Bình yên xứ Nghệ

Những chiến sĩ mang hai màu áo

08:56, 26/02/2014 (GMT+7)

(Congannghean.vn)- Không giống như các bác sĩ làm việc ở các bệnh viện, các y, bác sĩ làm việc trong trại giam thường phải đối mặt với những nguy hiểm nhất định khi thường tiếp xúc với phạm nhân HIV/AIDS, các phạm nhân không hợp tác khám bệnh hay các trường hợp giả bệnh để trốn lao động. Thế nhưng họ luôn khắc phục khó khăn, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, không chỉ chăm sóc, khám chữa bệnh cho các phạm nhân, mà còn động viên, chia sẻ, cảm hóa các phạm nhân cải tạo tốt sớm trở về với xã hội. Họ là các y, bác sĩ Trại tạm giam Công an tỉnh, những thầy thuốc mang hai màu áo.

Vinh dự được khoác trên mình hai màu áo, màu xanh áo lính và chiếc áo blouse trắng nên công việc các y, bác sĩ Trại tạm giam Công an tỉnh Nghệ An nhận về mình cũng nặng nề hơn. Bệnh xá có 6 CBCS, trong đó có 1 bác sĩ, 1 y sĩ và 4 y tá. Trại tạm giam Công an tỉnh hiện đang giam giữ hơn 1.000 can phạm. Mỗi ngày, các y, bác sĩ ở đây khám cho hơn 100 lượt phạm nhân, bởi thế mà phải chờ đến gần trưa họ mới có thời gian tiếp chuyện chúng tôi.

Công tác trong hoàn cảnh đặc biệt, bệnh nhân của họ gồm đầy đủ các thành phần xã hội, vi phạm nhiều tội khác nhau, có nhiều đối tượng rất lỳ lợm, hung hãn nên việc thăm khám sức khỏe gặp rất nhiều khó khăn. Có nhiều trường hợp giả bệnh để trốn lao động cải tạo, những phạm nhân mắc bệnh thật thì lại không hợp tác, không để các bác sĩ khám nên các y, bác sĩ còn phải dùng các “biện pháp tâm lý” để họ bình tĩnh, hợp tác. Hiện nay có 15 bệnh nhân đang được điều trị tại bệnh xá trong đó có 5 bệnh nhân bị ADIS, chưa kể nhiều trường hợp khác đang được điều trị bằng thuốc ARV. Thật khó lường trước chuyện gì khi hằng ngày các y, bác sĩ phải tiếp xúc, phục vụ cho từng ấy phạm nhân, nhưng không vì thế mà họ nề hà, ngại khó.

Kiểm tra sức khỏe cho phạm nhân nhiễm HIV

Đại úy Cao Bá Tú, người đã có thâm niên 13 năm làm công tác y sĩ, trước đây anh công tác ở Trại giam Xuân Lộc, Đồng Nai rồi chuyển về Trại 3, Tân Kỳ và sau đó thì chuyển về đây. Anh đã tiếp xúc và chữa bệnh cho hàng nghìn phạm nhân và rất nhiều phạm nhân nhiễm HIV/ADIS. “Những người nhiễm HIV vốn đã bi quan, chán nản, đây lại là những người đang chịu sự trừng phạt của pháp luật nên tâm lý rất tuyệt vọng. Tội lỗi gây ra thì họ phải gánh chịu, còn khi đã vào đây thì họ cần sự giúp đỡ của mình nên nhiệm vụ của chúng tôi là phải tận tình chăm sóc, giúp đỡ họ”, anh Cao Bá Tú tâm sự.

Rất đông các can phạm ở đây là nữ, nhiều trường hợp vào đây khi đang mang thai, nhưng để phục vụ cho công tác điều tra họ phải ở lại trại tạm giam. Bởi thế mà đã có không ít người mẹ vượt cạn trong trại tạm giam. Mọi công tác chuẩn bị cho việc sinh nở, đồ dùng cho mẹ và bé đều một tay các y, bác sĩ lo. Các sản phụ cũng được chăm sóc chế độ đặc biệt hơn và cũng được khám thai định kỳ. Những người mẹ dù lầm đường lạc lối nhưng những đứa trẻ không hề có lỗi nên các cán bộ luôn dành sự quan tâm và tình thương đặc biệt cho chúng, coi như con của mình. Khi thì bộ quần áo, khi thì hộp sữa… không ai bảo ai, tất cả đều thay nhau chăm sóc cho bé.

Mới đây, bệnh xá vừa đón một bé gái là con của can phạm Vi Thị Múi. Thiếu tá Nguyễn Thị Thanh vẫn nhớ như in khoảnh khắc đón từng em bé ra đời: “Làm mẹ là thiên chức của người phụ nữ, dù họ là ai và ở trong hoàn cảnh nào cũng cần được cưu mang, giúp đỡ. Lúc ấy dường như chẳng có ranh giới giữa cán bộ và phạm nhân nữa, chỉ tập trung lo cho mẹ và bé, chỉ khi em bé ra đời mạnh khỏe, chúng tôi mới yên tâm”.

Vất vả, áp lực và cả những hiểm nguy nữa nhưng niềm vui họ nhận lại chỉ có vậy. Và dẫu cho bệnh nhân của họ là ai đi chăng nữa thì với trách nhiệm và tâm huyết của một lương y, những thầy thuốc mang hai màu áo vẫn ngày đêm tận tụy với công việc của mình.

TIN LIÊN QUAN

Huyền Thương

Các tin khác