Cảnh giác
Cảnh giác: Làm giả giấy chuyển tuyến khám bệnh để trục lợi
Thời gian gần đây, cơ quan chức năng liên tiếp phát hiện nhiều vụ mua bán làm giả các loại giấy tờ của nhiều bệnh viện lớn trên địa bàn Hà Nội như giấy chuyển tuyến, giấy ra viện, giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng chế độ bảo hiểm. Vậy những giấy tờ giả này được dùng cho đối tượng nào và sử dụng vào mục đích gì. Câu trả lời đó sẽ có trong phóng sự ngay sau đây.
Bấm play để xem video. Mở loa để nghe thuyết minh.
Mới đây, ngày 10/9, Công an Hà Nội vừa ra quyết định khởi tố vụ án, bị can đối với Trần Thị Thảo, tỉnh Sơn La về hành vi cưỡng đoạt tài sản. Tại cơ quan công an, Trần Thị Thảo thừa nhận, đầu năm 2017, do được một số nhân viên bệnh viện nhờ làm giấy chuyển tuyến giả và với mỗi tờ giấy chuyển tuyến giả, Thảo được trả công 200.000 đồng. Những bệnh nhân có nhu cầu sử dụng giấy chuyển tuyến này phải trả phí 3 triệu đồng.
Tiếp đó, ngày 14/7, Thảo cầm đống giấy tờ giả đến gặp lãnh đạo Bệnh viện Xanh Pôn yêu cầu đưa 150 triệu đồng để “mua sự im lặng”. Mục đích làm giấy chuyển tuyến giả nhằm giúp bệnh nhân được chuyển tuyến bảo hiểm y tế từ Bệnh viện Xanh Pôn lên Bệnh viện Bạch Mai và các bệnh viện tuyến Trung ương khác, được hưởng quyền lợi bảo hiểm y tế đúng tuyến giống như các bệnh nhân được bệnh viện cho chuyển tuyến theo quy định.
Theo ông Nguyễn Huy Quang, Vụ trưởng Vụ pháp chế, Bộ Y tế, đây là vụ việc có sự móc ngoặc của nhân viên Bệnh viện Xanh Pôn với các đối tượng làm giả giấy tờ chuyển tuyến.
Cũng theo đại diện Bộ Y tế, vụ việc làm giả giấy chuyển tuyến tại Bệnh viện Xanh Pôn không phải là hành vi trục lợi bảo hiểm y tế.
Dù chưa có con số thống kê cụ thể của bảo hiểm y tế về tình trạng sử dụng giấy chuyển tuyến giả nhưng vụ việc làm giả giấy chuyển tuyến tại Bệnh viện Xanh Pôn đã cho thấy, những vướng mắc trong việc giải quyết thủ tục hành chính và chất lượng khám chữa bệnh tại các bệnh viện tuyến dưới vẫn còn rất nhiều điều đáng bàn.
Theo ANTV