Đại tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an trình bày Tờ trình trước Ủy ban Thường vụ Quốc hội về dự án Luật Cư trú (sửa đổi), ngày 10-8 |
Lời dạy của Bác Hồ 75 năm trước
Cách đây hơn 70 năm, Báo Cứu Quốc ngày 17-10-1945, số 69, phát hành tại Hà Nội, lần đầu tiên công bố bức thư của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Gửi Ủy ban nhân dân các kỳ, tỉnh, huyện và làng”. Bức thư lập tức trở thành một sự kiện lớn trong đời sống chính trị của đất nước lúc bấy giờ. Nhân dân các địa phương khắp cả nước chào đón bức thư của Bác. Mọi người xuýt xoa bàn tán: “Sao cụ Hồ ở tận Hà Nội, bận trăm công nghìn việc mà hiểu thấu mọi chuyện ở địa phương đến thế!”. Lời lẽ chân tình của vị Chủ tịch nước trong bức thư làm cho mọi người tin chắc rằng những sai lầm khuyết điểm của các cán bộ ở địa phương như thói hống hách, cửa quyền, tệ tham nhũng... không phải là bản chất của chế độ mới.
Có nhớ lại bối cảnh đất nước trong những ngày đó mới thấy được hết ý nghĩa đặc biệt quan trọng của bức thư này. Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa vừa mới được thành lập được hơn một tháng. Thù trong, giặc ngoài, điên cuồng quấy phá, tìm mọi cách lật đổ chính quyền non trẻ của chúng ta. Như kinh nghiệm lịch sử đã chỉ rõ, cái mà kẻ thù luôn tìm cách lợi dụng là sự bất bình của nhân dân đối với chế độ. Nếu sự bất bình này đã có thì chúng sẽ khoét sâu thêm. Nếu chưa có thì chúng sẽ tạo ra. Trong lịch sử không hiếm những chính quyền chỉ tồn tại được một thời gian ngắn vài ba tháng, thậm chí vài ba ngày đã bị lật đổ. Một trong những nguyên nhân chủ yếu là chính quyền đó không được lòng dân.
Người viết: “Việc gì lợi cho dân ta phải hết sức làm. Việc gì hại đến dân ta phải hết sức tránh”. Nếu mỗi cơ quan Đảng và Nhà nước ta, nếu mỗi cán bộ và đảng viên thực hiện đúng những lời dạy của Bác Hồ thì nhân dân được nhờ. Cuối bức thư, Bác gửi gắm những lời tâm huyết: “Vì hạnh phúc của dân tộc, vì lợi ích của nước nhà mà tôi phải nói. Chúng ta phải ghi sâu những chữ “công bình, chính trực” vào lòng”. Lời nhắn nhủ của Bác Hồ ngay từ những ngày đầu chính quyền cách mạng non trẻ năm ấy vẫn còn lay động tận mỗi trái tim chúng ta hôm nay.
Chúng ta cũng còn nhớ, chỉ dăm năm sau khi thành lập Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, chính quyền cách mạng đã áp dụng phương thức quản lý theo hộ khẩu từ thập niên 1950 để quản lý công dân, góp phần đảm bảo trật tự xã hội. Phương pháp quản lý dân số chủ yếu dựa vào hộ gia đình hay còn gọi là hộ khẩu từng có lịch sử 3.000 năm ở thời cổ đại. Trong các bản giáp cốt văn thời nhà Thương của Trung Quốc cổ đại có rất nhiều ghi chép về “đăng nhân” và “đăng chúng”. Sau này, hệ thống đăng ký hộ khẩu cũng có ảnh hưởng tới hệ thống quản lý công dân tại các quốc gia Đông Á láng giềng như hệ thống hành chính công của Nhật Bản (koseki) và Hàn Quốc (hoju), Việt Nam (hộ khẩu).
Sổ hộ khẩu hoàn thành sứ mệnh lịch sử sau 7 thập niên
Hơn 70 năm tồn tại, hộ khẩu dường như đã hoàn thành sứ mệnh lịch sử của nó trong một giai đoạn đất nước đi từ kháng chiến cứu nước, đến độc lập thống nhất toàn vẹn lãnh thổ, đi qua Đổi mới cho đến ngày nay. Thời chiến, hộ khẩu là ưu việt. Thời bình, khi đất nước còn gian khó trong cơ chế tập trung quan liêu bao cấp, mô hình quản lý hộ khẩu là lý tưởng. Nhớ ngày ấy, mất sổ gạo, mất sổ hộ khẩu, thì coi như mất mát lớn lắm trong cuộc sống; vì đó dường như là thứ giấy tờ chi phối rất lớn các gia đình.
Hộ khẩu không dễ để xin được cấp nếu không đáp ứng đủ các điều kiện quy định. Điều đó khiến người dân thường than phiền và ngán ngẩm, ngại ngần khi có việc liên quan đến hộ khẩu phải “đi xin”. Tuy nhiên, mục đích của hộ khẩu còn là nhằm đảm bảo an ninh trật tự xã hội, quản lý dân cư và giúp Nhà nước đề ra các chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội. Tại nước Pháp, trong năm 2016 liên tục xảy ra các vụ tấn công khủng bố, đặc biệt là chuỗi các vụ khủng bố tháng 11-2015.
Bước sang thời kỳ Đổi mới và hội nhập, để có những cuốn sổ hộ khẩu thành phố, đối với nhiều người, nhiều gia đình là mơ ước khó chạm tới. Hộ khẩu bị không ít chỉ trích là kìm hãm và gây phiền toái trói buộc người dân, thể hiện cơ chế xin - cho khiến người dân không ít vất vả. Trong phiên họp Thường vụ Quốc hội ngày hôm qua 10-8-2020, ngay cả Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cũng thẳng thắn chia sẻ: “Tôi từng bị mất sổ hộ khẩu, làm lại rất vất vả, khai tới khai lui”. Bà chia sẻ như vậy và nói: “Cái gì thuận tiện cho nhân dân, hiện đại thì ta làm. Đừng luyến tiếc thủ tục hành chính quá rườm rà”.
Đúng là sổ hộ khẩu đã hoàn thành sứ mệnh lịch sử của nó. Trước ý kiến lo ngại giai đoạn chuyển tiếp giữa sổ khẩu khi bị bãi bỏ thay thế bằng mã số định danh cá nhân để quản lý công dân cư trú nên cần lùi lại nữa thời điểm bỏ số hộ khẩu, Bộ trưởng Bộ Công an - Đại tướng Tô Lâm đã đề nghị giữ nguyên phương án Chính phủ trình là Luật Cư trú (sửa đổi) có hiệu lực từ ngày 1-7-2021, không quy định thời gian chuyển tiếp tới năm 2025.
Tinh thần cải cách mạnh mẽ, hướng về quyền lợi nhân dân
Đại tướng Tô Lâm đã kiên định thể hiện một quyết tâm chính trị, không thể trù trừ hay trì hoãn thêm nữa khi bỏ sổ hộ khẩu, thực thi một lộ trình mới có lợi cho nhân dân trong quản lý cư trú. Ông khẳng định: “Nếu vẫn lưu lại sổ hộ khẩu cho tới năm 2025 là không phù hợp, không thực tế. Chủ tịch Quốc hội cũng đã nói rồi, đây là sự thay đổi rất căn bản, là mong muốn của nhân dân, các công dân. Bây giờ lại kéo dài thêm một nhiệm kỳ 5 năm nữa thì quyết tâm thực hiện cái này không cao”.
Hoan nghênh quyết tâm của Bộ Công an, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng trong khi các nước trên thế giới đã bỏ sổ hộ khẩu mà ta vẫn giữ đến nay là quá lâu. “Cái nào tiến bộ hơn, văn minh hơn, hiện đại hơn thì ủng hộ. Thủ tục định ra mà lạc hậu rồi thì phải bỏ, phải cải cách, tại sao cứ bám những cái cũ? Giảm bớt thủ tục cho dân nhờ”.
Đó là một xu thế văn minh, có lợi cho nhân dân thì cần phải quyết làm. Tại phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội hôm qua 10-8, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cũng cho biết trong quá trình thực hiện sẽ tiếp tục cải tiến. Hiện tại thẻ căn cước công dân mới có mấy chục trường thông tin quản lý, tiến tới có thể phối hợp để tích hợp các trường như bảo hiểm y tế, bằng lái xe... Với sự hỗ trợ của công nghệ, một cá nhân chỉ cần một thẻ là biết hết thông tin mà không cần nhiều giấy tờ.
Ở đây, tinh thần cải cách mạnh mẽ thể hiện rất rõ như một quyết tâm chính trị trong một nền hành pháp vì nhân dân phục vụ. Quản lý cư trú là một lĩnh vực mà Bộ Công an chủ trì đảm trách, nhưng quyết tâm cải cách loại bỏ những rườm rà thủ tục cố hữu, để người dân có lợi hơn, thuận tiện hơn, là có thể thấy rõ. Nếu như lực lượng Công an đã tiên phong trong cách mạng tinh gọn tổ chức bộ máy, mà vẫn bảo đảm hiệu lực, hiệu quả công tác hơn, được triển khai từ năm 2018; thì nay quyết tâm bỏ sổ hộ khẩu, hướng đến hiện đại hóa, thuận tiện hóa quản lý cư trú, thể hiện một tinh thần cải cách mạnh mẽ xuyên suốt của ngành Công an.
Tinh thần cải cách mạnh mẽ ấy được hiện thực hóa từ lời dạy của Bác Hồ: “Việc gì lợi cho dân ta phải hết sức làm. Việc gì hại đến dân ta phải hết sức tránh”.