CCHC

Cải cách hành chính phải lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ

14:25, 17/12/2018 (GMT+7)
TIN LIÊN QUAN
Theo ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TP HCM, cải cách hành chính (CCHC) là nâng cao sự hài lòng của người dân… Và CCHC đóng vai trò quan trọng trong các chương trình đột phá mà Nghị quyết Ðại hội Ðảng bộ TP HCM lần thứ 10 (nhiệm kỳ 2015 - 2020) đã đề ra.
 
Qua nửa nhiệm kỳ thực hiện, TP Hồ Chí Minh đã đạt được nhiều kết quả khả quan. Tuy nhiên, về tổng thể, nền hành chính Thành phố vẫn còn bộc lộ nhiều hạn chế, cần nhanh chóng khắc phục để làm đòn bẩy thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển mạnh mẽ.
 
Bước cải tiến mới trong cải cách thủ tục hành chính
 
Giờ đây, người dân ở các quận, huyện của TP Hồ Chí Minh có nhu cầu được cấp giấy phép kinh doanh, giấy phép xây dựng, cấp giấy chủ quyền, trích lục khai sinh… chỉ cần vào mạng đăng ký. Mất khoảng 10 phút, người dân sẽ được hướng dẫn cụ thể rõ ràng, chi tiết những thủ tục cần thiết.
Phòng Quản lý xuất nhập cảnh, Công an TP Hồ Chí Minh, triển khai hệ thống đánh giá thái độ cán bộ tiếp dân.
Phòng Quản lý xuất nhập cảnh, Công an TP Hồ Chí Minh, triển khai hệ thống đánh giá thái độ cán bộ tiếp dân.
Sau đó, chỉ trong vòng từ 2 đến 10 ngày, người dân có thể nhận được giấy phép hoặc các giấy tờ, thủ tục mà mình cần. Đây có thể được xem là bước cải tiến mới trong cải cách thủ tục hành chính (TTHC) ở các cơ quan công quyền tại TP Hồ Chí Minh.
 
Thay vì trước kia phải trực tiếp đến Sở Tư pháp TP Hồ Chí Minh làm thủ tục hộ tịch và chờ đợi kết quả lâu hơn thì nay người dân chỉ cần ngồi nhà, nhấp "chuột", khai và nộp hồ sơ ngay trên mạng.
 
Việc nộp phí sẽ được tính khi người dân đến nhận kết quả tại Sở Tư pháp TP Hồ Chí Minh. Dịch vụ công cung cấp trực tuyến này sẽ góp phần giảm thời gian đi lại cũng như tiết kiệm công sức, chi phí cho người dân… Đồng thời, việc này giúp giảm áp lực đối với cán bộ so với nhận hồ sơ trực tiếp.
 
Có thể nói, đây là tiền đề cho việc triển khai tiếp những dịch vụ công khác mà người dân có thể ngồi nhà vừa nộp vừa nhận hồ sơ mà không cần phải đến trụ sở cơ quan hành chính. Bên cạnh đó, công tác phân cấp, ủy quyền giữa UBND Thành phố với sở, ban, ngành, UBND quận, huyện, phường, xã tiếp tục được đẩy mạnh trên hầu hết lĩnh vực quản lý nhà nước với mục đích lấy người dân, các tổ chức làm trung tâm phục vụ.
 
Với Công an TP Hồ Chí Minh, theo lãnh đạo Phòng Quản lý xuất nhập cảnh, Phòng là một trong những đơn vị có số lượng giải quyết hồ sơ cao nhất trong cả nước, thời gian cao điểm một ngày đơn vị tiếp gần 2.000 hồ sơ cấp đổi hộ chiếu cho công dân Việt Nam.
 
Do đó, để người dân cảm thấy hài lòng khi đến làm các TTHC, Ban chỉ huy Phòng Quản lý xuất nhập cảnh thường xuyên chỉ đạo, nhắc nhở cán bộ chiến sĩ (CBCS) rèn luyện, nâng cao kỹ năng chuyên môn nghiệp vụ và thực hiện nghiêm văn hóa giao tiếp, ứng xử trong việc hướng dẫn, giải quyết các TTHC trên lĩnh vực xuất nhập cảnh cho công dân; tổ chức các hoạt động thiết thực nhằm nâng cao ý thức chấp hành nghiêm điều lệnh, rèn luyện kỹ năng giao tiếp, ứng xử, xây dựng nếp sống văn hóa cho mỗi CBCS… 
 
Đặc biệt, từ đầu tháng 11-2018, Phòng Quản lý xuất nhập cảnh đã triển khai mô hình hệ thống đánh giá thái độ cán bộ tiếp dân tại từng bàn tiếp nhận hồ sơ trên màn hình cảm ứng và trên website của đơn vị; người dân có thể trực tiếp đánh giá về thái độ cán bộ tiếp nhận hồ sơ, về TTHC, nơi tiếp đón và thời gian giải quyết hồ sơ qua màn hình cảm ứng.
 
Qua triển khai mô hình, kết quả ghi nhận hầu hết các ý kiến đóng góp của người dân là rất hài lòng và hài lòng. Đối với những ý kiến đóng góp của người dân chưa hài lòng về thái độ cán bộ tiếp dân hay nơi đón tiếp, TTHC rườm rà, cần giảm giấy tờ hay thời gian giải quyết hồ sơ bị chậm trễ đều được đơn vị kiểm tra, xem xét, giải quyết, thay đổi cho phù hợp.
Việc giải quyết các thủ tục giấy tờ ở cấp xã với mục đích lấy người dân, các tổ chức làm trung tâm phục vụ.
Việc giải quyết các thủ tục giấy tờ ở cấp xã với mục đích lấy người dân, các tổ chức làm trung tâm phục vụ.
Mô hình này đã được Ban Giám đốc Công an thành phố chọn để nhân rộng cho các đơn vị tiếp dân trong Công an thành phố, góp phần nâng cao kỹ năng giao tiếp, văn hóa ứng xử của CBCS và là một kênh thông tin tin cậy để đánh giá mức độ hài lòng của người dân đối với Công an thành phố trong công tác tiếp dân, hướng dẫn TTHC hướng tới mục tiêu chung là phục vụ nhân dân ngày một tốt hơn.
 
Tại Công an quận 11, từ đầu tháng 11-2018 đã tổ chức Hội nghị phát động đợt thi đua cao điểm các giải pháp, sáng kiến CCHC. Thời gian thực hiện cao điểm thi đua trong ba tháng (bắt đầu từ tháng 11-2018 đến hết tháng 1-2019) về các giải pháp, sáng kiến CCHC gồm: Thực hiện công trình cấp thẻ căn cước công dân tại nhà cho người lớn tuổi, khó khăn trong việc đi lại hoặc bị tàn tật trên địa bàn quận 11; Thực hiện cải cách thủ tục trả hồ sơ trong ngày đối với các trường hợp sang tên, di chuyển môtô, xe gắn máy đi tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khác tại Công an cấp huyện nơi được phân cấp đăng ký môtô, xe gắn máy khi đã hoàn thành các thủ tục theo quy định; Thực hiện thủ tục liên thông đăng ký khai tử, xóa đăng ký thường trú…
 
Ngoài ra, ngành Công an tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và kết hợp với Bưu điện thực hiện việc tiếp nhận, trả kết quả TTHC trong đăng ký, quản lý phương tiện giao thông  cơ giới đường bộ; cấp, quản lý căn cước công dân; đăng ký, quản lý cư trú; quản lý xuất nhập cảnh và cấp giấy phép phòng cháy, chữa cháy…
 
Tận tâm phục vụ nhân dân
 
Trong năm 2018, TP Hồ Chí Minh đã tiếp tục chỉ đạo các cấp, các ngành công khai, minh bạch trong giải quyết TTHC, trọng tâm là các lĩnh vực như triển khai thí điểm hệ thống liên thông điện tử trong lĩnh vực cấp phép xây dựng tại Sở Xây dựng nhằm thực hiện liên thông quy trình lấy ý kiến từ Sở Quy hoạch - Kiến Trúc, Sở Tài nguyên và Môi trường và Cảnh sát PCCC, kết quả phản hồi được liên thông tự động trong hệ thống, tạo điều kiện cho cán bộ tiết kiệm thời gian xử lý hồ sơ cho người dân và tra cứu được hồ sơ điện tử từ hệ thống liên thông.
 
Ngoài ra, các sở, ngành như Sở Tư pháp - Công an thành phố - Bộ Công an đã thực hiện liên thông với nhau để cấp Phiếu lý lịch tư pháp. Cung cấp TTHC cấp giấy phép đầu tư - đăng ký kinh doanh giữa Sở Kế hoạch và Đầu tư với Ban quản lý Khu công nghệ, khu chế xuất; Ban quản lý khu công nghệ cao.
 
Triển khai thí điểm hệ thống một cửa điện tử quản lý hồ sơ đất đai cho Sở Tài nguyên và Môi trường, Văn phòng Đăng ký đất đai thành phố, 24 Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai quận, huyện và UBND 24 quận, huyện cấp phép xây dựng nhà ở riêng lẻ cho người dân theo dịch vụ công trực tuyến, tiếp nhận, luân chuyển và xử lý hồ sơ đất đai…
 
Ngành Hải quan cũng cắt giảm trên 50% thời gian làm thủ tục hải quan; mở rộng việc thực hiện thủ tục hải quan điện tử, tạo điều kiện thuận lợi, hỗ trợ cho việc thông quan hàng hóa; thí điểm quản lý, giám sát hải quan tự động đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, quá cảnh tại cảng biển, cảng hàng không dân dụng quốc tế.
 
Ngành Thuế triển khai kết nối thông tin điện tử, hỗ trợ người nộp thuế gửi văn bản qua mạng internet; triển khai ứng dụng khai thuế giá trị gia tăng, thu nhập cá nhân điện tử đối với hoạt động cho thuê nhà của cá nhân; triển khai hệ thống hóa đơn điện tử có mã xác thực của cơ quan thuế cho doanh nghiệp. Tiếp tục triển khai công tác kê khai thuế, nộp thuế qua mạng…
 
Tính đến thời điểm hiện tại, TP Hồ Chí Minh đã có 2.611 dịch vụ công trực tuyến ở cả 4 mức độ. Tuy nhiên, hầu hết các dịch vụ công trực tuyến trên chỉ tập trung ở mức độ 2 (chiếm 90,6%) và mức độ 3 (chiếm 9,2%), tức chỉ cho phép người sử dụng điền và gửi trực tuyến các mẫu văn bản đến cơ quan, tổ chức cung cấp dịch vụ.
 
Các giao dịch trong quá trình xử lý hồ sơ và cung cấp dịch vụ được thực hiện trên môi trường mạng. Việc thanh toán lệ phí (nếu có) và nhận kết quả được thực hiện trực tiếp tại cơ quan, tổ chức cung cấp dịch vụ.
 
Đặc biệt, trong CCHC, ngoài giải quyết hồ sơ đúng hẹn còn phải có thái độ thân thiện với người dân. Gần đây, kết quả khảo sát về CCHC ở TP Hồ Chí Minh cho ra kết quả rất khả quan - tỷ lệ hài lòng của người dân và doanh nghiệp ở mức cao (trên 80%), tuy nhiên đã có nhiều ý kiến băn khoăn xung quanh tỷ lệ này.
CCHC đóng vai trò quan trọng trong việc xây dựng chính quyền vì dân phục vụ.
CCHC đóng vai trò quan trọng trong việc xây dựng chính quyền vì dân phục vụ.
Theo bà Nguyễn Thị Quyết Tâm, Chủ tịch HĐND TP Hồ Chí Minh, tỷ lệ trên 80% là mừng, nhưng kết quả này còn hình thức vì TTHC còn rất nhiều. Nếu tỷ lệ hài lòng ở mức 80% là thực chất thì hành chính công của thành phố quá tốt. Rõ ràng, có sự cố gắng trong cải cách, trong đánh giá hiệu quả, song vẫn còn chưa thực chất.
 
Cùng ý kiến, ông Trần Vĩnh Tuyến, Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh cũng thừa nhận: Tỷ lệ hài lòng của người dân với CCHC trên 80% là chưa chuẩn, con số tuyệt đối còn nhiều điều cần phải bàn bạc và xem xét lại.
 
Để cải thiện điều này, UBND thành phố đã ban hành Quy định về quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức và người lao động làm việc trong các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập, nhằm tăng cường kỷ cương, kỷ luật trong các cơ quan hành chính nhà nước, chấn chỉnh thái độ, hành vi của cán bộ, công chức trong giải quyết hồ sơ hành chính cho người dân và doanh nghiệp, yêu cầu xử lý nghiêm đối với cán bộ, công chức vi phạm nội quy, giờ giấc làm việc và kết quả xử lý được đưa vào đánh giá cán bộ, công chức hàng năm.
 
Theo Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong, nếu đột phá mạnh mẽ trong CCHC sẽ tạo đà cho thành phố phát triển hơn nữa. Bởi TP Hồ Chí Minh đang tiến hành xây dựng đô thị thông minh, một nơi đáng sống, với hai mục tiêu là phải xây dựng thành công chính quyền đô thị và áp dụng giải pháp công nghệ để giải quyết những vấn đề quản lý, quy hoạch, vấn đề cung cấp dịch vụ tiện ích, nâng cao đời sống người dân.
 
Chính vì vậy, CCHC đóng vai trò quan trọng trong việc xây dựng chính quyền vì dân phục vụ, để đưa TP Hồ Chí Minh phát triển nhanh và bền vững.

Nguồn: Phú Lữ/CAND

Các tin khác