Nhận được tin ở xóm 7 xã Tăng Thành, Yên Thành, Nghệ An có người treo cổ tự tử nhưng không thành, chúng tôi liền tìm về để xem chuyện thực hư. Đó là bà Phan Thị Hoan, bà đã định tự tước đi mạng sống của mình trong khi cùng quẫn vì vật lộn với gia đình 5 người nhưng có tới 4 người bị điên.
Tai họa nối tiếp tai họa
Chúng tôi có mặt tại nhà ông Thái Hữu Hiển, bí thư xóm 6 xã Tăng Thành, huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An lúc 11h30 trưa, lúc ấy ông đang lội dưới ao vớt bèo lên cho lợn. Khi chúng tôi giới thiệu và trình bày lý do, ông vội vã lên bờ và sẵn sàng dẫn đường. Ngồi sau xe máy, tôi được ông kể nhiều chuyện về gia đình chị Phan Thị Hoan, một gia đình có hoàn cảnh đặc biệt: Gia đình 5 thành viên nhưng lại có 3 người bị tâm thần.
Trước mắt chúng tôi là ngôi nhà trông như bỏ hoang lâu năm, ngang cổng một cây tre chắn đường. Lối vào cỏ dại mọc đầy. Không ai có thể ngờ rằng ngôi nhà này lại có người ở. Dạo quanh một vòng không thấy có ai, cũng chẳng có lợn gà trâu bò gì cả. Ông Hiển gọi người nhà nhiều lần thì nghe trong nhà có tiếng người rên gừ gừ và tiếng nghiến răng ken két. Mở cửa sổ nhìn vào, chúng tôi thấy một người đàn ông ước khoảng 50 tuổi bị xích ở góc nhà, khuôn mặt đầy góc cạnh, thân hình gầy gò, hai tay bó gối, đôi mắt vô hồn. Đấy là ông Thái Hữu Kiệm, chủ nhân “ngôi nhà hoang”.
Anh Thái Hữu Kiệm phải xích và tất cả sinh hoạt ở một chỗ
Được biết, ông Thái Hữu Kiệm con ông Thái Hữu Diệm, thương binh thời chống Pháp. Ông Kiệm bị bệnh tâm thần từ năm 2005, từ ngày bị bệnh, ông thường bỏ nhà đi lang thang mấy ngày liền mới về. Mấy năm sau, hai thằng con trai của ông cũng mắc những triệu chứng tương tự. Họ hoàn toàn mất hết khả năng lao động. Những người trong gia đình này như sống trong một thế giới xa lạ. Ông Kiệm ăn một chỗ, ngủ một chỗ, vệ sinh một chỗ.
Mở cửa bước vào trong, một không khí nồng nặc mùi xú uế bốc lên. Thường ngày, bà Phan Thị Hoan, vợ ông Kiệm vẫn dọn dẹp sạch sẽ. Nhưng giờ này bà đang đi tìm thằng Trì, thằng con trai út của bà đã bỏ nhà đi mấy ngày chưa về. Bà Hoan xích ông Kiệm ở một góc nhà ngay dưới đất. Phía trên là những đống quần áo ngổn ngang, cuối góc là chiếc xô to tướng để sẵn cho ông Kiệm đi vệ sinh. Tuy nhiên, ông hoàn toàn mất hết ý thức đi vệ sinh nêu phóng uế ngay trong quần và khắp nhà. Chúng tôi hỏi gì cũng không nói, chỉ trương mắt, bặm môi nhìn chằm chằm như muốn ăn tươi nuốt sống mọi người.
Nghe tin có phóng viên, nhà báo đến, bà Hoan ở đâu hớt hải chạy về, trên tay còn mang theo chiếc xích lớn. Gặp chúng tôi, chưa kịp nói câu gì bà đã khóc tức tưởi. Sự tủi thân của người đàn bà nghèo khổ làm cho chúng tôi không cầm được nước mắt, bà kể trong tiếng nấc nghẹn ngào:
“Bữa tê (bữa kia), thằng Trì không biết ở mô (ở đâu) về, hùng hổ nhảy vào bóp cổ tôi khi tôi đang thay áo quần cho ông Kiệm (chồng bà Phan Thị Hoan). Đôi mắt nó trợn ngược, hai hàm răng nghiến chặt. Tôi chỉ kêu lên được mấy tiếng rồi không biết gì nữa. Khi tỉnh lại mới biết bà con lối xóm và mấy người trong hội phụ nữ xóm đã cứu tôi. Sao số tôi khổ thế này, sao ông trời không để tôi chết quách đi…
“Hôm qua tôi đã treo cổ chết nhưng mà trời vẫn không cho tôi chết, không biết ông trời còn hành tôi đến khi mô (khi nào) nữa…”. Đôi vai gầy của người đàn bà bé nhỏ rung lên từng hồi đầy xót xa cho số kiếp của mình.
Bà Hoan đã tự tử nhưng không thành
Tìm đến nhà anh Nguyễn Văn Kiên, trưởng xóm, được nghe anh Kiên kể nhiều chuyện đau lòng về gia đình bà Hoan, về những chuyện mà anh và mọi người trong thôn xóm chứng kiến: Gia đình ông Kiệm là gia đình có truyền thống cách mạng, bản thân ông Kiệm trước đây là một người có tiếng mạnh dạn làm ăn, ông đã từng là tay buôn gỗ nổi tiếng khắp vùng, gia đình khá giả, có đồng ra đồng vào.
Không hiểu vì sao từ năm 2005 ông bị bệnh tâm thần, lúc đầu còn bỏ đi lang thang, sau đó đập phá trong nhà. Vài năm sau, anh Thái Hữu Kiên, con trai đầu của ông cũng mắc chứng bệnh tương tự. Khi không còn gì trong nhà để đập phá, Kiên nhảy xuống giếng tự tử vẫn nhưng thoát chết, từ đó Kiên bỏ đi mất tích đến nay vẫn không có tin tức gì.
Ba năm trở lại đây lại đến lượt thằng Trì, con trai út của ông bà bà Hoan. Sau khi học xong lớp 12, Trì không thi vào trường đại học nào mà quyết định đi làm ăn ở miền Nam để kiếm tiền nuôi mẹ và chữa bệnh cho cha. Một năm sau trở về, chẳng những không kiếm được tiền mà lại phát bệnh tâm thần. Bệnh của Trì nặng hơn nhiều lần so với mọi người trong nhà. Trì gây sự với tất cả mọi người trong nhà và với láng giềng. Gặp người là đánh, không kể người già hay trẻ con. Mỗi khi gây gổ với ai đó, nó lại bỏ đi mấy ngày mới về, gia đình và làng xóm lại đổ xô đi tìm.
Ngôi nhà lạnh lẽo như nhà hoang
Với Trì, bà Hoan phải xích cả hai chân, vậy nhưng Trì vẫn tìm mọi cách phá xích gây họa. Mỗi lần Trì bỏ đi vài ngày, nó lại vào quán ăn uống, đập phá. Nó gọi tất cả những món trong quán bày lên một bàn thịnh soạn rồi chỉ ăn vài miếng qua loa và bỏ đi. Khi chủ quán phát hiện ra sợi dây xích ở chân thì mới ngớ người ra là “thằng điên”. Nhiều chủ quán tìm đến nhà hỏi nợ nhưng thấy gia cảnh thảm thương quá lại thôi. Mỗi lần như vậy, bà Hoan lại không cầm được nước mắt. Bà khóc cho chồng, khóc cho con và khóc cho cả kiếp người lận đận của bà.
Khốn khổ một kiếp người
Bà Hoan còn một người con gái út. Tốt nghiệp 12 năm 2011, chị vào tận Bình Dương làm ăn, kiếm tiền gửi về cho mẹ thuốc thang cho bố và anh, cũng là cơ hội tìm người anh mất tích của mình. Cũng từ đó, bà Hoan một mình đối mặt với những người tâm thần trong gia đình. Mỗi ngày, đôi vai của người mẹ khốn khổ này lại oằn xuống như chở nặng cả những kiếp người bệnh tật. Manh áo sờn vai, dáng người tiều tụy, những nếp nhăn trên khuôn mặt bà mang nặng nỗi khổ đau.
Thường ngày, người phụ nữ ngoài 50 tuổi này vẫn đòn gánh trên vai, bước cao bước thấp trên khắp những ngõ hẻm xóm làng để thu mua phế liệu những mong kiếm được dăm mươi nghìn bạc thuốc thang cho chồng con và để sống qua ngày. Một mình bươn chải kiếm sống. Một đời luẩn quẩn khổ đau. Trên khuôn mặt lưỡi cày xanh xám của bà u uẩn những nỗi buồn đau và tủi hờn thân phận.
Một tay cầm sợi xích, một tay quệt ngang những dòng nước mắt, bà Hoan mếu máo kể: “Khổ lắm các chú à, biết rằng xích chồng con thế này thì ác lắm, nhưng biết làm răng được. Xổng ra là đánh người, đập phá. Bữa trước trong nhà không còn gì để phá, nó lôi cha nó ra ngoài mương trước nhà nhận (dìm) xuống cho chết, cha nó cứ nhe răng ra cười..”
Sổ khám chữa bệnh của cha con ông Kiệm trông như những 'sổ đỏ' của đời người
Khi chúng tôi đang trò chuyện với bà Hoan thì bà con lối xóm cũng đến. Mọi người thi nhau kể chuyện gia đình bà. Chị Phan Thị Thu, hội trưởng hội phụ nữ xóm kể: Có những lần, bà Hoan phải vào viện nuôi 3 cha con bị tâm thần, vì không có tiền, bà Hoan phải làm cái khế vay được 6 triệu, đến giờ đã gần 5 năm rồi mà không trả được nợ, mà lấy tiền đâu mà trả, ăn không đủ, lại còn tiền thuốc men nữa, lấy đâu mà trả chứ.
Chị Hạnh, một người hàng xóm ngậm ngùi: “Dân làng ai cũng chạy ăn từng bữa, chẳng giúp gì được. Một mình bà Hoan phải chật vật bươn chải, lo toan, các chú có cách gì thì giúp họ với, cơ cực lắm rồi”.
Trong ngôi nhà tồi tàn, rách nát ấy chỉ còn những tiếng khóc tỉ tê, ai oán. Cùng quẫn, bà Hoan tìm cách thắt cổ tự tử nhưng “trời không cho chết” (lời bà Hoan). Thế nhưng, giờ đây, bà đang chết vì mỏi mòn, đau xót… Ở đời, khổ nhất khi người ta sinh ra là người mà không được sống cho ra người. Đời người đàn bà lận đận ấy đôi khi không có nổi một phút rảnh rỗi để ngẫm lại cuộc đời huống chi là sống cho ra sống. Chỉ có những giọt nước mắt rơi lã chã gánh nặng cả những ưu tư phiền muộn.
Chưa hết, cuối năm ngoái (2011), vào dịp giáp tết, bà Hoan dành dụm, chăm bẵm được mấy con gà và vài con lợn con, những mong tết bán đi lấy tiền thuốc thang cho chồng con và sắm vài mâm tưởng nhớ ông bà tổ tiên. Nào ngờ, ông trời “đùa dai”, lợn gà lăn ra chết không còn một mống. Ăn không được, bán không xong. Kêu ai bây giờ. Cuối năm ấy, bà lại ngồi nhìn chồng con mà lòng ai oán não nùng. Tuổi già hạt lệ như sương. Bà khóc cho cả kiếp người hơn 50 năm không biết nhẩm tính được mấy ngày vui. Cứ thế này, có thể bà sẽ là người điên thứ 4 trong ngôi nhà ấy.
Bà con lối xóm vẫn truyền tai nhau rằng, ngôi nhà bà Hoan có ma ám. Thỉnh thoảng người ta vẫn gặp những bóng ma dật dờ, những tiếng la hét trong đêm khuya quanh ngôi nhà ấy…. Nhưng theo nhận định của chúng tôi, cha ông Kiệm là thương bệnh binh thời kỳ chống Pháp, ông Kiệm đã có thời gian đi lính, bản thân bà Hoan cũng là thanh niên xung phong, có thể trên những chiến trường đã qua, họ bị nhiễm chất độc da cam nên di chứng của chiến tranh cứ dai dẳng suốt mấy đời.
Rời khỏi ngôi nhà định mệnh ấy, bà con láng giềng tiễn chúng tôi ra mãi ngoài đường lớn và dặn đi dặn lại rằng: Các chú có cách nào giúp gia đình bà Hoan với, tội nghiệp, cũng coi như là làm phúc để đời cho con cháu. Chị Phan Thị Thu, hội trưởng hội phị nữ xóm nắm chặt tay tôi và nhỏ nhẹ: “Nghe nói bệnh của ông Kiệm và thằng Trì có thể chữa khỏi, có điều gia cảnh ấy lấy tiền đâu. Trăm sự nhờ các anh đấy”.
Những ánh mắt dõi theo khẩn thiết, những lời nói tha thiết chân thành. Nhưng ám ảnh lớn nhất của chúng tôi vẫn là hình ảnh người đàn bà, người mẹ, người vợ một đời tần tảo, lam lũ và khổ đau. Không biết những ngày tiếp theo họ sẽ sống ra sao?
Thực hiện phóng sự này, chúng tôi tha thiết mong muốn những nhà hảo tâm hãy hãy mở rộng vòng tay cho họ một cuộc sống, một đời người.
Mọi chia sẻ xin liên lạc về: bà Phan Thị Hoan, xóm 7, xã Tăng Thành, huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An. Hoặc liên hệ với Báo Công an Nghệ An - 0383839168 - 0946111580.
Hải Đăng
.