Ngôi nhà nhỏ của gia đình ông Phạm Hồng Thái và bà Đậu Thị Hiền, bố mẹ của anh Phạm Văn Chung những ngày sau Tết Nguyên đán nhộn nhịp hẳn lên. Vừa làm gà đãi nhóm bạn của con, bà Hiền vừa chia sẻ, hôm 11/1/2012, nghe tin tàu Jung Woo 2 bốc cháy giữa Nam Cực, tiếp đó là tin về thủy thủ Nguyễn Văn Sơn, người cùng làm trên chiếc tàu đó với con bà, ở xã Phúc Thọ, huyện Nghi Lộc mất tích, hai ông bà như đứng ngồi trên đống lửa.
Mãi đến ngày 25/1, bà Hiền mới nhận được cú điện thoại ngắn ngủi của con trai thông báo đã về đến New Zealand và lúc 2 giờ 30 phút ngày 28/1 (tức mồng 6 Tết), thủy thủ Phạm Văn Chung mới đặt chân về đến nhà trong niềm vỡ òa hạnh phúc của gia đình.
Trở về lành lặn nhưng với Phạm Văn Chung, đó là một chuyến đi định mệnh, đầy bão táp. Anh cho biết, trước đó anh đã nhiều lần đi biển, có những chuyến đi cả tháng trời mới về nhưng những chuyến đi trước, dù có khổ cực đến mấy nhưng chưa lần nào Chung phải trải qua quãng thời gian khủng khiếp như lần này.
Sau khi xuất khẩu lao động sang Hàn Quốc được 2 tháng, anh được làm việc trên tàu Jung Woo 2 và nếu tính từ ngày khởi hành thì mất đúng một tháng, tàu mới đến được địa điểm cho phép đánh cá tại Nam Cực. Nhớ lại ngày định mệnh đó, Phạm Văn Chung cho hay: “Tối ngày 11/1, em được ngủ để 3 giờ sáng dậy chuẩn bị cơm nước cho anh em (Chung được làm trong buồng bếp).
Đang lơ mơ thì nghe tiếng hét “Cháy rồi! cháy rồi!”. Em bật dậy, mở cửa ra thì thấy hai anh bị bỏng đang lăn lộn trên sàn. Khói từ buồng máy bốc ra thở không được. Thuyền trưởng ra lệnh cho anh em chạy hết lên boong. Khói mù mịt, lửa bắt đầu bốc lên, không thể cứu vãn được nữa, lúc đó ai cũng hoảng loạn.
Thuỷ thủ Phạm Văn Chung và mẹ
Trong tình thế đó, thuyền trưởng ra lệnh thả phao cứu sinh để chuyển những người bị thương xuống còn tất cả những anh em khỏe mạnh sẽ chạy lên đầu tàu. Những chiếc phao được thả xuống nhưng cái thì bị lật úp, cái va phải băng bị thủng. Mọi người đành phải ngồi trên băng, dùng tay làm mái chèo, tránh xa tàu 50m để giữ an toàn tính mạng.
Chống chọi với giá rét và nỗi sợ hãi cho đến 8 giờ sáng ngày 11/1, các thủy thủ mới được tàu In Young 707 cứu khi ngọn lửa đã bao trùm gần hết con tàu Jung Woo 2. Sau đó, những người còn khỏe mạnh được chuyển sang tàu Jung Woo 3, Phạm Văn Chung cũng được chuyển sang đấy. Trong lúc chờ đợi tàu cứu hộ, những thủy thủ vừa thoát chết phải tiếp tục theo tàu Jung Woo 3 đi đánh cá trong tâm trạng phấp phỏng lo âu.
Đúng 1 tuần sau khi vụ cháy xảy ra, tàu cứu hộ mới tới nơi và đưa toàn bộ anh em thủy thủ trên tàu Jung Woo 2 về New Zealand. Lúc này em mới biết, các anh Sơn, Đông (quê ở Nghệ An) và anh Quảng (quê Hà Tĩnh) mất tích. Toàn bộ hành lý tư trang của anh em thủy thủ đã bị cháy hoàn toàn. Về đến Việt Nam, Công ty CP phát triển nguồn nhân lực hỗ trợ mỗi người 1 triệu đồng, các thủy thủ được ứng thêm 1 triệu đồng nữa để về quê.
Anh Phạm Văn Chung trở về là một nỗi mừng khôn tả xiết, nhưng đằng sau ánh cười rạng rỡ của ông Thái, bà Hiền là nỗi lo về khoản nợ vay để đi xuất khẩu lao động đã sắp đến ngày thanh toán vẫn đang treo lơ lửng. Ông bà đang mong phía công ty môi giới và công ty bên Hàn Quốc sớm giải quyết quyền lợi để có tiền trang trải nợ nần.
Thiên Thành
.