Warning: include(/export/home2/WebData/baocongannghean//an-ninh-trat-tu/canh-giac/201604/canh-giac-voi-chieu-trung-thuong-nap-phi-nhan-qua-673418/index.txt): failed to open stream: No such file or directory in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72

Warning: include(): Failed opening '/export/home2/WebData/baocongannghean//an-ninh-trat-tu/canh-giac/201604/canh-giac-voi-chieu-trung-thuong-nap-phi-nhan-qua-673418/index.txt' for inclusion (include_path='.:/usr/local/php/lib/php') in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72
Cảnh giác với chiêu 'trúng thưởng - nạp phí - nhận quà' - Báo Công An Nghệ An điện tử
Thứ Năm, 21/04/2016, 10:19 [GMT+7]

Cảnh giác với chiêu 'trúng thưởng - nạp phí - nhận quà'

 

Theo thống kê, mỗi năm, lực lượng chức năng khởi tố, điều tra hàng trăm vụ án, bắt giữ hàng trăm bị can có hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản thông qua mạng Internet. Trong đó, các hành vi lừa đảo trong thương mại điện tử chiếm khá đông.

Cụ thể, từ năm 2010 đến nay, chỉ riêng Cục C50 đã phối hợp với cơ quan điều tra khởi tố 7 vụ án, 31 bị can lừa đảo dưới hình thức khuyến mại trực tuyến, 2 vụ, 5 bị can lừa đảo đấu giá trực tuyến; 18 vụ án, 80 bị can lừa đảo dưới hình thức sàn thương mại điện tử.

Nhiều người cho rằng, sở dĩ các đối tượng lừa đảo được bởi hiện nay, việc quản lý các trang mạng xã hội của chúng ta vẫn còn nhiều bất cập, lỗ hổng để các đối tượng xấu có thể lợi dụng để lừa đảo. Tuy nhiên, theo các chuyên gia về công nghệ thông tin thì trên thực tế không hẳn như vậy.

 Trang web các đối tượng mạo danh Cục Hải quan nhằm đánh vào lòng tin của bị hại.
Trang web các đối tượng mạo danh Cục Hải quan nhằm đánh vào lòng tin của bị hại.

Trên các trang mạng xã hội, các nhà cung cấp luôn tạo ra những tính năng thân thiện, tiện lợi với người dùng, người dùng có quyền đồng ý kết bạn hay không kết bạn. Chính vì vậy, bản thân người dùng đã được “lọc” những người mình không quen, không tin tưởng.

Mấu chốt của vấn đề, vì sao rất nhiều người mắc bẫy bọn lừa đảo, trinh sát Cục C50 cho rằng, sở dĩ rất nhiều người bị các đối tượng lừa đảo bởi đa phần chúng đánh vào lòng tham của bị hại, một phần khác là lợi dụng sự thiếu hiểu biết, nhẹ dạ của các bị hại.

Điển hình như trường hợp anh H.V.H., 44 tuổi, trú ở quận Ba Đình, Hà Nội, là giám đốc một doanh nghiệp khá thành đạt. Ngày 2-3 anh bất ngờ nhận được tin nhắn từ một số điện thoại ở Anh báo là anh đã trúng thưởng 1 triệu USD của một công ty viễn thông tại Mỹ. Để nhận được giải thưởng này, “đối tác” yêu cầu anh H. gửi thông tin cá nhân qua địa chỉ email.

Liên hệ qua email trong tin nhắn, anh H. được xác nhận là "đã trúng thưởng" 1 trong 3 giải thưởng của công ty này (mỗi giải thưởng 1 triệu USD) và công ty viễn thông tại Mỹ nơi anh H trúng thưởng đã ủy quyền cho một ngân hàng có trụ sở tại New York (Mỹ) trao thưởng. Vì vậy, anh H phải liên lạc với ngân hàng này để làm thủ tục nhận thưởng.

Khi liên lạc theo email và số điện thoại do “đối tác” cung cấp, anh H. gặp lãnh đạo ngân hàng tại New York và tận mắt nhìn thấy qua email “giấy chứng nhận trúng thưởng” và các mẫu xác nhận giải thưởng 1 triệu USD đã thuộc về người trúng thưởng. Đồng thời, phía ngân hàng cho biết sẽ giới thiệu cho anh H. người đại diện pháp lý của anh ở nước ngoài để thay anh hoàn tất mọi thủ tục về việc nhận giải thưởng.

Sau khi làm xong thủ tục, sẽ có 2 cách do anh lựa chọn để anh nhận thưởng 1 triệu USD. Thứ nhất là anh H. trực tiếp sang Mỹ để nhận thưởng; thứ hai là anh nhận số tiền thưởng qua online (chuyển khoản). Tiếp đó “ngân hàng” thuyết phục anh H. chọn phương án lãnh thưởng qua online vì chỉ mất phí 115 USD.

Sau khi anh H. đóng 115 USD, “đối tác” yêu cầu anh H. thanh toán thêm 3.870 USD là chi phí cho người đại diện của anh tại nước ngoài thay anh làm các thủ tục hồ sơ nhận thưởng và chờ 1-2 ngày sau anh sẽ nhận được tiền thưởng.

2 ngày sau, “đối tác” lại thông báo giải thưởng 1 triệu USD này chưa khai báo với “Quỹ chống khủng bố” và “Quỹ chống rửa tiền”, yêu cầu anh phải nộp 15.000 USD để xác nhận giải thưởng không thuộc hai quỹ trên. Chúng còn dọa, nếu anh không nộp, lý lịch của anh sẽ bị lưu vào “danh sách đen” và bị bêu trên toàn cầu.

Hoảng quá, anh H. vội đóng khoản phí phát sinh và chờ đợi nhận giải thưởng. 2 ngày sau nữa, các đối tượng lại thông báo phải đóng phí gần 3% (tương đương 28.700 USD) trên tổng số 1 triệu USD để nhận tại Việt Nam.

Cứ như thế, đối tượng dẫn dắt nạn nhân đóng hàng loạt loại thuế, phí khác. Tiếc giải thưởng 1 triệu USD, anh H. đã đóng cho các đối tượng hơn 3,2 tỷ đồng mới biết mình bị lừa.

Như vậy, rõ ràng trong đa số các trường hợp, đối tượng thường đánh vào lòng tham của bị hại. Vậy, làm thế nào để nhận biết các đối tượng lừa đảo, phòng ngừa bằng cách nào?

Một cán bộ Cục C50 cho biết, để tránh trở thành nạn nhân của các đối tượng lừa đảo, mọi người cần nêu cao tinh thần cảnh giác, đặc biệt là đối với chiêu trò gửi quà từ nước ngoài về, được thừa kế tài sản từ nước ngoài hay môi giới lấy chồng ngoại quốc bởi chẳng bao giờ có việc tự nhiên một khoản tiền lớn nào đó “chảy” vào túi bất cứ ai.

Đây chắc chắn là hành vi lừa đảo, bị hại cần báo ngay cho cơ quan Công an qua số điện thoại trực ban của C50 là 0692321154.
Thiếu tá Nguyễn Thị Thu Hằng, Trưởng phòng 4, Cục C50 cho  biết thêm cách phòng ngừa thủ đoạn trúng giải thưởng, đó là khi một công ty đưa ra giải thưởng thì giải thưởng đó phải liên quan đến công việc của công ty đó và công ty có trụ sở, địa chỉ liên hệ và số điện thoại nên khi nhận được thông tin, mọi người cần xác minh cụ thể.

Ngoài ra, bị hại có thể tìm kiếm các thông tin liên quan về website, số điện thoại và các thông tin trên trang google, facebook để đánh giá độ tin cậy của giải thưởng, đồng thời, không nên nộp bất cứ khoản tiền nào nếu chưa nhận được giải thưởng.

Bên cạnh đó, khi thực hiện bất cứ giao dịch nào liên quan đến tiền bạc trên mạng xã hội thì cần phải cân nhắc kỹ, cảnh giác với những thông tin không rõ ràng và những thông tin đánh vào lòng tham, sự tò mò của người dùng.

CBCS Cục C50 cũng cảnh báo, hiện nay hầu hết các đối tượng lừa đảo sử dụng hosting, tên miền của nước ngoài để tạo lập các website lừa đảo, việc đăng ký tên miền, thuê hosting rất đơn giản và tạo lập website dễ dàng đăng ký tên miền, máy chủ ở nước ngoài. Chính vì vậy, những người tham gia mạng xã hội hết sức cảnh giác với các chiêu trò lừa đảo, không nên thấy các tên miền nước ngoài là dễ dàng tin tưởng công ty ở nước ngoài.

Khi thấy các website có dấu hiệu lừa đảo phải thông báo với cơ quan Công an để có những biện pháp phòng ngừa kịp thời, đồng thời truy tìm đối tượng. Không nên vì lòng tham mù quáng dẫn đến “tiền mất, tật mang”…

.

Nguồn: Cand.com.vn

.