An ninh trật tự

Báo động gia tăng tình trạng xâm hại tình dục trẻ em

08:00, 22/10/2019 (GMT+7)
TIN LIÊN QUAN
(Congannghean.vn)-Theo số liệu thống kê của các cơ quan chức năng, trong 5 năm (2015 - 2019), trên địa bàn Nghệ An đã xảy ra 114 vụ xâm hại trẻ em, trong đó có 82 trẻ em bị xâm hại tình dục, 6 trẻ em bị bạo lực và 26 trẻ em bị mua bán trái pháp luật. Có thể thấy, tình hình xâm hại trẻ em trên địa bàn tỉnh ngày càng diễn biến phức tạp, đặc biệt là xâm hại tình dục trẻ em xảy ra khá nhiều, gây bức xúc trong dư luận.
Trẻ bị xâm hại về tình dục sẽ để lại cú sốc tinh thần  rất lớn mãi về sau
Trẻ bị xâm hại về tình dục sẽ để lại cú sốc tinh thần rất lớn mãi về sau
Trong những năm qua, mặc dù các cấp, ngành, địa phương đặc biệt quan tâm đến công tác bảo vệ chăm sóc, giáo dục trẻ em, nhất là việc phòng, chống xâm hại trẻ em, xử lý các vụ việc xảy ra trên địa bàn. Bên cạnh đó, ngành Công an cũng đã có sự phối hợp chặt chẽ điều tra, làm rõ để truy tố và đưa ra xét xử kịp thời một số vụ án xâm hại trẻ em, nhằm giáo dục, răn đe các mầm mống phạm tội khác. Tuy nhiên, nhìn chung tình hình xâm hại trẻ em trên địa bàn tỉnh hiện vẫn còn nhiều diễn biến phức tạp, đáng báo động. Cụ thể, trong giai đoạn 2015 - 2019, trên địa bàn tỉnh có 114 trẻ em bị xâm hại, trong đó có 108 trẻ em nữ và 6 trẻ em nam; số trẻ em bị xâm hại tình dục là 82 em, bị bạo lực là 6 em và 26 em bị mua bán trái pháp luật.
 
Nguyên nhân của tình trạng trên là do nhận thức về công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em nói chung và công tác phòng, chống bạo lực, xâm hại, mua bán trẻ em nói riêng của bộ phận người dân chưa đầy đủ, sâu sát; một số gia đình còn thiếu kiến thức, kỹ năng về bảo vệ trẻ em, hiểu biết về luật pháp, phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em còn nhiều hạn chế…
Qua một số vụ việc xâm hại trẻ em do cơ quan Công an điều tra, làm rõ cho thấy, tính chất, mức độ các vụ xâm hại trẻ em ngày càng nguy hiểm, có những trường hợp trẻ em bị xâm hại tuổi còn quá nhỏ gây ra hậu quả nặng nề cho trẻ em, gia đình và xã hội.
 
Phương thức gây án của các vụ việc trên cũng rất đa dạng, nhưng chủ yếu là các đối tượng lợi dụng mối quan hệ với trẻ hoặc người thân của nạn nhân để tìm cách tiếp cận và thực hiện hành vi xâm hại, trong đó có các vụ xâm hại tình dục và mua bán trẻ em. Phương thức của các đối tượng này là khi đã tiếp cận được, sẽ dùng mọi thủ đoạn lợi dụng sự tin tưởng hay sức ảnh hưởng của mình hoặc dụ dỗ trẻ (cho tiền, cho sử dụng điện thoại, rủ đi chơi, cho đồ ăn…), đe dọa trẻ để thực hiện hành vi xâm hại. Các vụ việc xâm hại trẻ em xảy ra tại các địa bàn trên toàn tỉnh, nhưng trong đó, xảy ra nhiều ở các địa bàn nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa (73 vụ/114 vụ, chiếm khoảng 64%) nơi có trình độ dân trí thấp, cha mẹ của các nạn nhân chủ quan ít để ý đến con em mình.
 
Đáng chú ý, trong những năm gần đây, tại các vùng miền núi, đồng bào dân tộc thiểu số còn xuất hiện loại hình phạm tội mới. Đó là, các đối tượng tìm đến các gia đình có phụ nữ đang có thai sắp sinh, dụ dỗ, đưa sang Trung Quốc sinh con rồi bán con lại cho người Trung Quốc (với mỗi trường hợp như vậy được nhận từ 80 đến 140 triệu đồng). Qua rà soát trên địa bàn huyện Kỳ Sơn, đến tháng 10/2018 lực lượng Công an đã xác minh làm rõ 6 trường hợp khai nhận sau khi sinh con đã bán bên Trung Quốc… Bên cạnh đó, bạo lực học đường vẫn còn diễn ra ở một số nơi. Một số vụ có tính chất nguy hiểm, gây thương tích, có vụ học sinh nữ đánh nhau, làm nhục bạn rồi quay clip tung lên mạng để lại dư luận không tốt trong xã hội. Có thể nói tác hại của việc xâm hại trẻ em là rất nghiêm trọng, nhất là hành vi xâm hại tình dục trẻ em đã để lại hậu quả, gây tổn thương cho trẻ ở các mức độ khác nhau, gây hậu quả nặng nề với bản thân người bị hại và ảnh hưởng đến cả gia đình, xã hội.
 
Nắm bắt tình hình trên, trong những năm qua, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Nghệ An đã quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo ban hành nhiều văn bản về lĩnh vực công tác trẻ em nói chung, phòng, chống xâm hại trẻ em nói riêng. Đồng thời, đã lồng ghép các mục tiêu chung về trẻ em vào nghị quyết, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hàng năm của tỉnh. Từ đó, các sở, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh đã căn cứ chức năng nhiệm vụ của mình xây dựng, cụ thể hóa các chương trình, kế hoạch chỉ đạo, hướng dẫn ngành dọc tại các địa phương thực hiện tốt công tác trẻ em trên địa bàn.
 
Đặc biệt, trong giai đoạn 2015 - 2019, các sở, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh thường xuyên  tổ chức các hoạt động tuyên truyền về Luật Trẻ em, Luật Phòng, chống bạo lực gia đình, Luật Hôn nhân gia đình và các chính sách, pháp luật khác liên quan đến trẻ em… Cùng với đó, các cơ quan, đơn vị đã hướng dẫn quy trình can thiệp, hỗ trợ giúp trẻ em bị bạo lực, xâm hại nhằm thực hiện tốt quy trình tiếp nhận, xử lý thông tin, tố giác hành vi bạo lực, xâm hại trẻ em thông qua các hình thức phong phú, đa dạng như: Tổ chức các cuộc họp, hội nghị, hội thảo, giao ban, lễ chào cờ, sinh hoạt chuyên đề định kỳ, tuyên truyền lưu động… Thời gian qua, lực lượng Công an đã phối hợp với các tổ chức quốc tế (Rồng Xanh) giải cứu thành công và tổ chức tiếp nhận, bàn giao 16 trẻ em là nạn nhân bị mua bán, xâm hại cho gia đình…
 
Để công tác chăm sóc, bảo vệ trẻ em có hiệu quả hơn trong giai đoạn hiện nay, rất cần sự chung tay vào cuộc không chỉ riêng các gia đình, mà còn của cả xã hội, các cấp, ngành từ Trung ương đến địa phương, làng, xã. Trong đó, công tác tuyên truyền, giáo dục, truyền thông về bảo vệ trẻ em cần được đẩy mạnh, nhằm nâng cao nhận thức, kiến thức và kỹ năng bảo vệ, phòng ngừa vi phạm, xâm hại trẻ em cho các tổ chức, gia đình, nhà trường, bản thân trẻ em và cộng đồng xã hội; tăng cường công tác quản lý Nhà nước về trật tự an toàn xã hội; thường xuyên tuần tra kiểm soát xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trong lĩnh vực về trật tự an toàn xã hội. Đồng thời, các cơ quan, đơn vị phối hợp làm tốt công tác quản lý, giáo dục, giúp đỡ với trẻ em có nguy cơ bị xâm hại, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn và trẻ em vi phạm pháp luật; làm tốt công tác phát hiện, xử lý các hành vi vi phạm và tội phạm xâm hại trẻ em…
 
Trẻ em hiện nay đang là đối tượng dễ bị xâm hại về thể chất, tinh thần, rất cần sự chung tay bảo vệ không riêng mỗi gia đình mà cả cộng đồng, xã hội.

V. Thành

Các tin khác