CCHC

Nâng cao CCHC, tăng chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh

10:32, 26/03/2018 (GMT+7)

TIN LIÊN QUAN

(Congannghean.vn)-Thời gian qua, các cấp, ngành, các địa phương trên địa bàn tỉnh Nghệ An đã tích cực triển khai các giải pháp cùng nhiều nội dung cụ thể, hiệu quả về cải cách hành chính (CCHC). Công tác CCHC đã có nhiều chuyển biến tích cực, góp phần nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh.

Bộ phận tiếp nhận và giải quyết hồ sơ tại Một cửa liên thông tỉnh
Bộ phận tiếp nhận và giải quyết hồ sơ tại Một cửa liên thông tỉnh

PCI đứng thứ 21/63 tỉnh, thành phố

Ngày 22/3, tại Hà Nội, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cùng Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) công bố Báo cáo thường niên Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) 2017. Theo bảng xếp hạng PCI 2017, Quảng Ninh là địa phương lần đầu tiên vươn lên vị trí dẫn đầu với điểm số 70,7 trên thang điểm 100.

Các địa phương khác trong nhóm 10 tỉnh, thành phố có chất lượng điều hành tốt nhất của năm 2017 thứ tự là: Đà Nẵng (70,1 điểm), Đồng Tháp (68,8 điểm), Long An (66,7 điểm), Bến Tre (66,7 điểm), Vĩnh Long (66,1 điểm), Quảng Nam (65,4 điểm), TP Hồ Chí Minh (65,2 điểm), Hải Phòng (65,2 điểm) và Cần Thơ (65,1 điểm). Các địa phương nằm trong nhóm xếp hạng cao còn có Lào Cai, Vĩnh Phúc, Hà Nội, Bình Dương, Thái Nguyên, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bắc Ninh... Tỉnh Đắk Nông với 55,12 điểm xếp cuối bảng PCI năm 2017. Tỉnh Nghệ An xếp thứ 21, tăng 4 bậc so với năm 2016, đứng đầu trong 6 tỉnh Bắc Trung Bộ. 2 tỉnh kế bên là Thanh Hóa xếp vị trí 28, Hà Tĩnh ở vị trí 33.

PCI là chỉ số để đánh giá và xếp hạng chính quyền các tỉnh, thành của Việt Nam trong việc xây dựng môi trường kinh doanh thuận lợi cho việc phát triển doanh nghiệp dân doanh. Đây là vị trí cao nhất từ trước tới nay của tỉnh Nghệ An. Kết quả vị trí thứ hạng nâng bậc PCI đã minh chứng cho những nỗ lực của các cấp chính quyền, người dân trong công tác CCHC, thu hút đầu tư… Đây là kết quả thể hiện sự nỗ lực của tỉnh trong năm qua, đồng thời cũng là yêu cầu đặt ra cho tỉnh và các sở, ban, ngành, địa phương về việc cần tiếp tục phát huy để thứ hạng PCI của tỉnh được nâng cao năng lực cạnh tranh hơn trong thời gian tới..

Theo VCCI, với hơn 10.000 doanh nghiệp dân doanh trong nước và gần 1.800 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tham gia khảo sát, báo cáo chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) 2017 là “tập hợp tiếng nói” của cộng đồng doanh nghiệp về chất lượng điều hành và môi trường kinh doanh tại 63 tỉnh, thành phố của Việt Nam trong năm vừa qua.

Cùng với việc công bố Bảng xếp hạng chỉ số PCI 2017, Báo cáo PCI 2017 dành phần quan trọng để phản ánh cảm nhận của cộng đồng doanh nghiệp về nỗ lực của các tỉnh, thành phố trong thực hiện các nghị quyết 19/NQ-CP của Chính phủ về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia và Nghị quyết 35/NQ-CP về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020.

Nỗ lực cải cách hành chính, tăng PCI

Đây là lần thứ 13 liên tiếp VCCI công bố bộ chỉ số đánh giá và xếp hạng về chất lượng điều hành kinh tế của các tỉnh, thành phố tại Việt Nam. Bộ chỉ số đã giúp các địa phương đẩy mạnh khai thác môi trường kinh doanh, tích cực làm việc với cộng đồng doanh nghiệp, đối tác, từ đó có những cải thiện và cách làm sáng tạo để nâng cao thứ tự xếp hạng.

Đối với Nghệ An, những năm qua, với sự nỗ lực của cấp ủy, lãnh đạo các cấp, sự đồng lòng, tâm huyết của cộng đồng doanh nghiệp và sự hợp tác của người dân, các chỉ tiêu kinh tế - xã hội đều đạt và vượt, trong đó là sự chuyển biến trong đánh giá “đo sự hài lòng” của đội ngũ doanh nhân, doanh nghiệp với người dân, cán bộ, công chức, viên chức làm nhiệm vụ ở các ngành, lĩnh vực được nâng lên.

Có thế thấy, chỉ số đánh giá của các cơ quan và tổ chức phối hợp về PCI là sự ghi nhận, đánh giá thực tế, phản ánh khách quan sự nỗ lực toàn diện của tỉnh. Vấn đề trên luôn được lãnh đạo tỉnh quan tâm quán triệt, chỉ đạo. Bởi chúng ta thấy rằng, chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), chỉ số quản trị hành chính công (PAPI), chỉ số CCHC cấp tỉnh (PAR INDEX) hàng năm của tỉnh Nghệ An chưa ổn định.

Nguyên nhân chính là trách nhiệm của người đứng đầu ở một số cơ quan, đơn vị chưa cao; trình độ, năng lực, đạo đức công vụ của một số cán bộ, công chức thực hiện một số nội dung CCHC còn thấp, cơ sở vật chất, trang thiết bị còn chưa đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ đặt ra. Trong thời gian dài việc “tụt bậc” về xếp hạng CCHC so với các năm trước được chỉ ra là do các cấp, ngành chưa chỉ đạo quyết liệt công tác CCHC; trong khi đó, thủ tục hành chính còn rườm rà, chưa thực sự tạo điều kiện cho người dân và doanh nghiệp. Bên cạnh đó, chất lượng, hiệu quả công tác của đội ngũ cán bộ, công chức tại một số cơ quan, đơn vị chưa cao dẫn đến kết quả một số tiêu chí, tiêu chí thành phần không có điểm hoặc điểm số rất thấp.

Để khắc phục những hạn chế, tồn tại trong công tác CCHC và góp phần cải thiện chỉ số CCHC của tỉnh năm 2018 và những năm tiếp theo, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Xuân Đường yêu cầu các sở, ban, ngành cấp tỉnh, UBND các huyện, thành, thị xã tiếp tục rà soát chức năng, nhiệm vụ của ngành, địa phương, căn cứ các tiêu chí, tiêu chí thành phần trong Bộ chỉ số CCHC để tập trung triển khai các giải pháp thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ được giao.

Trong đó, các đơn vị, địa phương tăng cường công tác chỉ đạo, điều hành, kiểm tra, giám sát đánh giá kết quả thực hiện; đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền về CCHC; thực hiện và chỉ đạo đưa 100% thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của cơ quan, đơn vị ở các cấp vào thực hiện theo cơ chế một cửa. Các đơn vị nằm trong kế hoạch xây dựng mô hình một cửa liên thông hiện đại giai đoạn 2016 - 2020 chủ động tìm kiếm nguồn lực tài chính, xây dựng đề án triển khai và đề nghị UBND tỉnh hỗ trợ kinh phí để thực hiện; thực hiện nghiêm túc các quy trình giải quyết công việc trong nội bộ cơ quan, đơn vị.

Ngoài ra, cần tăng cường kiểm tra, giám sát đảm bảo việc giải quyết hồ sơ cho tổ chức, công dân, doanh nghiệp đúng thời gian, không chậm trễ; phải thực tâm, thực chất giảm chi phí cho doanh nghiệp, không để những “chi phí không chính thức” làm cản trở sự phát triển của doanh nghiệp và tỉnh... Khi có yêu cầu, các sở, ngành, địa phương chủ động phối hợp với cơ quan liên quan thực hiện tốt các nội dung về xác định chỉ số CCHC cấp tỉnh theo kế hoạch của UBND tỉnh.

Để thực hiện các nội dung trên, UBND tỉnh giao Sở Nội vụ chủ trì tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo chung việc thực hiện CCHC ở các cấp. Theo đồng chí Nguyễn Xuân Đường, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, thời gian tới yêu cầu các sở, ban, ngành tiếp thu và triển khai thực hiện nghiêm túc. “Năm 2018, một trong những nhiệm vụ trọng tâm được tỉnh xác định là tập trung đẩy mạnh công tác CCHC. Chính vì vậy, yêu cầu các sở, ngành, địa phương xây dựng đề án CCHC đến năm 2020 ở ngành, địa phương mình. Trong đó có 7 sở, ngành, cơ quan, đơn vị được chọn làm điểm chỉ đạo đã phê duyệt cần triển khai quyết liệt trong năm 2018 một cách cụ thể, chi tiết. Về phía tỉnh và ban chỉ đạo sẽ tăng cường giám sát, kiểm tra việc thực hiện công tác CCHC ở các đơn vị và công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng đối với các đơn vị yếu kém", Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Xuân Đường khẳng định.

Xuân Thống

Các tin khác