Bình yên xứ Nghệ
Cộng tác viên và 'phóng viên chiến trường'
(Congannghean.vn)-Vào thập niên 80 của thế kỷ trước, từ một cán bộ điều tra án tai nạn giao thông luôn phải hoàn thành hồ sơ vụ án, tôi đã có cơ duyên đến với nghề làm báo.
Tác giả bài viết với các chiến sỹ bộ đội ở Trường Sa |
Còn nhớ, vào dịp gần Tết năm 1989, khi được đơn vị cử đi khám nghiệm hiện trường vụ tai nạn lật xe ôtô làm 9 người chết ở dốc Khánh Thành phía trên bản Noọng Dẻ của xã Nậm Cắn, huyện Kỳ Sơn, tôi đã chụp một số kiểu ảnh hiện trạng xe nằm lật úp sát mép Quốc lộ 7A. Khi trở về Vinh, được một phóng viên đề nghị cho báo đăng ảnh vụ này, tôi đã ghi nội dung vụ tai nạn phía sau tấm ảnh rồi chuyển cho phóng viên đó. Vài ngày sau, có người cho biết, tôi tìm đọc và thấy báo đăng ảnh này có tên mình là tác giả.
Từ đó, khi tham gia điều tra các vụ tai nạn giao thông, nhất là khi được điều chuyển từ Phòng Cảnh sát Giao thông (CSGT) sang Phòng Cảnh sát Điều tra, thấy sự kiện có thể đăng báo là tôi chụp ảnh, viết tin, bài gửi tòa soạn. Còn nhớ, khi tham gia điều tra vụ tai nạn pháo nổ làm 38 người chết cháy trên xe ôtô khách ở Cầu Bùng (Diễn Châu), bác Hồ Văn Hiến, lúc đó là Phó ban Tham mưu Cảnh sát kiêm Trưởng phòng Cảnh sát Điều tra và anh Trần Quang Dung là Trưởng phòng CSGT đã đồng ý và tạo điều kiện cho tôi viết bài. Rồi nhiều vụ việc tiếp đó mà trường hợp đáng nhớ nhất là khi nhận được tin xe ôtô do Cao Mạnh Hùng ở Thái Bình điều khiển đâm vào xe môtô tuần tra của Phòng CSGT Công an Nghệ An tại phía Bắc cầu Bến Thủy làm 3 chiến sỹ CSGT bị thương vong, cùng các điều tra viên khác, tôi nhanh chóng đến hiện trường. Sau đó, tôi đã gửi tin, ảnh cho Báo Công an Nghệ An và được lãnh đạo đơn vị yêu cầu, tôi cũng đã gửi bài đăng trên Báo Nhân Dân.
Cùng với các phóng viên khác, những tin, ảnh, bài viết của tôi về kết quả điều tra vụ án này không chỉ giúp cho mọi người hiểu đúng bản chất sự việc và hành động nguy hiểm của kẻ phạm tội, ngăn chặn kịp thời luận điệu của kẻ xấu mà còn góp phần làm rõ và tôn vinh hành động dũng cảm của các chiến sỹ CSGT Nguyễn Trọng Sáu, Bùi Văn Sơn đã hy sinh và Ngô Trí Tưởng bị thương trong khi làm nhiệm vụ.
Những ngày tháng đó, phóng viên báo, đài còn ít, đường sá đi lại khó khăn nên tin, bài phản ánh về vụ án, về sự kiện “nóng” mà tôi viết có lúc chưa hay nhưng vẫn được Thư ký tòa soạn sử dụng. Có tác phẩm được đăng báo, tự thấy vui hơn, điều đó khích lệ bản thân gửi tác phẩm cho tòa soạn Báo Công an Nghệ An nhiều hơn. Thời kỳ đó, tuy không làm thẻ nhưng viết bài gửi đăng báo nhiều nghiễm nhiên tôi được coi là cộng tác viên của Báo.
Còn nhớ, thời kỳ những năm 90 của thế kỷ trước, cộng tác viên có tin, bài thì phải đến tòa soạn để nộp - chủ yếu là bản viết tay. Vì thế, việc gặp lãnh đạo Báo, Thư ký tòa soạn, phóng viên hoặc nhân viên đánh máy diễn ra thường xuyên. Các bác, các anh ở tòa soạn qua các thời kỳ như: Cao Đăng Nghĩa, Nguyễn Thanh, Đức Dung, Duy Hảo, Việt Long, Thành Trung, Bá Minh, Ngọc Tuần, Trần Hoài Ngọc, Hồ Sắc, Việt Dũng, Ngọc Hùng, Bình Minh... rồi các chị, các em Kim Liên, Hoài Mơ, Thu Hằng, Hải Việt, Ngọc Tú... dường như luôn gắn bó thân thiết với tôi. Có thời điểm nộp tác phẩm cho tòa soạn xong lại tranh thủ đến hiệu ảnh ngoài để tráng phim, chọn in ảnh, đưa ảnh về cho tòa soạn quét in lên báo. Việc gửi tác phẩm đăng báo lúc đó mất nhiều thời gian, công đoạn chứ không hiện đại và nhanh như bây giờ. Nhuận bút chẳng được mấy nhưng cứ có bài viết được lên mặt báo là vui rồi.
Từ khi tốt nghiệp, nhận bằng đại học báo chí và chuyển sang làm tuyên truyền, cơ hội tiếp xúc sự kiện nhiều và được anh em giúp đỡ nên việc khai thác thông tin ở các đơn vị của tôi gặp thuận lợi. Nhớ lại từ khi “chập chững” những dòng tin, bài viết đầu tiên cho Báo Công an Nghệ An đến khi “trưởng thành” có hẳn 2 - 3 bài, tin, ảnh trên cùng 1 số báo phát hành và cho đến bây giờ, tôi vẫn thích cái vốn “hơi thở cuộc sống” của tờ báo này. Giai đoạn từ năm 2000, Báo Công an Nghệ An phát hành rộng rãi, nhờ đó các tin, bài, ảnh về các đơn vị lập chiến công (có cả của tôi gửi đăng) được người đọc quan tâm. Cũng từ đó, tôi được lãnh đạo và các đơn vị Công an trong tỉnh dành cho tin “nóng” nhiều hơn. Nhiều lần, nhiều năm được ngồi xe cùng đi cơ sở với các đời Giám đốc và nhiều Phó Giám đốc Công an tỉnh, tôi thật sự biết ơn vì đã cho tôi cơ hội tiếp cận các sự kiện.
Còn nhớ mãi cái cảm giác lần đầu tiên cầm máy bám theo ghi hình Giám đốc Công an tỉnh khảo sát thực trạng khai thác đá đỏ trái phép ở các khu đồi thuộc xã Châu Bình của huyện Quỳ Châu (1991) trong hỗn cảnh đủ loại đối tượng phức tạp; lần đi theo đồng chí Phó Giám đốc phụ trách Cảnh sát đến hiện trường còn tanh mùi máu và ớn lạnh trước những cái lườm nguýt của các đối tượng có tiền án, tiền sự trong vụ nổ mìn giết người ở xã Chiêu Lưu (2001). Để có những hình ảnh chân thực, sinh động thì những lần vào trận phá án, tôi được đồng đội tạo điều kiện rất nhiều.
Trong lần ghi hình các lực lượng di chuyển, phối hợp bắt 14 đối tượng mua bán ma túy trong một đêm tại 2 xã Mường Noọc và Châu Kim của huyện Quế Phong (2003), do vừa cầm máy ảnh lại có cả máy quay phim nên Chỉ huy trận đánh đã phân công 1 chiến sỹ hỗ trợ mang phương tiện cho tôi. Rồi lại có lần theo các chiến sỹ Cảnh sát Hình sự bí mật băng qua vườn cây để bắt đối tượng truy nã phạm tội giết người lẩn trốn ở xã Nghĩa Trung, huyện Nghĩa Đàn (2001) một chiến sỹ đã giúp tôi bấm đèn pha ghi hình kịp thời cảnh quật ngã đối tượng…
Có những hình ảnh sống động ở hiện trường gửi đến đăng báo kịp thời nên tin, bài của tôi dường như được Tòa soạn ưu ái. Có nhiều lần đang ở hiện trường chứng kiến các cuộc bao vây, bắt giữ đối tượng, tôi vẫn điện về cho Thư ký Tòa soạn dành “đất” để đăng tin, nhất là giai đoạn Tòa soạn chỉ phát hành 2 số/tuần. Từ đó cho đến giờ, tôi vẫn không quên biết bao lần được đi theo lực lượng công vụ để ghi hình bắt giữ các đối tượng hình sự, ma túy nguy hiểm và hung hãn; trong đó nhớ nhất là vụ đối tượng ôm lựu đạn cố thủ rồi tự sát trên chuồng trâu ở xã Thịnh Sơn (Đô Lương); vụ gần 200 chiến sỹ Công an, Quân đội, Bộ đội Biên phòng bao vây vận động đối tượng mua bán ma túy Vi Văn May (cầm lựu đạn đã rút chốt khống chế vợ con làm con tin) ở xã Hữu Kiệm (Kỳ Sơn) đầu hàng; vụ Cảnh sát 113 bắt đối tượng nghiện ma túy cầm dao khống chế người dân để tìm cách trốn ở xã Nghi Phú (TP Vinh)…
Và cứ mỗi lần đi cùng lực lượng phá án về là tôi đều có tin, bài, ảnh gửi đăng Báo Công an Nghệ An, kịp thời phản ánh những hành động cao đẹp, sẵn sàng hy sinh thân mình để bảo vệ nhân dân của các chiến sỹ ở các đơn vị thuộc Công an Nghệ An. Có những năm viết nhiều, được đăng nhiều, được trao thưởng và công nhận cộng tác viên xuất sắc nên nhiều bạn thân quen trong tỉnh và ở ngoài tỉnh cứ nhầm tưởng tôi là phóng viên Báo Công an Nghệ An. Và đến bây giờ một số đồng đội cũ vẫn gọi như vậy. Thật tự hào khi được là “cộng tác viên”, rồi được coi là “phóng viên” Báo Công an Nghệ An, nhất là một số người bạn ở các đơn vị chiến đấu khi gặp còn vui gọi tôi là “phóng viên chiến trường”.
Nhớ lại nhiều năm trước, thật cảm phục khi các cộng tác viên ngoài ngành tuy đã cao tuổi vẫn có nhiều bài viết về lực lượng Công an cho Báo Công an Nghệ An nên đến bây giờ tôi cảm thấy vẫn còn nợ đồng đội nhiều lắm. Hình ảnh dũng cảm, tận tụy, mưu trí, sáng tạo và tấm lòng nhân hậu của các anh trong từng hành động, từng trận đánh được chứng kiến vẫn in sâu trong tâm trí tôi, như: Cởi áo khoác ngoài của mình cho đối tượng bị khóa tay mặc vào đêm mùa đông lạnh cóng; nhệu nhạo nhai bánh mì giờ phút giao thừa khi dẫn giải đối tượng bị bắt ngoại tỉnh về Nghệ An; mặc trang phục sao hàm đầy đủ nhưng phải cởi quần dài chạy băng qua cánh đồng để kịp bắt đối tượng hung hãn... và nhiều, nhiều hình ảnh rất “đắt” khác đã ghi nhận mà tôi chưa kịp đưa lên báo. Câu hỏi bao giờ trả được “món nợ” này vẫn day dứt trong tôi.
Hữu Huỳnh