Cảnh giác
'Bánh vẽ' thu nhập cao và những cú lừa mua bán người
(Congannghean.vn)-Chỉ tính từ đầu năm đến nay, Phòng Cảnh sát Hình sự (CSHS) Công an Nghệ An đã khởi tố 11 vụ, 17 bị can về tội danh “Mua bán người”. Tất cả nạn nhân của những vụ án này đều là những người mắc phải “bánh vẽ” công việc nhàn, thu nhập cao.
Nạn nhân Nguyễn Thị Hoa kể lại hành trình 3 năm nơi xứ người |
Ngày 22/10, TAND tỉnh Nghệ An mở phiên tòa hình sự sơ thẩm xét xử 2 bị cáo Kha Văn Ngọc (SN 1964) trú tại xã Lạng Khê, huyện Con Cuông và Lô Thị Thuyên (SN 1964) trú tại xã Mỹ Lý, huyện Kỳ Sơn về tội “Mua bán người”.
Theo đó, do được 1 người phụ nữ tên Ỏn hứa sẽ trả công từ 20 - 30 triệu đồng khi tìm và đưa được 1 người sang Trung Quốc nên Ngọc đã bàn với Thuyên tìm người. Thấy Vi Thị Th. (SN 1991, cháu ruột của Thuyên) trú tại xã Mai Sơn, huyện Tương Dương, đang muốn tìm việc làm nên Thuyên và Ngọc tìm mọi cách lừa Th.. Với lời hứa đưa Th. đi làm dệt may ở Lào với mức lương 5 triệu đồng/tháng, bố mẹ và Th. đã không mảy may nghi ngờ mà cho con gái đi theo Thuyên. Sau đó, Ỏn bán Th. cho 1 người đàn ông Trung Quốc mua làm vợ với giá gần 180 triệu đồng.
Đến đầu năm 2018, được sự đồng ý của nhà chồng, Th. về Việt Nam thăm gia đình và làm đơn tố cáo hành vi mua bán người của Lô Thị Thuyên và Kha Văn Ngọc đến cơ quan Công an. Tại phiên tòa, HĐXX đã tuyên phạt Kha Văn Ngọc 5 năm tù giam và Lô Thị Thuyên 4 năm 6 tháng tù giam.
Chỉ với lời hứa về công việc nhàn hạ nhưng thu nhập cao đã khiến không ít người “sập bẫy”. Xuất phát từ thực tế người dân ở các vùng sâu, vùng xa còn gặp nhiều khó khăn trong tìm kiếm việc làm để thoát khỏi cảnh quanh năm suốt tháng làm nương rẫy nhưng vẫn không đủ ăn, nhiều đối tượng đã dùng mọi thủ đoạn để lừa gạt họ.
Chỉ tính từ đầu năm đến nay, Phòng CSHS Công an Nghệ An đã ra kết luận điều tra và đề nghị truy tố 11 vụ, 17 bị can về tội danh “Mua bán người”. Theo thống kê, hơn 90% nạn nhân thuộc các dân tộc thiểu số. 98% nạn nhân trong các vụ mua bán người bị bán ra nước ngoài, trong đó bán sang Trung Quốc chiếm hơn 95%. Đa số nạn nhân là phụ nữ khi bị lừa bán ra nước ngoài bị cưỡng ép kết hôn làm vợ người dân bản địa, cưỡng bức lao động...
Công tác đấu tranh với tội phạm mua bán người gặp rất nhiều khó khăn, nguyên nhân là do các nạn nhân đa số là người dân tộc thiểu số nên nhận thức còn nhiều hạn chế, gia đình ít quan tâm đến con cái; nhiều nạn nhân mất tích một thời gian dài gia đình mới phát hiện thì khi đó đã bị đưa sang Trung Quốc; nhiều nạn nhân sau khi tìm được đường trở về hoặc được giải cứu nhưng do mặc cảm, sợ bị trả thù nên không tố cáo với cơ quan chức năng, gây khó khăn trong việc bắt giữ, xử lý đối tượng phạm tội.
Đặc biệt, hiện nay, công nghệ thông tin ngày càng phát triển, các đối tượng mua bán người không xuất hiện trực tiếp tại địa bàn để tìm kiếm nạn nhân mà sử dụng cách thức liên lạc qua điện thoại, qua mạng xã hội, dụ dỗ nạn nhân từ xa, vì thế gây không ít khó khăn trong việc phát hiện, phòng ngừa.
Với cách thức lừa gạt qua mạng xã hội, em Nguyễn Thị Hoa (SN 1995) trú tại TP Vinh là nạn nhân của vụ mua bán người may mắn được Phòng CSHS phối hợp với Tổ chức quốc tế Rồng Xanh giải cứu vào giữa tháng 8/2018.
Theo lời kể của Hoa, tháng 5/2015, em cùng Nguyễn Thị Hiền (danh tính nạn nhân đã được thay đổi) trú tại TP Vinh rủ nhau đi tìm việc làm. Do trước đó Hiền quen 1 người bạn tên Quân qua mạng xã hội, khi em tâm sự muốn tìm việc thì Quân đã ngỏ ý muốn giúp đỡ. Quân hứa sẽ đưa Hiền và Hoa sang Trung Quốc, tìm công việc với mức lương từ 7 - 8 triệu đồng/tháng. Hiền đã bàn bạc với Hoa và cả 2 thống nhất ra TP Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh gặp Quân. Sau khi trốn gia đình, Hiền và Hoa bắt xe ra Móng Cái. Tại đây, Quân giao 2 em cho 1 đối tượng tên Mến trú tại huyện Anh Sơn (hiện đã lấy chồng và sinh sống ở Trung Quốc) để đưa vào sâu nội địa Trung Quốc bán.
Trước vấn nạn mua bán người ngày càng diễn biến phức tạp, bên cạnh công tác đấu tranh quyết liệt với loại tội phạm này, các lực lượng chức năng đã tăng cường phối hợp với chính quyền địa phương tổ chức nhiều hoạt động tuyên truyền thông qua các buổi họp dân, sinh hoạt chuyên đề; đưa nội dung nhận diện các thủ đoạn lừa đảo của đối tượng mua bán người vào các cuộc họp thôn, bản. Tuy nhiên, do hạn chế về trình độ dân trí và nhận thức của bà con, đặc biệt là ở vùng cao, vùng sâu vùng xa nên nhiều người đã tin vào “bánh vẽ” việc làm thu nhập cao, cuộc sống sung túc mà không biết mình bị lừa bán.
Nhật Minh