Cảnh giác

Nhận diện tội phạm giả danh Công an để lừa đảo, gây rối ANTT

10:11, 25/06/2018 (GMT+7)

TIN LIÊN QUAN

(Congannghean.vn)-Lợi dụng uy tín, vai trò và vị thế của lực lượng Công an nhân dân (CAND), thời gian vừa qua, đã có không ít kẻ xấu tìm đủ mọi cách để giả danh, nhân danh nhằm thực hiện các hành vi, mưu đồ vì mục đích cá nhân như lừa đảo chiếm đoạt tài sản, gây rối về ANTT...

Giả danh Công an để hoạt động phạm tội

Một số đối tượng giả danh Công an bị phát hiện, bắt giữ trong thời gian vừa qua
Một số đối tượng giả danh Công an bị phát hiện, bắt giữ trong thời gian vừa qua

Trong những ngày vừa qua, lợi dụng việc Quốc hội thảo luận, xem xét Dự thảo Luật Đơn vị Hành chính - Kinh tế đặc biệt và Luật An ninh mạng, các thế lực thù địch, đối tượng cực đoan tìm mọi cách xuyên tạc, kích động người dân tụ tập, biểu tình tuần hành tại nhiều địa phương. Thủ đoạn mới mà các đối tượng sử dụng là giả danh Công an, mặc trang phục của lực lượng Công an để trà trộn vào đám đông, kích động người dân biểu tình, gây rối làm mất ANTT. Mục đích là làm giảm uy tín của lực lượng Công an, bôi nhọ, giảm lòng tin của nhân dân đối với lực lượng Công an.

Với hành vi này, ngày 16/6/2018, đối tượng Nguyễn Hùng Thái (SN 1995) trú tại quận Bình Thạnh (TP HCM) đã bị phát hiện, bắt giữ khi đang mặc sắc phục Cảnh sát, trà trộn vào nhóm người tụ tập tại công viên Tao Đàn, có hành vi định gây rối ANTT. Khi bị tạm giữ, Thái mang theo khóa số 8, đội mũ kê-pi của lực lượng Công an cùng một số phụ kiện có in logo của lực lượng Công an.

Trước đó, trên địa bàn TP HCM và tỉnh Bình Dương, lực lượng chức năng còn phát hiện thêm 5 đối tượng khác, mặc áo khoác có logo Công an TP HCM và mặc quần áo giả danh Trung úy Quân đội, giả danh là học viên Trường Đại học Trần Đại Nghĩa - Trường Sỹ quan Kỹ thuật quân sự, có hành vi trà trộn vào đám đông nhằm lôi kéo và thực hiện các ý đồ xấu. Mục đích của việc giả danh và trà trộn này là gây ra các hành động kích động, cố ý dàn dựng, tổ chức các hành động khiêu khích, giả danh lực lượng chức năng của Việt Nam để quay phim, chụp hình nhằm vu khống, kích động người dân trong và ngoài nước cũng như dư luận quốc tế rằng chính quyền Việt Nam đàn áp người dân. Qua đó, chia rẽ mối quan hệ gắn bó giữa lực lượng Công an với nhân dân vốn đã khăng khít từ hơn 70 năm qua kể từ khi lực lượng CAND ra đời, trở thành chỗ dựa vững chắc cho nhân dân.

Trước đó không lâu, TAND TP Hà Nội cũng đưa ra xét xử 3 đối tượng trong ổ nhóm tội phạm có yếu tố nước ngoài chuyên giả danh, giả mạo cán bộ điều tra. Thủ đoạn của nhóm người này là gọi vào số điện thoại của các hộ gia đình, rồi dọa nạt rằng họ đang vướng phải những vụ án đặc biệt nghiêm trọng. Nếu muốn chứng minh sự trong sạch của bản thân thì họ phải chuyển hết tiền gửi tiết kiệm ở ngân hàng vào tài khoản của CQĐT. Nhưng thực tế, đây là những tài khoản do chúng lập ra, khi nạn nhân vừa chuyển tiền chúng lập tức chiếm đoạt.

Hoạt động này cũng đã xuất hiện tại Nghệ An. Theo số liệu của Đội Cảnh sát Phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Phòng Cảnh sát Hình sự Công an tỉnh, từ ngày 16 - 25/8/2017, trên địa bàn Nghệ An đã xảy ra 9 vụ đối tượng giả danh Công an lừa đảo chiếm đoạt tài sản thông qua mạng viễn thông, làm thiệt hại gần 2 tỉ đồng. Liên quan đến thủ đoạn này, ngày 16/6 vừa qua, Công an Nghệ An đã bắt giữ kẻ chủ mưu là Phạm Đình Phi (SN 1990) trú tại xã Mỹ Hương, huyện Lương Tài, tỉnh Bắc Ninh sau nhiều tháng phát lệnh truy nã toàn quốc.

Người dân cần nâng cao cảnh giác

Nhóm bị cáo giả danh Công an lừa đảo, cưỡng đoạt tài sản bị xét xử
Nhóm bị cáo giả danh Công an lừa đảo, cưỡng đoạt tài sản bị xét xử

Liên quan đến việc giả danh, giả mạo lực lượng CAND để thực hiện các hành vi lừa đảo, hiện nay, trên địa bàn Nghệ An nói riêng và cả nước nói chung, thống kê chưa đầy đủ cho thấy, những năm gần đây, việc tội phạm giả danh cán bộ, chiến sỹ CAND lừa đảo chiếm đoạt tài sản bằng thủ đoạn “chạy” việc làm, “chạy” vào ngành Công an và “chạy” vào học các trường CAND luôn chiếm tỉ lệ lớn nhất.

Là lái xe cho Trung tâm Văn hoá thể thao TX Cửa Lò, sa vào cờ bạc, dính vào lao lý, Hoàng Bá Đệ (SN 1978) không coi đó là bài học mà nảy sinh ý định giả danh cán bộ Công an tỉnh để lừa đảo những người nhẹ dạ, cả tin, có con em thi vào các trường CAND để lấy tiền phục vụ nhu cầu cá nhân. Với vỏ bọc là cán bộ đi xe biển xanh (của cơ quan), Đệ đã khiến nhiều gia đình “sập bẫy”. Nhận tiền nhưng không xin được việc, không trả lại tiền cho người dân nên tháng 5/2018, Đệ đã bị Cơ quan CSĐT Công an Nghệ An ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can để điều tra về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản và lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản.

Trước đó không lâu, Cơ quan CSĐT Công an TP Vinh cũng đã bắt quả tang Trần Văn Tuấn (SN 1984) trú tại xã Nghi Phú, TP Vinh khi đang có hành vi giả danh là Đội trưởng Đội Cảnh sát Trật tự và Cơ động, Công an TP Vinh để nhận tiền “bảo kê” cho các chủ kinh doanh trên địa bàn. Với “mác” cán bộ Công an của mình, từ một kẻ lêu lổng, không công ăn việc làm, Tuấn hứa sẽ nhận “bảo kê” cho bất cứ ai kinh doanh trên vỉa hè TP Vinh, nhưng phải bí mật. Bằng thủ đoạn này, đối tượng đã nhận lời “bảo kê” cho nhiều hộ kinh doanh, thu bất chính số tiền hàng chục triệu đồng.

Tháng 4/2017, Công an huyện Thanh Chương cũng đã bắt giữ Nguyễn Văn Hiếu (SN 1986) trú tại huyện này về hành vi giả danh Công an lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Bằng thủ đoạn tự giới thiệu mình là Công an mật của tỉnh đang thực hiện ý kiến chỉ đạo của Giám đốc Công an tỉnh về truy quét các loại tội phạm trong xã còn tồn đọng, Hiếu tìm hiểu kỹ đặc điểm tình hình của bị hại là đang cho một số người dân vay nợ mà khả năng trả là không có, nên đã giả danh Công an trên đường đi làm nhiệm vụ, hứa với gia đình sẽ thu hồi số nợ. Bằng thủ đoạn này, Hiếu đã chiếm đoạt tiền của nhiều gia đình trên địa bàn.

Ngoài các hình thức nói trên, tội phạm hiện nay không từ bất cứ phương thức, thủ đoạn nào, miễn là đạt được mục đích và thực hiện được hành vi của mình. Một số hình thức lừa đảo khác nhằm vào mạo danh lực lượng CAND như bắt giữ người trái pháp luật, lừa đảo trong quan hệ yêu đương trai gái, vay nợ; giả danh Công an cưỡng đoạt tài sản của người tham gia giao thông, lừa “chạy” án; làm giả quyết định khởi tố vụ án… Câu hỏi được đặt ra là, vì sao ngày càng có nhiều đối tượng lợi dụng vào hình ảnh của lực lượng CAND để thực hiện các hành vi lừa đảo?

Theo Luật sư Cao Trí, Văn phòng luật sư Cao Trí và cộng sự tại TP Vinh, thì lực lượng CAND với truyền thống hơn 70 năm xây dựng và trưởng thành, đã trở thành điểm tựa của niềm tin, là chỗ dựa vững chắc và bình yên cho nhân dân. Vì vậy, khi nhắc đến người chiến sỹ CAND, người dân tin tưởng tuyệt đối. Hiểu một cách đơn giản nhất, mỗi khi có chuyện xảy ra dù rằng sự việc có lúc chẳng liên quan nhiều đến ANTT hay an toàn xã hội nhưng người và cơ quan đầu tiên người dân trông cậy, tìm kiếm vẫn luôn là lực lượng Công an.

Nắm bắt được tâm lý này của đại đa số quần chúng nhân dân nên một bộ phận không nhỏ các phần tử xấu đã đánh vào tâm lý của nhân dân, mạo nhận mình là chiến sỹ CAND để thực hiện các mưu đồ xấu, phục vụ mục đích cá nhân của mình, qua đó làm giảm vai trò, vị thế và uy tín của lực lượng CAND. Mặc dù vậy, thực tế đã chứng minh, mọi hành vi này đều sớm bị lật tẩy, hành vi mạo danh cũng sớm bị lực lượng Công an vạch trần và những kẻ phạm tội đã phải trả giá bằng những bản án nghiêm khắc của pháp luật.

Dù vậy, trước khi có hình phạt nghiêm khắc đối với loại tội phạm giả danh lực lượng CAND từ phía cơ quan chức năng, người dân cũng cần nâng cao cảnh giác bằng việc khi có người xưng là chiến sỹ CAND, cần xác minh danh tính, liên hệ đơn vị công tác để kiểm tra xem đó là Công an hay đối tượng giả mạo, tránh cả tin, cả nể để rồi “sập bẫy” lừa mà kẻ xấu đã giăng sẵn. Không chỉ tiền mất, tật mang mà đến khi đòi lại được quyền lợi của mình thì “được vạ, má cũng sưng”, lợi bất cập hại.

Thiên Thảo

Các tin khác