Cảnh giác
Cảnh giác với các màn 'diễn kịch' kiếm tiền trên phố
Khóc có tiền…
Cách nay không lâu, tại khu chợ Miễu, phường Thống Nhất (TP.Biên Hòa, Đồng Nai) bỗng xuất hiện một thanh niên câm điếc từ đâu đến đứng khóc tỉnh bơ. Qua điệu bộ diễn tả của người câm, có thể hiểu rằng anh ta đi bán vé số và vừa bị bọn cướp giật trấn lột sạch tiền. Cám cảnh người khuyết tật gặp chuyện không may, thế là kẻ ít người nhiều tự nguyện móc hầu bao ra giúp đỡ. Cảm động nhất là khi có người cho tờ giấy bạc 200 ngàn đồng thì tiếng khóc vốn dĩ đã tru tréo lại càng… thêm não nùng!
Một thanh niên đóng vai bệnh hoạn ngồi xin tiền bên vệ đường (Hà Nội) bị người dân... hỏi tội. Ảnh cắt từ clip |
Hai hôm sau, trên đường Phạm Văn Thuận (đoạn gần cầu Mương Sao) lại có một thanh niên "câm điếc" cũng đứng khóc ỉ ôi với tình huống y hệt. Trong lúc anh này đang "khổ đau" thì bất ngờ xuất hiện bà nội trợ hảo tâm (người đã "giúp vốn" cho anh ta hôm trước) tình cờ ghé xem và nhận diện "nạn nhân". Nghe những tiếng xì xầm chung quanh có phần bất lợi, "kịch sĩ" bèn nhanh chóng... hạ màn, mặt gã "câm" đanh lại lườm người đàn bà nọ một cái rõ cay rồi lủi thủi chuồn êm.
Còn một lần nọ, trong quán ăn trên đường Dương Tử Giang (phường Tân Tiến) có cậu bé bán vé số vẻ mặt hiền lành, cứ bám theo một bà khách sang trọng để mời mua cho bằng được. Đang đứng nài nỉ, thình lình cậu bé giật mình sờ soạng, vội móc hết các túi áo quần ra rồi lom khom cúi xuống gầm bàn tìm kiếm. Loay hoay một hồi thì sụt sùi rơi lệ, miệng mếu máo khóc kể đã lỡ đánh mất hết tiền. Tội nghiệp thằng bé, chắc hẳn sẽ không tránh khỏi cảnh đòn roi. Nhiều người nghĩ vậy, nên cậu bé liên tiếp nhận được sự trợ giúp chân tình từ những thực khách cầm lòng không đậu.
Vài hôm sau, tại một quán ăn trên đường Võ Thị Sáu, chúng tôi được một em nhỏ mời mua vé số. Vừa tiếp xúc được đôi câu, cậu bé... bỗng giật mình sờ vào các túi, mắt ngờ ngạc nhìn xuống tìm quẩn quanh với dáng vẻ hoảng hốt. Tôi chủ động cười, hỏi: "Lại bị rơi mất hết tiền rồi phải không?". Cậu bé chợt khựng lại, tròn xoe mắt ngạc nhiên, ậm ừ gãi đầu rồi lấm lét bỏ đi. Thoắt cái, khi ra đến hè phố "kịch sĩ" liền thoát vai "khổ nạn", vô tư nhảy chân sáo, miệng líu lo như… chim đậu đầu cành.
... và chửi cũng có tiền
Trời đã gần trưa, nhưng đoạn đường từ chợ Tân Mai về hướng Tam Hiệp vẫn đông đúc người, xe qua lại. Trên vỉa hè có đôi nam nữ tuổi khoảng 40, dáng khổ sở đang lầm lũi lê từng bước chân khó nhọc. Cứ hễ ráng đi được chừng mươi bước là người đàn bà xịu mặt nhăn nhó, yếu ớt ngồi xổm xuống rên rỉ giữa trời nắng chang chang. Người đàn ông thì khuôn mặt thiểu não, chậm chạp lấy tấm mền “con công” trùm lên che nắng cho bạn đồng hành.
Anh xe ôm N.V.M đang đậu xe đón khách gần đó, khi thấy họ đi ngang qua liền đon đả chào mời. Như chỉ chờ có vậy, người đàn ông tức khắc thay đổi thái độ hung tợn hẳn lên. Ông ta trừng mắt huơ nắm đấm, quát tháo: "Lũ xe ôm tụi bây là quân bất lương, là đồ lừa đảo, vợ tao bệnh sắp chết mà cũng không tha. Tao hận xe ôm suốt đời..."
Sửng sốt trước tình huống bất ngờ, anh M. chỉ biết đứng ngớ người, chẳng hiểu chuyện gì xảy ra; tiếng chửi rủa thì cứ oang oang độc địa. Chẳng mấy chốc, người đi đường thấy cảnh tượng ồn ào nên dừng bước tụ tập đứng xem. Người đàn bà lúc này đã ngồi bệt xuống đất, trùm khăn kín đầu thở hơi dồn gấp rút.
Anh M. vội vã "thanh minh", kể tóm lược sự việc đã được nghe... chửi với mọi người chung quanh: "Ông này nhà nghèo, vợ bệnh nặng, đón xe ôm đưa đi nhà thương nhưng ông xe ôm nào đó đã lừa lấy hết tiền rồi bỏ rơi hai vợ chồng lại giữa đường...". Trước cảnh khốn quẫn như vậy nên nhiều người đã rũ lòng thương, không ngần ngại cho tiền để nhanh chóng đưa bệnh nhân đi cấp cứu.
Nhưng có hiện tượng lạ là, sau khi đã nhận được nhiều tiền rồi mà "ông chồng" vẫn cứ... miệt mài đứng chửi "lũ xe ôm", chứ chẳng hề quan tâm gì đến chuyện đưa "vợ" đi chữa bệnh. Mãi đến khi người xem thưa dần thì cũng là lúc đôi vợ chồng gặp nạn tự dìu nhau lững thững tiếp tục cuộc hành trình...
Khoảng một tháng sau, trong cuốc xe ôm chở khách đi TP.HCM, anh N.V.M chợt giật mình khi gặp lại đôi vợ chồng "bệnh nặng” lần trước cũng đang… trùm mền “con công”, ra sức chửi “lũ xe ôm” ì xèo tại khu vực cầu vượt An Sương...
Trên đây chỉ mới là số ít trường hợp “khốn khó” thiếu chân thật bị bại lộ. Có thể vẫn còn nhiều "tuồng tích" khác chưa được nhận diện. Và, nếu cứ để kẻ xấu dùng đủ các mánh khóe lừa gạt người hảo tâm, về lâu dài e rằng hậu quả bất hạnh tất yếu xảy đến với những cảnh đời gặp khó khăn thật sự. Bởi, khi lòng tốt bị tổn thương thì ranh giới giữa sự thật và lừa đảo trong nhận định cứu giúp sẽ rất mong manh!
Nguồn: Báo CATP HCM