng cô không quan tâm đến điều đó bởi cho dù có thế thì cô cũng đã có một kết cục tốt đẹp. Hai người đã kết hôn và có hai con chung, xinh đẹp, khỏe mạnh. Cô làm nhân viên tại một tập đoàn lớn. Chồng cô trước cũng là đồng nghiệp nhưng sau rồi xin nghỉ về nhà làm tự do.
Ở nhà, cô hơn chồng 8 tuổi nhưng ở cơ quan, cô trẻ hơn sếp 8 tuổi. Hai vợ chồng sếp bằng tuổi nhau nên so với vợ sếp cô cũng trẻ hơn 8 tuổi. Sáng ấy, chồng cô đang ở nhà thì thấy cô gọi vào máy di động. Chồng cô nghe thì thấy tiếng sếp của cô đang to tiếng cãi vã liên quan đến công việc và sinh hoạt tại cơ quan. Chồng cô hỏi vợ thì được biết cô đang ở cơ quan.
Chừng một tiếng sau, chồng cô đến cơ quan vợ, gặp sếp cô lúc đó đang ăn trưa. Chồng cô gọi sếp cô yêu cầu: "Chú ra đây nói chuyện một tí" rồi đấm sếp cô khiến ông ngã vật xuống, đầu đập vào thành ghế ở hành lang. Cú đấm ấy mạnh đến nỗi làm cho sếp tử vong bởi: "Viêm hoại tử não diện rộng do chèn ép sau chấn thương" (trích kết quả giám định tử thi).
Sau cái chết của sếp, cô tường trình với Cơ quan điều tra rằng sáng ấy cô bị sếp mạt sát và cô cãi lại. Trong lúc đó, cô có bấm điện thoại về nhà để chồng cô nghe được cuộc đôi co này. Lý do cô làm thế vì sếp và gia đình nhà chồng cô quen biết nhau, nếu mà người khác nói về chuyện này lệch lạc đi thì sẽ bất lợi cho cuộc sống gia đình.
Còn tại phiên tòa sơ thẩm thì cô trần tình rằng do cô đã nhiều lần bị sếp sàm sỡ, quấy rối nên cô phải báo với chồng để giữ gìn hạnh phúc gia đình. Chồng cô cũng khai nhận rằng trước đó cũng đã từng nghe vợ mách bị sếp sàm sỡ. Cuộc điện thoại của vợ gọi về trưa ấy, anh ta nghe và thấy tiếng vợ nói: "Chú thôi cái trò bỉ ổi đó đi" và tiếp theo là tiếng sếp: "Còn như thế thì đuổi khỏi cơ quan".
Như giọt nước làm tràn ly, một tiếng sau, anh ta đã lao đến cơ quan vợ và điều đáng tiếc đã xảy ra.
Không ai biết được, cô có bị sếp sàm sỡ hay không. Cho dù, vợ sếp rất phẫn nộ vì điều này. Bà cho rằng, cô đã vu khống cho chồng bà và cô chính là đồng phạm gây ra cái chết đau đớn ấy.
Phiên tòa phúc thẩm xét xử chồng cô, người đã vì cô mà phạm tội, cô không tới dự. Chỉ có cha mẹ chồng cô, tóc đã bạc, lưng đã còng đến, chọn một chỗ khuất nẻo trong phòng xử án ngồi, im như tượng đá, cố tránh những cái nhìn căm hờn của gia đình người bị hại. Có cha mẹ nào không đau lòng khi con trai họ phải chịu bản án tù 10 năm ở phiên sơ thẩm và tăng lên 12 năm ở phiên phúc thẩm?
Không ai biết được cô có bị sếp sàm sỡ hay không vì người chết đã mãi mãi đi vào cõi hư vô, vĩnh viễn không bao giờ có thể còn đối thoại hay tranh cãi gì với cô được nữa. Nhưng ngay cả trong tình huống xấu nhất đó thì việc cô bật điện thoại để chồng nghe mà phẫn uất sẽ giống như người đi chữa cháy bằng… xăng. Nếu cô không hành xử theo kiểu ném xăng vào đám cháy thì vụ án này sẽ không xảy ra. Hai người đàn ông - một người sẽ không phải chết và một người sẽ không phải ngồi tù. Cô vô can nhưng liệu có vô tội không trong bi kịch đáng tiếc này?