Bình yên xứ Nghệ
Chuyện 'hậu trường' 113
(Congannghean.vn)-Con lười ăn, vợ không cho gần gũi, hàng xóm say rượu làm ồn không cho ngủ… là muôn vàn lý do để người dân gọi điện đến “tâm sự” và thông báo với đường dây nóng 113. Chưa kể đến những trường hợp, nhiều người cố tình trêu đùa, gây phiền nhiễu và làm mất thời gian của CBCS. Những câu chuyện mà các CBCS trực đường dây nóng 113 chia sẻ đã giúp chúng tôi phần nào hiểu, cảm thông với công việc và những áp lực mà các anh đang phải đảm nhận.
Đội Phản ứng nhanh tiếp nhận, xử lý thông tin từ đường dây nóng 113 |
Dù đã hết ca trực gần 30 phút nhưng Trung úy Cao Xuân Mạnh vẫn tiếp tục trao đổi thông tin với người dân đang gọi điện đến đường dây nóng 113. Được biết, người này đang bắt xe xuống Sân bay quốc tế Vinh. Tuy nhiên, khi anh đang định lựa chọn phương tiện thì lái xe taxi và 1 người xe ôm tại khu vực này xảy ra tranh chấp. Không dừng lại ở lời nói, 2 tài xế còn xảy ra ẩu đả. Lo lắng mình sẽ lỡ mất chuyến bay, theo thói quen, anh gọi điện đến đường dây nóng 113. Sau khi liên lạc với các đơn vị chức năng và hướng dẫn người dân phương án xử lý, Trung úy Mạnh mới kết thúc ca trực của mình.
Chỉ tính riêng trong 10 giờ đồng hồ thường trực đường dây nóng, Trung úy Mạnh và đồng đội đã tiếp nhận gần 300 cuộc điện thoại. Tuy nhiên, có rất nhiều cuộc gọi với nội dung thông tin không rõ ràng, thậm chí trêu đùa, cợt nhả, gây phiền nhiễu.
“Có những số điện thoại gọi đi gọi lại rất nhiều lần chỉ với mục đích duy nhất là trêu đùa CBCS. Với những trường hợp này, chúng tôi khuyên nhủ, thậm chí cảnh báo về khung hình phạt”, Trung úy Cao Xuân Mạnh cho biết.
Theo Trung tá Đặng Hải Triều, Đội trưởng Đội Phản ứng nhanh Cảnh sát 113, 1 ca trực sẽ có 6 đồng chí đảm nhận nhiệm vụ trực thông tin, buổi đêm mỗi cán bộ trực 1 tiếng, ngày trực 4 tiếng. Trong thời gian qua, đường dây nóng 113 đã phát huy hiệu quả trong việc tiếp nhận và kịp thời xử lý thông tin, tình hình, góp phần giải quyết nhiều vụ việc “nóng” tại cơ sở.
Điển hình như vụ gây rối trật tự, chống người thi hành công vụ tại quán karaoke số 108 đường Phan Đình Phùng và quán karaoke số 100 đường Mai Hắc Đế; ngăn chặn kịp thời hai nhóm đối tượng dùng hung khí để thanh toán nhau tại khu vực Sân vận động Vinh…Thống kê trong tháng 6/2016, Đội đã điều động 720 lượt CBCS tham gia trực tiếp giải quyết 90 tin báo.
Được biết, trường hợp người dân gọi điện đến trêu đùa xuất phát ở hầu hết các tỉnh, thành, trong đó, tập trung nhiều nhất ở các huyện. Tuy vậy, quán triệt tinh thần chỉ đạo của lãnh đạo Công an tỉnh, CBCS của Đội luôn ứng xử văn hóa với người dân trong bất cứ hoàn cảnh nào. Hai máy điện thoại thường xuyên có người trực, tiếp nhận thông tin. Thông thường, sau 5 - 10 phút, CBCS sẽ có mặt tại hiện trường để xử lý tình hình.
Theo Điều 5, Mục 1, Chương 2, Nghị định 167/2013 về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực ANTT, ATXH; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy và chữa cháy, phòng, chống bạo lực gia đình, hành vi báo thông tin giả đến các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền sẽ bị phạt từ 500.000 - 1.000.000 đồng. |
Chứng kiến Cảnh sát 113 thường trực mới hiểu phần nào nỗi niềm mà các anh đang nếm trải. Bình thường, mỗi chúng ta khi tiếp nhận sự phiền nhiễu, trêu đùa đã thấy “nóng mặt”. Thế nhưng, các CBCS phải tiếp nhận điều đó mỗi ngày, quen thuộc đến mức các anh thường nói vui với nhau rằng: “Đó là gia vị cho mỗi ca trực…”.
Để có được “tinh thần thép” như vậy, đòi hỏi sự hy sinh, thái độ nhã nhặn của CBCS. Hành vi gọi điện, nhá máy vào số máy 113 để trêu đùa, chọc phá không những ảnh hưởng đến quá trình tiếp nhận, xử lý tin báo liên quan đến tình hình ANTT mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của người dân.
Một giờ trực tổng đài của lực lượng cảnh sát 113 |
Bởi trên thực tế, có những trường hợp người dân có nhu cầu cần giúp đỡ thực sự nhưng vì bị tin báo giả quấy rối, gây cản trở nên việc tiến hành giải quyết, xử lý các vụ việc liên quan đến tình hình ANTT không được kịp thời, nhanh chóng; hoặc khi Cảnh sát 113 đến hiện trường thì đã quá chậm trễ, đối tượng đã bỏ trốn.
Xử lý nhanh, kịp thời thông tin là mong muốn chính đáng của người dân, là yêu cầu quan trọng mà cấp trên giao phó cho lực lượng Cảnh sát 113. Tuy nhiên, nhiệm vụ này chỉ được thực hiện trọn vẹn khi có sự phối hợp, ý thức chấp hành pháp luật của người dân. Việc cung cấp thông tin chính xác cho Cảnh sát 113 là cơ sở quan trọng để nâng cao hiệu quả công tác đảm bảo ANTT trên địa bàn. Ngoài ra, với những trường hợp cố tình quấy rối cần có chế tài xử lý nghiêm.
Mai Hậu