Cảnh giác
Nhận diện tội phạm công nghệ cao (Bài 2)
>>> Bài 1: Muôn kiểu lừa đảo trên không gian mạng
(Congannghean.vn)-Cùng với sự phát triển nhanh chóng của công nghệ thông tin, các loại tội phạm lợi dụng công nghệ cao như internet, mạng viễn thông để hoạt động phạm tội diễn biến ngày càng phức tạp, tinh vi. Tại Nghệ An, các hành vi phạm tội công nghệ cao trong thời gian qua chủ yếu đối tượng là người ở các tỉnh thành khác gây nhiều khó khăn cho công tác điều tra.
Bài 2: Nỗ lực đấu tranh, phòng ngừa tội phạm sử dụng công nghệ cao
Các đối tượng người Trung Quốc thực nghiệm hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản bằng thẻ ATM |
Mạng ảo, mất thật
Trong những năm gần đây, cùng với nhiều tỉnh, thành trên cả nước, Nghệ An cũng là địa bàn tội phạm sử dụng công nghệ cao lợi dụng hoạt động phạm tội. Tội phạm sử dụng công nghệ cao ngày càng gia tăng về số vụ, tính chất, mức độ thiệt hại ngày càng nghiêm trọng. Tuy nhiên, công tác đấu tranh vẫn gặp rất nhiều khó khăn do phương thức, thủ đoạn hoạt động của các đối tượng vô cùng tinh vi, phạm vi hoạt động lại mang tính toàn cầu, ẩn danh cao. Tất cả giao dịch, hoạt động lừa đảo diễn ra trên thế giới ảo, trong khi một bộ phận người bị hại với tâm lý e ngại, xấu hổ nên không khai báo.
Qua nghiên cứu các vụ án công nghệ cao xảy ra trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua, chủ yếu đối tượng phạm tội là người địa phương khác vào Nghệ An thuê địa điểm để thực hiện hành vi phạm tội hoặc từ nơi khác nhưng tiến hành điều khiển từ xa để các đối tượng thực hiện hành vi phạm tội. Điều này khiến công tác xác minh đối tượng ẩn danh lại càng trở nên khó khăn hơn gấp bội. Có những chuyên án kéo dài gần cả năm trời mới xác định, sàng lọc được đối tượng nghi vấn.
Trở lại chuyên án lừa đảo chiếm đoạt tài sản bằng thủ đoạn chiếm đoạt tài khoản facebook mà Công an TP Vinh triệt xóa giữa năm 2019, đối tượng cầm đầu là Nguyễn Hữu Tiến (SN 1995) trú tại phường 2, TX Quảng Trị, tỉnh Quảng Trị. Ban chuyên án đã phải mất ròng rã 6 tháng trời để truy tìm đối tượng gây án. Dưới sự điều hành của Tiến, 12 thanh niên tuổi đời còn rất trẻ sinh sống và làm việc tại Đà Nẵng đã thực hiện hành vi lừa đảo trên phạm vi toàn quốc, tất cả giao dịch chuyển tiền của chúng đều được thực hiện qua internet banking.
Theo tài liệu điều tra, các đối tượng hoạt động từ năm 2017 đến thời điểm bị bắt là tháng 4/2019, chúng đã chiếm đoạt hơn 500 tài khoản facebook, chiếm đoạt hơn 10 tỉ đồng, nạn nhân chủ yếu là người Nghệ An. Ban chuyên án nhận định, đây là thủ đoạn không hề mới, thậm chí là rất phổ biến. Thế nhưng, có rất nhiều người sử dụng mạng xã hội vẫn “sập bẫy” bởi các đối tượng đã tìm hiểu, nghiên cứu mối quan hệ giữa chủ facebook với bạn bè qua mục tin nhắn. Sau khi chiếm quyền sử dụng bằng cách thay đổi mật khẩu, đối tượng sẽ dựng lên màn kịch vay tiền, mượn tiền vì có việc cấp bách.
Trước đó, Phòng Cảnh sát Hình sự đã bắt đối tượng Phan Anh Tuấn (SN 1997) trú tại huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị về hành vi này. Tuấn đã chiếm đoạt tài khoản facebook của người thân các bị hại đang sinh sống, làm việc ở nước ngoài, sau đó yêu cầu gia đình bị hại ở Việt Nam chuyển tiền cho Tuấn. Số tiền Tuấn chiếm đoạt được của 17 bị hại là hơn 200 triệu đồng.
Nỗ lực phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao
Trước sự gia tăng và diễn biến phức tạp về tội phạm sử dụng công nghệ cao, thời gian qua, Công an Nghệ An đã tăng cường chỉ đạo, quyết liệt triển khai nhiều giải pháp để chủ động đấu tranh với loại tội phạm này.
Xuất phát từ tình hình thực tế, ngày 10/4/2017, Công an tỉnh Nghệ An quyết định thành lập Đội Cảnh sát PCTP sử dụng công nghệ cao, trực thuộc Phòng Cảnh sát Hình sự. Sau hơn 3 năm thành lập, Đội Cảnh sát PCTP sử dụng công nghệ cao đã tham mưu Lãnh đạo Công an tỉnh các chương trình, kế hoạch chỉ đạo thực hiện công tác đấu tranh PCTP sử dụng công nghệ cao; thực hiện tốt công tác điều tra, nắm tình hình, phòng ngừa và tổ chức công tác đấu tranh với tội phạm sử dụng công nghệ cao trên địa bàn tỉnh Nghệ An; hướng dẫn, chỉ đạo lực lượng nghiệp vụ Công an cấp huyện thực hiện công tác phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm này.
Theo số liệu thống kê, từ khi thành lập đến nay, Đội đã xác lập 19 chuyên án đấu tranh với tội phạm sử dụng công nghệ cao; khởi tố 31 vụ, 115 bị can về các tội đánh bạc, tổ chức đánh bạc, lừa đảo chiếm đoạt tài sản, sử dụng mạng máy tính, viễn thông, mạng internet để thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản, môi giới mại dâm, làm nhục người khác…
Trong số các vụ việc mà Phòng Cảnh sát Hình sự phát hiện, xử lý, ngoài hoạt động lừa đảo trên không gian mạng với nhiều thủ đoạn, hình thức tinh vi thì hoạt động tội phạm sử dụng công nghệ cao gồm những loại tội phạm như sau: Sử dụng công nghệ cao để tổ chức đánh bạc; các vi phạm trong lĩnh vực công nghệ thông tin, viễn thông; các vi phạm trong thương mại điện tử; thanh toán điện tử; sử dụng công nghệ cao để môi giới mại dâm. Trong đó, với tội phạm sử dụng công nghệ cao để đánh bạc, thông qua mạng internet, các đối tượng tổ chức đánh bạc và đánh bạc trên phạm vi toàn quốc với quy mô lớn dưới nhiều hình thức như cá độ bóng đá, chơi lô đề, trò chơi có đổi thưởng… Đến nay, Phòng Cảnh sát Hình sự đã triệt xóa 11 đường dây đánh bạc, khởi tố 10 vụ án, làm rõ số tiền đánh bạc là hơn 10 tỉ đồng.
Thiếu tá Hà Huy Đức, Đội trưởng Đội Cảnh sát PCTP sử dụng công nghệ cao cho biết: Riêng các vi phạm trong lĩnh vực thương mại điện tử, thanh toán điện tử, qua theo dõi tại Nghệ An, hoạt động lừa đảo thông qua giao dịch bán hàng trực tuyến trên mạng có chiều hướng gia tăng, gây nhiều thiệt hại lớn về kinh tế đối với doanh nghiệp cá nhân. Trong khi đó, hiện nay, việc huy động vốn để kinh doanh đa cấp hoặc đầu tư các mặt hàng trên mạng internet nhiều rủi ro cao như tiền điện tử đầu tư Big Data… Lợi dụng sự xuất hiện của các loại tiền điện tử, giá trị giao dịch của các loại đồng tiền tăng cao, các đối tượng đã kêu gọi người dân tham gia đầu tư tiền điện tử với những quảng cáo hấp dẫn.
Song song với công tác đấu tranh với tội phạm sử dụng công nghệ cao, Phòng Cảnh sát Hình sự đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền cho quần chúng nhân dân về phương thức, thủ đoạn của các đối tượng để người dân nâng cao cảnh giác. Đội đã thiết lập tài khoản facebook Phòng Cảnh sát Hình sự Công an Nghệ An, đây vừa là nơi đăng tải các bài viết để cảnh giác người dân, vừa là nơi tiếp nhận thông tin về tội phạm, trả lời thắc mắc về pháp luật cho người dân. Thông qua trang facebook này, Đội đã tiếp nhận hàng nghìn thông tin về tội phạm; trở thành cầu nối giữa người dân với lực lượng Công an, giúp người dân nhận diện được các hành vi lừa đảo, qua đó giảm thiểu số nạn nhân của các vụ lừa đảo.
Cảnh giác với tội phạm người nước ngoài gây án tại Nghệ An
Những năm gần đây, Nhà nước ta đã thực hiện nhiều chính sách cởi mở, tạo điều kiện cho người nước ngoài nhập cảnh để du lịch, làm việc, sinh sống nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội cũng như tăng cường hội nhập quốc tế. Tuy nhiên, nhiều đối tượng người nước ngoài đã lợi dụng việc này để thực hiện hành vi phạm tội. Các đối tượng thường lựa chọn các thành phố lớn, phát triển để thuê các địa điểm biệt lập, khép kín, không khai báo tạm trú với chính quyền địa phương nhằm tránh bị để ý, giám sát. Liên tiếp trong thời gian gần đây, nhiều đường dây lừa đảo chiếm đoạt tài sản có yếu tố công nghệ cao được Công an các tỉnh, thành trên cả nước triệt xóa là hồi chuông cảnh báo cho tình trạng này.
Tại Nghệ An, Công an TP Vinh vừa phá thành công Chuyên án 919T, bắt giữ 3 đối tượng người Trung Quốc lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua thẻ ATM. Các đối tượng là Yang Chang Cai (SN 1986) trú tại số nhà 24, thôn Khê Bối, trấn Tượng Hồ; Deng Cong Cong (SN 1990) trú tại số nhà 25, tổ 1, thôn Hi Bình, huyện Trạch Đan; Lian Yu ( SN 1984) trú tại số nhà 39, Hoàng Chi Đường, phố Hà Bắc, trấn Tượng Hồ, cùng TP Thụy Kim, tỉnh Giang Tây, Trung Quốc. Thủ đoạn của các đối tượng là sử dụng các thiết bị điện tử cài đặt vào các máy ATM để đánh cắp thông tin về tài khoản cá nhân, sau đó làm giả thẻ ATM của các ngân hàng rồi rút tiền chiếm đoạt tài sản. Ban chuyên án đã thu giữ 333 thẻ ngân hàng, 3 bộ thiết bị điện tử, 2 máy tính, 7 thẻ nhớ. Toàn bộ số thẻ này là thẻ giả, trong đó nhiều thẻ đã quét thông tin về chủ tài khoản và 14 thẻ trắng, có 22 thẻ đã bị rút tiền ra khỏi tài khoản với số tiền khoảng 300 triệu đồng.
Theo các chuyên gia về phòng, chống tội phạm, trong thời gian tới, tình hình tội phạm liên quan đến người nước ngoài ở Việt Nam sẽ tiếp tục có nhiều diễn biến phức tạp và xu hướng gia tăng. Do vậy, cơ quan chức năng cần có sự phối hợp chặt chẽ và có các biện pháp quản lý, người dân, chính quyền địa phương cần nêu cao ý thức cảnh giác. Khi có những biểu hiện bất thường như tụ tập đông người, thường xuyên ở trong phòng, đóng kín cửa, che rèm… cần báo ngay cho cơ quan chức năng mà gần nhất là Công an phường, xã hoặc Công an phụ trách khu vực. Có như vậy mới ngăn chặn hiệu quả tình trạng tội phạm nước ngoài vào lãnh thổ Việt Nam để thực hiện hành vi phạm tội.
Huyền Thương