Cùng từ miền Trung vào Đồng Nai lập nghiệp nên giữa gia đình bà Phan Thu Minh (SN 1960) và Nguyễn Hoàng (SN 1972) có mối thâm tình hàng xóm khá đặc biệt. Vài năm trước, ba của Hoàng còn nhận con gái bà Minh làm cháu nuôi nên hai họ trở thành người một nhà, khắng khít, tắt lửa tối đèn có nhau.
Những năm gần đây, khi kinh tế gia đình bà Minh khấm khá dần lên thì ngược lại gia đình Hoàng lại sa sút trông thấy. Khi con bà Minh là Trần Phương Thu xuất ngoại sang Australia du học, liên tục gửi quà về biếu mẹ cũng là thời điểm Hoàng sa đà vào cờ bạc, nên nợ nần chồng chất.
Năm hết Tết đến, nhà nhà lo sửa sang, chuẩn bị quây quần đoàn tụ bên nhau thì nhà Hoàng luôn ồn ào bởi tiếng la hét, chửi mắng của chủ nợ. Họ hăm dọa, dùng áp lực bắt Hoàng trả nợ bằng mọi cách, nếu không sẽ... xử đẹp.
Ở gần nhà nên bà Minh chứng kiến hầu hết các vụ hỗn chiến, đấu võ miệng, ăn vạ đòi nợ. Bởi vậy, khi Hoàng hỏi mượn 100 triệu đồng để có tiền thanh toán nợ nần, nhằm có một cái Tết yên ấm, bà Minh không nỡ từ chối. Vì là chỗ thân tình, lấy chữ tín làm gốc nên chủ nợ không cần con nợ phải viết giấy vay. Có tiền trả nợ nên Hoàng không bị các chủ nợ quấy rầy, thành ra cả gia đình được đón một mùa xuân yên lành.
Đầu năm, Hoàng tìm gặp bà Minh cho biết đang có kế hoạch làm ăn rất khả quan nên muốn mượn vốn để mở mang đầu tư, cải thiện cuộc sống và hỏi mượn thêm 200 triệu đồng, nhưng bà Minh từ chối.
Biết cháu nuôi làm việc ở nước ngoài có thu nhập khá, Hoàng điện thoại vẽ ra phương án làm ăn rất tiềm năng rồi năn nỉ hỏi vay tiền. Muốn tạo điều kiện cho chú nuôi thay đổi cuộc sống, Thu đồng ý giúp đỡ bằng cách điện thoại về nước nhờ mẹ xuất ngoại kết hợp thăm con gái và mang tiền về cho Hoàng.
Hết quý một năm 2013, Hoàng gặp bà Minh đề xuất: “Tôi đang cần thêm tiền để làm ăn nên muốn bán nhà đất lấy vốn. Chỗ tình nghĩa nên ưu tiên để chị mua mà cấn trừ nợ”.
Thấy không cần thiết phải mua thêm nhà đất, bà Minh từ chối, bảo Hoàng nếu tìm được mối mua nhà thì cứ bán rồi trả tiền nợ cho bà cũng được. Thuyết phục người cùng quê không được, Hoàng điện thoại sang nước bạn khẩn thiết vận động cháu nuôi mua giúp. Vì lẽ trên, Thu đã về nước làm thủ tục chuyển nhượng đất đai.
Do trước đó Hoàng cầm giấy tờ nhà đất vay ngân hàng 200 triệu đồng, nên mẹ con bà Minh phải thay chủ nhà trả nợ cho nhà nước mới lấy được giấy tờ nhà đất về cho Hoàng.
Sau khi cân đối các khoản nợ, Hoàng bảo mẹ con bà Minh chỉ cần trả thêm 100 triệu đồng nữa là đủ. Bên bán đã nhận tiền, bên mua đã giao đủ thì họ cùng nhau đến ủy ban nhân dân xã làm giấy tờ sang nhượng nhà đất. Để tránh phải đóng thuế cao, hai bên thống nhất giá bán trên giấy tờ chỉ ghi 400 triệu đồng.
Do Hoàng chưa tìm được chỗ ở nên ngỏ lời xin mẹ con cháu nuôi cho ở lại trong nhà, chờ đến lúc mua được nhà mới sẽ di dời. Nghĩ chỗ thân tình nên mẹ con bà Minh đồng ý, không kèm bất kỳ điều kiện nào. Nửa năm trôi qua nhưng không thấy người ở nhờ có ý định trả nhà, bà Minh ngỏ lời đòi thì Hoàng nói ngược: “Chị giao thêm 200 triệu đồng nữa, tôi sẽ dọn đi ngay”.
Tưởng đó chỉ là lời nói đùa, nào ngờ Hoàng chây ì không giao nhà thật. Bức xúc, bà Minh và con gái đòi nhà gắt gao thì Hoàng kiện ra tòa cho rằng mẹ con bà Minh mua nhà giá 400 triệu đồng, nhưng mới chỉ giao 200 triệu. Bằng chứng Hoàng trưng ra là giấy trả nợ khoản vay ngân hàng, còn toàn bộ số tiền mượn không giấy tờ bị lấp liếm chiếm đoạt.
Vụ tranh chấp dân sự được đưa ra xét xử. Do mẹ con bà Minh không trình được các bằng chứng về việc cho mượn tiền nên bị thua kiện, buộc phải giao thêm 200 triệu đồng hoặc nhận lại khoản tiền mua nhà đã đưa (có bằng chứng) là 200 triệu đồng. Mẹ con bà Minh nhận ra sự cả tin phải trả giá đắt, nhưng tất cả đã muộn màng.