Cảnh giác
Những kịch bản đoạt xe máy khó ngờ
Nghỉ hưu, ông Nguyễn Văn Lanh (SN 1940, ngụ quận 6) lấy việc chăm sóc vườn cây kiểng làm thú vui qua ngày. Vì vậy, ngoài việc mua sách báo tự nghiên cứu, đến các câu lạc bộ học hỏi, ông còn thường xuyên chuyện trò với những người có cùng niềm đam mê để đúc kết thêm kinh nghiệm.
Sáng 22-6-2015, sau khi đưa cháu nội đến trường trở về, ông Lanh dựng chiếc Air Blade trong cổng rồi bước đến tỉa tót cây. Đang chăm chút cho từng “đứa con” tinh thần, ông Lanh phát hiện phía trước cổng có một thanh niên đang lấp ló, mắt chăm chú nhìn vào vườn nhà. Thấy ông Lanh bước ra, khách dắt xe lùi xa cổng nhà khoảng vài mét rồi dừng lại.
Vừa thấy chủ nhà, anh ta hớn hở bắt chuyện: “Hàng cau cảnh của bác ra hoa đẹp quá. Vườn nhà em cũng có mấy cây trồng gần cả chục năm nay rồi mà chưa bao giờ thấy nở hoa. Bác có bí quyết nào chăm sóc cây, chỉ cho em với”. Gặp người cùng niềm đam mê, ông Lanh hào hứng mở lòng với khách mới quen.
Phần lớn những người bị lừa đều cả tin, mất cảnh giác |
Sau vài phút chuyện trò, khi khách lên xe máy chào tạm biệt, ông Lanh mới bước vào vườn nhà. Thấy khoảng không gần cổng trông trống, ông chợt nhớ ra chiếc Air Blade vừa dựng ở đây đã “mọc cánh” bay đi. Hệ thống lại sự việc, ông biết mình đã sập bẫy “điệu hổ ly sơn” của phường trộm cắp đóng giả người đam mê cây cảnh.
Việc mất chiếc xe SH của ông Trần Đông lại nằm trong kịch bản khác. Niềm đam mê chính của ông Đông là chơi tennis, nên mỗi tuần ông đều dành ngày thứ bảy, chủ nhật cho việc ra sân luyện tập sức khỏe và gặp gỡ bạn bè. Buổi chiều đầu tháng 6-2015, sau khi đi tập về, ông dựng chiếc SH ngoài đường rồi bấm chuông, khi thấy người giúp việc ra mở cổng, ông xách túi vợt bước vô, đi thẳng lên phòng tắm.
Trước thói quen của ông chủ, chị giúp việc bước tới định đẩy xe vào nhà thì có hai người đàn ông trung niên mặc đồ thể thao, đeo túi vợt bên hông, đi xe tay ga cũng dừng lại trước cổng. Nhìn bề ngoài của họ, chị giúp việc đoán ngay họ cũng là dân chơi thể thao. Người đàn ông cầm tay lái hất hàm bảo người phía sau: “Ảnh vô nhà rồi, lấy xe mà đi”. Dứt lời, ông ta quay sang nói với chị giúp việc: “Chúng tôi chơi cùng nhóm, anh ấy đã hứa cho bạn tôi đây mượn xe đi công việc, lát ghé lại trả sau”.
Tắm rửa xong, ông Đông bước xuống nhà xe định lấy chiếc SH đi công chuyện nhưng không thấy đâu, nên lên tiếng hỏi người thân. Ngạc nhiên, chị giúp việc hỏi ngược lại: “Thế sao họ nói ông chủ đã đồng ý cho mượn xe rồi?”. Không hiểu chị ta nói gì, ông Lanh hỏi cặn kẽ thì được thuật lại toàn bộ nội dung sự việc. Nghe chưa hết câu chuyện, ông Đông thốt lên: “Chị đã bị bọn chúng lừa rồi! Tôi đâu có hứa cho ai mượn xe bao giờ”.
Muốn ghi danh cho đứa con gái năm tuổi theo học Anh văn tại một trung tâm sinh ngữ, nhưng chị Nguyễn Hoàng D. (SN 1978, ngụ Q.Tân Bình) lại lười vào bãi gửi chiếc Lead. Đoán việc đăng ký sẽ được giải quyết trong thời gian ngắn nên chị dựng xe bên đường, bảo cậu con trai chín tuổi đứng trông và chờ mẹ.
Chị D. vừa bước vào trong một lát thì một thanh niên đến chỗ thằng bé lên tiếng: “Mẹ nhờ chú đưa xe vào bãi gửi cho yên tâm, vì phải đợi lâu. Con đứng đây chờ, gửi xe xong chú sẽ đưa con vào với mẹ”. Tưởng thật, thằng bé để người thanh niên dắt xe đi.
Xong việc, chị D. quay ra thấy con vẫn đứng yên chỗ cũ nhưng chiếc Lead không còn. Chị D. hỏi, được con trai thuật lại sự việc mới vỡ có kẻ lợi dụng sự ngây thơ, cả tin của con trẻ để lừa đảo.
Các băng, nhóm tội phạm luôn nghĩ ra nhiều kịch bản, vai diễn khác nhau để lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Trong đó, xe máy là loại phương tiện có giá trị, dễ tiêu thụ nên thường bị trộm cắp, lừa lọc nhiều nhất. Đề nghị người dân cần nâng cao cảnh giác.
Nguồn: Báo CATPHCM