Warning: include(/export/home2/WebData/baocongannghean//gia-dinh-xa-hoi/201207/21791-loan-tam-thu-trong-thu-khong-co-tam-396128/index.txt): failed to open stream: No such file or directory in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72

Warning: include(): Failed opening '/export/home2/WebData/baocongannghean//gia-dinh-xa-hoi/201207/21791-loan-tam-thu-trong-thu-khong-co-tam-396128/index.txt' for inclusion (include_path='.:/usr/local/php/lib/php') in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72
Loạn 'tâm thư': Trong thư không có tâm - Báo Công An Nghệ An điện tử
Thứ Sáu, 20/07/2012, 08:30 [GMT+7]
21791

Loạn 'tâm thư': Trong thư không có tâm

Giai nhân yêu, quân tử yêu… thề non hẹn biển, cứ tưởng trăm năm là hiện hữu, nghìn năm tình còn vương. Ngờ đâu, chớp mắt chỉ là mộng tưởng. Hận một nỗi sầu bi, hát một lời thống khổ. Đưa tay trích huyết, viết cho nhau một câu thơ, nhắn với nhau vài dòng chữ nghĩa. Gọi, lấy huyết thư để nhắc ân tình. Lấy huyết thư để lưu hoài niệm. Chuyện xưa là vậy, chuyện nay đã khác…

Tự dưng đang yên đang lành, trên phố người vẫn đi, trên trời mây vẫn bay, ngoài hiên gió vẫn lay cây, trên cao trăng vẫn xanh mướt, lựu vẫn thắm hè…

Đột nhiên, có gã dở người, có cô hoang tưởng nào đó.

Hai tay nắm tóc, hai chân lấm lem, khuôn mặt hốt hoảng, tâm thần bất định, áo quần nhàu nhĩ… Vừa chạy xồng xộc ngoài đường như hươu gặp phường săn, như voi gặp đá lở…

Vừa chạy vừa gào lên thống thiết: “Tâm thư đây, tâm thư đây!”

Thiên hạ hoảng loạn, ngạc nhiên ngơ ngác, gắt: “Ê, bệnh hoạn. Tâm thư là cái quái gì?”.

1. Anh chàng nam nữ không thể phân định, quê ở phía Bắc, thân một mình băng băng nghìn dặm đường vào phương Nam lập nghiệp.

Chàng lập nghiệp bằng nghề ca sĩ.

Ban đầu, chàng về dưới trướng của một bầu show lừng danh. Về sau, nghe đồn đoán, chàng trai của bầu show ghen với chàng, nên bầu show đành bỏ rơi chàng để vui vầy với cố nhân.

Đau lòng, chàng quay ngược về chốn cũ.

Ở phương ấy một thời gian, không biết làm gì, chẳng biết hát chi, chàng lại khệ nệ tay xách nách mang, lưng cõng vai đeo hành phương Nam lần thứ hai.

Lần này, trời không phụ lòng chàng, người đã chiều lòng chàng… Chàng trở thành ca sĩ có tên tuổi xíu xíu.

Ngày hôm trước nổi tiếng, ngày hôm sau chàng vướng phải chuyện tố cáo của một gã biến thái đóng mác Việt kiều.

Thôi thì tình tiền là chuyện nghìn năm còn mãi, không bàn nữa. Chỉ bàn chi tiết, Việt kiều tố cáo chàng là phường lăng loàn, đa dâm, lang chạ… Đại khái, không phải là cái giống người bất nam bất nữ.

Chàng vừa ân ái với Việt kiều, vừa nhắn tin hẹn hò với người đàn ông đã có vợ.

Chung quy cũng chỉ vì một chữ tiền. Là tiền, nhé. Tuyệt nhiên không phải là tình.

Lý Mạc Sầu hát bi thương: “Hỏi thế gian tình là chi, mà khiến ta một đời bi lụy”.

Chàng nghêu ngao cuồng loạn: “Hỏi thế gian tiền là chi, mà khiến ta một đời thủ đoạn”.

Việt kiều tót về Mỹ, bỏ rơi chàng.

Người đàn ông có gia đình, vì chàng hay vì ai khác, kết thúc chuỗi ngày hiện hữu trên cõi đời.

Người ta hồ nghi, sự mất mát của gia đình người đàn ông ấy có căn nguyên là do chàng.

Chàng hận, chàng giận, chàng uất ức, chàng không thể mồm năm miệng mười, thả virus vào mạng Internet, khắc tên xăm chữ lên ngực… Chàng đành viết thư.

Thư rằng: “Trên đời có nhiều người tốt, người xấu, người ngu, người khôn, người giàu, người nghèo, người đồng tính, người không đồng tính…

Tại hạ tự Mỗ, hành nghề ca sĩ… Tình không nhiều, nhưng tiền không thiếu. Mắc mớ gì tại hạ phải làm cái chuyện ảnh hưởng đến luân thường đạo lý ấy.

Kính cáo với tất cả, không lẽ tất cả muốn tại hạ chết, tất cả mới vừa lòng”.

Thư vừa ráo mực, lời vừa gởi đi, có lời vọng lại: “Ừ, chết đi…”.

Chàng giả bộ không nghe, oán hờn len lén lau nước mắt.

2. Nàng mới thi tốt nghiệp bậc phổ thông trung học. Gia đình nàng có nhiều người nổi tiếng, nàng cũng muốn nổi tiếng. Đau là, nàng không được như chàng, nàng bất tài. Bù lại, nàng có tướng.

Ở nước mình hiện tại, chỉ cần có tướng, không cần có tài; có tâm, có tình, có tiền, có tù, có tội, có tôi, có tớ, có tao, có ta, có tây, có tàu… gì gì cũng không cần. Vẫn có thể nổi tiếng như thường.

Nàng vận áo mà như không vận áo, chỗ cần che nàng đã không che. Nàng thấm nhuần nguyên tắc “càng hở càng dễ thở mặc cho đời nức nở”.

Sau khi đã nổi tiếng, nàng quyết định đi uống rượu.

Đời mà không có rượu, còn gì là đời.

Rượu say mà không có mỹ nhân, còn gì là rượu.

Mỹ nhân không rượu, đủ khiến ta say.

Huống chi mỹ nhân nốc rượu, ắt khiến ta túy lúy.

Say, ta ca bài “Hồ trường, hồ trường… ta biết rót về đâu chứ”.

Mỹ nhân say, hát bài “Con kia, con kia… Không đánh mày, tao thề không là người”.

Nàng có là mỹ nhân hay không, với ai thì tôi không biết, nhưng với tôi thì không phải.

Nàng có là người đẹp hay không, với tôi thì không phải, còn với ai thì tôi không biết.

Nhưng, mặc kệ đi, cứ xem nàng là mỹ nhân, cứ coi nàng như người đẹp.

Đời giả bộ nhầm lẫn một lần, cũng không ảnh hưởng đến nhân cách, nhân phẩm, nhân tình… của ai.

Nàng sau khi đánh người, khí huyết còn sung mãn, nội lực còn thâm hậu, đan điền còn nóng ran… Bèn quyết tâm về tháo quần tháo áo, quấn mảnh vải quanh người, xoạc chân dang tay chụp ảnh… giống như lúc còn nhong nhong tắm mưa để cho… cái loại thiên hạ biết mặt.

Cậu hay không cậu nào đó rảnh, lại theo nghề viết báo, tẩn nàng một bài có nội dung uất hận như anh hùng sa cơ, hổ xuống đồng bằng…

Vỗ tay thì thành tiếng, mắng mỏ thì đáp từ.

Buông ngón tay thon, nàng viết:

“A, cuộc đời… Một lũ rảnh rỗi, không biết uống rượu, không mê nữ sắc, không thích chơi bài, không ham hưởng thụ… Không thích đá bóng, không thích cầu lông, không ham bơi lội, không nhảy lò cò, không tập tành đồ hàng, banh đũa…

Người ta muốn làm gì thì kệ người ta, liên quan gì mà bảo người ta này kia kia nọ…

Hận ấy kiếp này không trả, thì kiếp sau nguyện làm con muỗi, con ruồi, con côn trùng gây hại để cắn, để đốt, để chích… trả cho kỳ hết nỗi oán hận này”.

3. Còn một vài đoạn viết của những nàng, những chàng khác. Nhưng thôi, lấy hai nhân vật đặc trưng để đặc tả sự tào lao đủ khiến bạn đọc cảm thấy… mệt mỏi.

Mà tính tôi lành như ban mai ngày nắng, không muốn ai phải phiền lòng. Nên chuyện trích dẫn chỉ dừng lại ở đây.

Hàng vạn bạn đọc, có thể trả lời giúp tôi câu hỏi, trong những đoạn mà nàng đã viết, chàng đã viết: “Đâu là tâm, đâu là thư, hay không?”.

Đã không có tâm, đã không có thư… mà vẫn gọi là tâm thư.

Đoan chắc, người gọi ấy phải bị… tâm thần.

Ít ra, thì chuyện vớ vẩn đừng khoác lớp áo hào nhoáng, trọc phú đừng cố tỏ ra trượng nghĩa.

Cái mình không có vẫn cố nhận vào, dễ sinh ra kệch cỡm.        

Cái mình thấy không đúng mà vẫn thắng cố gọi tên, dễ bị mắng “Dốt mà hay nói chữ”.

Là tiền nhân dạy thế, chứ tôi hoàn toàn không có ý định mắng ai.

Trân trọng cảm ơn độc giả vì đã nhẫn nại đọc đến dòng cuối cùng này


ANTG
.