(Congannghean.vn)-Ngay trong những ngày đầu non trẻ của Nhà nước dân chủ cộng hoà, ngày 13/9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 33/B cho phép Ty Liêm phóng bắt những đối tượng nguy hiểm cho Nhà nước dân chủ đưa đi an trí và thành lập các trại giam trực tiếp làm nhiệm vụ trừng trị, giáo dục phạm nhân để bảo vệ chính quyền và đảm bảo trật tự trị an.
Lực lượng Cảnh sát Thi hành án hình sự và Hỗ trợ tư pháp làm nhiệm vụ tại các phiên tòa - Ảnh: Hữu Trọng |
Lúc này, tại Bắc Bộ có Phòng Quản lý trại giam, ở Trung Bộ có bộ phận trại giam thuộc Phòng Trinh sát, ở Nam Bộ có trại giáo hóa thuộc Quốc gia tự vệ cuộc... Cuối năm 1946, hưởng ứng lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến, các trại giam phân tán và di chuyển đến vùng hậu phương tự do hoặc chuyển vào vùng rừng núi để đối phó với địch. Ngày 7/11/1950, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 150/SL về tổ chức các trại giam làm nhiệm vụ trừng trị và giáo hoá phạm nhân.
Trước yêu cầu đảm bảo ANTT trong tình hình mới và để phù hợp với tiến trình cải cách tư pháp, ngày 10/4/2009, Bộ Chính trị có Thông báo số 240-TB/TW; tiếp đó Chính phủ ban hành Nghị định số 77/2009/NĐ-CP và Bộ Công an ban hành Quyết định số 4051/QĐ-BCA thành lập Tổng cục Cảnh sát Thi hành án hình sự và Hỗ trợ tư pháp trên cơ sở Cục Quản lý trại giam, cơ sở giáo dục và Cảnh sát hỗ trợ tư pháp, Cảnh sát quản lý, chỉ đạo công tác tạm giam, tạm giữ của Bộ Công an. Ngày 1/7/2010, Luật Thi hành án hình sự được ban hành. Đây là những cơ sở pháp lý quan trọng xác định chức năng, nhiệm vụ và tạo cơ sở để củng cố, xây dựng tổ chức bộ máy lực lượng Cảnh sát Thi hành án hình sự và Hỗ trợ tư pháp.
Tại Nghệ An, ngay sau khi Cách mạng tháng Tám thành công, Uỷ ban cách mạng lâm thời tỉnh Nghệ An đã chỉ đạo Công an tỉnh xây dựng trại tạm giam tại vùng Bến Hới, xã Thanh Sơn (nay là xã Tiên Kỳ), huyện Tân Kỳ để quản lý, giam giữ các đối tượng chống đối cách mạng, làm tay sai cho Pháp, Nhật; bọn lưu manh, côn đồ, phạm pháp hình sự. Những ngày đầu thành lập, mặc dù vô cùng khó khăn, thiếu thốn, song trại tạm giam đã làm tốt công tác giam giữ, trong đó có các đối tượng cầm đầu Quốc dân đảng, góp phần bảo vệ chính quyền cách mạng.
Từ khi thành lập đến nay, trại tạm giam đã trải qua 9 lần di chuyển trụ sở, 1 lần hợp nhất và 1 lần chia tách để phục vụ yêu cầu chính trị và nhiệm vụ bảo vệ ANTT của địa phương. Tại Công an cấp huyện, nhà tạm giữ được xây dựng để quản lý, giam giữ các đối tượng phạm tội, phục vụ công tác điều tra, xử lý tội phạm. Những năm qua, cán bộ, chiến sĩ làm công tác quản lý tạm giữ, tạm giam đã tham mưu, tổ chức thực hiện tốt công tác quản lý giam giữ, giáo dục can phạm nhân; phục vụ tốt công tác điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án hình sự trên địa bàn tỉnh...
Để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới, ngày 18/4/2003, Bộ Công an có Quyết định số 246/2003/QĐ-BCA(X13) thành lập Cục Cảnh sát Bảo vệ và Hỗ trợ tư pháp. Trên cơ sở đó, Công an tỉnh đã tổ chức lại Phòng Cảnh sát Bảo vệ và Hỗ trợ tư pháp và chỉ đạo tổ chức lực lượng làm nhiệm vụ hỗ trợ tư pháp và quản lý nhà tạm giữ tại Công an cấp huyện. Lực lượng làm nhiệm vụ hỗ trợ tư pháp đã tổ chức bảo vệ hàng nghìn phiên toà, thi hành án tử hình hàng chục đối tượng, quản lý chặt chẽ các loại vật chứng, mỗi năm dẫn giải hàng nghìn lượt đối tượng các loại...
Ngày 9/6/2010, Giám đốc Công an tỉnh ban hành Quyết định số 661/QĐ-CAT(PX13) thành lập Phòng Cảnh sát Thi hành án hình sự và Hỗ trợ tư pháp trên cơ sở sáp nhập lực lượng theo dõi công tác thi hành án phạt tù, lực lượng hướng dẫn công tác tạm giữ, tạm giam và lực lượng hỗ trợ tư pháp, quản lý kho vật chứng.
Từ năm 2010 đến nay, Công an tỉnh Nghệ An đã quan tâm chỉ đạo triển khai Luật Thi hành án hình sự nói chung và xây dựng, củng cố tổ chức bộ máy cơ quan thi hành án hình sự nói riêng. Đã tham mưu UBND tỉnh Nghệ An ban hành và chỉ đạo thực hiện Đề án nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước về thi hành án hình sự trên địa bàn Nghệ An giai đoạn 2011 - 2015, có tính đến 2020. Triển khai hoạt động cơ quan thi hành án hình sự Công an tỉnh và 21 cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện.
Để đảm bảo Công an cấp xã thực hiện tốt chức năng tham mưu, giúp việc cho UBND cùng cấp trong công tác thi hành án hình sự, Công an tỉnh đã tham mưu cho UBND tỉnh tiếp tục thực hiện tốt Đề án đào tạo Trưởng Công an cấp xã giai đoạn 2011 - 2015; mở các lớp đào tạo nghiệp vụ trung cấp Công an xã, tập huấn nghiệp vụ hàng năm cho cán bộ Công an xã... nhằm nâng cao trình độ, kiến thức để Công an cấp xã đủ sức thực hiện nhiệm vụ theo quy định của Luật Thi hành án hình sự.
Tập trung triển khai thực hiện bài bản, nghiêm túc, có chất lượng các chủ trương, chỉ đạo của Bộ Công an về công tác thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp; nhất là tổ chức thi hành án tử hình bằng hình thức tiêm thuốc độc; tổ chức công tác xét, đề nghị đặc xá cho phạm nhân; điều tra, khảo sát người chấp hành xong hình phạt tù và người được tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù; khảo sát các mô hình, điển hình tiên tiến về hoà nhập cộng đồng; chỉ đạo thực hiện tốt Chỉ thị số 05/CT-BCA ngày 21/8/2009 của Bộ trưởng Bộ Công an về tiếp tục tăng cường công tác quản lý tạm giữ, tạm giam trong tình hình mới, góp phần quản lý chặt chẽ hàng nghìn lượt đối tượng các loại, không để xảy ra trốn, phạm tội mới... phục vụ tốt công tác điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án hình sự và đảm bảo an ninh, an toàn trại tạm giam, nhà tạm giữ.
Thời gian tới, lực lượng Cảnh sát Thi hành án hình sự và Hỗ trợ tư pháp tiếp tục tăng cường giáo dục chính trị, tư tưởng. Chú trọng thực hiện cải cách hành chính, cải cách tư pháp trong thi hành án hình sự. Tăng cường kiểm tra, chấn chỉnh tác phong, thái độ làm việc, văn hóa ứng xử của đội ngũ cán bộ, từng bước nâng cao kỷ luật, kỷ cương và tính vũ trang, chính quy, hiện đại, đáp ứng tốt yêu cầu, nhiệm vụ chính trị trong tình hình mới.
.