Warning: include(/export/home2/WebData/baocongannghean//gia-dinh-xa-hoi/201205/20539-ban-an-doi-nguoi-397081/index.txt): failed to open stream: No such file or directory in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72

Warning: include(): Failed opening '/export/home2/WebData/baocongannghean//gia-dinh-xa-hoi/201205/20539-ban-an-doi-nguoi-397081/index.txt' for inclusion (include_path='.:/usr/local/php/lib/php') in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72
Bản án đời người - Báo Công An Nghệ An điện tử
Thứ Tư, 30/05/2012, 09:00 [GMT+7]
20539

Bản án đời người

Người đàn ông ấy ra Tòa với khuôn mặt u uất. Có ai ra Tòa mà khuôn mặt lại không u uất bao giờ. 52 tuổi, ông nhận mức án chung thân cho hai tội danh “Giết người” và “Hủy hoại tài sản”. Đau lòng là nạn nhân thiệt mạng trong vụ án ấy lại chính là cô con gái đầu lòng của ông... Đại diện cho người bị hại, là vợ của ông. Ông nói, ông không còn nhân tính nữa, ông cũng không có lời biện hộ nào cho hành vi của chính mình. Ông không khóc ở Tòa, chỉ có đôi mắt là đỏ hoe. Ông tên là Huỳnh Thuật.

1. Học hết lớp 9 thì Huỳnh Thuật thôi học, ở nhà cùng cha mẹ. Lớn hơn xíu, ông đi làm công nhân. Những năm đầu của thập niên 80, ông lấy vợ. Vợ ông là người phụ nữ nhỏ hơn ông một tuổi.

Lấy vợ rồi, Huỳnh Thuật chỉ ở nhà, phụ việc lặt vặt. Lấy nhau được ít lâu, cô con gái đầu lòng của vợ chồng ông chào đời. Vài năm sau, là đến lượt cô con gái thứ hai. Gã đàn ông nào ở nhà phụ việc lặt vặt mà không sinh ra cái tính hay cáu gắt. Để thoát khỏi cái tâm trạng chán ngán ấy, Huỳnh Thuật đăng ký đi học lái xe. Trước đó, cậu con trai út của vợ chồng ông đã hiện hữu.

Tôi không biết trước khi bám mặt vào con đường, rịt tay trên vô lăng để kiếm tiền mưu sinh ấy, tính tình Huỳnh Thuật như thế nào. Chỉ nghe thấy, ông thường xuyên uống rượu và mắng chửi vợ con. Có khi là hành hung họ.

Chịu đời không thấu, vợ ông đề nghị ly thân và ông chấp nhận. Thi thoảng, ông vẫn về lại căn nhà tại quận Gò Vấp, TP HCM  nơi vợ và 3 người con của ông đang ở đó. Ly thân rồi, công việc của Huỳnh Thuật gặp trở ngại.

Ông nói ở Tòa, phải ly thân với người vợ đầu ấp tay gối mấy mươi năm trời, lại lâm vào cảnh thất nghiệp, nên tinh thần của ông thường xuyên bị ức chế. Ông muốn một tay lo cho cậu con trai út, vì với ông, đó là người thừa tự.

Ông muốn cậu con trai út về ở với ông, để ông đưa đón cậu đi học mỗi ngày. Nhưng vợ và hai cô con gái của ông không chịu. Phản ứng nhiều nhất chính là cô con gái đầu lòng. Cô bảo, liệu cha có đủ tiền để lo lắng cho em không. Trong lúc, em cần phải có tiền để ăn học nên người.

Ông biết, con gái mình nói đúng. Nội việc đủ sức chăm lo cho đời sống của ông đã khốn khó, thì có khi cậu út sẽ là gánh nặng mà không bao giờ ông có thể trút bỏ được. Thế nhưng, hiểu là một chuyện, biết là một chuyện, sự thật hiển nhiên là một chuyện, còn chấp nhận hay không lại là một chuyện khác.

Giữa ông và cô con gái lớn, mâu thuẫn khoét sâu thêm từ đây. Bởi trước đó, con gái ông nhiều lần nói bóng gió, rằng ông ngoại tình. Có lần, ông còn đòi đánh con gái mình. Tuy nhiên, người nhà đã kịp can ngăn. Ông hậm hực bỏ đi, để lại cái hẹn như là một điềm gở.

Huỳnh Thuật tại phiên tòa.

2. Cái chiều định mệnh ấy, ông say. Cơn say như thói quen thường nhật. Ông trở về lại căn nhà xưa, chạy thẳng xe gắn máy vào nhà trong, tắt máy, dựng xe trước phòng con gái.

Khi biết chắc con gái đang có mặt trong phòng, ông cất tiếng: “Cha cần nói chuyện đúng sai với mày ngay lập tức”. Không có câu trả lời dành cho yêu cầu đó của ông. Trạng thái chếnh choáng hơi men càng khiến cơn giận của ông lên đến đỉnh điểm, cha yêu cầu lần cuối: “Nếu mày không ra nói chuyện với cha. Cha sẽ châm lửa đốt xe, đốt mày, đốt luôn cả căn nhà này”… Vẫn không có tiếng trả lời.

Huỳnh Thuật mở yên xe gắn máy, tháo nắp bình xăng rồi lững thững tiến về phía bàn thờ, rút ra một cây nhang.

Nhúng ngập cây nhang vào bình xăng, rút lên và châm lửa đốt. Khi cây nhang bén lửa cháy phừng phực, Huỳnh Thuật buông cả cây nhang vào bình xăng xe… Chỉ cần có vậy, ngọn lửa bùng lên ngay tắp tự.

Khói lửa ngập nhà. Chiếc xe gắn máy chắn ngay cửa phòng, nên cô con gái đầu lòng hoàn toàn không có cơ hội trong việc tìm kiếm lối thoát. Cô gọi điện thoại cầu cứu mẹ mình, tức là vợ của Huỳnh Thuật, cô nói trong tuyệt vọng: “Mẹ ơi, cha đốt nhà, đốt con. Mẹ về ngay để cứu con, mẹ ơi!”.

Thời điểm cô kêu cứu mẹ, là lúc bà đang bán hàng mãi ở quận 12. Từ quận 12 sang quận Gò Vấp là một quãng đường dài. Chắc không cần phải giải thích, bạn đọc vẫn có thể cảm nhận được tâm trạng của người phụ nữ không may ấy trong suốt đoạn đường từ quận 12 trở về nhà để giải cứu cho con gái.

Huỳnh Thuật, nhìn ngọn lửa bùng lên, lắng nghe tiếng kêu cứu của con gái. Huỳnh Thuật cứ lắng nghe, cho đến khi trong căn phòng ấy không phát ra bất cứ âm thanh gì.

Nỗi sợ hãi đã làm cho Huỳnh Thuật sực tỉnh. Ông vội vã vơ lấy chai thuốc trừ sâu, chạy ra sân, ngửa cổ tu cạn. Thuốc chưa ngấm, Huỳnh Thuật lại chạy vào nhà, kéo cầu dao điện, chạy xuống bếp khóa bình gas…

Vừa về đến nhà, thấy cảnh khói lửa, vợ Huỳnh Thuật nói như hét vào mặt: “Mày nghĩ sao mà giết con gái tao hả, Thuật ơi”… Huỳnh Thuật cản vợ lại, giọng lạnh tanh: “Mày vào đó, để hai mẹ con mày cùng chết à”. Nói đến đó, Huỳnh Thuật không còn nhận thức được gì nữa, thuốc trừ sâu ngấm khiến Huỳnh Thuật đổ gục xuống nền nhà.  May là cơ quan chức năng đã đến kịp thời để dập tắt đám lửa.

Theo giám định thì vụ hỏa hoạn ấy gây thiệt hại về vật chất hơn 115 triệu đồng. Nhưng, điều đó có ý nghĩa gì khi mà cô con gái đầu lòng của Huỳnh Thuật đã tử vong, dẫu cho cơ quan chức năng đã nhanh chóng phá cửa để đưa cô đi cấp cứu.

Huỳnh Thuật bị bắt giam ngay sau đó. Thuốc trừ sâu không đủ liều lượng để giúp Huỳnh Thuật thoát khỏi bản án dành cho hành vi của mình. Huỳnh Thuật bị tạm giam tại trại giam Chí Hòa, chờ ngày ra Tòa.

Tháng 4/2012, Huỳnh Thuật mặc áo sơ mi trắng cũ úa màu, tóc râu đều đã bạc, khuôn mặt hằn lên nét khắc khổ của người bị suy nhược thần kinh đứng trước vành móng ngựa…

Vợ ông ngồi khép mình trên băng ghế dành cho đại diện người bị hại. Bà thưa với chủ tọa phiên Tòa, bà không yêu cầu Huỳnh Thuật bồi thường gì cả. Nỗi đau với bà đã quá đủ, bà chỉ xin Tòa giảm án cho Huỳnh Thuật.

Bà cũng kể thêm, thời gian Huỳnh Thuật bị tạm giam, bà có đưa con vào thăm ông. Lần nào gặp nhau, ông cũng im lặng, ngồi cúi gằm mặt như hối lỗi. Bà nhìn ông mà lòng xót xa…

Những ngày ông trong trại, bà cũng đã chuyển đến ông lá đơn xin ly hôn. Không còn ly thân nữa, là đã ly hôn rồi. Mỗi người một ngả, không còn tình, nhưng còn nghĩa. Phải còn nghĩa, thì ông mới có thể đến nơi mà bà đang cùng các con sinh sống sau khi ly thân. Phải còn nghĩa thì bà mới vào trại thăm ông. Phải còn nghĩa thì bà mới xin Tòa giảm án cho ông.

Và phải còn nghĩa sâu đậm lắm, thì bà mới đưa cho ông lá đơn xin ly hôn. Vì bà muốn, ông cảm thấy đỡ dằn vặt hơn sau biến cố ấy. Bà hy vọng, ông nghĩ rằng bà và ông đã là người xa lạ, mà lỗi lầm với người xa lạ thì người ta dễ nguôi ngoai hơn.

Tôi không biết vì sao bà và ông ly thân. Nhưng tôi nghĩ, có khi cô con gái đầu lòng vắn số của ông bà đã nói đúng về nguyên nhân của sự tan vỡ.

Án chung thân, là mức án không hẹn ngày về, một mức án dài dằng dặc. Mức án ấy có làm Huỳnh Thuật đau không, chắc là có dẫu không nhiều. Bởi bản án mà lương tâm, bản án mà kỷ niệm về tình phụ tử sẽ khiến Huỳnh Thuật lâm vào cơn suy nhược nghiêm trọng hơn nữa.

Có những lỗi lầm, không thể nào sửa chữa được. Đặc biệt là lỗi lầm phải trả giá bằng chính cuộc đời của mình lẫn người thân.

3. Những vụ việc liên quan đến huyết thống, bao giờ cũng khiến người khác lòng đau. Ít lâu trước, thi thoảng mới xảy ra một vụ án liên quan đến huyết thống, dư luận còn có thời gian mà giật mình. Còn hiện tại, không hiểu sao người ta lại có thể gây án đối với người thân của mình nhiều đến thế.

Cuối tháng 3 vừa rồi, Sài Gòn nắng như đổ lửa, tôi có xuống Cơ quan Công an quận Thủ Đức để tiếp cận với vụ con giết mẹ.

Nguyên nhân của vụ việc đơn giản thôi, con đi uống rượu với bạn bè. Kết thúc bữa rượu, đón taxi về nhà mẹ ruột trong tình cảnh túi rỗng không. Vào nhà xin tiền mẹ để trả tiền taxi, bị mẹ cằn nhằn, con đã xô mẹ té ngã, rồi lao vào dùng tay bóp cổ. Sau đó, dùng dao hạ sát mẹ ruột của mình.

Mẹ 73 tuổi, hoàn toàn không có khả năng chống cự trước cơn giận đến mức cuồng nộ của đứa con trai tuổi đã ngoài 40.

Lúc mới lên 1 tuổi, con bà bị sốt. Cơn sốt đã khiến tính tình con bà trở nên khác biệt. Phải chạy chữa khắp nơi, phải chôn hết cuộc sống của mình vào con, thì con bà mới có thể không quá thua sút người khác. Dẫu vậy, biến chứng của căn bệnh khiến con bà không thể đến trường.

Biết con thua thiệt, bao nhiêu tình thương bà dành hết cho con. Trưởng thành, con bà xuôi về miệt Bình Thuận, mưu sinh bằng nghề đóng gạch. Lý ra, con bà đã có cuộc sống đủ tiếng cười khi lấy vợ và có được cậu nhóc đầu lòng.

Nhưng không hiểu sao, con bà lại chọn hướng đi khác. Bỏ mặc vợ con, con bà lao vào những cuộc rượu triền miên. Con dâu bà không chịu nổi cảnh chồng say khướt từ sáng cho đến khuya, nên đã bỏ đi.

Thương con, mà cũng nghĩ là con bị ảnh hưởng bởi di chứng của căn bệnh ngày xưa, nên bà bàn với các người con khác, đưa gã về Sài Gòn cho ở cạnh bà để mẹ con sớm tối có nhau.

Vậy mà, mới về Sài Gòn được ít lâu, con bà đã tước đi mạng sống của bà.

Tôi giả định là ở dưới suối vàng, bà có tha thứ cho hành vi của con mình không? Hay người con gái đầu lòng của Huỳnh Thuật đã bỏ qua cho cha ruột của mình không?

Tôi nghĩ là có… Bởi không ai có thể giận ruột rà của mình mãi mãi.

Chỉ tiếc là, sự tha thứ nếu có cũng đã không cứu vãn được nỗi buồn


ANTG
.