Warning: include(/export/home2/WebData/baocongannghean//an-ninh-trat-tu/canh-giac/201903/loi-noi-ao-hau-qua-that-846159/index.txt): failed to open stream: No such file or directory in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72

Warning: include(): Failed opening '/export/home2/WebData/baocongannghean//an-ninh-trat-tu/canh-giac/201903/loi-noi-ao-hau-qua-that-846159/index.txt' for inclusion (include_path='.:/usr/local/php/lib/php') in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72
Lời nói ảo, hậu quả thật - Báo Công An Nghệ An điện tử
Thứ Năm, 28/03/2019, 08:04 [GMT+7]

Lời nói ảo, hậu quả thật

(Congannghean.vn)-Cùng với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin, việc cung cấp, đưa tin bịa đặt, không có căn cứ lan truyền trên mạng xã hội đã và đang gây nên những hệ lụy khôn lường.

Cần tỉnh táo, cảnh giác trước những thông tin đồn thổi lan truyền trên mạng xã hội - Ảnh Internet
Cần tỉnh táo, cảnh giác trước những thông tin đồn thổi lan truyền trên mạng xã hội - Ảnh: Internet

Ngày 20/3, Thanh tra Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Lâm Đồng đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính số tiền 10 triệu đồng đối với bà Trịnh Thị Huế, trú tại TP Bảo Lộc về hành vi đăng tải thông tin sai sự thật trên trang facebook cá nhân, gây hoang mang dư luận. Trước đó, bà Huế đã lấy hình ảnh thịt lợn nhiễm sán trên mạng xã hội rồi đăng tải trên trang facebook của mình, đồng thời khẳng định số thịt này mua tại chợ Lộc Phát, thuộc phường Lộc Phát, TP Bảo Lộc.

Mới đây nhất, liên quan đến dịch tả lợn Châu Phi, ngày 8/3, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Phùng Đức Tiến đã ký văn bản gửi Bộ Thông tin và Truyền thông liên quan đến những thông tin sai sự thật đang được chia sẻ, lan truyền trên mạng xã hội facebook. Nội dung công văn này cho biết, trong khi dịch tả lợn Châu Phi đang có dấu hiệu lan rộng thì trên các trang fanpage, facebook cá nhân như: “Đầm Bầu Thời Trang Mami”; “Trang Thao Mandy”... đã đưa thông tin, hình ảnh sai sự thật về việc chế biến, bày bán lợn nhiễm dịch tả lợn Châu Phi tại Hà Nội. Bên cạnh đó, các tài khoản này kêu gọi người tiêu dùng tẩy chay thịt lợn, sản phẩm chế biến từ thịt lợn vì có thể lây sang người. Thực tế xác minh, các tài khoản này đã lấy hình ảnh lợn bị bệnh sán tại Bình Phước đã phát hiện từ tháng 11/2018 để minh hoạ cho thông tin về dịch bệnh tả lợn Châu Phi.

Chủ nhân facebook “Công nông Đầu dọc” đính chính sau tin đồn thịt lợn nhiễm sán tại trường mầm non
Chủ nhân facebook “Công nông Đầu dọc” đính chính sau tin đồn thịt lợn nhiễm sán tại trường mầm non

Bộ NN&PTNT kiến nghị Bộ Thông tin và Truyền thông tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm những cá nhân là chủ các tài khoản đăng tải thông tin sai sự thật về dịch tả lợn Châu Phi để tránh gây hoang mang trong xã hội, bảo vệ sản xuất và thúc đẩy tiêu thụ các sản phẩm thịt lợn. Cùng vấn đề này, tại các tỉnh Cà Mau, Bắc Ninh và Quảng Ninh, một số facebook cũng đăng tin đồn thất thiệt về việc các địa phương này xuất hiện lợn nhiễm sán, dịch tả khiến cộng đồng mạng và người dân hết sức hoang mang. Những hành vi này mặc dù đã được xử lý, song hậu quả để lại rất lớn, với hàng trăm nghìn lượt bình luận, chia sẻ khiến nhiều người bất an, lo lắng.

Tại Nghệ An, tháng 7/2018, Thủy điện Nậm Mô trên địa bàn huyện Kỳ Sơn đang tiến hành xả lũ thì Lương Ngọc Tuấn (SN 1980), quê ở huyện Diễn Châu, là kỹ sư Tổ sửa chữa Nhà máy Thủy điện Nậm Mô, thông qua tài khoản facebook “Ngoc Tuấn Lương” của mình đã thông tin: “Đê Mường Mộc cách Nậm Mô 90 cây sắp vỡ, khả năng thị trấn Mường Xén xóa sổ trong đêm nay. A e di dời đi còn kịp. Lưu lượng về qua Thủy điện Nậm Mô 1.200 m3/s, tăng gấp đôi lúc chiều. Đường vào bản Cánh ngay lúc này đã biến mất khỏi tầm nhìn”.

Trước thông tin này, dư luận quần chúng nhân dân trên địa bàn hết sức hoang mang, lo lắng, thậm chí một số hộ gia đình đã tiến hành di dời tài sản ngay trong đêm, vợ chồng con cái dắt díu nhau lên núi cầm cự. Ngay sau đó, làm việc với cơ quan chức năng, Tuấn cho biết chỉ bình luận với bạn bè cho vui, thông tin trên là không đúng, sai sự thật. Với hành vi này, Tuấn đã bị xử phạt hành chính 12,5 triệu đồng.

Trước đó, Thanh tra Sở Thông tin và Truyền thông Nghệ An cũng đã xử phạt vi phạm hành chính 12,5 triệu đồng đối với ông Trần Tuấn Vĩnh trú tại khối 2, trị trấn Quỳ Hợp vì đã có những phát ngôn sai sự thật trên trang facebook cá nhân. Cụ thể, ông Vĩnh làm đại lý cho bia Huda trên địa bàn huyện Quỳ Hợp. Do muốn những người quen biết mình chú ý sử dụng bia Huda thay vì sử dụng bia Hà Nội, nên đã tự nghĩ và đăng trên tài khoản facebook “Viet Dai” cùng 45 người khác trong danh sách bạn bè, thông tin nói rằng Công ty bia Hà Nội đã được bán cổ phần cho Trung Quốc, sử dụng lao động là người Trung Quốc, dùng men bia của Trung Quốc trong quá trình sản xuất... Hành vi này  là vi phạm pháp luật, gây ảnh hưởng đến uy tín của Công ty Habeco.

Thực tế có không ít trường hợp đăng tải những thông tin sai sự thật, gây ảnh hưởng xấu đến tình hình ANTT đã bị Cơ quan Cảnh sát điều tra các cấp khởi tố, bắt tạm giam theo Điều 226, Bộ luật Hình sự về “Tội đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin trên mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng internet”. Mặc dù đã có nhiều chế tài xử lý, với các hình phạt khác nhau, song những vụ việc liên quan đến tung tin đồn thất thiệt lên mạng xã hội vẫn tiếp tục có dấu hiệu gia tăng. Đối tượng liên quan đến lĩnh vực này cũng khá đa dạng, từ những em học sinh, tiểu thương, lao động tự do đến những người lớn tuổi, cán bộ công chức, thậm chí là kỹ sư… có đủ năng lực, hành vi nhận thức để hiểu rõ việc làm do họ gây ra nhưng vẫn vi phạm.

Nguyên nhân của hiện tượng này là do các đối tượng muốn câu like, nhằm tạo sự giật gân, câu khách, thu hút sự chú ý của cộng đồng mạng. Một số tung tin đồn thất thiệt chỉ với mục đích là để bán hàng hoặc giải quyết các vấn đề của bản thân. Cũng không loại trừ trường hợp lợi dụng mạng xã hội để bôi nhọ, nói xấu, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín, danh dự, nhân phẩm của người khác vì mục đích cạnh tranh không lành mạnh. Ngoài ra, sự lan truyền với tốc độ chóng mặt trên mạng xã hội, một phần cũng do người dùng internet và mạng xã hội thiếu sự thông thái, nhạy cảm. Khi tiếp nhận thông tin, do không thẩm định, nhẹ dạ cả tin đã vô hình trung làm những tin đồn này khuyếch tán ngày càng rộng rãi.

Tranh minh họa
Tranh minh họa

Nếu như trước đây, pháp luật Việt Nam chưa có những hành lang pháp lý cụ thể để quy định những hành vi bị cấm trên mạng xã hội, trong đó có việc bày tỏ ý kiến cá nhân mà vi phạm pháp luật, thì hiện nay, Luật An ninh mạng ra đời góp phần khắc phục được những hạn chế này. Cụ thể, Khoản 5, Điều 16 Luật An ninh mạng 2018 quy định: Tổ chức, cá nhân soạn thảo, đăng tải, phát tán thông tin trên không gian mạng có nội dung bịa đặt, sai sự thật gây hoang mang trong nhân dân, gây thiệt hại cho hoạt động kinh tế - xã hội, gây khó khăn cho hoạt động của cơ quan Nhà nước hoặc người thi hành công vụ, xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của các cơ quan, tổ chức, cá nhân khác… phải gỡ bỏ thông tin khi có yêu cầu của lực lượng chuyên trách bảo vệ an ninh mạng và chịu trách nhiệm theo quy định của pháp luật.

Thượng tá Hoàng Nghĩa Phượng, Phó Chánh Văn phòng, Phó Thủ trưởng Cơ quan CSĐT Công an Nghệ An cho biết thêm, về xử phạt hành chính trong lĩnh vực này đã có quy định rất cụ thể tại Nghị định 174 ban hành ngày 13/11/2013 của Chính phủ. Theo đó, đối với các hành vi cung cấp và đưa các thông tin sai sự thật trên mạng internet sẽ bị xử phạt từ 10 - 20 triệu đồng. Điều 5, Nghị định 167/2013 của Chính phủ quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực ANTT, an toàn xã hội, phòng, chống tệ nạn xã hội, PCCC và phòng, chống bạo lực gia đình cũng quy định, phạt tiền từ 2 - 3 triệu đồng đối với các hành vi như viết, phát tán, lưu hành tài liệu có nội dung xuyên tạc bịa đặt, vu cáo làm ảnh hưởng đến uy tín của tổ chức, cá nhân. Về mặt hình sự, đối với các hành vi tung tin sai sự thật trên mạng xã hội sẽ bị xử lý về tội làm nhục người khác hoặc tội vu khống. Theo quy định tại Luật dân sự, tùy theo tính chất, mức độ, hành vi và lỗi vô ý hay cố ý sẽ phải bồi thường nếu có thiệt hại gây ra.

.

Thiên Thảo

.