Bộ Nội vụ đang dự thảo Nghị định quy định một số nội dung về quy hoạch và tạo nguồn cán bộ, công chức nữ trong các cơ quan, tổ chức, đơn vị của Nhà nước. Trong đó, Bộ đã đề xuất nhiều ưu tiên cho cán bộ, công chức, viên chức nữ.
Ảnh minh họa |
Bộ Nội vụ cho biết, dự thảo Nghị định nhằm xây dựng và phát triển vững chắc đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức nữ có đủ điều kiện, tiêu chuẩn, trình độ đáp ứng được yêu cầu của vị trí việc làm, chức danh đảm nhiệm theo chủ trương, quy định của Đảng và các quy định của pháp luật về mục tiêu bình đẳng giới.
Ưu tiên trong tuyển dụng, bổ nhiệm
Theo dự thảo, các cơ quan, tổ chức, đơn vị khi tuyển dụng cán bộ, công chức, viên chức bằng hình thức thi tuyển hoặc xét tuyển, trường hợp nam, nữ đủ điều kiện, tiêu chuẩn như nhau, có kết quả thi tuyển bằng nhau ở vị trí cần tuyển thì ưu tiên lựa chọn nữ trúng tuyển.
Cũng theo dự thảo, các cơ quan, tổ chức, đơn vị ở tất cả các cấp có tỷ lệ cán bộ, công chức, viên chức nữ đạt từ 30% trở lên, phải có ít nhất 1 nữ giữ chức danh lãnh đạo, quản lý. Các cơ quan, tổ chức, đơn vị có tỷ lệ nữ cán bộ, công chức, viên chức nữ đạt từ 30% trở xuống, cần đảm bảo tỷ lệ nữ giữ chức danh lãnh đạo, quản lý so với tổng số cán bộ lãnh đạo, quản lý cơ quan, tổ chức, đơn vị đạt tối thiểu 15%.
Căn cứ thực trạng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý nữ hiện nay, nếu tỷ lệ cán bộ lãnh đạo, quản lý nữ thấp so với quy định, các Bộ, ban, ngành và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có thể xem xét đề nghị cấp có thẩm quyền bổ sung thêm 1 chỉ tiêu lãnh đạo nữ ngoài chỉ tiêu chung cho tất cả các cấp, các ngành trên cơ sở đảm bảo đủ điều kiện, tiêu chuẩn theo quy định và trong diện quy hoạch. Đối với các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, trừ Bộ Công an và Bộ Quốc phòng, nhất thiết phải có 1 lãnh đạo cấp Bộ là nữ. Đối với cấp tỉnh, đảm bảo ít nhất 1 lãnh đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND là nữ.
Dự thảo nêu rõ, khi tiến hành quy trình bổ nhiệm cán bộ giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý các cấp, trường hợp nam, nữ có đủ điều kiện, tiêu chuẩn như nhau, nữ được ưu tiên lựa chọn và bổ nhiệm giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý. Trường hợp thi tuyển các chức danh lãnh đạo, quản lý, khi nam, nữ có kết quả bằng nhau, ưu tiên lựa chọn nữ. Trường hợp cán bộ, công chức, viên chức nữ có đủ điều kiện, tiêu chuẩn đã được cấp có thẩm quyền đưa vào quy hoạch chức danh lãnh đạo, quản lý, có thể được xem xét bổ nhiệm nếu quá tuổi bổ nhiệm so với quy định từ 6 tháng trở xuống tính đến thời điểm thực hiện quy trình bổ nhiệm.
Ưu tiên nâng ngạch, nâng bậc lương
Theo dự thảo, các cơ quan, tổ chức khi sơ tuyển cán bộ, công chức cử tham dự kỳ thi nâng ngạch, ưu tiên cử cán bộ, công chức nữ khi có cùng điều kiện, tiêu chuẩn như cán bộ, công chức nam.
Bên cạnh đó, cán bộ, công chức nữ tham dự kỳ thi nâng ngạch chuyên viên chính, chuyên viên cao cấp và tương đương cũng được hưởng ưu tiên về thời gian giữ ngạch. Cụ thể, được ưu tiên cử dự thi nâng ngạch chuyên viên chính và tương đương trong trường hợp có thời gian giữ ngạch chuyên viên và tương đương theo quy định từ đủ 8 năm trở lên (giảm 1 năm so với quy định chung); được ưu tiên cử dự thi nâng ngạch chuyên viên cao cấp và tương đương trong trường hợp có thời gian giữ ngạch chuyên viên chính và tương đương theo quy định từ đủ 5 năm trở lên (quy định chung là 6 năm) tính đến thời điểm được cơ quan có thẩm quyền quyết định cử dự thi theo quy định.
Ngoài ra, trong thời gian 10 năm trước khi cán bộ, công chức, viên chức nữ đủ 55 tuổi nghỉ hưu theo quy định của pháp luật, việc nâng bậc lương thường xuyên được Bộ Nội vụ đề xuất như sau: Trường hợp cán bộ, công chức, viên chức nữ hưởng lương ở ngạch cán sự và tương đương trở xuống, thời hạn nâng bậc lương thường xuyên là 1,5 năm. Trường hợp cán bộ, công chức, viên chức nữ hưởng lương ở ngạch chuyên viên và tương đương trở lên, thời hạn nâng bậc lương thường xuyên là 2,5 năm.
Mời bạn đọc xem toàn văn dự thảo và góp ý tại đây.