Cảnh giác
Làm giả bằng Tiến sĩ bán với giá 3 triệu đồng
11:22, 01/04/2018 (GMT+7)
Phòng Cảnh sát hình sự (CSHS) Công an TP Hà Nội đã bước đầu làm rõ một ổ nhóm làm văn bằng, chứng chỉ giả, trong đó có cả bằng tiến sĩ, thạc sĩ, sổ đỏ giả.
Trước đó, tổ công tác số 2 Đội cảnh sát đặc nhiệm thuộc Phòng này qua kiểm tra hành chính Phạm Huy Hồng, trú tại phường Mai Động, quận Hoàng Mai, TP Hà Nội phát hiện Hồng đang mang 2 bộ hồ sơ gồm học bạ và một số văn bằng chứng chỉ giả.
Nhóm đối tượng cùng tang vật trong vụ án |
Quá trình điều tra xác định: Nguyễn Văn Vinh, trú tại huyện Tam Dương, tỉnh Nghệ An là đối tượng chính trong ổ nhóm này. Do làm ăn thua lỗ, Vinh chuyển sang làm giả các loại giấy tờ, bằng cấp các loại để kiếm tiền. Vinh đặt mua nhiều loại máy móc chuyên dùng như máy in màu, máy photocopy, máy ép plastic và khuôn lưới để in ấn.
Vinh lên mạng internet tìm hiểu để làm giả chữ ký và con dấu của các cá nhân và đơn vị liên quan. Để tìm “đầu ra” cho các văn bằng, chứng chỉ làm giả, Vinh thông qua các mối quan hệ xã hội để tìm những người có nhu cầu đặt làm.
Theo đó, một bằng tiến sĩ giả Vinh bán với giá 3 triệu đồng; bằng tốt nghiệp cử nhân và trung cấp, Vinh bán từ 1 triệu đến 1,5 triệu đồng; các loại giấy tờ như chứng chỉ, học bạ, xác nhận bảng điểm có giá dao động từ 500 ngàn đến 1 triệu đồng. Thời gian in ấn mỗi loại văn bằng, chứng chỉ hoàn thành từ 2 đến 7 ngày.
Giúp sức cho Vinh để tìm “khách hàng” còn có Lê Bá Toàn, trú tại phường Đức Giang, quận Long Biên, TP Hà Nội.
Thông qua sự môi giới của Toàn, Hồng thuê Vinh làm 2 bộ hồ sơ giả gồm học bạ, bằng tốt nghiệp trung học phổ thông, bằng tốt nghiệp trung cấp nghề, bằng cử nhân và kết quả học tập. Sau khi làm xong bộ hồ sơ giả theo yêu cầu của Hồng, Vinh giao cho Phạm Minh Nhật, trú tại huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa mang đến cho Hồng thì bị phát hiện như đã nêu ở trên.
Khám xét nơi “hành nghề” của Vinh đã thu giữ hàng trăm mẫu dấu giả và phôi văn bằng của cơ quan, tổ chức, trường học…
Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP Hà Nội đã tạm giữ hình sự nhóm đối tượng này để điều tra mở rộng vụ án.
Qua vụ việc trên cho thấy, nhu cầu mua hồ sơ, văn bằng, bảng điểm giả không chỉ đáp ứng yêu cầu của người xin việc làm, mà còn “phục vụ” cả những người muốn có bằng “Tiến sĩ giấy” để “đánh bóng” bản thân, hy vọng leo lên những chức vị trong xã hội.
Theo Báo CAND