Cảnh giác

Cẩn trọng với đồ chơi Trung thu không rõ nguồn gốc

08:46, 25/09/2017 (GMT+7)

TIN LIÊN QUAN

(Congannghean.vn)-Chỉ còn hơn 1 tuần nữa là đến Tết Trung thu, nhu cầu tiêu thụ hàng hóa đồ chơi trẻ em tăng cao. Điều đáng nói là mặt hàng đồ chơi trẻ em không rõ nguồn gốc, xuất xứ, không tem, nhãn mác đang tràn ngập thị trường và mối nguy hại của nó không phải ai cũng biết.

Tràn ngập đồ chơi không rõ nguồn gốc

Dạo quanh một số tuyến đường trên địa bàn TP Vinh, đồ chơi Trung thu với nhiều chủng loại, màu sắc sặc sỡ đã được bày bán từ nhiều ngày qua. Các loại đồ chơi như mặt nạ, đèn lồng, cánh bướm, đồ chơi có lắp đèn nhấp nháy rực rỡ sắc màu. Có rất nhiều đồ chơi không nhãn mác, không tên cơ sở, quốc gia sản xuất và không có các thông số kỹ thuật cần thiết. Còn các đồ chơi truyền thống của Việt Nam như mặt nạ giấy, đầu lân, sư, rồng, trống mặt da, đèn kéo quân, đèn ông sao cũng được các cửa hàng bày bán nhưng không nhiều.

Người dân lựa chọn đồ chơi Tết Trung thu cho trẻ ở chợ Vinh
Người dân lựa chọn đồ chơi Tết Trung thu cho trẻ ở chợ Vinh

Các hộ kinh doanh đồ chơi tại đường Hồng Bàng cho biết, đa phần giá cả của các mặt hàng năm nay so với năm ngoái tăng không đáng kể. Bán chạy nhất là các loại đồ chơi kiếm phát sáng, mặt nạ và đèn kéo quân. Khi được hỏi về nguồn gốc, xuất xứ của các loại đồ chơi được gọi là “hot” nhất hiện nay, hầu hết người kinh doanh đều cho rằng: "Các mặt hàng đều có xuất xứ từ Trung Quốc. Hàng Trung Quốc mẫu mã phong phú, màu sắc đẹp, đặc biệt là giá cả rất phải chăng. Còn hàng Việt Nam thì có thể vì chất lượng và an toàn nên không sặc sỡ. Hơn nữa lại đắt và ít chủng loại. Nhiều bậc ông bà, bố mẹ muốn chọn đồ chơi là hàng Việt Nam cho an toàn nhưng nhiều trẻ không thích vì nhìn không bắt mắt".

Theo ghi nhận của phóng viên, tại nhiều cửa hàng có đồ chơi Trung thu, hàng Việt Nam chủ yếu là các bộ xếp hình và đèn lồng bằng giấy đủ các loại kích cỡ do hàng mã làm và cung cấp. Song, người mua các bộ xếp hình thời điểm này hầu như không có và số lượng nhập của các loại đèn lồng này cũng rất ít. Chị Lan, một chủ cửa hàng có loại đèn lồng giấy trên đường Đinh Công Tráng cho biết: “Giá các loại đèn lồng giấy như thế này chỉ từ 5.000 - 10.000 đồng nhưng không bán được vì nhìn đơn giản quá, lại dễ hỏng. Mà trẻ con lại thích có nhạc và màu sắc. Thế nên, phụ huynh sẵn sàng thêm tiền để có đèn lồng chạy bằng pin và hình con thú ngộ nghĩnh…”.

Thực tế cho thấy, việc đồ chơi Trung Quốc độc hại đã được cảnh báo từ lâu, nhưng mặt hàng này vẫn có mặt khắp nơi, từ nông thôn đến thành thị. Và bất chấp cảnh báo, đồ chơi xuất xứ từ Trung Quốc vẫn được bán rất chạy. Nhiều người tiêu dùng cho biết, họ lựa chọn vì đồ chơi Trung Quốc đa dạng về mẫu mã, sinh động và quan trọng hơn là hợp túi tiền. Trong khi đó, các loại đồ chơi sản xuất trong nước ít chủng loại và mẫu mã, đồ chơi của các nước khác thì giá cả đắt, không nhiều người có khả năng mua được... Một thực tế nữa là, một số người mua loại đồ chơi này vì chưa rõ tính độc hại của chúng, nhưng số đông người tiêu dùng biết rõ đồ chơi rẻ tiền độc hại mà vẫn mua.

Siết chặt quản lý

Trao đổi với phóng viên về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Thắng, Phó Chi cục Quản lý thị trường Nghệ An cho biết: Thị trường đồ chơi dịp Tết Trung thu khá đa dạng, phong phú. Vừa qua, Ban chỉ đạo 389 đã thành lập Đoàn kiểm tra liên ngành, tổ chức kiểm tra từ ngày 20/9 - 20/10 các cơ sở kinh doanh đồ chơi nhằm kịp thời thu giữ, tiêu hủy những đồ chơi mang tính bạo lực, nhắc nhở và xử phạt những cửa hàng kinh doanh đồ chơi không chứng minh được nguồn gốc hàng hóa.

Cũng theo ông Thắng, tuy kiểm tra, xử lý nhiều nhưng hiện nay vẫn có một số đối tượng kinh doanh đồ chơi trẻ em không nhãn mác, không rõ nguồn gốc trên vỉa hè trước cổng một số bệnh viện, cổng trường học, công viên. Họ buôn bán không có địa điểm cố định, số lượng hàng hóa ít, trị giá thấp nên khi phát hiện có cơ quan kiểm tra thì họ gom lại chạy chỗ khác bán hoặc chờ khi không có cơ quan kiểm tra thì bày bán; nếu có bị kiểm tra, xử phạt thì thường không thực hiện việc nộp phạt. Chi cục đã chỉ đạo các Đội Quản lý thị trường tăng cường hoạt động kiểm tra, kiểm soát, quản lý địa bàn để kịp thời phát hiện, xử lý các hành vi vi phạm đối với hoạt động kinh doanh đồ chơi trẻ em tại các chợ, trường học, cửa hàng trên địa bàn, xử lý nghiêm các vi phạm, tiêu hủy đồ chơi trẻ em bị cấm, cảnh báo cho mọi người biết loại đồ chơi có chất độc hại để phòng tránh.

Để có một mùa Trung thu an toàn, các bậc phụ huynh cần có sự định hướng và lựa chọn đồ chơi phù hợp cho trẻ. Qua đó, đảm bảo sự an toàn và giúp trẻ được phát triển toàn diện.

Cao Loan

Các tin khác