Cảnh giác

Cảnh báo tội phạm 'Tổ chức người khác trốn đi nước ngoài' (Bài 2)

08:33, 07/11/2019 (GMT+7)

>>> Bài 1: Hàng trăm nạn nhân “sập bẫy” vì “xuất khẩu lao động”

(Congannghean.vn)-Trong những năm gần đây, lợi dụng nhu cầu tìm kiếm việc làm của người dân, hàng loạt công ty, trung tâm môi giới việc làm, du học, xuất khẩu lao động mọc lên như nấm. Trong đó, nhiều đối tượng, công ty không có chức năng, khả năng để đưa người lao động Việt Nam ra nước ngoài làm việc, nhưng bằng mọi chiêu trò, những kẻ lừa đảo này vẫn khiến rất nhiều người dân nhẹ dạ cả tin “sập bẫy” để đi theo con đường “xuất khẩu lao động chui”. Hậu quả đau lòng bởi có nhiều người chưa kịp đặt chân đến “miền đất hứa” đã phải bỏ mạng thương tâm nơi xứ người, kẻ may mắn sống sót thì bị bắt, trả về với một khoản vay nợ từ hàng trăm đến hơn 1 tỉ đồng và không biết bao giờ mới có thể trả được… 

Bài 2: Làm rõ, bóc gỡ hàng chục đường dây, ổ nhóm đối tượng tổ chức, môi giới cho người khác trốn đi nước ngoài

Trước tình hình tội phạm tổ chức, môi giới cho người khác trốn đi nước ngoài có chiều hướng gia tăng và hoạt động ngày càng tinh vi, xảo quyệt và gây ra những hệ luỵ đau lòng, cơ quan chức năng đã chủ động vào cuộc quyết liệt để đấu tranh, làm rõ. Qua đó đã phát hiện, bóc gỡ hàng chục đường dây, ổ nhóm tội phạm hoạt động trong lĩnh vực này…

Nhiều đường dây, ổ nhóm sa lưới

Từ công tác nắm tình hình địa bàn, tiếp nhận tin tố giác tội phạm và qua các kênh thông tin, tháng 3/2019, lực lượng Công an Nghệ An phát hiện một đường dây có biểu hiện hoạt động tổ chức, môi giới cho người khác trốn đi nước ngoài dưới hình thức đi sang Úc xuất khẩu lao động chui. Xác minh nguồn tin, Lãnh đạo Công an tỉnh Nghệ An đã chỉ đạo Cơ quan An ninh điều tra (ANĐT) Công an tỉnh nhanh chóng vào cuộc làm rõ. Các trinh sát, điều tra viên được giao nhiệm vụ liên tục nhiều tháng liền lặn lội khắp các tỉnh, thành để thu thập, thông tin, tài liệu, chứng cứ. Bởi đối tượng cầm đầu trú tại TP Hà Nội và bị hại thì nằm rải khắp nhiều tỉnh thành trong cả nước.

Qua quá trình xác minh, thu thập tài liệu, chứng cứ, phát hiện thấy có dấu hiệu của tội “Tổ chức, môi giới cho người khác trốn đi nước ngoài” nên ngày 8/6/2019, Cơ quan ANĐT đã ra Quyết định khởi tố vụ án hình sự để tập trung lực lượng nhanh chóng làm rõ và truy bắt các đối tượng trong đường dây này. Qua đó, đã xác định đối tượng cầm đầu đường dây là Lê Duy Anh (SN 1979) trú tại xã Quang Tiến, huyện Sóc Sơn, TP Hà Nội. Củng cố tài liệu chứng cứ, lệnh bắt khẩn cấp và khởi tố bị can về tội “Tổ chức cho người khác trốn đi nước ngoài” đã được thực hiện đối với Lê Duy Anh.

Đối tượng Lê Duy Anh
Đối tượng Lê Duy Anh

Đấu tranh, mở rộng vụ án, ngày 1/8/2019, Cơ quan ANĐT Công an Nghệ An đã ra Quyết định khởi tố bị can, ra Lệnh bắt tạm giam đối với Trần Thị Thành (SN 1959) trú tại phường Hưng Phúc, TP Vinh, tỉnh Nghệ An về tội “Môi giới cho người khác trốn đi nước ngoài”. Và đến ngày 24/9/2019 vừa qua, Cơ quan ANĐT Công an tỉnh Nghệ An tiếp tục ra các Quyết định khởi tố bị can và Lệnh bắt tạm giam đối với Hồ Thị Hằng (SN 1965) trú tại phường Trường Thi, TP Vinh và Trần Thị Hà (SN 1974) trú tại xã Đông Hiếu, TX Thái Hòa, tỉnh Nghệ An về tội “Tổ chức cho người khác trốn đi nước ngoài”.

Hay với vụ án Hà Văn Thành (SN 1982) trú tại xóm 7, xã Nghi Diên, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An cùng đồng bọn tổ chức cho người khác trốn đi nước ngoài mà Cơ quan ANĐT Công an tỉnh Nghệ An vừa điều tra, làm rõ và tiến hành khởi tố vụ án, khởi tố bị can vào ngày 28/10 vừa qua cũng là một điển hình. Trước đó, từ tháng 10/2017, nắm nguồn tin có 41 người dân bị Cảnh sát Indonesia bắt và trục xuất về nước. Cơ quan nghiệp vụ Bộ Công an yêu cầu xác minh thông tin, làm rõ về đường dây tổ chức người khác trốn đi nước ngoài này. Điều đáng nói, nạn nhân của đường dây này có những bị hại chưa tròn tuổi.

Tiếp nhận nguồn tin, lực lượng Công an tỉnh Nghệ An dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Thiếu tướng Nguyễn Hữu Cầu, Giám đốc Công an tỉnh đã khẩn trương vào cuộc điều tra. Vụ án kéo dài do quá trình xác minh thông tin bị hại liên quan đến cả 2 tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh. Và điều đặc biệt, các bị hại không muốn đứng ra tố cáo đối tượng phạm tội. Tuy nhiên, quá trình điều tra, bằng các biện pháp nghiệp vụ, kết hợp tuyên truyền để các bị hại thấy rõ được tác hại của việc trốn đi nước ngoài trái phép, đồng thời tố giác tội phạm để phòng ngừa cho những người dân nhẹ dạ, cả tin tránh bị “sập bẫy” dạng tội phạm này. Theo đó, các bị hại lần lượt làm đơn tố giác đối tượng Hà Văn Thành.

Điển hình như nạn nhân Nguyễn Đình Q. (SN 1976) trú tại huyện Lộc Hà, tỉnh Hà Tĩnh viết đơn tố cáo với nội dung: Bị một số đối tượng trong đó có Hà Văn Thành nhận tiền và hứa đưa đi New Zealand làm việc. Tin theo lời hứa của các đối tượng trong đường dây này, anh Q. đã đưa 21.000 USD. Sau nhiều tháng chờ đợi mòn mỏi, anh cùng 40 người khác được đưa lên tàu vượt biên bằng đường biển. Tuy nhiên, quá trình này đã bị Cảnh sát Indonesia phát hiện và bắt giữ.

Không may mắn như anh Q., với gia đình bị hại Nguyễn Thanh H. (SN 1973) và Võ Thị Y. (SN 1979) trú tại xã Thịnh Sơn, huyện Đô Lương cùng 2 con Nguyễn Hoàng V. (SN 2007), Nguyễn T.Y.N. (SN 2009), chỉ vì tin theo lời hứa hão của các đối tượng trong đường dây tổ chức cho người khác trốn đi nước ngoài, mà gia đình anh H. đã bán hết tài sản, mang theo 2 con nhỏ để sang miền đất hứa. Nhưng cuối cùng, các nạn nhân đều vỡ mộng khi phát hiện mình đã “sập bẫy” bọn tội phạm tổ chức cho người khác trốn đi nước ngoài, để rồi phải trở về với số nợ chồng chất và khó có khả năng để trả hết.

Đặc biệt, trong vụ án 39 người bị chết thảm tại nước Anh vừa qua, nghi có nhiều lao động từ Việt Nam vì nhẹ dạ cả tin cũng được các đối tượng trong đường dây tổ chức cho người khác trốn đi nước ngoài bằng hình thức xuất khẩu lao động trái phép. Liên quan đến vụ việc này, hiện Cơ quan ANĐT Công an tỉnh Nghệ An cũng đã tiến hành khởi tố vụ án, nhanh chóng vào cuộc điều tra và hiện đã triệu tập các đối tượng liên quan để làm rõ.

Điều tra viên lấy lời khai của đối tượng Hà Văn Thành
Điều tra viên lấy lời khai của đối tượng Hà Văn Thành

Tiếp tục phòng ngừa, đấu tranh quyết liệt đối với loại tội phạm này

Đó là khẳng định của Thiếu tướng Nguyễn Hữu Cầu, Đại biểu Quốc hội khoá XIV, Giám đốc Công an tỉnh Nghệ An khi trao đổi với phóng viên báo chí bên lề Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV đang diễn ra nhằm giảm thiểu số bị hại của loại tội phạm này, góp phần bảo vệ tính mạng, tài sản của nhiều người dân nhẹ dạ cả tin, thiếu hiểu biết pháp luật.

Tuy nhiên, quá trình đấu tranh với loại tội phạm này, cơ quan chức năng cũng gặp không ít khó khăn, vướng mắc. Một điều tra viên có nhiều kinh nghiệm trong đấu tranh với tội phạm tổ chức cho người khác trốn đi nước ngoài của Cơ quan ANĐT Công an tỉnh Nghệ An cho biết: Khó khăn lớn nhất trong quá trình xác minh thông tin, điều tra vụ án liên quan đến loại tội phạm này chính là các bị hại không hợp tác. Họ không chịu làm đơn tố giác tội phạm, trong khi các đối tượng phạm tội hoặc đang lẩn trốn ở nước ngoài nên rất khó để củng cố hồ sơ, tài liệu chứng cứ. Tuy nhiên, với tinh thần tấn công quyết liệt các loại tội phạm, trong đó có tội phạm tổ chức, môi giới cho người khác trốn đi nước ngoài, lực lượng chức năng đã vào cuộc quyết liệt trong suốt thời gian qua. Riêng Công an tỉnh Nghệ An, trong năm 2018 và những tháng đầu năm 2019 đã điều tra, triệt xoá 11 đường dây, ổ nhóm tổ chức, môi giới cho người khác trốn đi nước ngoài, bắt, khởi tố 23 bị can.

Với vụ Lê Duy Anh và đồng bọn tổ chức, môi giới cho người khác trốn đi nước ngoài mà Công an Nghệ An vừa khám phá thành công, qua đấu tranh khai thác, bước đầu các đối tượng trong đường dây tổ chức, môi giới cho người khác trốn đi nước ngoài bằng hình thức “xuất khẩu lao động chui” khai nhận: Từ cuối 2015 đến đầu 2019, các đối tượng trên đã tuyển được hơn 400 lao động nộp hồ sơ, nộp tiền để xuất cảnh đi Úc lao động. Số lao động này đến từ hầu khắp cả nước như Long An, An Giang, Đồng Nai, Gia Lai, Đắk Lắk, Quảng Ninh, Bắc Giang... nhưng tập trung chủ yếu ở các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình. Các lao động đã nộp bình quân từ 20.000 - 40.000 USD cho các đối tượng. Sau khi nộp tiền, một số được các đối tượng chuyển sang cho các đối tượng ở Malaysia, một số khác được các đối tượng sử dụng vào việc đưa các lao động sang Malaysia để làm thủ tục xuất cảnh sang Úc, nhưng đến nay chưa một lao động nào trong đường dây này được đưa sang Úc để làm việc như lời hứa của các đối tượng trong đường dây.

Hay với vụ án do Hà Văn Thành cầm đầu thì đối tượng cũng khai nhận: Trong khoảng thời gian từ đầu tháng 9/2017 đến cuối tháng 10/2017, Thành đã câu kết với đồng bọn và 2 đối tượng người Indonesia, thông qua các mối quan hệ đã trực tiếp gặp, tư vấn cho 41 công dân trên địa bàn tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh nội dung hiện đang có đường dây đưa người Việt Nam sang New Zealand làm việc, chi phí từ 6.000 - 10.000 USD/người, khi sang đến New Zealand sẽ có người đón, sắp xếp việc làm ổn định, lương khoảng 60.000.000 VNĐ/tháng. Theo hình thức đi lên tàu vượt biển trái phép từ Indonesia đến New Zealand.

Sau khi những người trên đồng ý đi, giao nộp tiền mỗi người từ 6.000 - 15.000 USD, Thành và đồng bọn đã hướng dẫn các lao động đi sang Lào bằng đường bộ và trực tiếp dẫn sang Thái Lan rồi qua Indonesia bằng đường hàng không. Thành tiếp nhận để sắp xếp giao cho 2 đối tượng người Indonesia thuê tàu để đưa 41 người vượt biển sang New Zealand vào ngày 22/10/2017. Sau 5 ngày vượt biển, số người này đã bị lực lượng chức năng Indonesia phát hiện, bắt giữ và sau đó trục xuất toàn bộ về Việt Nam.

Mặc dù bị rơi vào hoàn cảnh bi đát khi không thể đi xuất khẩu lao động lại mất một số tiền quá lớn, hoặc quá trình xuất cảnh trái phép bị lực lượng chức năng bắt giữ, bị trục xuất về nước, thậm chí bị mất mạng khi chưa kịp đến miền đất hứa, nhưng số bị hại cũng như gia đình các bị hại hầu như không làm đơn tố giác tội phạm, khiến cho quá trình điều tra, xử lý loại tội phạm tổ chức, môi giới người khác trốn đi nước ngoài gặp nhiều khó khăn. Vì vậy, nhằm hạn chế tối đa nguyên nhân, điều kiện để loại tội phạm này lợi dụng hoạt động, trước hết cần sự đề cao cảnh giác của mỗi người dân, sự chung tay vào cuộc của các cấp, ngành chức năng và toàn xã hội.

(Còn nữa)

Thùy Anh

Các tin khác