Gọi điện thoại, xưng danh là cán bộ công an đe dọa nạn nhân có dính vào một vụ án đang điều tra rồi yêu cầu nạn nhân chuyển tiền vào tài khoản. thủ đoạn này tuy không còn mới song thời gian gần đây một số người dân ở tỉnh Khánh Hòa vẫn mắc bẫy lừa của bọn tội phạm với số tiền thiệt hại lên đến hàng trăm triệu đồng.
Bấm play để xem video. Mở loa để nghe thuyết minh.
Ngày 3/11, người phụ nữ này nhận cuộc điện thoại từ một người đàn ông lạ tự xưng là cán bộ công an. Người này nói bà liên quan đến một vụ án đang điều tra. Sau khi bị đe dọa nếu không chuyển tiền thì bà sẽ bị bắt, lo sợ bà đã đến ngân hàng chuyển và tài khoản của đối tượng hơn 200 triệu đồng.
Cũng tương tự thủ đoạn trên, người phụ nữ này ở phường Phước long, thành phố Nha Trang đã chuyển 400 triệu đồng sau cuộc điện thoại của một người đàn ông tự xưng là cán bộ điều tra của Bộ Công an.
Một số người dân ở tỉnh Khánh Hòa bị mắc bẫy lừa của bọn tội phạm với số tiền thiệt hại lên đến hàng trăm triệu đồng. |
Chỉ từ giữa năm 2015 đến nay, công an thành phố Nha Trang đã tiếp nhận gần 20 đơn trình báo của người dân về việc bị một đối tượng nam tự xưng là cán bộ thực thi pháp luật gọi điện đe dọa sau đó yêu cầu chuyển tiền. Dù không biết thực hư nhưng do lo sợ phải dính dáng đến pháp luật nên các nạn nhân đều làm theo yêu cầu của đối tượng. Người ít thì mất bốn năm mươi triệu, người nhiều bị mất hàng trăm triệu đồng.
Thiếu tá Lê Văn Đức – Phó đội trưởng đội CSHS, Công an TP. Nha Trang, Khánh Hòa cho biết, cơ quan điều tra công an Nha Trang cũng đã có biện pháp tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, cũng như yêu cầu Công an các địa phương, phường, xã tổ chức tuyên truyền cho quần chúng nhân dân địa phương. Cũng có công văn đề nghị ngân hàng phối hợp khi có sự việc xảy ra. Qua đây cũng cảnh báo quần chúng nhân dân khi có số điện thoại lạ, điện thoại đến số máy mình mà xưng danh là người của cơ quan điều tra Bộ công an, hoặc là hỏi thăm về tài khoản của mình và yêu cầu là không được tắt máy. Chính là phương thức thủ đoạn của đối tượng đang nhắm vào mình để chiếm đoạt tài sản của mình.
Nạn nhân các vụ lừa đảo trên chủ yếu là người già và phụ nữ, cả tin và hiểu biết về pháp luật còn hạn chế nên khi bị đe dọa thường hoang mang, lo sợ.Một điều người dân phải lưu ý là cơ quan công an chỉ làm việc với đương sự khi đã gửi giấy mời, giấy triệu tập hoặc cử cán bộ trực tiếp tới gặp và đặc biệt không làm việc qua điện thoại.
Vì vậy, mọi liên hệ qua điện thoại để thông báo các nội dung liên quan đến người dân đều là giả mạo, người dân cần đề phòng để không bị kẻ xấu lợi dụng lừa đảo.