Trong lúc Công an Cần Thơ và Bạc Liêu đang điều tra làm rõ hành vi của hai đối tượng giả danh Công an để lừa đảo, thì tại huyện Lấp Vò và Lai Vung (đều thuộc tỉnh Đồng Tháp), các đối tượng giả danh Công an đã thực hiện trót lọt những vụ cướp tài sản của người đi đường.
Tại Tiền Giang, vào ngày 13/4, một lái xe dịch vụ nhưng trên xe được trang bị đèn chớp ưu tiên, kèm theo đó nhiều logo, trong đó có logo “Truyền hình Công an nhân dân ANTV – Bộ Công an”...
Theo lãnh đạo Phòng CSGT đường bộ Công an tỉnh Tiền Giang, vào khoảng 23h30 ngày 12-4, trực ban đơn vị nhận được tin báo của người dân về việc phương tiện ôtô 7 chỗ BKS 51F-293.47 đang chạy như “xe điên” trên QL 1A. Điều đáng chú ý là trên xe này có gắn đèn chớp ưu tiên và nhiều logo, trong đó có logo “Truyền hình Công an nhân dân ANTV - Bộ Công an”.
Nhận được tin báo, lực lượng làm nhiệm vụ đã khẩn trương chặn dừng chiếc xe để kiểm tra. Người điều khiển phương tiện trên đã xuất trình thẻ nhà báo mang tên Đỗ Nguyễn Phương Lâm. Thẻ nhà báo của anh ta thoạt nhìn rất giống thẻ nhà báo do Bộ Thông tin & Truyền thông cấp đầu năm 2016, lạ một điều là thẻ không có dấu, lại có thời hạn đến 10 năm, gấp đôi thời hạn thẻ của các nhà báo. Chưa hết, lực lượng Công an phát hiện trên xe còn có bảng đề “Báo chí”, bảng ghi “Bộ Công an - Công an TP Hồ Chí Minh”.
Lâm thừa nhận nghề nghiệp chính của mình là lái xe dịch vụ; số giấy tờ và logo trên do một người bạn làm giúp để tiện đi đường. Phòng CSGT đường bộ Công an Tiền Giang đã lập biên bản vi phạm với hành vi “Xe không được quyền ưu tiên mà sử dụng đèn tín hiệu ưu tiên”, đồng thời tịch thu các giấy tờ làm giả, phối hợp đơn vị chức năng xác minh làm rõ.
|
Một đối tượng giả danh Công an và tang vật, thẻ nhà báo giả. |
Trở lại với vụ giả danh Công an để lừa đảo tại Bạc Liêu, theo Thiếu tá Lý Minh Khương – Phó trưởng Phòng Cảnh sát hình sự, Công an tỉnh Bạc Liêu, cơ quan điều tra vừa ký quyết định khởi tố bị can, ra lệnh tạm giam đối với Lê Văn Thông (36 tuổi, ngụ ấp Đập Sậy, xã Tân An Luông, huyện Vũng Liêm, tỉnh Vĩnh Long) về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Để tìm “con mồi”, hằng ngày, Thông thường vào mạng Internet dò xem tin tức liên quan đến ANTT, nhất là các vụ án hình sự. Khi thấy có người sắp bị đưa ra xét xử, Thông tìm cách tiếp cận gia đình nạn nhân và tự xưng là Công an.
Vào cuối tháng 3 vừa qua, Thông mặc quân phục Công an, hàm cấp úy, tìm đến nhà bà Lê Thị Thiện (ở huyện Hồng Dân, Bạc Liêu) và tự giới thiệu mình tên Kiên, là cán bộ của nhà tạm giữ thuộc Công an huyện Vĩnh Lợi (Bạc Liêu). “Cán bộ Kiên” thông báo trong quá trình bị giam giữ, chồng bà Thiện (là ông Hồ Văn Mãnh) mắc bệnh phù thũng, đang được điều trị nên đề nghị gia đình sắp xếp đi thăm. Thông còn nói ông Mãnh sắp bị đưa ra xét xử, có thể lãnh án từ 15 - 17 năm tù, nhưng nếu gia đình muốn thì anh ta có thể “thu xếp” giảm bớt được từ 1 - 2 năm.
Chồng bị bắt giam vì liên quan đến một vụ trọng án nên khi nghe “cán bộ tốt bụng”, bà Thiện mừng lắm và mong được giúp đỡ. Mấy ngày sau, bà Thiện chạy vay được 5 triệu đồng rồi đến ngân hàng chuyển khoản vào tài khoản cá nhân của “cán bộ Kiên”. Chuyển xong, bà hào hứng gọi điện thì chẳng thể liên lạc được với “cán bộ”.
Biết mình đã gặp phải dân lừa đảo, bà Thiện làm đơn tố cáo vụ việc đến cơ quan điều tra. Thông sau đó đã bị Công an Bạc Liêu bắt khi đang lẩn trốn tại Cà Mau. Đến nay, Thông khai nhận đã lừa đảo trót lọt nhiều vụ ở một số tỉnh tại miền Tây Nam Bộ, trong đó có 3 vụ đã được cơ quan điều tra làm rõ.
Đối với đối tượng giả danh Công an đang bị điều tra tại Công an quận Ninh Kiều, một điều tra viên cho biết Nguyễn Trung Hiếu (32 tuổi, ngụ phường Hưng Lợi, quận Ninh Kiều) là đối tượng vô công, rỗi nghề, không nơi cư trú ổn định. Năm 2010, Hiếu quen với anh Lê Tuấn Khanh (ngụ phường An Khánh, quận Ninh Kiều) và tự giới thiệu mình là “Cảnh sát hình sự”.
Cuối tháng 1-2016, bạn của Khanh là Trần Cao Thanh Huy bị bắt quả tang về hành vi ghi bán số đề. Chợt nhớ đến ông bạn là “cảnh sát hình sự”, Khanh tìm gặp Hiếu và kể việc bạn mình bị bắt. Chưa đầy tuần sau, Hiếu báo cho Khanh biết người bắt Huy là “sếp” của mình và lộ ý muốn lo cho Huy tại ngoại với phí chỉ 4-5 triệu đồng. Tuy nhiên, khi đó anh Khanh không đề cập tới việc lo cho Huy tại ngoại.
Đầu tháng 3-2016, Hiếu gặp và bảo Khanh gọi cho vợ của Huy là chị Ngô Thoại Huỳnh Ngân để cả 3 bàn bạc về việc lo tại ngoại cho Huy. Tại đây, để lấy được lòng tin của chị Ngân, Hiếu đã đưa ra một số giấy tờ cùng với danh sách những người bị bắt cùng Huy, trong đó Hiếu đã lo được tại ngoại cho một người tên Thu... Đối tượng đã lừa, chiếm đoạt 18 triệu đồng của chị Ngân.
Trung tá Chung Văn Thọ - Trưởng Công an huyện Lấp Vò (Đồng Tháp) - cho biết, Công an huyện đang khẩn trương điều tra vụ giả danh công an để cướp tài sản người đi đường.
Theo trình báo của anh Nguyễn Hoài Nam (22 tuổi, ngụ xã Long Hưng B, huyện Lấp Vò), khoảng 2h ngày 6-4, khi anh đang đi xe máy trên Tỉnh lộ 852 (đoạn qua xã Long Hưng B) thì bị 4 người đàn ông đi trên 2 xe máy, cầm roi điện, chặn xe lại đòi kiểm tra giấy tờ. “Tưởng là anh em Công an huyện đi tuần tra nên tôi chấp hành, đưa giấy tờ. Chẳng ngờ, 4 người này khống chế cướp xe cùng ĐTDĐ của tôi” – anh Nam kể.
Trước đó, trong lúc đi xe máy từ nhà đến thị trấn Lai Vung, huyện Lai Vung (Đồng Tháp), ông Huỳnh Văn Nghé (56 tuổi, ngụ xã Tân Hòa, huyện Lai Vung) đã bị 2 đối tượng đi trên 1 xe máy cầm roi điện chặn lại, xưng là Công an huyện đòi kiểm tra giấy tờ xe.
Sau khi kiểm tra, hai người này nói ông Nghé không có giấy phép lái xe, vi phạm Luật |Giao thông nên phải tạm giữ xe, đưa về Công an huyện giải quyết. Sáng hôm sau, đến Công an huyện Lai Vung, ông Nghé mới biết mình đã gặp Công an rởm.