Nhẫn tâm giết người đã cưu mang mình
Vừa học hết lớp 7, Lê Hải Lộc (sinh ngày 24/4/1995, tại phường Xuân Khánh, quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ) đã nghỉ học, vậy nhưng không hiểu vì lý do gì Lộc lại dám một mình từ Cần Thơ lên TP HCM với mục đích là tìm kiếm công ăn việc làm (lúc đầu Lộc ở cùng với một người anh bà con, nhưng sau đó Lộc đã ra thuê phòng ở riêng). Do chưa đủ tuổi lao động nên Lộc đã mượn CMND của người khác rồi dán hình mình vào để tiện xin việc và nhờ đó Lộc làm công nhân tại KCN Tây Bắc Củ Chi (thuộc huyện Củ Chi, TP HCM).
Tới tháng 11/2010, Lộc được người quen giới thiệu đến làm phục vụ bàn cho anh Mai Văn Đệ (SN 1971, ngụ ấp Bàu Tre, xã Tân An Hội, huyện Củ Chi, TP HCM) do anh Đệ nhận thầu nấu tiệc, vào các ngày thứ bảy, chủ nhật hàng tuần. Trong thời gian làm việc, Lộc để ý thấy anh Đệ sống một mình và có nhiều tài sản nên đến ngày 30/3/2011, Lộc nảy sinh ý định giết chết anh Đệ để cướp tài sản.
Nghĩ là làm, trưa ngày 4/4/2011, Lộc đến chợ Củ Chi mua một con dao Thái Lan dài khoảng 20cm, cán gỗ rồi mang về phòng. Khoảng 21 giờ cùng ngày, Lộc giấu dao trong ống quần jean rồi đi bộ đến nhà anh Đệ (từ phòng trọ của Lộc đến nhà anh Đệ khoảng hơn 1,5km). Gặp anh Đệ, Lộc nói dối đã bị công ty đuổi việc, Lộc đã trả phòng định mang đồ đạc về quê nhưng vì công ty hẹn sáng mai đến lấy lương nên Lộc xin ngủ nhờ tại nhà anh Đệ một đêm. Với bản tính thương người và không mảy may nghi ngờ, anh Đệ đồng ý cho Lộc ngủ chung trên giường của mình trong phòng ngủ.
Đến khoảng 22 giờ, khi thấy anh Đệ ngủ say, Lộc lấy dao trong ống quần jean ra, rồi sát hại anh Đệ. Kiểm tra thấy anh Đệ đã chết, Lộc bình thản lục soát và tìm thấy 3 xấp tiền cùng một chiếc điện thoại di động ở phía sau tủ tivi trong phòng ngủ, sau đó Lộc lấy khăn lau con dao dính máu, đặt trên kệ bếp nhằm mục đích đánh lừa Cơ quan điều tra.
Thấy chiếc xe SH của nạn nhân, Lộc đã dẫn chiếc xe này từ nhà sau ra phòng khách, tìm chìa khóa mở cửa định lấy xe tẩu thoát nhưng không mở được. Lúc này nghe thấy có tiếng người đi về phía nhà anh Đệ nên Lộc bỏ xấp tiền 10 triệu đồng và chiếc điện thoại vào túi quần rồi chạy ra sau bếp mở cửa bỏ chạy về nhà trọ. Tại đây, Lộc bình thản đi tắm, thay quần áo, rồi ngồi đếm tiền.
Ngay sau đó Lộc lấy xe máy (chiếc xe Wave này là xe của mẹ Lộc là bà Tăng Thị Thủy mua cho Lộc) chạy về đến nhà ở phường Xuân Khánh, quận Ninh Kiều, Cần Thơ vào khoảng 6 giờ 30 phút sáng ngày 5/4/2011. Có lẽ vì sợ hãi nên Lộc đã kể lại cho anh ruột của mình nghe toàn bộ sự việc và được người anh này dẫn tới Cơ quan Công an tự thú.
Đúng ra phiên tòa hôm 28/2 đã là lần xử thứ hai vì trước đó Tòa án nhân dân TP HCM đã cho tạm hoãn phiên tòa xử ngày 21-9-2011, trả hồ sơ điều tra bổ sung vụ án giết người, cướp tài sản đối với bị cáo Lê Hải Lộc bởi còn khá nhiều lời khai mâu thuẫn cho thấy bị cáo không thể một mình thực hiện hành vi phạm tội… Tại phiên xử lần này, với vẻ mặt lạnh lùng và không mảy may sợ hãi, Lộc đã khai nhận toàn bộ hành vi phạm tội, tuy nhiên không khó để nhận thấy vẫn còn một số chi tiết chưa rõ ràng, khiến cho một vị hội thẩm nhân dân khi xét hỏi đã nhiều lần phải thốt lên rằng bị cáo khai không trung thực, và điều này phần nào cũng khiến cho bên gia đình bị hại không khỏi bức xúc (dù rằng bản cáo trạng đã cho rằng, trong quá trình điều tra bổ sung, thực nghiệm lại hiện trường cho thấy bị can Lộc diễn tả lại các tư thế, tay cầm dao, động tác đâm anh Đệ, kết quả thực nghiệm điều tra hoàn toàn phù hợp với lời khai, biên bản khám nghiệm tử thi và hung khí gây án gây ra).
Một điều khiến những người tham dự phiên tòa không khỏi đau xót khi nghe câu trả lời của bị cáo rằng trước khi gây án, bị cáo hầu như không có bất cứ động cơ rõ ràng nào, chẳng hạn như đang thiếu nợ trầm trọng phải có tiền trả, hay nghiện hút, cờ bạc… để đến mức phải giết người đã giúp đỡ, cưu mang mình, cướp lấy tiền, vì thế ở đây chỉ có thể lý giải một nguyên do duy nhất đó chính là lòng tham đã khiến tên tội phạm vị thành niên này mờ mắt trước tài sản của nạn nhân.
Với tội ác ghê rợn của mình, Lộc đã bị tòa tuyên tổng mức án 12 năm tù cho tội giết người, cướp của. Đồng thời, gia đình bị cáo còn phải có trách nhiệm bồi thường số tiền 126 triệu đồng cho gia đình bị hại. Sau khi nghe tòa tuyên mức án này, nhiều thân nhân của phía bị hại không giấu được tiếng thở dài và lắc đầu chua chát!
Kẻ sát nhân vị thành niên tại phiên tòa. |
Tội ác của con trẻ có phần lỗi việc quản lý, giáo dục từ phía gia đình…?
Phiên tòa có khá đông người đến dự, chủ yếu là thân nhân và hàng xóm của người bị hại, bên phía bị cáo chỉ có ba mẹ của bị cáo. Suốt buổi xử, ba mẹ của bị cáo hầu như "ngồi co rúm" ở hàng ghế ngồi dành cho đại diện thân nhân hai bên. Vào giờ nghị án, ông bà vẫn không dám ra khỏi chỗ ngồi của mình, bởi xung quanh ông bà là thân nhân của người bị hại với thái độ bức xúc và tức giận. Điều này cũng dễ hiểu vì sự quá lạnh lùng của Lộc khi khai nhận tội ác của mình và nhất là thái độ chẳng nói chẳng rằng của cha mẹ bị cáo tại phiên tòa, và cả sau khi vụ án xảy ra ông bà cũng không hề có động thái nào quan tâm hay chia sẻ với gia đình bị hại.
Ông Mai Văn Huynh (45 tuổi) là anh thứ bảy của nạn nhân, dù một chân bị gãy đang phải nẹp đinh phải đi bằng nạng gỗ, nhưng vẫn đến tham dự phiên tòa. Khác với những anh em khác của ông có thái độ rất bức xúc với cha mẹ của bị cáo, ông lại khá bình tĩnh khi trách móc cha mẹ của bị cáo: "Tôi cũng biết "sinh con ai nỡ sinh lòng" nhưng với thằng Lộc thật khó hiểu, tòa xử tội giết người, cướp tài sản mà nó không tỏ ra hối lỗi gì cả, một con người như thế tồn tại trong xã hội này làm gì chứ! Em tôi rất tốt với nó, tạo công ăn việc làm cho nó, cưu mang nó, vậy mà nó lại trả lễ bằng cách hành xử ghê rợn với em tôi như vậy".
Quay qua ông Lê Thái Hải - cha của bị cáo (làm nghề lái xe), ông Huynh tiếp tục hỏi "ông có biết hồi đó em tôi còn tính kêu ông lên lái máy cày phụ việc cho nó không, tôi nghĩ ông biết. Nhưng chưa kịp kêu ông lên em tôi đã bị con ông giết chết rồi. Khi em tôi mất, vợ chồng ông cũng chẳng hề tới hỏi thăm gia đình tôi một lần nào…". Những lời nói của ông Huynh cứ như những lời tuyên của bản án lương tâm về cách hành xử chưa thấu tình đạt lý của cha mẹ bị cáo.
Nhiều người cứ suy nghĩ mãi về lời của vị chủ tọa phiên tòa khi nói với đại diện của gia đình bị cáo về chuyện gia đình không hề thăm hỏi hay gửi tiền để hỗ trợ cho phía bị hại, đại ý rằng: Bà thật sự không hiểu tại sao gia đình lại có thể vô tâm hay không biết cách dạy con khi để đứa con trai của mình mới 14-15 tuổi đời đi đến một thành phố xa lạ mà không hề quản lý hay bảo ban con mình, để đến một ngày nó gây ra một vụ án động trời gây mất ổn định xã hội, gây hoang mang cho dư luận, sau đó gia đình lại không hề có một động thái nào để chia sẻ với gia đình bị hại! Nếu gia đình ông bà có người bị giết, ông bà sẽ ra sao?
Lý giải cho sự vô tâm này, người cha của Lộc giãi bày rằng vì hoàn cảnh gia đình khó khăn, vì công việc tài xế không có tiền… Nghe thế vị chủ tọa đã bác rằng, dù hoàn cảnh khó khăn nhưng gia đình cũng cần có hành động thế nào để chia sẻ với phía gia đình bị hại, họ có thể không cần tiền nhưng họ cần sự chia sẻ phần nào nỗi đau mất người thân của họ. Lúc này thì người cha của Lộc, đại diện cho phía bị cáo, chỉ còn biết im lặng.
Vẫn biết rằng chẳng có bậc cha mẹ nào lại muốn con mình phạm tội giết người, vậy nhưng vẫn có điều gì đó nghẹn đắng khi những đứa con dại không nhận được sự quan tâm dạy dỗ từ nhỏ của các bậc cha mẹ, ngược lại còn buông lỏng để cho con sống hoàn toàn tự do. Và thực tế đã có biết bao nhiêu những vụ án đau lòng xuất phát từ lý do tưởng như lẽ dĩ nhiên này!
Có thể thấy, dù bị cáo phải nhận mức án tối đa trong khung hình phạt nhưng ai tham dự phiên tòa cũng có cảm nhận đây là một mức án không tương xứng với tội ác của bị cáo, chỉ bởi một lý do đơn giản, khi gây án Lộc chỉ mới chưa đầy 15 tuổi (20 ngày nữa Lộc mới đủ 15 tuổi). Vẫn biết rằng luật không có hình phạt tử hình với tội phạm chưa thành niên, nhưng gần đây chính yếu tố này được nhiều người cho là một trong những nguyên nhân chính khiến cho loại tội phạm ở lứa tuổi này ngày càng có chiều hướng tăng và tội ác cũng ngày càng ghê sợ hơn?!..