Bình yên xứ Nghệ
'Ba cùng' trên quê Bác
(Congannghean.vn)-Những ngày mùa thu lịch sử, quê hương xứ Nghệ đón những vị khách đặc biệt. Họ là những học viên đến từ Học viện Cảnh sát nhân dân với chuyến hành trình về với quê Bác để tham gia chương trình “Thực hành chính trị - xã hội”. Với nhiệt huyết, đam mê và tinh thần trách nhiệm của tuổi trẻ CAND, họ đã có những trải nghiệm ý nghĩa đầu tiên khi “ba cùng” với bà con nhân dân.
“Thực hành chính trị - xã hội” là hoạt động thường niên của Học viện Cảnh sát nhân dân đối với sinh viên năm nhất sau khi kết thúc các môn học lý luận chính trị, nhằm giúp sinh viên nhận thức sâu sắc về các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; giáo dục truyền thống cách mạng, tinh thần yêu nước, niềm tự hào dân tộc, rèn luyện bản lĩnh chính trị, kỹ năng sống và kỹ năng thực hiện công tác dân vận.
Năm nay, Học viện Cảnh sát nhân dân tổ chức hoạt động này tại Nghệ An với hơn 1.380 sinh viên khóa D41, D28 Lào và khóa 2 hệ tư pháp hình sự tham gia. Về với Nghệ An trong những ngày mùa thu lịch sử khiến đoàn cán bộ, học viên cảm nhận được rõ hơn truyền thống cách mạng của mảnh đất sinh ra Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại - người đã sáng lập và rèn luyện lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam.
Trong thời gian 20 ngày, các học viên được phân về các xã Kim Liên, Hùng Tiến, Nam Xuân, Nam Lĩnh, Nam Giang thực hiện “ba cùng” (cùng ăn, cùng ở, cùng làm việc) với nhân dân, tham gia lao động, giúp đỡ nhân dân; tìm hiểu về tổ chức, hoạt động của hệ thống chính trị ở cơ sở, tình hình kinh tế, văn hóa, xã hội và ANTT tại địa phương; cùng lực lượng Công an cơ sở tiến hành các hoạt động tuần tra đảm bảo TTATXH, tuyên truyền, vận động quần chúng nhân dân tham gia phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ; tổ chức các hoạt động đền ơn, đáp nghĩa…
Đã gần một tuần nay, những hộ dân ở xã Nam Giang đã quen với sự xuất hiện của các sinh viên cảnh sát. Chỉ ngay sau ngày đầu xuất quân, các học viên đã tổ chức cắt tóc miễn phí cho các em nhỏ. Nghe tin được các “chú cảnh sát” cắt tóc, các em nhỏ kéo đến nhà văn hóa rất đông. Chỉ sau 2 tiếng, 30 em nhỏ đã được các chú cắt tóc gọn gàng để chuẩn bị bước vào năm học mới.
Đây chỉ là một trong vô số những hoạt động ý nghĩa của các bạn sinh viên trong thời gian lưu lại ở đây. Từ chỗ xa lạ, chưa một lần gặp mặt, giờ đây bà con ở đây đều xem họ như những người con trong gia đình.
Lâu lắm rồi ngôi nhà nhỏ của bác Lưu Văn Chương mới rộn rã tiếng cười như vậy. Nhà neo người, các con cháu đi làm ăn xa nên cuộc sống của hai ông bà vẫn trôi qua bình lặng như thế. Từ hôm có 2 sinh viên cảnh sát về ở cùng, nhà cửa tươm tất, sạch sẽ hơn, đã thế lúc nào cũng tràn ngập tiếng cười đùa, hát hò của các bạn trẻ. Không chỉ ăn cùng, ở cùng bà con, các sinh viên còn ra đồng giúp đỡ bà con nông dân thu hoạch, nấu ăn, tham gia dọn vệ sinh đường làng, ngõ xóm, dạy học, cắt tóc… cho các em nhỏ.
Sinh viên Học viện Cảnh sát nhân dân cõng cụ già đi tham quan khu di tích mộ bà Hoàng Thị Loan |
Những việc làm tưởng chừng như nhỏ nhặt, đơn giản nhưng có ý nghĩa rất lớn. Qua đó, hình ảnh người chiến sỹ Công an “vì dân phục vụ” ngày càng đẹp hơn trong lòng quần chúng nhân dân, được dân yêu mến, tin tưởng đúng như mục tiêu “Đi dân nhớ, ở dân thương” mà các học viên ở đây đã đặt ra khi bắt đầu chuyến hình trình về với xứ Nghệ.
Sáng sớm ngày 2/9, dòng người đổ về khu di tích mộ bà Hoàng Thị Loan ngày một đông hơn. Trong đó có rất nhiều cụ già tóc bạc phơ, đôi chân không còn được nhanh nhẹn và vững vàng nhưng đều mong muốn lên thắp cho mẹ của Bác Hồ một nén hương thơm.
Những học viên trong bộ quân phục cảnh sát đã nhanh chóng tìm đến các cụ già để giúp đỡ các cụ thực hiện mong mỏi của mình. Cụ Võ Văn Lai (82 tuổi) ở Nam Giang, Nam Đàn phấn khởi: "May mà có các cháu sinh viên trường cảnh sát cõng tôi lên xuống chứ không thì không biết khi mô mới lên được đến nơi. Không chỉ giúp tôi, các cháu còn tận tình giúp đỡ các cụ già, em nhỏ khác khi hành hương về với bà Hoàng Thị Loan. Hành động tuy nhỏ của các cháu nhưng lại rất nhân văn và ý nghĩa”.
Huyền Thương