Cảnh giác
Cảnh giác từ những tin đồn thất thiệt trên mạng xã hội
15:49, 07/04/2016 (GMT+7)
Khi dư luận cả nước còn chưa hết bức xúc bởi hàng loạt thông tin thất thiệt lan truyền trên mạng về các vụ bắt cóc trẻ em tại Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Nghệ An, Thái Nguyên thì mới đây, trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh, thông tin về vụ chập điện khiến hàng chục người chết xảy ra ở Công ty Texhong Hải Hà (huyện Hải Hà, Quảng Ninh); vụ một học sinh ở Long Biên chỉ vì đi học muộn, sợ bị bố mẹ mắng đã đăng tải thông tin lên mạng xã hội facebook bị bắt cóc, một lần nữa lại khiến dư luận bất bình.
Thực ra, không phải đến bây giờ những thông tin sai sự thật, có tính chất giật gân, câu khách… gây hoang mang dư luận, ảnh hưởng xấu đến tình hình an ninh trật tự mới xuất hiện trên các mạng xã hội.
Vào cuối tháng 4-2015, đã có 2 trường hợp bị cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP Hà Nội khởi tố, bắt tạm giam theo Điều 226 Bộ luật Hình sự “Tội đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin trên mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng Internet” vì đã có các hành vi đăng tải những thông tin sai sự thật, gây ảnh hưởng xấu đến tình hình ANTT trên địa bàn TP Hà Nội. Hoặc như trường hợp của hai cô gái tung tin đồn thất thiệt trên mạng xã hội Facebook liên quan đến việc lan truyền dịch Ebola, vụ tung tin đồn các cô gái bị rạch đùi…
Hãy cẩn trọng với thông tin từ các mạng xã hội |
Vì sao đã có chế tài xử lý, với các hình phạt khác nhau mà những vụ việc này vẫn có dấu hiệu gia tăng? Đối tượng thực hiện không chỉ là nhóm “trẻ trâu” mà còn có cả những người trưởng thành, có đủ năng lực, hành vi nhận thức để hiểu rõ việc làm do họ gây ra.
Để trả lời cho câu hỏi trên, chúng tôi đã tìm hiểu các vụ việc được cơ quan chức năng làm rõ trong thời gian qua. Từ đó, đã rút ra nguyên nhân của các vụ việc:
Nguyên nhân đầu tiên, chiếm số lượng lớn nhất là do các đối tượng muốn câu like, nhằm tạo sự giật gân, câu khách, thu hút sự chú ý của cộng đồng mạng; một số tung tin đồn thất thiệt chỉ với mục đích là để bán hàng, trường hợp còn lại để giải quyết các vấn đề của bản thân. Cá biệt, một số đối tượng còn lợi dụng mạng xã hội để bôi nhọ, nói xấu, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín, danh dự, nhân phẩm của người khác vì mục đích cạnh tranh không lành mạnh và triệt hạ đối thủ…
Sau khi các thông tin trên được đăng tải trên các trang mạng xã hội thì chỉ trong một thời gian ngắn, tốc độ lan truyền một cách chóng mặt… gây ảnh hưởng dư luận rất nghiêm trọng. Cụ thể như trường hợp của Nguyễn Sơn Tùng, đối tượng bị Công an tỉnh Thái Nguyên đã quyết định xử phạt hành chính 12,5 triệu đồng vào những ngày cuối tháng 3-2016.
Ngày 8-1, Tùng sử dụng Facebook “Tùng Lò Gạch” đăng lên mạng xã hội Facebook thông tin về bắt cóc trẻ em tại khu vực Trường Mầm non 19-5, thuộc phường Hoàng Văn Thụ, thành phố Thái Nguyên và thông tin bắt cóc người để lấy nội tạng…
Chỉ trong vài ngày, thông tin này đã có gần 3.000 lượt chia sẻ, gây dư luận hoang mang trên địa bàn. Tiến hành xác minh, cơ quan Công an xác định bài viết của Tùng là sai sự thật. Đối tượng này tự thu thập thông tin từ các nguồn không chính xác và qua tin đồn thất thiệt… Căn cứ vào kết quả điều tra, Tùng đã bị xử phạt hành chính.
Mới đây nhất, là trường hợp của một học sinh ở quận Long Biên (Hà Nội). Nguyên nhân của sự việc này do đi học về muộn, sợ bị gia đình trách mắng, học sinh này đã "bịa" chuyện bị bắt cóc, sau đó người nhà vội vã thông tin lên mạng xã hội. Ngày 30-3. Công an quận Long Biên khẳng định, thông tin trên hoàn toàn không có cơ sở và đã phối hợp với nhà trường để có biện pháp kiểm điểm, giáo dục chung.
Từ những vụ việc được trích dẫn ở trên cho thấy ngoài sự thiếu hiểu biết pháp luật của công dân còn phải kể đến một phần nguyên nhân từ cộng đồng mạng. Khi tiếp nhận thông tin, một số trường hợp nhẹ dạ, cả tin, không thẩm định… nên vô tình tạo điều kiện để những nội dung này được khuyếch tán ngày càng rộng rãi.
Từ thực tế này đòi hỏi bên cạnh việc xử phạt nghiêm các đối tượng tung tin đồn thất thiệt để tăng tính răn đe, thì cũng cần đẩy mạnh tuyên truyền cho người dân hiểu biết về pháp luật, tăng tính cảnh giác trong việc sử dụng mạng Internet và Facebook. Người dùng khi đăng nhập vào các tài khoản mạng xã hội cần kiểm tra kỹ trên thanh địa chỉ để tránh truy nhập vào các địa chỉ giả dẫn đến bị mất tài khoản.
Mỗi người dân cần hiểu được rằng nếu đưa các thông tin thất thiệt có nội dung vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân thì hành vi tung hoang tin, bịa đặt bị nghiêm cấm theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều 6 Nghị định 97/2008/NĐ-CP.
Theo khoản 2, Điều 9, Nghị định 28/2009/NĐ-CP và điểm b, khoản 5, Điều 6, Nghị định 63/2007/NĐ-CP quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực công nghệ thông tin thì hành vi “cung cấp, trao đổi, truyền đưa hoặc lưu trữ, sử dụng thông tin số nhằm xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác” có thể bị phạt tiền từ 10-20 triệu đồng.
Mạng xã hội dần trở thành một công cụ thông tin không thể thiếu… Để hạn chế các thông tin bịa đặt, sai sự thật, giật gân, câu khách ảnh hưởng đến tình hình an ninh trật tự trên địa bàn, ngoài sự vào cuộc của các cơ quan chức năng, mỗi cư dân mạng hãy thận trọng trước những thông tin trên mạng xã hội. Trước khi "like", chia sẻ hay bình luận một vấn đề gì hãy cân nhắc kỹ lưỡng để không vô tình tiếp tay cho những kẻ xấu.
Nguồn: CAND