An ninh trật tự
'Sóng ngầm' đa cấp thời 4.0 (Kỳ 1)
09:25, 23/11/2020 (GMT+7)
(Congannghean.vn)-Lợi dụng sự khó khăn về mặt kinh tế trong đại dịch COVID-19 và bão lũ liên tiếp đổ bộ vào các tỉnh miền Trung, nhiều cá nhân, tổ chức đã đứng ra lôi kéo, dụ dỗ người quen tham gia vào các tổ chức, hội nhóm để huy động vốn trái phép, theo hình thức đa cấp. Hoạt động này bất hợp pháp, dù đã được cơ quan chức năng liên tục cảnh báo, nhưng không ít người vẫn bất chấp, tham gia để rồi phải nếm trái đắng.
Kỳ 1: “Ma trận” huy động vốn đa cấp trên nền tảng thương mại điện tử
“Lion Group Thanh Chương” tặng quà để tạo lòng tin, lôi kéo người khác tham gia |
Dưới hình thức mời gọi, đưa ra cơ hội đầu tư tiền điện tử thông qua sàn giao dịch thương mại điện tử, mạng xã hội phân quyền, mô hình tiếp thị liên kết…, một số mô hình đa cấp núp bóng “kinh doanh hệ thống”, “kinh doanh 4.0” xuất hiện đã và đang bủa vây nhiều người dân xứ Nghệ, trong đó có cả tầng lớp tri thức là giáo viên.
“Bão” Lion Group bủa vây giáo viên
Dịp 20/11, về lại Trường THPT Tân Kỳ 3, một trường học đóng ở địa bàn miền núi, vùng sâu, vùng xa của huyện Tân Kỳ. Trong câu chuyện ngày gặp lại, xen giữa niềm vui, bỗng dưng thầy Phó hiệu trưởng nhà trường hạ giọng, rằng: “Em làm báo, có cách gì để ngăn chặn, cảnh báo một số giáo viên tham gia vào cái gọi là Lion Group - một hội nhóm được lập trên mạng xã hội - để lôi kéo, dụ dỗ giáo viên tham gia, huy động vốn bất hợp pháp hay không”? Theo lời kể của thầy, tại trường có ít nhất 4 giáo viên đã tham gia vào hội, nhóm này, nộp tiền để hưởng tiền lãi hàng tháng. Điều khiến cho những người đứng đầu trường học hết sức lo lắng là những người này không chỉ tham gia mà còn lôi kéo đồng nghiệp bằng những khoản thu nhập hết sức hấp dẫn, nhiều hơn cả tiền lương của công chức, giáo viên hằng tháng khiến không ít người dao động.
Theo tìm hiểu của phóng viên, Lion Group là một sàn trao đổi ngoại hối hoạt động theo hình thức đa cấp biến tướng. Cách thức hoạt động của Lion là nhà đầu tư tạo ra tài khoản để nạp và rút tiền, sau đó tạo thêm tài khoản để trade (giao dịch) trên thị trường trao đổi ngoại hối và gửi tiền cho ban chuyên gia tối thiểu 1.000 USD. Ban chuyên gia sẽ giao dịch giúp từ 0,8 - 1%/ngày và với lời hứa đều đặn mỗi tháng sẽ kiếm lời khoảng 22%. Những người giới thiệu người khác tham gia mở tài khoản trên sẽ nhận được phí hoa hồng giao dịch dựa trên số tài sản và khối lượng giao dịch của khách hàng, con số này càng cao thì hoa hồng càng lớn. Trên địa bàn huyện Tân Kỳ, đã có rất nhiều giáo viên, người dân và thậm chí cán bộ công chức tham gia. Trên facebook có tên “Lion Community 37” được cho là của hội những người Nghệ An tham gia hội nhóm này, với hơn 1.000 thành viên, thường xuyên đăng tải các hoạt động liên quan đến hoạt động của “Team Lion 37”.
Tại một địa bàn miền núi khác là huyện Thanh Chương, hoạt động của Lion Group cũng đang diễn ra hết sức sôi động. Tại huyện này, Lion Group do một nhân viên đang làm việc tại Trường Tiểu học xã Thanh Thủy làm trưởng nhóm. Trên facebook cá nhân, người này thường xuyên đăng tải những thông tin quảng cáo cho “tập đoàn” này. Ngoài ra, người này cũng thường xuyên nhắn tin cho các đồng nghiệp để rủ rê, lôi kéo. Cô Nguyễn Thị H., Hiệu trưởng của một trường THCS trên địa bàn huyện này than thở: Bản thân cô cảm thấy rất phiền lòng vì hằng ngày bị đồng nghiệp nhắn tin, gọi điện rủ rê tham gia vào hội, nhóm này để đầu tư có lãi. “Trong trường đã có một số giáo viên bỏ tiền ra để tham gia vào đầu tư tài chính mang tên Lion Group. Họ tin tưởng vào lời hứa của các trưởng nhóm là chỉ cần bỏ số tiền thật ban đầu 24 triệu đồng, mỗi tháng sẽ thu về 5 triệu tiền lãi đều đặn trong vòng nhiều tháng sau đó. Số tiền đóng càng nhiều, lãi suất càng lớn. Đến nay, chỉ tính riêng trên địa bàn huyện Thanh Chương, đã có hơn 100 giáo viên tham gia đầu tư vào sàn giao dịch tài chính này”, vị Hiệu trưởng này cho biết.
Để tạo lòng tin, Lion Group huyện Thanh Chương còn liên hệ lãnh đạo một xã trên địa bàn, tổ chức trao quà cho một vài hộ khó khăn với cái mác “tập đoàn Lion Thanh Chương”, để chụp ảnh lãnh đạo địa phương, đăng lên mạng xã hội. Thậm chí, trong danh sách những người tham gia đa cấp huy động vốn của Lion Group, còn có cả hiệu phó của một trường tiểu học. Điều đáng nói, vấn đề này không mới, bài học nhãn tiền ngay trên vùng đất được coi là hiếu học nhất nhì xứ Nghệ vẫn còn nguyên giá trị. Theo đó, trước đây không lâu, đã không ít người mất tiền vì tham gia vào các loại hình đa cấp huy động vốn tương tự. Mới đây nhất, khi lãnh đạo tập đoàn huy động vốn đa cấp trái phép có tên là tập đoàn thời gian vàng (Gold Time) bị Bộ Công an bắt giữ, hàng loạt giáo viên ở huyện Thanh Chương đã mất trắng tiền, trong đó có giáo viên ở một Trường THCS mất đến 600 triệu đồng. Nhưng không hiểu sao đến nay vẫn có nhiều người tham gia Lion Group.
Cảnh giác với hình thức huy động vốn trá hình
Cũng không riêng gì ở hai huyện nói trên, Lion Group hiện nay đang âm thầm, len lỏi tại nhiều địa phương trong tỉnh Nghệ An, trong đó tấn công mạnh vào đối tượng là giáo viên, cán bộ công chức. Trên các trang mạng xã hội, những đối tượng tham gia vào group này liên tục đăng tải các hoạt động tài chính để lôi kéo người khác tham gia, thậm chí nhiều hoạt động như sinh nhật con của thành viên, thăm hỏi thân nhân đau ốm, tai nạn; thậm chí hỗ trợ tài chính để xây nhà, mua xe. Trên trang “Lion Group 37”, nhóm này giới thiệu chỉ trong vòng 1 năm đã có hơn 200 thành viên mua được xe ôtô, song khi tìm hiểu thực tế thì được biết, phần lớn số xế hộp này đều được mua dưới hình thức trả góp hàng tháng. Mặc dù vậy, với kiểu giới thiệu mập mờ như vậy, đã khiến không ít người cả tin, sập bẫy, không chỉ góp tiền tham gia mà còn tìm đủ mọi cách lôi kéo người khác để được hưởng hoa hồng. Được biết, hiện nay trên địa bàn Nghệ An, Lion Group chỉ là một trong những hội, nhóm đang hoạt động có dấu hiệu huy động vốn trái quy định, thậm chí có dấu hiệu lừa đảo.
Cách thức tương tự, có rất nhiều hình thức, dưới các tên gọi khác nhau đang tạo nên những đợt “sóng ngầm” tài chính, đánh vào mọi tầng lớp xã hội, tiềm ẩn những nguy cơ bất ổn về an ninh, trật tự. Trong đó, có thể kể đến mạng xã hội phân quyền Vitae. Về bản chất, mạng này được thành lập tại Thụy Sĩ bởi Michael Weber cùng các cộng sự, ra mắt vào ngày 26/12/2018 và hoạt động trên toàn cầu. Tại Việt Nam, mà cụ thể là ở Nghệ An, nhóm người đứng ra kêu gọi người tham gia cho rằng, đã được phân quyền, chỉ cần bỏ ra 200 USD (tiền thật) để tham gia, người chơi sẽ được Vitae trả tiền hàng tháng lên đến 90%. “Có 2 cách để người dùng lấp đầy hệ thống ma trận thu nhập của mình. Cách thứ nhất đó chính là mời thêm người tham gia. Cách thứ hai là mua các vị trí trống trong hệ thống”, một thành viên của Vitae Nghệ An chia sẻ.
Tuy nhiên, qua tìm hiểu được biết, thực chất của mạng xã hội này là hoạt động theo mô hình Ponzi, lấy tiền của người sau trả tiền cho người trước, một phương thức lừa đảo đa cấp đang rất phổ biến. Do đưa ra mức lợi nhuận khủng nên mạng xã hội này đã thu hút rất nhiều thành viên đăng ký tham gia. Ngoài ra, tại nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh, hiện nay cũng đã xuất hiện một số hình thức huy động vốn theo kiểu “lấy mỡ nó rán nó”, hoặc lấy tiền của người trước trả cho người sau, như MyAladdinzs, đồng Token CNC của Binech.com… cũng đã len lỏi, lén lút hoạt động, tạo nên những đợt “sóng ngầm” trên nền tảng thương mại điện tử. Trong đó, thiệt thòi vẫn thuộc về những người tham gia, khi bỏ tiền thật ra để mang về những đồng tiền ảo, lợi nhuận thấp nhưng rủi ro thì nhiều.
(Còn nữa)
THIỆN THÀNH