CCHC
Đổi mới trong hoạt động công vụ, phục vụ doanh nghiệp và người dân
(Congannghean.vn)-Nghệ An hiện có khoảng 15.300 doanh nghiệp đăng ký kinh doanh, trong đó hơn 9.000 doanh nghiệp đang hoạt động. Hầu hết các doanh nghiệp có quy mô nhỏ, vốn ít, tiềm lực khoa học công nghệ còn yếu, thị phần hạn hẹp, năng lực cạnh tranh trong thời kỳ hội nhập chưa tương xứng. Do đó, để hội nhập, ngoài việc doanh nghiệp phải tự đổi mới, sáng tạo và nâng cao sức cạnh tranh thì sự vào cuộc của các cấp chính quyền, các tổ chức liên quan trong việc đồng hành, cải tiến lề lối làm việc để phục vụ người dân và doanh nghiệp là hết sức quan trọng.
Để đồng hành cùng doanh nghiệp và người dân cần sự thay đổi trong tư duy, thái độ phục vụ của cán bộ công chức (Trong ảnh: Giải quyết thủ tục hành chính tại “Bộ phận một cửa” ở UBND huyện Diễn Châu) |
Thời gian qua, tỉnh Nghệ An đã có nhiều chính sách để cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, kinh doanh; đồng hành, tháo gỡ khó khăn cùng doanh nghiệp nhằm xây dựng đội ngũ doanh nhân, cộng đồng doanh nghiệp vững mạnh, góp phần cùng thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nhà, nhằm mục tiêu phấn đấu thực hiện thành công Nghị quyết 26 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ và phát triển Nghệ An.
Theo ông Lê Ngọc Hoa, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, trong quá trình chỉ đạo, điều hành các nhiệm vụ phát triển kinh tế thì cải cách hành chính, xây dựng bộ máy chính quyền hoạt động hiệu quả, tránh gây phiền hà cho doanh nghiệp và người dân luôn là vấn đề được tỉnh quan tâm. Tỉnh đã xác định, doanh nghiệp là động lực phát triển, do đó, cấp ủy, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở cam kết luôn tạo môi trường bình đẳng, công bằng cho tất cả các doanh nghiệp hoạt động trên cơ sở đảm bảo các quy định.
Với chức năng tham mưu UBND tỉnh thực hiện chức năng quản lý Nhà nước về kế hoạch và đầu tư, nhất là cơ chế, chính sách quản lý kinh tế - xã hội; đăng ký kinh doanh, tổng hợp và thống nhất quản lý các vấn đề về doanh nghiệp, kinh tế tập thể, kinh tế tư nhân, những năm qua, Sở Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) đã thực hiện cải tiến lề lối làm việc, loại bỏ một số khâu không cần thiết trong trình tự xử lý công việc cụ thể, với phương châm đảm bảo giải quyết công việc nhanh chóng, kịp thời, không gây khó khăn, phiền hà cho tổ chức và công dân.
Để thực hiện được yêu cầu và mục tiêu này, các đơn vị của ngành tập trung đổi mới tư duy, lề lối làm việc của đội ngũ cán bộ công chức, trên tinh thần phục vụ doanh nghiệp một cách chuyên nghiệp, tận tụy, đi làm đúng giờ, làm hết việc, “chưa hết khách là chưa về”.
Với đội ngũ cán bộ có năng lực, tâm huyết, trách nhiệm thông qua bộ phận tiếp nhận và trả kết quả, “guồng máy” hoạt động với tiêu chí thân thiện, gần gũi cùng thiết bị hiện đại, đảm bảo phục vụ ngày càng tốt hơn trong quá trình giao dịch. Mọi thủ tục hành chính ban hành đều được niêm yết công khai tại đây và trên Cổng thông tin điện tử tích hợp của tỉnh.
Bên cạnh đó, việc trả kết quả được thực hiện qua bưu điện, phối hợp với Cục Thuế đăng ký mã số thuế và ngân hàng để doanh nghiệp mở số tài khoản ngân hàng, qua đó giảm được thời gian, chi phí cho doanh nghiệp.
Ngoài ra, hiện nay ngành đã tiến hành tổ chức lấy phiếu đánh giá về phẩm chất đạo đức, năng lực và tín nhiệm đối với lãnh đạo, các phòng chuyên môn, từ đó đánh giá chấm điểm xếp loại thi đua công khai để mỗi tập thể, cá nhân có sự điều chỉnh cho phù hợp. Đồng thời, thông qua hệ thống camera đã góp phần tác động tích cực đến tinh thần, thái độ thực thi công vụ của cán bộ, công chức, viên chức; thông qua số điện thoại đường dây nóng, hỏi đáp trực tuyến được công khai nhằm hỗ trợ, giải quyết khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp và hòm thư, phiếu đánh giá mức độ hài lòng của tổ chức và cá nhân khi đến giao dịch.
Phát biểu tại Hội nghị Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) 2017 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đưa ra yêu cầu: “Phải đặt doanh nghiệp vào vị trí trung tâm của hệ thống đổi mới quốc gia. Xây dựng Chính phủ kiến tạo phát triển, phục vụ người dân, doanh nghiệp, Việt Nam đảm bảo quyền tự do kinh doanh và nỗ lực tạo môi trường kinh doanh bình đẳng và thuận lợi cho doanh nghiệp”. Do đó, việc tạo môi trường sản xuất, kinh doanh minh bạch, thuận lợi cho doanh nghiệp không chỉ là đòn bẩy để cải thiện năng lực cạnh tranh của kinh tế tỉnh mà còn phản ánh năng lực điều hành của các cơ quan quản lý Nhà nước cấp địa phương.
Đối với Nghệ An, tỉnh sẽ tiếp tục xây dựng cơ chế để các doanh nghiệp có thể gặp gỡ, đối thoại và tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn, với mục tiêu chính quyền luôn đồng hành và thân thiện với người dân, doanh nghiệp để tạo ra những động lực cho sự phát triển mới của tỉnh.
Xuân Thống