Chúng tôi đến thăm Khu lưu niệm cố Tổng Bí thư Lê Hồng Phong vào một ngày hè. Đón tiếp chúng tôi là một cụ già có dáng người hơi gầy nhưng nhanh nhẹn, nhiệt tình. Đó là ông Lê Văn Ngụ năm nay đã 64 tuổi, người làng Đông, xã Hưng Thông, huyện Hưng Nguyên, được giao nhiệm vụ trông coi, bảo vệ Khu lưu niệm cố Tổng Bí thư Lê Hồng Phong trong suốt 18 năm qua.
Chúng tôi thực sự xúc động khi đến thăm Khu lưu niệm cố Tổng Bí thư Lê Hồng Phong, thắp nén hương thơm tưởng nhớ về người cộng sản tài năng và kiên cường của Đảng ta và đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai - người vợ, người đồng chí thân thiết của Lê Hồng Phong.
Với sự hướng dẫn và thuyết minh nhiệt tình, dễ hiểu của ông Ngụ, chúng tôi được hiểu về thân thế và sự nghiệp của cố Tổng Bí thư Lê Hồng Phong, về Khu lưu niệm. Khu lưu niệm cố Tổng Bí thư Lê Hồng Phong chính thức xây dựng và vào hoạt động năm 1989. Toàn bộ Khu lưu niệm có diện tích 3.142 m2 gồm có hai ngôi nhà gỗ lợp tranh, Nhà lưu niệm cố Tổng Bí thư Lê Hồng Phong (được xây dựng năm 1992), nhà thờ Đức Thánh Mẫu, vườn cây,...
Từ năm 1989 đến 1994, cụ Lê Văn Duyến là người con cả của Lê Huy Soạn (anh trai của Lê Hồng Phong) được giao nhiệm vụ chăm sóc, bảo vệ Khu lưu niệm.
Đến năm 1995, cụ Duyến sức khỏe yếu nên không tiếp tục bảo vệ Khu lưu niệm, UBND huyện tìm người thay thế. Khi đó ông Lê Văn Ngụ đang làm xóm trưởng. Thấy ông có năng khiếu và là người nội tộc họ Lê (ông nội của ông Ngụ và bố của đồng chí Lê Hồng Phong là 2 anh em ruột) nên UBND huyện Hưng Nguyên đã tín nhiệm giao cho ông giữ trách nhiệm này.
Ông Lê Văn Ngụ cắt tỉa hàng mận hảo trong khu lưu niệm
Từ lúc sinh ra đến 18 tuổi, Lê Văn Ngụ biết rất ít về người bác của mình, chỉ biết nhà mình có một người bác thường được gọi là bác Doãn. Cho đến năm 1968, khi đó ông 19 tuổi, bắt đầu bước vào con đường binh nghiệp ông mới hiểu về người bác của mình. Trong những lần về phép, ông được bố của mình kể thêm những kỷ niệm về Lê Hồng Phong.
Từ đây ông đã có những nhìn nhận với niềm tự hào vì có một người bác chí khí kiên cường đã để lại lời nói bất tử: “Cho đến hơi thở cuối cùng, Lê Hồng Phong vẫn tin tưởng ở thắng lợi vẻ vang của cách mạng”.
Những câu chuyện về bác Doãn đã theo người lính trẻ trong suốt 17 năm (1968 - 1983) làm nhiệm vụ ở Cục 100 chuyên gia giúp nước bạn Lào, giúp ông có thêm niềm tin vào sự nghiệp cách mạng.
Với ông Ngụ, được giao nhiệm vụ chăm sóc, bảo vệ khu lưu niệm là một trách nhiệm và vinh dự lớn. Khu lưu niệm chỉ có một người nên ông làm tất cả mọi việc. Từ việc bảo vệ, hương hỏa những ngày sóc, vọng, xuân thu nhị kỷ, làm người làm vườn, chăm sóc, quét dọn, ghi chép và kiêm luôn một vai trò đặc biệt - làm người “hướng dẫn viên”, “thuyết minh” về Khu lưu niệm.
Trong những năm đầu, ông gặp không ít khó khăn trong vai trò người “hướng dẫn viên” vì vốn hiểu biết về cố Tổng Bí thư mà ông tích lũy vẫn còn có hạn. Số đoàn và khách tham quan hành hương về Khu lưu niệm ngày càng đông với nhiều tầng lớp khác nhau từ trong nước và nước ngoài.
Từ cán bộ lãnh đạo cao cấp của Đảng và Nhà nước đến các cán bộ lão thành, các nhà khoa học, các nhà văn, đoàn làm phim, các sinh viên - học sinh, thanh thiếu niên… Những người đến đây đều có mong muốn được hiểu biết nhiều hơn về thân thế và sự nghiệp của cố Tổng Bí thư Lê Hồng Phong.
Chính điều đó đã thôi thúc ông không ngừng phấn đấu, cố gắng để đáp ứng được yêu cầu của khách đến thăm Khu lưu niệm. Ông có cuốn sách được giữ gìn rất cẩn thận, ghi chép tỉ mỉ những cuộc viếng thăm của các đoàn khách trong suốt 18 năm qua.
Trong suốt 18 năm làm việc ở đây, ông luôn trăn trở tìm phương pháp thuyết minh xúc động, dễ hiểu nhất cho du khách về thân thế, sự nghiệp của đồng chí Lê Hồng Phong, gắn với dòng họ Lê tộc và truyền thống quê hương Xô viết Anh hùng. Theo ông, để du khách hiểu hơn về cố Tổng Bí thư Lê Hồng Phong gắn với truyền thống quê hương cách mạng thì tùy từng đối tượng cụ thể để có bài thuyết minh riêng cho phù hợp.
Cho đến nay, Khu lưu niệm cố Tổng Bí thư Lê Hồng Phong đã đón tiếp nhiều cán bộ lãnh đạo cao cấp của Đảng và Nhà nước và hàng nghìn khách tham quan ở trong và ngoài nước.
Nhằm tôn vinh thân thế sự nghiệp cách mạng của cố Tổng Bí thư Lê Hồng Phong, giáo dục truyền thống cách mạng cho các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là thế hệ trẻ; đồng thời góp phần tạo nên cơ sở hạ tầng phát triển kinh tế - xã hội trên quê hương Xô viết Anh hùng. Ngày 4/9/2010, UBND huyện Hưng Nguyên chính thức tổ chức lễ khởi công Dự án xây dựng quần thể Khu di tích cố Tổng Bí thư Lê Hồng Phong với 6 nhóm hạng mục chính trên tổng diện tích hơn 3,2 ha tại xã Hưng Thông, huyện Hưng Nguyên với tổng giá trị đầu tư 250 tỷ đồng.
Huyện Hưng Nguyên và các nhà thầu phấn đấu hoàn thành cơ bản các hạng mục công trình của dự án vào quý II/2012 để chào mừng kỷ niệm 110 năm ngày sinh Tổng Bí thư Lê Hồng Phong. Đây là sự ghi nhận xứng đáng của toàn Đảng, toàn dân đối với công lao đóng góp to lớn của đồng chí Lê Hồng Phong đối với sự nghiệp của Đảng, sự nghiệp giải phóng dân tộc.
Mặc dù chỉ nhận tiền phụ cấp hàng tháng là 150.000 đồng, còn phải lo công việc nhà nông, nhưng ông Lê Văn Ngụ luôn làm việc rất cần mẫn. Điều ông Ngụ tự hào, vinh dự nhất trong 18 năm làm việc ở Khu lưu niệm Tổng Bí thư Lê Hồng Phong là được mở cửa đón tiếp các cán bộ lãnh đạo cao cấp của Đảng và Nhà nước, đồng bào trong nước và kiều bào đến thăm Khu lưu niệm; được tôn vinh công lao của cha ông mình; được hướng dẫn, thuyết minh qua đó được du khách khích lệ và động viên, ông luôn cố gắng làm tốt vai trò “người hướng dẫn viên đặc biệt”; được giao lưu, mở mang kiến thức; được góp phần giáo dục thế hệ trẻ về truyền thống cách mạng của cha anh.
Tâm sự về mong muốn lớn nhất của mình, ông Lê Văn Ngụ chia sẻ: Quần thể Khu di tích cố Tổng Bí thư Lê Hồng Phong hoàn thành sẽ thực sự là điểm đến, là nơi giáo dục truyền thống yêu nước và cách mạng cho thế hệ trẻ hôm nay và muôn đời sau, là một điểm hành hương quan trọng về nguồn của du khách muôn phương.
Vân Đình
Văn Đình
.