Warning: include(/export/home2/WebData/baocongannghean//gia-dinh-xa-hoi/201203/19010-nguoi-buu-ta-voi-nhung-buoc-chan-khong-moi-398390/index.txt): failed to open stream: No such file or directory in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72

Warning: include(): Failed opening '/export/home2/WebData/baocongannghean//gia-dinh-xa-hoi/201203/19010-nguoi-buu-ta-voi-nhung-buoc-chan-khong-moi-398390/index.txt' for inclusion (include_path='.:/usr/local/php/lib/php') in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72
Người bưu tá với những bước chân không mỏi - Báo Công An Nghệ An điện tử
Thứ Bảy, 17/03/2012, 07:02 [GMT+7]
19010

Người bưu tá với những bước chân không mỏi

Ông là bưu tá Nguyễn Văn Thành (SN 1953) ở thôn Lam Giang, xã Võ Liệt, huyện Thanh Chương.
 
“Còn sức khỏe thì tôi còn đi”
Chúng tôi tìm đến nhà ông vào một ngày cuối tuần. Khi mà mọi người dành khoảng thời gian hiếm hoi để nghỉ ngơi thì ông Thành vẫn như con thoi chạy từ làng trên xóm dưới để gửi giấy mời vì sang ngày thứ hai tuần kế tiếp UBND xã Võ Liệt có một cuộc họp đột xuất. Phải đợi đến gần trưa, chúng tôi mới được trò chuyện với ông. Đã hơn 33 năm làm nghề bưu tá của xã, ông chưa một lần là người đến trễ. Cần mẫn, nhiệt huyết và yêu nghề là những gì ông để lại trong tôi.
 
Năm 1973, theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, chàng thanh niên 20 tuổi Nguyễn Văn Thành lên đường đi B chiến đấu. Ông đã từng có mặt trên hầu hết các chiến tuyến. Từ Quảng Trị vượt lên Tây Nguyên đi vào Tây Ninh, rồi biên giới phía Bắc, nơi nào cũng có bước chân của ông. Chiến tranh đã để lại nhiều vết thương trong ông. Bị thương ở phía trái đỉnh đầu dài 5 cm, hai chân đều bị thương ở đầu gối. Trở về sau những trận chiến ác liệt, ông Thành được Nhà nước công nhận thương binh hạng 4/4 với số lương ít ỏi.
 
Về địa phương năm 1979, ông được UBND xã Võ Liệt mời làm bưu tá cho đến nay. Công việc của ông cứ âm thầm lặng lẽ, mấy ai biết được rằng, cứ sáng sớm ông đi và khi mà mọi người chuẩn bị cho bữa cơm tối mới thấy ông lặng lẽ đạp xe trở về. Mỗi ngày có rất nhiều thư từ, giấy mời, báo chí... cần ông chuyển đến tay từng người.
 
Từng con đường, mọi ngõ hẻm trên địa bàn xã đã trở nên thân thuộc trong ông. Ông tâm sự: “Trung bình mỗi ngày tôi đi khoảng chừng 30 cây số. 33 năm làm nghề bưu tá, đã 4 lần thay đổi chiếc xe đạp của mình. Ngày trước, tôi đi làm thay nhau bằng 2 chiếc xe nam của Pháp và Sài Gòn giải phóng. Sau này, khi đã hư hỏng quá tôi đổi sang chiếc xe mi ni nữ. Hiện tại, để thuận lợi cho công việc của cha, các con mua cho một chiếc xe đạp đời mới theo tôi trên từng chặng đường”.
 
Nhắc tới những kỷ niệm, ông chia sẻ: “Công việc của tôi phải có một sức khỏe dẻo dai, bền bỉ. Để có thể hoàn thành tốt nhiệm vụ, sáng nào tôi cũng dậy tập thể dục. Còn sức khỏe thì tôi còn đi”. Có lẽ, chính những điều đó cộng với những năm tháng được tôi luyện trong chiến trường mà mấy chục năm qua ông đã chống chọi với mưa bão, nắng gắt để đưa tin đến tận mọi người.
 
Con người mà, ai chẳng phải gặp những lúc ốm đau. Có lần ông bị ốm nặng, vợ con năn nỉ ở nhà. Ông cười: “Sức khỏe tôi vẫn còn đủ để làm việc cho xã hội. Mai có cuộc họp phải gửi giấy mời hôm nay mới kịp”. Nói rồi, ông vội vàng dắt xe đi. “Chuyển những lá thư, giấy tờ còn đỡ chứ có những lần cầm trong tay cả hàng chục triệu đồng. Tôi phải đảm bảo an toàn, trao tận tay cho người nhận”. Ông kể: “Có lần phải chuyển đến tận tay một người số tiền lên đến 175 triệu đồng và hơn 120 giấy mời cho nhiều nơi. Tối ấy, lò mò 8 giờ tôi mới về đến nhà. Bụng đói nhưng trong lòng thấy vui vì đã hoàn thành nhiệm vụ. Cầm nhiều tiền như vậy cũng lo lắm cô ạ. Lỡ có chuyện gì xảy ra thì mình phải chịu trách nhiệm hoàn toàn”.
 
Một ngày làm việc của bưu tá Nguyễn Văn Thành
 
Nhờ những đóng góp với nghề, ông Thành đã nhiều lần được biểu dương, khen thưởng. Ông vinh dự được tặng 26 Giấy khen của Bưu điện tỉnh Nghệ An, của UBND huyện Thanh Chương và xã Võ Liệt.
 
Trăn trở khi về già
Làm nghề 33 năm, kinh qua 6 nhiệm kỳ chủ tịch xã, những gì ông có đều chỉ là những “hợp đồng miệng” giao kèo giữa hai bên. Tôn trọng, tin tưởng, cứ năm này qua năm khác ông được xem là một “người bưu tá hiển nhiên”.
 
Nhớ lại những ngày đầu, tiền lương của ông thật ít ỏi. Những năm 1980, xã trả ông 15 đồng/tháng và huyện trả thêm 7,5 đồng, ngoài ra phụ cấp phiếu vải, ăn % từ việc bán tem cùng một bộ xăm lốp xe đạp, đường sữa. Từ năm 1991 - 2009, ông được hưởng lương theo Nghị định 130 của Hội đồng Bộ trưởng với 120.000 đồng/tháng và huyện trả thêm 70.000 đồng/tháng.
 
Hai năm trở lại đây, tổng số lương ông nhận được từ công việc bưu tá của mình là 730.000 đồng/tháng. Số tiền lương ít ỏi không những không đủ phục vụ nhu cầu cuộc sống hàng ngày mà hơn hết, nó dường như chưa xứng đáng với những cống hiến mà ông dành cho nghề.
 
Khi nói về những trăn trở, ông bộc bạch: “33 năm trung thành, tận tụy với công việc, tôi vẫn mong là sắp đến tuổi nghỉ hưu rồi, nhận được chút chế độ phù hợp với những cống hiến của mình để lúc ốm đau về già có chỗ nương tựa”.
 
Ra khỏi nhà ông một quãng đã xa nhưng hình ảnh về ông Thành ngày ngày lầm lũi đi làm với chiếc xe đạp cứ mãi hiện hữu trong tôi. Chia tay ông, tôi nhớ mãi câu nói: “Còn khỏe thì tôi còn đi”. Giữa xã hội xô bồ này, cần lắm một con người như thế.

Phan Tuyết
.