Cảnh giác

Cảnh giác: Mua hàng 'xịn', gặp hàng Tàu

07:38, 15/12/2015 (GMT+7)

TIN LIÊN QUAN
Ai cũng biết, hàng điện tử tiêu dùng, đồ gia dụng và rất nhiều hàng hoá khác trên thị trường chủ yếu là hàng "made in China". Tuy nhiên, điều ít người để ý là trong số sản phẩm ấy có nhiều thứ được gắn mác Hàn Quốc, Nhật Bản, châu Âu hoặc lập lờ về xuất xứ, đánh lừa người tiêu dùng.

Thị trường đồ gia dụng nhan nhản những thương hiệu ghi "công nghệ Hàn Quốc", "công nghệ Nhật Bản", "công nghệ Đức", "công nghệ Ý", "tiêu chuẩn châu Âu"..., nhưng đều là hàng Trung Quốc, tên thương hiệu thì cố ý lấy những cái tên "na ná" dễ gây nhầm lẫn. Nhiều sản phẩm khác thì mang thương hiệu Việt Nam nhưng thực chất là hàng Trung Quốc dán mác Việt. Cái gọi là "tiêu chuẩn Nhật Bản", "công nghệ Đức"… chẳng ai kiểm chứng được.

Việc Trung Quốc là công xưởng của thế giới nên hàng hoá chủ yếu được sản xuất tại Trung Quốc cũng không có gì là lạ, cũng rất nhiều mặt hàng ghi rõ xuất xứ Trung Quốc để người dùng lựa chọn. Nhưng điều đáng nói là hiện tượng nhái thương hiệu, giả xuất xứ, "lập lờ đánh lận con đen" để người tiêu dùng nhầm lẫn đang tràn lan.

Chỉ một vòng dạo qua các web bán hàng online và website của một số siêu thị điện máy, tôi có thể chỉ ra sự bất nhất đến khó hiểu của việc ghi xuất xứ hàng hoá của nhiều sản phẩm khác nhau và từ đó đặt ra nghi ngờ về chất lượng sản phẩm.

Chẳng hạn, tôi chọn ngẫu nhiên sản phẩm Máy nướng bánh Tiross TS9653 được Pico, Trần Anh và một số siêu thị điện máy ghi là "xuất xứ Thổ Nhĩ Kỳ", nhưng cũng chiếc máy đó một số trang bán hàng online lại ghi "xuất xứ Đức". Đặc biệt, trên trang Lazada, trong cùng một trang ghi thông tin sản phẩm, phần trên ghi Tiêu chuẩn châu Âu (Made in Turkey) nhưng ngay bên dưới lại ghi Sản xuất tại Trung Quốc. Còn nếu bạn gõ vào Google tên của máy và kèm theo từ khoá "Trung Quốc" hoặc "châu Âu", bạn sẽ thấy nhiều đường link nói rằng sản phẩm này có "tiêu chuẩn châu Âu, sản xuất tại Trung Quốc". 

Pico và một số siêu thị điện máy ghi xuất xứ "Thổ Nhĩ Kỳ"

Một số trang bán hàng online lại ghi xuất xứ "Đức"

Thông tin ở trên "Made in Turkey" nhưng bên dưới lại ghi "Sản xuất tại Trung Quốc"

Tuy nhiên, trên một deal mua sắm của trang nhommua.com, sản phẩm này còn có một nguồn gốc khác: sản phẩm thương hiệu Ba Lan sản xuất tại Trung Quốc". Theo thông tin trên trang này thì sản phẩm được nhập khẩu bởi Công ty TNHH T.I.R.O.S.S, một công ty được thành lập tháng 3 năm 2008 chuyên kinh doanh đồ gia dụng nhập khẩu dưới thương hiệu TIROSS.

Đến đây, liệu bạn có thể xác định được đâu là nguồn gốc thật sự của chiếc máy nướng Tiross TS9653?

Kiểm tra theo cách tương tự với sản phẩm Vỉ nướng Severin PG2790 thì thấy sản phẩm này có ghi xuất xứ Đức tại nhiều siêu thị điện máy. Tuy nhiên, nhiều trang bán hàng online khác lại ghi "Xuất xứ Trung Quốc" hoặc "Sản xuất tại Trung Quốc". Trên trang nhommua.com, sản phẩm này được ghi "thương hiệu Đức, sản xuất tại châu Âu".

Trên Pico.vn, Severin PG2790 có xuất xứ Đức

Nhiều trang bán hàng online khác lại ghi xuất xứ Trung Quốc

Trên thực tế, Severin đúng là một thương hiệu đồ gia dụng của Đức với các sản phẩm giá bình dân. Theo công bố trên website của Severin thì nhà sản xuất này đã mở nhà máy tại Trung Quốc từ năm 1995. Như vậy, nếu các sản phẩm Severin trên thị trường được sản xuất tại Trung Quốc thì chất lượng của chúng vẫn được đảm bảo, nhưng nếu nói đó là sản phẩm "xuất xứ Đức" thì là sự mập mờ thông tin khiến người tiêu dùng lầm tưởng sản phẩm được "sản xuất tại Đức" hoặc "nhập khẩu từ Đức"  - những khái niệm khác nhau mà người dùng thường không để ý.

Đây là tình trạng phổ biến đối với các thương hiệu đồ gia dụng nổi tiếng như Tefal, Philips, Electrolux, Panasonic, Sharp, Samsung... Bạn đọc nếu muốn kiểm chứng hãy thử tìm kiếm thông tin qua Google sẽ thấy tình trạng mà tôi đề cập ở trên rất phổ biến, xảy ra với hầu hết các thương hiệu lớn. Trong tình trạng hàng giả, hàng nhái tràn lan hiện nay, người tiêu dùng nên tìm hiểu kỹ sản phẩm trước khi mua hàng, tránh tình trạng mua hàng Trung Quốc lại tưởng hàng châu Âu, Nhật Bản.

TH

Các tin khác