Cuối khóa, tốt nghiệp loại giỏi Trần Văn Hoàng được phong quân hàm trung úy và điều động về Đồn Biên phòng Môn Sơn nhận công tác, với chức danh Đội trưởng Đội Vận động quần chúng.
Địa bàn đồn phụ trách là xã Môn Sơn (Con Cuông), với 14 thôn (bản) và tổng dân số là 1.983 hộ/8.646 khẩu, gồm ba thành phần dân tộc là Thái, Kinh và Đan Lai. Trong đó, đáng chú ý đồng bào Đan Lai chỉ chiếm 4,5% dân số toàn xã nhưng với trình độ dân trí thấp, tồn tại một số tập tục lạc hậu như: Tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống.
Bên cạnh đó, do điều kiện tự nhiên không thuận lợi, cùng với tập quán canh tác lạc hậu nên đời sống của đồng bào Đan Lai trên toàn xã nói chung và khu tái định cư bản Tân Sơn và Cửa Rào nói riêng còn gặp nhiều khó khăn (100% số hộ thuộc diện đói nghèo).
Do đó, nhiều gia đình bắt đầu có ý định di cư trở về bản cũ, nơi đang triển khai đề án “Bảo tồn và phát triển bền vững tộc người thiểu số Đan Lai ở bản Búng và bản Cò Phạt” để được “bao cấp”, được hỗ trợ nhiều mặt, hứa hẹn cuộc sống khởi sắc hơn. Đây thực sự là bài toán “hóc búa” đối với cấp ủy, chính quyền địa phương và nhiệm vụ công tác biên phòng của đơn vị trong nhiều năm qua.
Trung úy Trần Văn Hoàng cùng với các nhân viên trong Đội tiến hành đồng bộ công tác ở 12/14 thôn, bản (riêng bản Búng và bản Cò Phạt thuộc trách nhiệm của tổ công tác độc lập của đồn).
Trung úy Trần Văn Hoàng (thứ nhất bên phải) cùng các đồng đội tuần tra bảo vệ biên giới
Trong đó, trọng tâm là giúp đồng bào Đan Lai thuộc khu tái định cư tại Tân Sơn, Cửa Rào củng cố cơ sở chính trị, tham gia phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo, xóa bỏ các hủ tục lạc hậu và nhất là không để nhân dân trở về bản cũ.
Qua khảo sát nắm tình hình hoạt động của cấp ủy, ban quản lý và các tổ chức đoàn thể bản còn yếu kém, chưa tập trung vào giải quyết những vấn đề bức xúc nổi cộm, một bộ phận nhân dân có biểu hiện mất niềm tin vào đội ngũ cán bộ, nội bộ thiếu đoàn kết thống nhất.
Hoàng đã tập trung để củng cố nề nếp, chất lượng hoạt động của cơ sở chính trị bản như: Xây dựng, bổ sung quy chế làm việc của cấp ủy; duy trì nề nếp, tác phong sinh hoạt đúng quy định; xây dựng nghị quyết, kế hoạch sát đúng với tình hình thực tế và yêu cầu nhiệm vụ được giao.
Đồng thời, để gắn trách nhiệm cụ thể, tránh hình thức thì mỗi cán bộ, đảng viên phải phụ trách một cụm dân cư từ 5 - 7 hộ dân. Hàng tháng, trong sinh hoạt chi bộ để đánh giá kiểm điểm kết quả làm được, những tồn tại cần tháo gỡ để rút kinh nghiệm trong tổ chức thực hiện.
Anh Hoàng tích cực phối hợp với thôn, bản tổ chức tuyên truyền vận động nhân dân chấp hành chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Đặc biệt là luật hôn nhân và gia đình, nhằm nâng cao nhận thức và ý thức pháp luật của nhân dân đối với vấn đề tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống.
Vận động và trực tiếp tham gia giúp đỡ nhân dân thực hiện chủ trương phát triển kinh tế hộ gia đình, tập trung vào chăn nuôi gia súc, gia cầm, trồng lúa nước, sắn cao sản, đậu, ngô và cây công nghiệp, phù hợp với từng vùng đất sản xuất, tuyệt đối không để đất trống, đồi núi trọc. Vận động và hướng dẫn nhân dân phát triển kinh tế vườn, ưu tiên trồng rau xanh phục vụ đời sống hàng ngày kết hợp trồng cây ăn quả.
Những hộ gia đình có điều kiện chăn nuôi được hướng dẫn xây dựng chuồng trại hợp vệ sinh, mang lại hiệu quả rõ rệt. Bên cạnh đó, Hoàng còn định hướng, tìm việc và giới thiệu giải quyết việc làm cho 35 lao động đi làm ở trong và ngoài tỉnh, mỗi tháng thu nhập từ 2,5 - 3,5 triệu đồng/người.
Tiếp thu mọi ý kiến, lắng nghe mọi nguyện vọng của nhân dân và bằng sự nhạy bén, năng động của bản thân, Hoàng nhận thấy các giải pháp trên chưa đủ để thay đổi tình trạng đói nghèo, lạc hậu nên đã tham mưu cho cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương kiến nghị đề xuất với cấp trên cho san lấp, cải tạo 3,5ha đất hoang thành đất trồng lúa nước hai vụ và sẽ đưa vào sản xuất trong vụ mùa tới. Đồng thời, đề nghị hỗ trợ cho đồng bào 100% giá trị giống cây trồng các loại, cho vay ưu đãi tín chấp để phát triển chăn nuôi và trồng
cây công nghiệp, hỗ trợ 100% tiền điện bơm nước phục vụ sản suất nông nghiệp... Có thể khẳng định, đây là những giải pháp mang tính căn bản lâu dài, là niềm mong mỏi bấy lâu của đồng bào khu tái định cư.
Với cách nghĩ, cách làm sáng tạo, đặc biệt là tác phong sâu sát, tận tụy với đồng bào, trung úy Trần Văn Hoàng đã từng bước giúp đồng bào Đan Lai khu tái định cư bản Tân Sơn và Cửa Rào nâng cao đời sống vật chất, tinh thần; nhân dân không còn ý định trở về bản cũ.
Lê Thạch
.