An ninh trật tự
Tăng cường đấu tranh phòng, chống mua bán, vận chuyển động vật hoang dã
15:13, 18/04/2019 (GMT+7)
Mặc dù thời gian qua, Công an tỉnh Nghệ An đã huy động lực lượng, sử dụng đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ, đấu tranh quyết liệt với các hành vi mua bán, vận chuyển động vật hoang dã (ĐVHD), tuy nhiên, tình trạng nói trên vẫn ngày càng diễn biến phức tạp với nhiều thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt để tránh sự phát hiện của cơ quan chức năng. Điều này đặt ra thách thức không nhỏ cho lực lượng Công an trong thời gian tới nhằm góp phần bảo tồn các loài ĐVHD, cân bằng hệ sinh thái và đảm bảo môi trường sống lành mạnh.
Nhiều kết quả đáng ghi nhận
Những năm gần đây, tình trạng săn bắt, vận chuyển, mua bán, nuôi nhốt ĐVHD trên địa bàn tỉnh có chiều hướng gia tăng, nhất là tình trạng vận chuyển từ Lào qua các cửa khẩu quốc tế, các đường tiểu ngạch về Việt Nam để tiêu thụ. Do đặc điểm địa lý thuận lợi, các đối tượng thường lợi dụng địa bàn Nghệ An làm nơi tập kết, trung chuyển ĐVHD từ nước ngoài (chủ yếu từ Lào) về Việt Nam với phương thức, thủ đoạn tinh vi, liều lĩnh. Trong tỉnh, nổi lên một số địa bàn cấp huyện trên tuyến Quốc lộ 1, 46 có các đối tượng “đầu nậu” thu mua, vận chuyển, tiêu thụ ĐVHD và sản phẩm ĐVHD.
Tình trạng nuôi nhốt ĐVHD quý hiếm tiếp tục diễn ra, tiềm ẩn phức tạp, chủ yếu là hành vi nuôi nhốt hổ, tập trung ở địa bàn các huyện Quỳnh Lưu, Yên Thành, Diễn Châu. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này chủ yếu là do nhận thức chưa đầy đủ của người dân về hành vi xâm hại các loài ĐVHD trái phép. Bên cạnh đó, lực lượng chức năng, chính quyền địa phương còn buông lỏng việc bảo tồn thiên nhiên; công tác tuyên truyền, vận động nhân dân chấp hành pháp luật bảo vệ tài nguyên, đa dạng sinh học yếu kém và còn bị xem nhẹ.
Phòng Cảnh sát Môi trường kiểm tra tang vật trong 1 vụ mua bán, vận chuyển động vật hoang dã |
Trước tình hình đó, Công an tỉnh Nghệ An đã chỉ đạo Công an các đơn vị, địa phương làm tốt công tác điều tra cơ bản, phối hợp với các lực lượng như: Bộ đội Biên phòng, Hải quan, Kiểm lâm, Quản lý thị trường nắm chắc tình hình, chủ động xác định các tuyến, địa bàn trọng điểm về tội phạm và vi phạm pháp luật về mua bán, vận chuyển, tàng trữ ĐVHD, quý hiếm để tập trung đấu tranh; đồng thời, chủ động triển khai quyết liệt các biện pháp nghiệp vụ, đấu tranh có hiệu quả với các đường dây, ổ nhóm, đối tượng có những hành vi trên. Bên cạnh đó, phối hợp triển khai có hiệu quả các mặt công tác quản lý Nhà nước về ANTT; thường xuyên tiến hành kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về bảo vệ ĐVHD, quý hiếm tại các nhà hàng, khách sạn, cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống trên địa bàn nhằm chủ động phòng ngừa, kịp thời phát hiện các hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến ĐVHD.
Chỉ đạo Công an các đơn vị, địa phương, đặc biệt là Phòng Cảnh sát Môi trường (CSMT) và Công an các huyện biên giới làm tốt công tác hợp tác quốc tế với các tỉnh có chung đường biên giới với nước CHDCND Lào trong công tác phòng, chống tội phạm nói chung, phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật về mua bán, vận chuyển, tàng trữ ĐVHD quý hiếm nói riêng. Ngoài ra, tích cực nghiên cứu Luật Bảo vệ ĐVHD, các thông tư, nghị định liên quan để phát hiện những sơ hở, thiếu sót, bất cập trong công tác quản lý, bảo vệ ĐVHD để kiến nghị các cơ quan chức năng khắc phục, chấn chỉnh, thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ quản lý Nhà nước.
Với việc triển khai nhiều giải pháp đồng bộ, từ đầu tháng 1 đến nay, Công an các đơn vị, địa phương trên địa bàn tỉnh đã bắt 12 vụ, 17 đối tượng về hành vi mua bán, vận chuyển ĐVHD. Thu giữ tang vật gồm: 614,123 kg động vật và rất nhiều cá thể hổ, ba ba, khỉ, rùa, voọc, tê tê, dúi rừng... Trong đó, Phòng CSMT được xem là đơn vị chủ công khi liên tiếp bắt giữ nhiều đối tượng, thu số lượng lớn tang vật liên quan. Theo đó, trong khoảng thời gian trên, đơn vị đã bắt 5 vụ, 10 đối tượng mua bán, vận chuyển ĐVHD. Điển hình, ngày 6/1/2019, đơn vị phối hợp với Công an huyện Quỳnh Lưu bắt 1 đối tượng vận chuyển thịt và xương hổ không có giấy tờ hợp pháp, với tổng trị giá khoảng 700.000.000 đồng. Tiếp đó, ngày 20/1, Phòng phá Chuyên án 718D, bắt 4 đối tượng, thu giữ 13 cá thể khỉ, 2 cá thể voọc và 1 xe ôtô. Hay gần đây nhất, vào ngày 30/3, đơn vị phối hợp với Văn phòng Cơ quan CSĐT Công an tỉnh đấu tranh, bắt giữ đối tượng Nguyễn Thị Thủy về hành vi mua bán 11 cá thể tê tê có trọng lượng 58,2 kg.
Để đạt được những kết quả nói trên, ngoài công tác đấu tranh theo kế hoạch của Công an tỉnh, thời gian qua, Phòng CSMT đã chủ động phối hợp với Công an cấp huyện, xã, chính quyền địa phương sử dụng đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ để nắm bắt đối tượng, địa bàn có liên quan đến hoạt động săn bắt, nuôi nhốt, mua bán, vận chuyển, tàng trữ ĐVHD. Cùng với đó, phối hợp với lực lượng Kiểm lâm cấp huyện trên tuyến để thu thập thông tin, tài liệu của các tổ chức, cá nhân trong hoạt động nuôi nhốt, mua bán, vận chuyển ĐVHD như: Quyết định, giấy phép, các thủ tục pháp lý, quy định, trình tự, thủ tục, hồ sơ pháp lý về nuôi nhốt ĐVHD và các đối tượng đầu nậu thường xuyên có biểu hiện thu mua, tập kết, tiêu thụ ĐVHD trái phép trên tuyến.
Vẫn còn nhiều khó khăn, vướng mắc
Mặc dù đạt nhiều kết quả tích cực, tuy nhiên, công tác đấu tranh với các hành vi mua bán, vận chuyển ĐVHD trong thời gian qua vẫn còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc, đòi hỏi các cơ quan chức năng cần nhanh chóng tháo gỡ, khắc phục trong thời gian tới. Theo đó, Nghệ An là tỉnh có diện tích lớn nhất cả nước, có 6 tuyến quốc lộ chạy qua địa bàn và tuyến biên giới dài 419,5 km. Lợi dụng điều này, các đối tượng thường vận chuyển ĐVHD từ Lào và các tỉnh khác qua địa bàn Nghệ An ra phía Bắc để tiêu thụ, trong khi lực lượng làm công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật về nuôi nhốt, tàng trữ, mua bán, vận chuyển ĐVHD còn mỏng, kinh phí và các trang thiết bị, máy móc phục vụ công tác đấu tranh còn hạn chế.
Cùng với đó, đối tượng phạm tội và vi phạm pháp luật liên quan đến ĐVHD quý hiếm đa thành phần, hoạt động ngày càng tinh vi, xảo quyệt như: Sử dụng các phương tiện, máy móc hiện đại, gây khó khăn cho công tác phát hiện, bắt giữ. Chúng tận dụng nhiều tuyến đường, phương tiện giao thông để giao thương, thậm chí là tự thiết kế các khoang hầm trên xe khách, xe tải, trong bình xăng có cửa mở bằng thủy lực, có xe đi tiền trạm để tránh sự phát hiện của lực lượng chức năng. Các đối tượng trong đường dây, ổ nhóm chủ yếu là người thân của nhau, đa số đều có tiền án, tiền sự liều lĩnh nên công tác tiếp cận, thu thập thông tin, bắt giữ gặp nhiều khó khăn.
Một số loài động vật hoang dã thu giữ trong quá trình đấu tranh các chuyên án |
Bên cạnh đó, ĐVHD sau khi bắt giữ đa số phải giám định bằng phương pháp xác định ADN với kinh phí cao, nhiều vụ việc có số lượng tang vật cần giám định lớn; trong khi nguồn kinh phí phục vụ công tác này vẫn còn nhiều hạn chế. Công tác phối hợp giữa các lực lượng chức năng như Kiểm lâm, Bộ đội Biên phòng, Hải quan, Quản lý thị trường với lực lượng Công an trong công tác phòng ngừa, đấu tranh chống các hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến bảo vệ ĐVHD quý hiếm có nơi, có thời điểm chưa thật sự đồng bộ, hiệu quả chưa cao. Ngoài ra, Bộ luật Hình sự 2015 mới có hiệu lực từ ngày 1/1/2018, nhiều điều luật liên quan đến ĐVHD chưa có văn bản hướng dẫn cụ thể để thực hiện. Trong đó, Điểm B, Khoản 1, Điều 224 quy định “tàng trữ, vận chuyển, buôn bán trái phép cá thể, bộ phận cơ thể không thể tách rời sự sống hoặc sản phẩm của động vật quy định tại Điểm A, Khoản này”. Vì thế, rất khó xác định định lượng sản phẩm động vật hoặc bộ phận cơ thể không thể tách rời sự sống để khởi tố hình sự.
Để nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật về nuôi nhốt, tàng trữ, mua bán, vận chuyển ĐVHD trong thời gian tới, điều cốt yếu là cần hoàn thiện đồng bộ hệ thống pháp lý trong đấu tranh phòng, chống tội phạm liên quan ĐVHD, tạo điều kiện cho cơ quan chức năng trong quá trình điều tra, xử lý tội phạm. Bổ sung, sửa đổi quy định về xử lý vi phạm đối với hành vi xâm hại ĐVHD thông thường trái pháp luật theo hướng tăng nặng để đủ sức răn đe, phòng ngừa.
Bên cạnh đó, giữa các lực lượng Công an, Kiểm Lâm, Bộ đội Biên phòng, Hải quan, Quản lý thị trường cần có sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả hơn trong công tác phát hiện, bắt giữ, xử lý hành vi vi phạm các quy định của Nhà nước về nuôi nhốt, mua bán, vận chuyển, tàng trữ ĐVHD. Đặc biệt là đẩy mạnh quan hệ hợp tác quốc tế trong đấu tranh, xử lý tội phạm mua bán, vận chuyển ĐVHD có yếu tố nước ngoài. Ngoài ra, cần chú trọng tuyên truyền, giáo dục nâng cao ý thức, trách nhiệm của quần chúng nhân dân và phát huy vai trò của các tổ chức xã hội trên địa bàn trong việc bảo vệ ĐVHD.
Ngọc Anh