Trong công tác đấu tranh chống các loại tội phạm, hàng chục năm qua, lực lượng Công an Nghệ An đã lập được nhiều chiến công to lớn trong sự nghiệp giữ vững an ninh chính trị, đảm bảo trật tự an toàn xã hội. Hàng năm, trên 75% số vụ phạm pháp hình sự được khám phá; trong đó, trọng án đạt gần 100%; nhiều băng nhóm tội phạm ma tuý, tội phạm kinh tế hoạt động trên địa bàn bị phát hiện, xử lý kịp thời; hàng trăm tên tội phạm nguy hiểm bị bắt giữ...
Ít ai biết rằng, những chiến công đó có sự đóng góp công sức, trí tuệ không nhỏ của các thế hệ cán bộ chiến sĩ làm công tác hồ sơ nghiệp vụ - những người “đãi hồ sơ - tìm tội phạm” trong lực lượng Công an Nghệ An.
Những tên tội phạm ẩn mình trong cặp hồ sơ
Bây giờ, nhiều cựu cán bộ phòng Hồ sơ nghiệp vụ Công an Nghệ An còn nhớ vụ án Nguyễn Song Phúc, gián điệp Mỹ bị ta phát hiện bắt giữ hồi năm 1976. Trước đó, vào những năm 1967, 1968, máy bay Mỹ rải truyền đơn xuống một số vùng ở miền Bắc tuyên truyền rùm beng về “Đại uý bộ đội Bắc Việt Nguyễn Song Phúc đã hồi chánh Quốc gia”.
Cũng từ đó, Ty Công an Nghệ An đã lập hồ sơ nhằm theo dõi đối tượng “hồi chánh” này. Sau ngày miền Nam vừa được giải phóng, qua lấy lời khai của bọn tình báo ngụy và khai thác hồ sơ địch để lại, Công an Nghệ An làm rõ Nguyễn Song Phúc đã bị địch bắt, đầu hàng và nhận làm tình báo viên cho địch với hàm thiếu tá. Hồ sơ của Phủ đặc ủy Trung ương tình báo Sài Gòn còn lưu bức ảnh anh ta đang tuyên thệ dưới cờ ba sọc.
Trước những chứng cứ được thể hiện ở hồ sơ cùng với lý lẽ của các trinh sát an ninh, Nguyễn Song Phúc cuối cùng phải nhận tội phản quốc.
Đó là chuyện chống gián điệp thời chiến tranh, còn gần đây, tháng 4/2011 một vụ giết người xảy ra tại xã Kỳ Tiến (Kỳ Anh - Hà Tĩnh) đã được khám phá có sự góp sức quan trọng của phòng Hồ sơ nghiệp vụ Công an Nghệ An. Công tác nắm tình hình cho biết, anh Võ Công Hợi bị giết chết do mâu thuẫn cờ bạc.
Trong toán hung thủ có mấy đối tượng quê Nghệ An. Theo yêu cầu của Ban chuyên án, lập tức Trung tâm thông tin tội phạm phối hợp với các đội của đơn vị tiến hành công việc. Mặc dù thông tin được cung cấp rất ít nhưng các cán bộ chuyên trách đã cần mẫn, chịu khó sàng lọc để cuối cùng “lôi” ra được 30 đối tượng nghi vấn.
Tra cứu hồ sơ tìm thông tin tội phạm
Trong đó, có 10 đối tượng có nhiều khả năng gây án. Với những thông tin đó cùng các biện pháp nghiệp vụ khác, cuối cùng Ban chuyên án xác định, hai đối tượng Trần Quốc Mạnh (trú ở Hưng Nguyên) và Phạm Văn Sỹ (trú TP Vinh) là hai trong những hung thủ của vụ án.
Hồi năm 2004, tên tội phạm ma tuý bị bắt quả tang khi đang mang 30 bánh hêrôin khai hắn là Nguyễn Thế Dũng ở phường Đội Cung (TP Vinh) không cha, không mẹ. Tuy nhiên, qua tra cứu hồ sơ lính ta lại xác định y chính là Nguyễn Thế Dược trú ở xã Sơn Thịnh (Hương Sơn, Hà Tĩnh) từng có 3 tiền án, trong đó có 1 lần bị tuyên án 9 năm tù về tội trộm cắp tài sản.
Khó có thể kể hết những kết quả, những thành tích xuất sắc của các thế hệ cán bộ làm công tác hồ sơ nghiệp vụ Công an Nghệ An trong 55 năm qua.
Theo đại tá Nguyễn Đức Toại, nguyên Trưởng phòng thì hiện nay đơn vị đang lưu giữ trên 100.000 hồ sơ các loại; trên 50.000 tài liệu về các đối tượng phạm tội và trên 2,7 triệu về vân tay, lai lịch, đặc điểm nhân dạng, ảnh và các mối quan hệ của công dân.
Chỉ riêng năm 2011, đơn vị đã tra cứu trên 192.000 yêu cầu, cung cấp trên 115.000 thông tin cho các đơn vị công an trong và ngoài tỉnh. Qua đó, đơn vị cũng phát hiện 240 đối tượng có lệnh truy nã trong hồ sơ, xác định 1.180 đối tượng phạm tội nhiều lần, 471 đối tượng phạm tội rất nghiêm trọng, qua tra cứu hơn 80.000 trường hợp phục vụ cấp CMND phát hiện 107 trường hợp tráo người để trục lợi. Đó là một khối lượng công việc cùng với những thành tích đáng nể, nếu như ta biết được rằng 70% quân số đơn vị là nữ.
Nặng gánh hồ sơ - đượm khối tình
Hồ sơ nghiệp vụ không chỉ là một công tác quan trọng trong ngành công an mà còn là một công việc rất “kén” người. Những ai ưa làm việc “động”, thích làm việc theo kiểu “hành chính” hoặc ai mắc phải “bệnh thành tích” thì khó phù hợp với môi trường này. Đó là một công việc đòi hỏi tính chịu đựng cao từ công tác cho đến đời thường.
Theo thượng tá Nguyễn Thị Ngọc Loan - Phó Trưởng phòng thì cái “nghề” này lạ lắm. Thời buổi công nghệ, máy móc phương tiện hiện đại nhưng việc tra cứu thì vẫn là cái tâm, cái nhạy bén của con người là chủ yếu. Cứ tưởng như đây là việc cũ nhưng lại luôn mới. Bởi nhiều khi bức màn thời gian được hé lộ ra nhưng sự việc ít người biết đến. Việc nó thế, không có nhiệt tình, không say nghề khó mà thành công.
Chính trong công việc tưởng như đơn thuần trên lĩnh vực an ninh lại có những chuyện thật cảm động xảy ra. Đồng chí Trần Văn Hải, Chiến sĩ thi đua cơ sở năm 2011 cho tôi biết, cách đây mấy năm, cụ Nguyễn Văn Viễn trú ở xã Quỳnh Phương (Quỳnh Lưu) đã lọ mọ tìm đến đơn vị nhờ tìm người em trai tên là Thịnh bị mất tích từ năm 1942.
Qua công tác tra cứu hồ sơ, một cán bộ đã phát hiện tung tích người em trai cụ. Và, chỉ một thời gian sau, tại TP Hồ Chí Minh, anh em cụ Viễn đã ôm nhau khóc nức nở sau gần 70 năm biệt tích. Lại còn phải kể đến có những cán bộ, bộ đội bị địch bắt lập hồ sơ giả để bôi lem được lính ta minh oan sau gần 30 năm thì mừng hết kể.
Đó là chưa nói đến, nhiều gia đình tìm được di ảnh của người thân, nhiều trường hợp chết chưa rõ tung tích... tất cả đều qua công tác tra cứu hồ sơ lưu trữ. Có người đã khóc vì sung sướng.
Tân Trưởng phòng - thượng tá Phan Thị Phương Hoa bảo, có thể đến một lúc nào đó, việc anh chị em phải lôi ngăn tủ như hiện nay sẽ thành chuyện cổ tích. Hiện, đơn vị đã sử dụng công nghệ tin học vào một số công việc cụ thể. Có thể không lâu nữa, lính ta chỉ cần nhoay nhoáy bàn phím là có thể "ra vấn đề" đấy. Chắc chắn khoa học công nghệ sẽ hết sức hữu ích cho công tác quản lý, khai thác hồ sơ nghiệp vụ trong thời gian tới.
Việt Long
.