1. Phiên Tòa diễn ra lặng lẽ, cáo trạng chỉ vỏn vẹn có 3 trang. Tốt, tên thật là Hồ Văn Tốt. Tốt là người con thứ trong gia đình nghèo túng, có 5 anh chị em, người lớn nhất sinh năm 1976, người nhỏ nhất sinh năm 1992.
Quê Tốt ở ấp 3, xã An Hòa, huyện Tam Nông, tỉnh Đồng Tháp. Quê xa lắc xa lơ, chẳng mấy khi Tốt trở về. Cả nhà Tốt, theo nghề cắt lúa mướn, nay đây mai đó.
Tốt tuyệt nhiên không được đến trường, Tốt chưa từng biết đến chữ nghĩa, sách vở. Lẫm chẫm đi, Tốt chỉ biết ngồi trên chiếc ghe của cha mẹ, chèo hết con rạch này, đến bờ mương kia. Nơi nào có người mướn cắt lúa, thì chống sào giữ ghe, lên ruộng cất lều ở tạm. Thỉnh thoảng mới về thăm nhà.
Mà nhà có gì đâu, toàn sự túng thiếu.
Tốt lớn lên, tự nhiên như cây cỏ voi, xanh tốt mơn mởn ngoài đám đất hoang, như cây cỏ lác dưới đầm nước lấp xấp, như lục bình ngoài mé sông… Tháng 3-2011, Tốt quyết định lên Sài Gòn.
Sài Gòn cách quê nhà Tốt bao xa... Chắc chắn là không xa, chỉ chưa đầy 3 giờ ngồi xe đò, với giá vé chỉ hơn 100 nghìn đôi chút.
Thế nhưng, Sài Gòn không như Tốt, hay những cậu thanh niên mới lớn nhà quê như Tốt, thường nghĩ. Có những thứ lấp lánh không phải là vàng, cũng không phải là kim cương hay hồng ngọc…mà là sự lấp lánh của nỗi bất hạnh không điềm báo.
Tốt lên Sài Gòn, mưu sinh bằng nghề phụ hồ. Không nghề nghiệp, không tiền, không người thân, không biết chữ... thì phụ hồ có lẽ là lựa chọn có tính khả thi nhất đối với Tốt.
Tốt làm phụ hồ, lưu trú tại công trình, quẩn quanh chỉ biết gạch, cát, xi măng. Thêm nữa biết nắng, biết gió Sài Gòn. Tốt vẫn rặt gốc quê.
Hồ Văn Tốt bị giải đi sau phiên tòa. |
Có điều, cậu thanh niên nào mà lại không biết tán gái. Dẫu có nhà quê hay phố thị, thì điều ấy thuộc về bản năng, không cần phải thông qua sự chỉ bảo.
Gần công trình của Tốt có cô bé tên Thảo. Con gái Sài Gòn, sớm phổng phao.
Có lẽ nhìn Tốt cù lần, nên Thảo mến. Có lẽ, choáng ngợp với tính cách con gái thị thành, nên Tốt thích.
Nữ thập tam, nam thập lục. Gái mười ba, trai mười sáu. Vốn dĩ, chúng ta hay giáo điều sách vở, để cố tình đánh lừa một thế hệ, và đánh lừa cả chính mình rằng, gái mười ba, trai mười sáu… ăn chưa no, lo chưa tới biết gì chuyện yêu đương.
Mặc cho, vài mươi năm trước, chừng ấy tuổi, họ đã yêu thương nhau.
Mặc cho, ngay thời điểm này, trẻ con đã yêu nhau trước độ tuổi ấy.
Người Việt có một đặc tính rất lạ, dễ thông cảm cho chuyện của riêng mình và luôn khắc nghiệt với chuyện của thiên hạ. Luôn có một cái cớ hợp lý cho chính mình, nhưng bác bỏ hoàn toàn nguyên nhân chuyện của người khác.
Một thứ luật vô hình, lắm lúc là phi lý.
2. Tốt lên Sài Gòn tháng trước, thì tháng sau, Tốt quen Thảo. Quen nhau từ tháng 4, thì đến cuối tháng 8, Tốt dắt Thảo rời Sài Gòn về nhà mình ở quê.
Nhà vắng người, Tốt dò tin rồi tiếp tục dắt Thảo sang tận vùng Rạch Giá – Kiên Giang tìm cha mẹ. Cha mẹ Tốt đang cắt lúa mướn cho chủ tại nơi này.
Người nhà quê, thấy con mình lên Sài Gòn làm ăn, đến lúc về lại dắt theo một cô bé, thì ban đầu ngạc nhiên, sau lại im lặng. Tư duy đồng ruộng, họ nghĩ đây là chuyện bình thường thôi. Yêu nhau thì dắt nhau về nhà, cóp tiền làm mâm cơm mời hàng xóm, không tiền thì thắp nén hương kính báo với tổ tiên. Vậy là xong, quan trọng chồng vợ hòa thuận, xá gì khách khứa nói cười.
Mà cũng có thể, họ bận rộn mưu sinh hơn là phải cố tìm hiểu xem, cô bé theo Tốt về quê đã đủ tuổi làm vợ, làm dâu hay chưa. Cho dù không bận rộn, họ cũng sẽ không thể nào nghĩ ra chuyện đó.
Thương con, họ nhường cho Tốt và Thảo ngủ trong căn lều họ dựng lên giữa ruộng. Còn về phần mình, sau mỗi chiều cắt lúa, họ trở về nghỉ ngơi trong khoang của cái ghe cũ cắm sào dưới kênh.
Tốt có tình cảm với Thảo, Thảo có cảm tình với Tốt. Một trai thanh niên, một gái đang lớn… được ở chung với nhau trong căn lều giữa ruộng, thì chiếu chăn hẳn nhiên là chuyện sẽ đến, không gì có thể ngăn cản được.
Một lần, rồi hai lần và nhiều lần sau nữa, cứ vậy diễn ra cho đến khi Tốt dắt díu Thảo ngược về Sài Gòn.
Tốt dắt Thảo về là bởi, cha mẹ Thảo đã gọi điện thoại, hết lời năn nỉ mong Thảo về nhà. Thảo ra điều kiện, về nhà phải có Tốt theo cùng. Chiều con, cha mẹ Thảo đã đồng ý.
Thôi thì trời không chịu đất, đất phải chịu trời. Cha mẹ Thảo cắt đặt một cách rất ngộ nghĩnh. Đêm, Thảo ngủ trong phòng cùng mẹ và Tốt. Cha Thảo sẽ nhường khoảng không ấy, tìm chỗ khác trong nhà ngả lưng.
Họ nghĩ đơn giản thôi, mẹ ngủ cùng con gái sẽ ngăn chặn được những cơn hưng phấn của tuổi trẻ.
Tiếc là, cha mẹ Thảo đã nhầm. Có ai cản ngăn được cái chuyện mà nói tếu táo thì, “chỉ cần đừng sát vách nhà, nhẫn nhịn chịu đựng thì cũng đủ hân hoan”.
Ngủ chung phòng, đợi lúc mẹ Thảo ngủ say, Thảo và Tốt vẫn có thể vui vui vẻ vẻ mà còn thừa thời gian để xóa dấu tích trước khi mẹ Thảo kịp trở mình.
Hơn tháng ở nhà Thảo, cứ thậm thụt với nhau như vậy, cộng thêm những lúc chiếu chăn nơi túp lều ở cánh đồng mà nhà Tốt đang gặt lúa mướn cho chủ. Thảo đã có thai.
Ngày mẹ Thảo dẫn Thảo đến bệnh viện Nguyễn Tri Phương kiểm tra, phát hiện con gái mình sắp làm mẹ. Sắp làm mẹ ở cái tuổi… mười ba.
Đương nhiên, có ai mà không giận. Hẳn nhiên, có ai mà không đau.
Khi giận và đau, người ta thường phải trút giận lên ai đó, người ta phải kiếm được một cái cớ nào đó để đổ thừa.
Liệu, có điều gì tốt hơn là được quyền đổ thừa và trút giận lên đầu người dưng.
3. Thai còn nhỏ, mẹ Thảo giải quyết bằng cách mua thuốc hủy thai, yêu cầu Thảo uống ngay tắp tự.
Thảo vừa uống xong, mẹ Thảo lại vội vã soạn đơn tố cáo gửi lên Cơ quan Công an, kể lại toàn bộ câu chuyện giữa Tốt và Thảo.
Đơn vừa gửi đi, Tốt bị các điều tra viên bắt giữ khẩn cấp. Những ngày chờ ra Tòa, Tốt bị tạm giam tại trại giam Chí Hòa.
Cuối tháng 6 Tòa xử, mức án dành cho Tốt về hành vi “Hiếp dâm trẻ em”, như tôi đã nói ở phần trên, là 14 năm tù.
Tốt đón nhận hình phạt Tòa dành cho mình với khuôn mặt thinh lặng. Tôi không biết Tốt đang nghĩ gì. Có điều chắc chắn, là cho đến tận thời điểm đứng dậy nghe vị Chủ tọa phiên Tòa tuyên án, Tốt vẫn còn đang mơ hồ vì câu hỏi “Mình đã phạm tội gì”.
Kết luận của Viện Kiểm sát Nhân dân TP HCM ghi rõ “Hành vi của bị can Tốt đã xâm phạm đến danh dự, nhân phẩm, gây tổn hại đến sức khỏe và sự phát triển tâm sinh lý bình thường của trẻ em. Gây ảnh hưởng xấu đến trật tự an toàn xã hội, thuần phong mỹ tục nên cần phải xử lý nghiêm minh nhằm giáo dục phòng ngừa chung cho toàn xã hội”.
Vẫn biết, câu từ cho những văn bản có tính mô phạm như cáo trạng không thể mỹ miều. Nhưng dẫu sao, vẫn xót lòng khi nghĩ về nội dung từng câu chữ ám vào cậu thanh niên mù chữ, nhà quê ấy.
Ngoài mức án này, gia đình Tốt có trách nhiệm phải đền bù tổn thất tinh thần cho Thảo số tiền là 50 triệu đồng.
50 triệu đồng, khoản tiền mà phải trải qua nhiều mùa cắt lúa mướn, cha mẹ Tốt mới có khả năng chạm được. Với điều kiện, họ không ăn, không uống, không được phép bệnh tật, chi tiêu… Một khoản tiền không tưởng đối với cái gia đình nghèo túng ấy.
Vẫn còn phiên Tòa phúc phẩm xem xét lại hành vi của Tốt. Tôi vẫn tin vào phép mầu, và ở bất cứ thời điểm nào, tôi vẫn chưa bao giờ thôi hy vọng. Tôi hy vọng, Tòa phúc thẩm sẽ xét đến những tình tiết giảm nhẹ để đưa ra mức án thấp hơn dành cho Tốt.
Tốt phạm tội là do nhận thức, là do vô tình. Nếu ai đó, đứng trước mặt Tốt bảo: “Mày làm gì Thảo, mày sẽ bị vài mươi năm tù giam”. Chắc là Tốt đã không dám buông mình theo tiếng gọi của bản năng.
Mười bốn năm tù, hai mươi mốt tuổi. Giả như mức án phiên sơ thẩm được giữ nguyên, hẳn là ngày về của Tốt còn dài lắm. Dài dằng dặc, dài đến mức giam mình trong bốn bức tường khi tóc đương xanh, đến lúc được ra tù thì đã chớm bước vào cái ngưỡng trung niên. Trung niên mù chữ, trung niên không nghề nghiệp, trung niên tứ cố vô thân, Tốt sẽ phải làm gì đế tồn tại?
Tôi cho rằng, không nên kết thúc một bi kịch bằng cách tạo ra một bi kịch khác.
Chúng ta không cho những cậu nhóc nhà quê, những anh thanh niên đồng ruộng được sống trong khoảng không mà họ đáng thuộc về. Hoặc, khoảng không an toàn dành cho nhận thức của họ.
Thì chúng ta, cũng không cần quá tàn nhẫn, đẩy họ thành nhân vật chính trong một câu chuyện buồn bã khác.
Mức án nếu cần thiết, hãy dựa trên sự cảm thông
ANTG