Warning: include(/export/home2/WebData/baocongannghean//gia-dinh-xa-hoi/201201/18040-uoc-mo-noi-cong-troi-399172/index.txt): failed to open stream: No such file or directory in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72

Warning: include(): Failed opening '/export/home2/WebData/baocongannghean//gia-dinh-xa-hoi/201201/18040-uoc-mo-noi-cong-troi-399172/index.txt' for inclusion (include_path='.:/usr/local/php/lib/php') in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72
Ước mơ nơi "Cổng trời" - Báo Công An Nghệ An điện tử
Thứ Ba, 31/01/2012, 07:57 [GMT+7]
18040

Ước mơ nơi "Cổng trời"

Nơi vùng đất khó
Từ trung tâm xã chúng tôi đã có một cuộc hành trình vào bản Long Kèo, qua Thẳm Hốc để hòa chung niềm vui đón Tết của người dân nơi đây. Dưới thung lũng Mường Lống, những câu chuyện về cuộc sống của người dân đã làm chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng. Chiếc xe Sirius của tay lái cừ Vi Văn Tuấn (33 tuổi), ở xã Hữu Kiệm với "thâm niên" 16 năm chạy đường rừng đã dẫn chúng tôi đến với trung tâm của bản.
 
Đến đầu dốc, sương ngày một nặng hạt, tay xe ôm phải nhiều lần dừng lại vắt những hạt sương cố bám sít vào mặt. Vượt màn sương và tí tách hạt mưa rừng sau gần 1 tiếng đồng hồ đánh vật với bao con dốc, nền đá sắc nhọn, đầy rẫy ổ gà, ổ trâu, bản Thẳm Hốc mới hiện ra trước mắt.
 
Đúng như tên gọi, bản Thẳm Hốc trông giống như cổng hang nhìn từ dưới lên với địa thế cách biệt với bên ngoài, địa hình hiểm trở nên cuộc sống của người dân nơi đây gặp không ít khó khăn. Toàn bản với 100% đồng bào Mông, đại đa số chủ yếu sinh sống dựa vào sản xuất chăn nuôi gia súc và phát triển từ rừng.
 
Thế nhưng chính sự khó khăn của bà con ngay từ buổi đầu, người dân Thẳm Hốc vẫn kiên trung, kiên cường bám trụ chốn thâm sơn cùng cốc để bám đất từng bước thoát nghèo, làm giàu, xây dựng đời sống mới. Địa điểm mà chúng tôi chọn "xông đất" đầu năm là điểm Trường Tiểu học Mường Lống 2.
 
Do được báo từ trước, đặt chân đến cổng trường, Hiệu trưởng Nguyễn Quang Hùng đã ra đón chúng tôi. Thầy bảo, hôm nay các nhà báo "gặp may" rồi đấy. Đang lúc chưa hiểu đầu đuôi, thầy tiếp lời: “Mấy hôm nay khi nghe tin có các anh lên thăm trường, cả đêm họ không ngủ. Các cô cũng mới dưới xuôi lên cắm bản với bà con. Lễ "nhập sơn" cũng đã được chuẩn bị kỹ với những đặc sản của đồng bào”.
 
Bên bếp lửa hồng mới nhen đã phần nào xua tan đi cái lạnh của vùng sơn cước. Cán bộ bản Thẳm Hốc tự hào mình là người tiên phong trong cuộc chiến chống đói nghèo. Nhận thấy đây là vùng đất có lợi thế về đồng cỏ, nên gia đình đã làm liều mua mấy con trâu, bò, sáng dậy thả chúng vào rừng kiếm ăn, ban đêm lại lùa chúng về.
 
Góp nhặt, tằn tiện đến nay gia đình mình và bà con đã đỡ vất vả hơn phần nào. Được thiên nhiên ưu đãi, thổ nhưỡng vùng đất này cũng không quá khó. Các hộ dân ở Thẳm Hốc đã mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng để đưa cây có giá trị, năng suất cao vào sản xuất.
 
Trung tá Trần Hữu Dũng với tác giả
 
Lời cán bộ bản chỉ chùng xuống khi ngồi cạnh tôi, hiệu trưởng Nguyễn Quang Hùng cứ nhỏ to, bản làng nơi đây đã khác xưa thật nhiều nhưng sự học nơi đây xem ra đang còn nhiều điều phải bàn lắm. Toàn trường có 20 lớp, trong đó có 5 lớp ghép với 233 học sinh. Đã bao mùa Xuân đi qua, những người "gieo chữ" cống hiến nhiều năm như thầy cũng phải chạnh lòng mỗi khi năm mới đến. "Làm sao người dân trong bản có cuộc sống khấm khá hơn? Làm sao con em trong bản được đến trường và được chăm sóc sức khoẻ đầy đủ theo đúng nghĩa và người dân Thẳm Hốc bao giờ tiếp cận được với KHKT?”..., đó là những khát vọng của thầy muốn mang tới. Thế nhưng, vượt qua tất cả sự khó khăn, thầy cô giáo nơi đây vẫn bám lấy học sinh thân yêu để mong mang đến cho các em những gì có thể.
 
"Hoa trên núi"
Trong ký ức của Trung tá Trần Hữu Dũng - Đội phó Đội xây dựng cơ sở số 7 Mường Lống, không thể quên những ngày đầu khi mới chuyển về. Sau khi hoàn thành nhiệm vụ ở địa bàn xã Thạch Ngàn - Con Cuông, theo chỉ đạo của Quân khu 4, Bộ CHQS tỉnh, Đội XDCS được chuyển về "cắm chốt" ở xã Mường Lống với 10 đồng chí có nhiệm vụ giúp nhân dân phát triển kinh tế, đảm bảo an ninh trên địa bàn, củng cố xây dựng hệ thống chính trị cơ sở.
 
Xã Mường Lống có 822 hộ, trên 4.100 nhân khẩu với gần 100% đồng bào dân tộc Mông sống ở 13 bản. Để người dân hiểu, tin và làm theo bộ đội, ngoài sự kiên trì, mỗi cán bộ chiến sỹ trong Đội phải đặt tình cảm, trách nhiệm, gắn bó máu thịt với đồng bào nơi đây lên hàng đầu.
 
Một ngày đầu năm đặt chân đến đây, việc đầu tiên mà cán bộ chiến sỹ trong Đội thực hiện là phải tranh thủ vai trò uy tín của già làng, trưởng bản, người có uy tín, dòng họ. Dấu chân của cán bộ chiến sỹ đã in đậm trên mỗi con đường đến thôn bản, vào từng nhà để nắm bắt tâm tư, nguyện vọng và tìm hiểu phong tục tập quán của nhân dân giúp cho việc tuyên truyền chủ trương, đường lối chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước được sát thực.
 
Nói đi đôi với làm, từng cán bộ trong Đội trực tiếp xuống “3 cùng” với nhân dân. Từ việc xây dựng các mô hình điểm như: trồng trọt, chăn nuôi để bà con học tập đến phối hợp các ban, ngành của địa phương thực hiện “cầm tay, chỉ việc” vận động giúp người dân từng bước xóa bỏ thói quen cũ trong sản xuất nông nghiệp.
 
Giờ sinh hoạt đội của Trường Tiểu học Mường Lống 1
 
Để nắm vững kỹ thuật, trước tiên, cán bộ chiến sỹ trong Đội nghiên cứu các loại tài liệu khuyến nông, tìm vùng đất thích hợp cho từng loại cây và cùng nhân dân khai hoang làm ruộng bậc thang, trồng lúa, ngô, đậu tương. Áp dụng các tiến bộ KHKT vào sản xuất như trồng giống lúa mới, cách chăm sóc lúa bằng bón phân hóa học...
 
Cùng với việc tuyên truyền về chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật Nhà nước, Đội còn tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương, phối hợp chặt chẽ với các đoàn thể xây dựng, củng cố tổ chức hệ thống chính trị cơ sở, tập trung vào xây dựng các tổ chức yếu, kém. Với phương pháp sâu sát, tận tình, nhờ đó chỉ trong thời gian ngắn với sự giúp đỡ của cán bộ trong Đội xây dựng cơ sở, hệ thống chính trị từ bản đến xã đã đi vào hoạt động nề nếp.
 
Bên cạnh đó, Đội còn thường xuyên tuyên truyền cho bà con về việc ăn ở, sinh hoạt đảm bảo vệ sinh, làm chuồng trại nuôi gia cầm. Đặc biệt vận động nhân dân xoá bỏ các hủ tục lạc hậu trong cúng lễ, đám tang, không tin vào thầy cúng, thầy mo; khi ốm đau, có bệnh phải đến Trạm y tế để được khám, chữa trị. Gìn giữ, phát huy những nét đẹp trong văn hoá, văn nghệ, những phong tục tập quán truyền thống. Phối hợp cùng với lực lượng dân quân xã thường xuyên tuần tra, canh gác, giữ gìn an ninh trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn.
 
Mới chỉ sau một thời gian ngắn chia ngọt sẻ bùi, chung tay góp sức với bà con, Đội xây dựng cơ sở số 7 đã từng bước giúp nhân dân xã Mường Lống ổn định cuộc sống, phát triển sản xuất góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo toàn xã. Chủ tịch UBND xã Lầu Giống Cải tự hào rằng: Người dân Mường Lống đang rất tin tưởng vào chủ trương, đường lối của Đảng, họ luôn tham gia và hưởng ứng tích cực các phong trào thi đua lao động sản xuất, thực hiện kế hoạch hóa gia đình, xây dựng đời sống văn hóa. Đặc biệt, từ ngày có cán bộ chiến sỹ Đội XDCS số 7, niềm tin của đồng bào ngày một nâng lên, họ yên tâm cho một chủ quyền biên giới vững chắc, đồng bào ta chắc chắn sẽ lập nên "kỳ tích" nơi vùng biên này.
 
Tìm về Mường Lống trong những ngày này, đâu đâu chúng tôi cũng cảm nhận được không khí đón Xuân tưng bừng. Người dân hồ hởi sắm sửa tết với niềm hân hoan và hi vọng, nghèo đói sẽ sớm được đẩy xa, đời sống sẽ dần được khấm khá. Trong cái rét ngọt của mùa Xuân, trong men rượu cần nồng say, lời Chủ tịch UBND xã cứ vọng lại mãi trong tôi.

Xuân Thống
.