(Congannghean.vn)-Sau chuyến “tầm nã” dài ngày ở các tỉnh phía Nam và khu vực Tây Nguyên, Tổ công tác Đội truy nã Phòng Cảnh sát Hình sự, Công an tỉnh đã bắt thành công 5 đối tượng truy nã về quy án. Trong số này có đối tượng đã trốn nã hơn 20 năm, thay tên đổi họ, tìm nhiều cách che giấu thân phận của mình.
Bài 1: 8 ngày tầm nã, bắt 5 đối tượng về quy án
Lực lượng Công an dẫn giải các đối tượng truy nã bị bắt trong đợt này |
Gian nan những chuyến tầm nã
2 giờ ngày 21/3, xe của Tổ công tác Đội truy nã, Phòng Cảnh sát Hình sự về tới trụ sở đơn vị kết thúc chuyến hành trình tầm nã hơn 1 tuần ở các tỉnh phía Nam và khu vực Tây Nguyên. Chỉ đến lúc này, những CBCS trong Tổ công tác mới thở phào nhẹ nhõm. Là lính “tầm nã” ai cũng hiểu việc bắt đối tượng truy nã đã khó, việc đảm bảo an toàn trong quá trình dẫn giải đối tượng cũng khó khăn không kém. Bởi tâm lý của một đối tượng sau nhiều năm trốn truy nã diễn biến rất phức tạp, có nhiều biểu hiện tiêu cực, vì vậy trong suốt quá trình dẫn giải, các CBCS phải kiêm luôn nhiệm vụ của các chuyên gia tâm lý.
Trong chuyến công tác này, Tổ truy nã đã bắt thành công 5 đối tượng, đây đều là những đối tượng lỳ lợm, ngoan cố, trong suốt quá trình lẩn trốn đã thay tên đổi họ, thường xuyên thay đổi nơi ở, sống ẩn dật, chui lủi ở nhiều địa phương khác nhau. Cả 5 đối tượng này đều lẩn trốn ở các tỉnh Tây Nguyên và Bình Dương, gồm:
Trần Quang Thành (SN 1986) trú tại xã Xuân Lâm, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An, lẩn trốn ở tỉnh Bình Dương, phạm tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”. Thành bị cơ quan điều tra hình sự quân sự Quân khu 1 ra quyết định truy nã vào năm 2011.
Đỗ Khánh Đức (SN 1978) trú tại TP Vinh, tỉnh Nghệ An, bị Cơ quan CSĐT Công an TP Vinh ra quyết định truy nã vào tháng 8/2018 về tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”. Đức bị bắt giữ khi đang lẩn trốn tại tỉnh Kon Tum. Đây là một trong những đối tượng lỳ lợm, khi bị bắt đã một mực phủ nhận và không hợp tác với lực lượng Công an.
Cũng về tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”, đối tượng Phan Đình Hòa (SN 1979) trú tại TP Vinh bị bắt ở TP Buôn Mê Thuột, tỉnh Đắk Lắk. Hòa sa lưới sau 2 tháng bỏ trốn.
Đối tượng Nguyễn Ngọc Tiện (SN 1987) trú tại xã Kim Liên, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An bị Công an huyện Nam Đàn phát lệnh truy nã về tội “Cố ý gây thương tích”. Tiện bị bắt sau 12 năm lẩn trốn.
Trong đợt này, Tổ truy nã cũng bắt giữ thành công đối tượng Lê Văn Trung (SN 1968) trú tại xã Hưng Thịnh, huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An. Đây là đối tượng đặc biệt nguy hiểm, có nhiều tiền án, bị truy nã về tội “Cố ý gây thương tích” và “Phá nơi giam giữ”. Trung bị bắt sau 21 năm lẩn trốn tại huyện Đắk Hà, tỉnh Đắk Nông.
Cuộc đấu trí với những đối tượng sừng sỏ
Như một lẽ tự nhiên, đã là đối tượng trốn truy nã thì không bao giờ có ý định ra đầu thú, nhất là khi các đối tượng đã "cao chạy xa bay" và tạo được vỏ bọc an toàn. Trong khi, không phải gia đình nào có người phạm tội bỏ trốn cũng hợp tác với lực lượng Công an vận động người thân quay về chịu án.
Một CBCS trong Tổ truy nã chia sẻ, bắt được đối tượng sớm chừng nào thì càng rút ngắn được thời gian “thay hình đổi dạng”, thế nhưng không phải chuyến “tầm nã” nào cũng hoàn thành nhanh chóng bởi tội phạm luôn tìm mọi cách đối phó và thường che dấu tung tích bằng thủ đoạn dùng giấy tờ giả, tạo “vỏ bọc” hợp pháp nên việc truy bắt nhiều khi như “mò kim đáy bể”, nhất là những đối tượng đã lẩn trốn hàng chục năm. Trong chuyến truy bắt này, có nhiều đối tượng bị bắt chỉ sau vài tháng lẩn trốn, tuy nhiên, để truy bắt thành công, lực lượng Công an cũng phải rất dày công đấu trí.
Đối tượng đầu tiên bị lực lượng Công an “sờ gáy” trong chuyến hành trình này là Đỗ Khánh Đức. Đây là đối tượng có phương thức thủ đoạn hoạt động vô cùng tinh vi, khi bị bắt đã một mực phủ nhận, kiên quyết không hợp tác, không khai báo với lực lượng Công an. Ngay cả khi về trụ sở Công an, Đức vẫn giữ gương mặt sắc lạnh.
Trong 3 năm từ 2017 - 2019, đối tượng Đỗ Khánh Đức đã có tới 2 quyết định truy nã. Năm 2017, Đức thi hành án về tội hủy hoại tài sản. Sau khi ra tù, Đức tiếp tục thực hiện hành vi lạm dụng chiếm đoạt tài sản khi mượn xe ôtô của một người bạn đi cầm cố sau đó bỏ trốn khỏi địa phương. Cơ quan CSĐT Công an TP Vinh đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Đức. Sau quá trình điều tra, Đức được tại ngoại, tuy nhiên trong thời gian này Đức đã bỏ trốn. Bị truy nã, Đức đến cơ quan Công an đầu thú. Sau khi đối tượng ra đầu thú, cơ quan Công an đã áp dụng biện pháp ngăn chặn đi khỏi nơi cư trú đối với đối tượng này. Tuy nhiên, Đức lại một lần nữa bỏ trốn khỏi địa phương. Như vậy, với cùng một tội danh, Đức bị truy nã đến 2 lần.
Việc truy bắt Đỗ Khánh Đức được lực lượng Công an xác định sẽ gặp nhiều khó khăn bởi bên cạnh các thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt thì Đức còn là đối tượng có máu mặt, có mối quan hệ xã hội phức tạp, do đó trong quá trình lẩn trốn rất có thể đối tượng sẽ liên lạc với những đối tượng cộm cán khác. Vì vậy, việc bắt đối tượng được Phòng Cảnh sát Hình sự đưa vào Chuyên án 978L. Sau hơn 6 tháng lẩn trốn, Đức bị bắt giữ khi đang lẩn trốn tại tỉnh Kon Tum.
(còn nữa)