Để chủ động phòng chống bão, lũ, giảm nhẹ thiên tai, với vai trò của mình, lực lượng Công an từ tỉnh đến cơ sở có kế hoạch cụ thể, làm tốt công tác tham mưu cho cấp ủy chính quyền, địa phương đề ra các biện pháp, phối hợp tổ chức thực tập phương án cứu hộ, cứu nạn, sơ tán khi có lũ, đảm bảo an ninh trật tự.
Tại các địa bàn trọng điểm thường bị lũ quét, ngập sâu trên diện rộng, các công trình quan trọng như: tuyến đê La Giang, đê Hội Thống, đê Đồng Môn, hồ Kẻ Gỗ, các hệ thống hồ, đập, kênh mương thoát nước, Công an tỉnh phối hợp chặt chẽ với các ngành chức năng tổ chức khảo sát, kiểm tra để kịp thời phát hiện những sự cố xảy ra.
Nhận thức đúng đắn bài học “4 tại chỗ”: chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, vật tư, phương tiện tại chỗ và hậu cần tại chỗ khi có thiên tai bão lũ xảy ra, thời gian qua, Công an tỉnh đã trang bị nhiều xuống máy có công suất lớn, hàng trăm phao cứu sinh cấp cho các huyện có nguy cơ ngập lũ, hệ thống thông tin liên lạc nội bộ được nối liền từ trung tâm Công an tỉnh đến Công an huyện, thành phố, thị xã, đáp ứng nhu cầu thông tin một cách thông suốt trong mọi tình huống.
Ngoài việc triển khai đồng bộ ở tất cả các huyện, thị xã, thành phố, ở những địa bàn trọng điểm, như các huyện Hương Sơn, Đức Thọ, Vũ Quang, Hương Khê… Công an tỉnh đã chỉ đạo Công an các huyện tham mưu cho cấp uỷ, chính quyền địa phương có phương án phòng chống bão, lũ. Quân số luôn ứng trực 24/24h, kịp thời ứng cứu khi có yêu cầu. Mỗi cán bộ, chiến sỹ, lãnh đạo các cấp Công an luôn nhận thức rõ trách nhiệm của mình đối với nhân dân khi bão lũ về, thiên tai đến.
Kiểm tra các phương tiện cứu hộ sẵn sàng ứng trực cho mùa mưa bão
Được ví là “đầu sóng, ngọn gió”, Hương Sơn, Hương Khê, Vũ Quang là nơi thượng nguồn thường xảy ra lũ quét và vùng hạ lưu: Đức Thọ, Nghi Xuân, Cẩm Xuyên, Thạch Hà là những huyện ở gần những cửa sông lớn, ven biển nên dễ bị ngập, lực lượng Công an đã kịp thời tham mưu cho Ban phòng chống lụt bão các địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền tới từng hộ dân cách phòng chống, ứng cứu, lập kế hoạch, có phương án khoanh vùng từng địa bàn khi có bão lũ xảy ra.
Bên cạnh đó, lực lượng công an phối hợp chặt chẽ với chính quyền cơ sở hướng dẫn phòng chống bão lũ; đẩy mạnh công tác tuyên truyền để nhân dân chấp hành tốt pháp luật về ATGT đường thủy, tổ chức ký cam kết cho các hộ dân làm nghề sông nước thực hiện tốt Luật giao thông đường thuỷ. Các lực lượng chức năng tăng cường công tác tuần tra, kiểm tra luồng lạch, bãi neo đậu tàu, thuyền.
Đặc biệt, ở những nơi có nguy cơ sạt lở đã vận động các hộ dân di dời vào nơi an toàn. Lực lượng Công an xã, công an viên là những người đầu tiên có mặt, tiếp sức hiệu quả, kịp thời cho chính quyền và nhân dân tại các địa phương vùng lũ.
Khi có thiên tai, bão lũ xảy ra đảm bảo giao thông thông suốt tại các địa bàn trọng điểm luôn là yêu cầu quan trọng, vì vậy, lực lượng Cảnh sát giao thông từ tỉnh đến cơ sở đã phối hợp, tham mưu chính quyền địa phương lập phương án bảo vệ cho người và phương tiện trong mọi tình huống. Đồng thời, tiến hành khảo sát, xây dựng kế hoạch giải tỏa, khắc phục ùn tắc giao thông tại các tuyến như Quốc lộ 1A, 8A, đường Hồ Chí Minh…
Xuân Lý - Văn Hùng
.