Bình yên xứ Nghệ

Những đóng góp to lớn của lực lượng Công an Nghệ An cho chiến trường miền Nam

08:05, 29/04/2018 (GMT+7)

TIN LIÊN QUAN

(Congannghean.vn)-Trải qua mỗi giai đoạn trong thời kỳ kháng chiến chống đế quốc Mỹ cứu nước, Công an Nghệ An (CANA) vừa phải ra sức xây dựng, phát triển lực lượng, đáp ứng yêu cầu bảo vệ hậu phương miền Bắc, chống chiến tranh phá hoại, đấu tranh chống phản cách mạng và bọn tội phạm khác, vừa phải phát huy vai trò hậu phương trực tiếp chi viện mọi mặt cho an ninh miền Nam. Qua đó, góp phần làm thất bại mọi âm mưu và hành động chống phá cách mạng của cơ quan phản gián Mỹ ngụy, tiến tới giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Lực lượng Công an Nghệ An ngày nay không ngừng phấn đấu, rèn luyện, hoàn thành xuất nhiệm vụ bảo vệ ANQG, giữ gìn TTATXH
Lực lượng Công an Nghệ An ngày nay không ngừng phấn đấu, rèn luyện, hoàn thành xuất nhiệm vụ bảo vệ ANQG, giữ gìn TTATXH

Chi viện sức người, sức của cho chiến trường miền Nam

Nghệ An là một trong những tỉnh thuộc tuyến lửa khu 4, là nơi trung chuyển tài lực, vật lực của hậu phương lớn cho các chiến trường Đông Dương; là điểm đầu của vùng “cán xoong”, nơi được xem là yết hầu của tuyến đường chi viện chiến trường nên bị Mỹ - ngụy tập trung đánh phá ác liệt và tàn bạo. Trong cuộc kháng chiến trường kỳ chống đế quốc Mỹ (1954 - 1975), lực lượng CANA đã lập nhiều chiến công trên lĩnh vực bảo vệ ANQG, giữ gìn TTATXH, góp phần quan trọng vào thắng lợi chung của đất nước và tỉnh nhà.

Song song với nhiệm vụ đảm bảo ANTT, bảo vệ hậu phương miền Bắc XHCN, CANA đã dốc hết lòng, hết sức để chi viện cho chiến trường với tinh thần “Tất cả vì miền Nam ruột thịt”, “Vì Quảng Ngãi thân yêu”. Qua các đợt phát động, hàng năm, có trên 90% CBCS Ty CANA làm đơn tình nguyện chi viện cho chiến trường. Tính từ năm 1962 - 1975, CANA đã chi viện cho chiến trường miền Nam và chiến trường Lào 441 CBCS. Trong cuộc chiến đấu với kẻ thù đã có 63 đồng chí CBCS CANA anh dũng hy sinh cùng hàng chục đồng chí khác bị thương trên chiến trường miền Nam và chiến trường Lào.

Trong số các đồng chí ngã xuống, rất nhiều đồng chí đã ngoan cường chiến đấu và hy sinh anh dũng đến hơi thở cuối cùng, tiêu biểu như liệt sỹ Bùi Văn Giáp (bí danh Sơn - Hùng, SN 1927), khi chi viện cho chiến trường miền Nam lấy bí danh là Vũ Thanh Lâm - thường gọi là Ba Lâm, quê ở xã Diễn Kim, huyện Diễn Châu. Sau khi học lớp T1-ANND, đồng chí Ba Lâm được tăng cường chi viện cho chiến trường miền Nam, vào địa bàn TP Mỹ Tho (Tiền Giang) giữ chức vụ Ủy viên Ban An ninh Trung - Nam bộ kiêm Trưởng phòng An ninh khu 8.

Vào khoảng 4 giờ ngày 29/1/1968 (tức 1/1 Tết Mậu Thân 1968), đồng chí Ba Lâm và 2 cán bộ An ninh trực tiếp tham gia cuộc Tổng tiến công nổi dậy Tết Mậu Thân tại TP Mỹ Tho. Vào khoảng 11 giờ cùng ngày, khi đang trở về căn hầm bí mật ở ấp Mỹ Lương, xã Mỹ Phong thì bị địch phát hiện và tổ chức càn quét, lùng sục và xả súng. Sau 30 phút chiến đấu, khi súng đã hết đạn, đồng chí Ba Lâm bị địch bắt. Kẻ thù đã tra tấn hết sức dã man, tàn bạo nhưng đồng chí không chịu đầu hàng, vẫn giữ trọn khí tiết cách mạng. Địch dùng báng súng đánh đập vào đầu và vứt xác đồng chí Ba Lâm lên gò đất nơi hầm bí mật để phơi nắng, không cho chôn cất nhằm uy hiếp nhân dân và những người nuôi giấu cán bộ. Sau đó, dân quân địa phương đã bí mật đưa xác đồng chí Ba Lâm đi chôn… Những tấm gương chiến đấu quả cảm, ngoan cường và hy sinh oanh liệt đã tô thắm thêm truyền thống lịch sử của CANA, được đồng chí, đồng bào miền Nam ruột thịt mãi ghi nhớ, nể trọng và kính phục.

Lực lượng Cảnh sát Cơ động không ngừng luyện tập nâng cao khả năng chiến đấu
Lực lượng Cảnh sát Cơ động không ngừng luyện tập nâng cao khả năng chiến đấu

Giữ vững mạch máu giao thông

Gắn với đẩy mạnh phong trào quần chúng bảo vệ trị an và phòng gian trong thời kỳ chiến tranh phá hoại, CANA đã phối hợp với các lực lượng khác (nhất là TNXP, GTVT…) giữ vững mạch máu giao thông trong mưa bom bão đạn của kẻ thù. Đế quốc Mỹ tập trung số lượng máy bay và bom đạn đánh vào các mục tiêu giao thông vận tải (18.215/30.216 lần), chiếm 61%, có lúc lên đến 75% tổng số lần đánh phá. Có những mục tiêu giao thông bị đánh đi đánh lại hàng trăm lần, mang tính hủy diệt như: Ga Hoàng Mai, dốc Truông Bồn, cầu Cấm, phà Bến Thủy, ga Vinh…

Trước tình hình trên, để đáp ứng tình hình và nhiệm vụ mới, Phòng CSGT Ty CANA đã tăng từ 15 đồng chí (1965) lên 116 đồng chí (năm 1968), được phân công cắm chốt trên 40 điểm giao thông quan trọng của các tuyến đường sắt - thủy - bộ. Cùng với các lực lượng khác như TNXP, GTVT, Công binh… có trách nhiệm đảm bảo nối liền mạch máu giao thông, đảm bảo an toàn nhất về người và tài sản chi viện cho chiến trường miền Nam.

Thực hiện khẩu hiệu: “Mặt đường, sông nước là chiến trường, phương tiện là vũ khí”, CBCS Phòng CSGT CANA đã kiên cường bám cầu, bám đường, bám phà, bảo vệ từng mét đường, từng cân hàng hóa. Mặc cho máy bay Mỹ bắn phá ác liệt, đơn vị đã bảo vệ an toàn các chuyến xe, chuyến tàu, bảo vệ tài sản Nhà nước, tính mạng của nhân dân. Từ năm 1962 - 1972, tập thể CBCS Phòng CSGT đã trực tiếp cứu chữa 150 người bị thương, 7.000 tấn hàng hóa và hướng dẫn hơn 100 lượt cán bộ cao cấp của Đảng ra mặt trận và từ mặt trận về hậu phương. Chỉ tính riêng trong 3 năm (1965 - 1968), cán bộ CSGT CANA đã đúc rút, tìm ra quy luật qua các trận đánh của địch để xây dựng trên 100 phương án bảo vệ các đoàn xe quân sự, dân sự và cách tránh bom đạn khi vượt qua các trọng điểm ác liệt. Vận động quần chúng nhân dân đào trên 1.000 hố tăng xê, hàng chục km đường giao thông hào phòng, chống máy bay địch.

Trong cuộc chiến đấu đầy hy sinh gian khổ ấy, đã xuất hiện nhiều đơn vị và cá nhân tiêu biểu, nêu cao chủ nghĩa anh hùng cách mạng, trở thành những tấm gương quả cảm để giữ vững mạch máu giao thông trong điều kiện ác liệt ở những “tọa độ lửa” khốc liệt. Điển hình như Đội CSGT CATP Vinh, Trạm Công an đường sắt ga Vinh; là các liệt sỹ đã anh dũng hy sinh trong khi làm nhiệm vụ “thông cầu, thông xe, thông đường” như liệt sỹ Nguyễn Trọng Đích, Huỳnh Năm, Đoàn Danh Ngôn, Hoàng Vũ Trọng, Tăng Bá Bình, Trần Văn Điển…

Cùng với việc đảm bảo mạch máu giao thông là nhiệm vụ phòng cháy, chữa cháy (PCCC), bảo vệ hàng hóa vận tải, tài sản của Nhà nước, tính mạng và tài sản của nhân dân. Với vai trò nòng cốt, chủ công, lực lượng PC&CC Ty CANA đã dũng cảm cứu chữa trên 350 trận, bảo vệ an toàn trên 55.000 tấn phương tiện (hàng quân sự), 40.000 tấn xăng dầu. Nhiều trận đánh ác liệt với giặc Mỹ, “giặc lửa” đã để lại tiếng vang lớn trong thời gian này như: Vụ chữa cháy kho xăng Hưng Hòa ngày 5/8/1964, vụ cứu tàu “Đoàn kết” trận 10/5/1965, vụ chữa cháy cứu trận địa tên lửa ở Đô Lương ngày 24/6/1972…

Trong những năm tháng làm nhiệm vụ chiến đấu gian khổ, CBCS CANA đã phát huy truyền thống quê hương Xô Viết anh hùng, kiên trì lăn lộn với phong trào, gắn bó với nhân dân, đoàn kết với cán bộ địa phương; đồng thời, phát huy tinh thần trách nhiệm cả về chính trị, nghiệp vụ, vũ trang, vượt qua thử thách, được cấp ủy tin cậy, giao trọng trách lãnh đạo hoặc trở thành nòng cốt của an ninh miền Nam…

Kỷ niệm 43 năm Ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, trong chiến công chung của đồng bào, chiến sỹ cả nước và lực lượng Công an nhân dân, có một phần đóng góp quan trọng của lực lượng CANA. CANA cùng với lực lượng Công an cả nước đang nỗ lực phấn đấu để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, bảo vệ ANQG, giữ gìn TTATXH cũng như nhiệm vụ chi viện, hợp tác, hiệp đồng tác chiến với Công an các tỉnh bạn, các lực lượng, các ngành theo yêu cầu, đòi hỏi của thực tế tình hình mà Đảng và ngành giao phó.

Bài viết có sử dụng một số tư liệu về lịch sử CANA thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước (1954 - 1975).

Thu Thủy

Các tin khác